ĐÁNH GIÁ CHUNG
Với 10 triệu đồng, lắp ráp được một bộ loa có tiếng tốt như Q Acoustics Media BT3 đã không phải chuyện dễ, đã vậy lại còn có thêm kết nối không dây Bluetooth chất lượng.
ƯU ĐIỂM
Dễ lắp đặt
Nhiều kết nối tiện dụng, chất lượng
Đi kèm remote
Âm thanh tốt so với kích thước
Thiết kế đẹp
NHƯỢC ĐIỂM
Ê căng khó tháo rời
Vẫn phải dùng dây tín hiệu giữa 2 loa
GIÁ THAM KHẢO
9,900,000 VNĐ
ĐIỂM
9/10 điểm
Sự tò mò của Stereo bắt nguồn từ việc Q Acoustics BT3 đã được nhận được vô số lời khen ngợi từ các tạp chí audiophile – công nghệ hàng ...
Sự tò mò của Stereo bắt nguồn từ việc Q Acoustics BT3 đã được nhận được vô số lời khen ngợi từ các tạp chí audiophile - công nghệ hàng đầu như What’s Hi-Fi, Stuff, Hi-Fi Choice, nhận giải thưởng Best Buy của Home Cinema. Một vài người có thể đánh giá sai, nhưng chẳng lẽ hàng tá chuyên gia như vậy cũng tâng bốc?
Thiết kế Q Acoustics giới thiệu rằng, Media BT3 không phải một cặp loa không dây thông thường, mà phải gọi loa Hi-Fi có thêm kết nối không dây. Bằng chứng là sản phẩm này được thiết kế theo dạng bookshelf cỡ nhỏ với cấu trúc 2 đường tiếng thực sự. Ở phiên bản mới ra mắt năm nay, Q Acoustics đã chuyển sang sử dụng sơn mài để trang trí bộ vỏ (với 3 màu đỏ, trắng, đen). Công nghệ sơn mài mà hãng áp dụng có độ bóng rất cao nhằm tăng độ sang trọng, nhưng họ cũng đảm bảo rằng lớp phủ bên ngoài này có khả năng chống xước tốt. Phần lưới ê-căng cũng được gắn chặt vào thân loa, tránh người không không sử dụng “chọc ngoáy’ nhầm vào (nhưng vẫn có thể tháo ra nếu có dụng cụ).
Nhà sản xuất khuyến cáo rằng BT3 nên sử dụng với các phòng khách và phòng nghe có diện tích khoảng 20 mét vuông trở xuống, khá phù hợp với các không gian thông thường ở Việt Nam. Và cũng cần lưu ý rằng việc kết nối giữa 2 loa được phụ trách bởi 1 dây tín hiệu 2 đầu 3,5mm với độ dài 2 mét. Bởi phần ampli 2 kênh công suất 100watt và bộ giải mã DAC được tích hợp ở loa bên phải theo dạng active, xử lý toàn bộ âm thanh rồi mới gửi đến loa bên tái. Dây tín hiệu này khá dễ tìm, nên có thể tìm phụ kiện thay thế, hoặc kéo dài nếu thấy cần thiết. BT3 sử dụng một củ mid/bass 10cm màng giấy pha sợi thủy tinh giống “đàn anh” 3020 và củ treble dome 2,5cm. Và người dùng cũng có thể dùng thêm loa sub kết hợp với BT3 để tăng thêm bass nếu muốn. Với những bộ loa nhỏ như vậy thì việc có subwoofer sẽ rất hữu ích trong nhiều trường hợp.
Nút nhỏ đằng sau lưng loa dùng để kết nối Bluetooth với điện thoại, máy tính ở lần đầu
Điểm nổi bật nhất của BT3 không chỉ là tích hợp sẵn DAC và ampli, mà Q Acoustics Media BT3 còn có kết nối Bluetooth 4.0, tích hợp codec aptX, đảm bảo chất lượng truyền phát gần tương đương với chơi đĩa CD ở mức 16-bit/44.1kHz. Chính bởi vậy, nhà sản xuất luôn quảng cáo mạnh về tính đa dụng của sản phẩm. Đối thủ chính mà BT3 hướng tới không phải các hệ thống loa Hi-Fi, mà là giúp người dùng sử dụng cùng với TV hoặc như một cặp loa máy tính thông qua cổng quang. Nhưng khi cần sự thuận tiện cao hơn thì chỉ cần sử dụng điều khiển từ xa để chuyển sang chế độ nhận nhạc qua Bluetooth, rồi “bắn” nhạc từ smartphone, máy tính bảng.
Màu đèn LED sẽ thay đổi tùy theo chế độ sử dụng: đỏ (tắt máy), xanh lá (cắm dây AUX) hoặc xanh dương (dùng Bluetooth)
Nghe thử Việc Q Acoustic chỉ cung cấp dây nối 2 loa dài 2 mét là có lý do. Kích thước nhỏ khiến công lực của loa không quá lớn. Và việc để loa các nhau xa tới khoảng 3 mét bắt đầu khiến âm thanh có cảm giác bị loãng. Khi sắp đặt tốt hơn, không gian tỏ ra thoáng đãng và rộng rãi hơn so với các loa soundbar cùng tầm giá, độ bóc tách, chi tiết dễ dàng tạo ấn tượng nếu đang nghe các loa máy tính hay các dàn mini compact. Người nghe sẽ có cảm giác cả sân khấu được đẩy về trước loa, khá gần gũi. Nhưng BT3 lại chưa thể mở rộng âm trường được về 2 phía, và đăng sau loa. Không chỉ về âm trường, BT3 có thể đánh bại hầu hết loa soundbar trong cùng tầm giá về chất âm. Hầu hết loa ở tầm giá này đều khó thể hiện bass ở tốc độ tốt được như BT3, đặc biệt là khi chơi loa soundbar thì việc lắp đặt để tối ưu bass cũng không hề đơn giản. Bass của BT3 không thực sự mạnh, đôi khi hơi mềm, nhưng cách thể hiện khá tinh tế, chi tiết chứ không bị vón cục. Lượng bass không nhiều, có thiên hướng chơi kiểu chính xác, làm nền tốt. Nếu là người nghe EDM hoặc nhạc mạnh, nhạc sàn thì có lẽ cặp loa này chưa đủ để đáp ứng.
Loa chính sẽ tích hợp sẵn nguồn điện, bộ giải mã DAC và ampli
Loa phụ được thiết kế dạng passive thông thường
Nghe thử album “An Acoustic Evening at the Vienna Opera House” của Joe Bonamassa, cặp BT3 chinh phục được cả những đoạn piano khó ở đầu bài “Jockey Full of Bourbon” một cách rõ ràng và chi tiết. Đôi khi BT3 khiến tôi thấy cảm giác chưa đủ trong trẻo, nhưng bù lại thì tính cân bằng và pha thêm một chút nhạc tính dễ dàng làm hài lòng. Khi xem phim, BT3 không đẩy giọng nói lên quá nổi bật như các loa soundbar trong cùng tầm giá, mà hài hòa cả 3 dải âm. Loa BT3 được thiết kế với lỗ thông hơi ở mặt trước, và lưng sau của loa chỉ dành cho các cổng kết nối, cắm dây nguồn cũng như nút bật/tắt loa. Như vậy, người chơi có thể đẩy loa vào sát tường, hoặc để ở giữa bàn mà không ngại dội âm, cộng hưởng âm xấu. Q Acoustics không cung cấp tùy chỉnh thay đổi âm thanh theo vị trí đặt loa và vị trí người ngồi nghe. Khi lắp ở phòng nghe rộng khoảng 40 mét vuông (lớn hơn mức đề xuất) thì bass của BT3 có dấu hiệu đuối, trở nên đục hơn mặc dù chưa phải chơi ở mức âm lượng tối đa. Khi chuyển sang kết nối Bluetooth, không gian có cảm giác thu hẹp lại một chút, và độ chi tiết giảm bớt, nhưng vẫn ở mức khá tốt so với khi sử dụng dây tín hiệu.
Kết luận Tôi không cho rằng Q Acoustic BT3 là cặp loa hay nhất trong tầm giá 10 triệu đồng. Nhưng với âm thanh thuộc top đầu trong phân khúc, cạnh tranh dễ dàng bất cứ loa soundbar nào cùng tầm tiền thì việc nó được ca ngợi cũng không quá ngạc nhiên.