ĐÁNH GIÁ CHUNG
Harman/Kardon Aura Studio là một bộ loa để bàn cân bằng hoàn hảo giữa về vẻ đẹp thiết kế và chất lượng âm thanh với mức giá tương đối dễ chịu.
ƯU ĐIỂM
Thiết kế đẹp và sang trọng
Gọn gàng, dễ lắp đặt và không tốn nhiều chỗ
Âm bass chắc, khỏe phù hợp nhạc EDM
Chất lượng âm thanh tương đối đồng đều tại mọi vị trí nghe
NHƯỢC ĐIỂM
Dải cao hơi hiền
Đôi lúc lượng bass hơi nhiều hơn mức cần thiết
Chất lượng âm thanh qua Bluetooth chưa tốt ưu
GIÁ THAM KHẢO
5,900,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Aura Studio là sản phẩm mới nhất nằm trong chiến lược năm 2016 của Harman/Kardon với thiết kế trong suốt đặc trưng không thể nhầm lẫn của dòng Aura, nhưng ...
Aura Studio là sản phẩm mới nhất nằm trong chiến lược năm 2016 của Harman/Kardon với thiết kế trong suốt đặc trưng không thể nhầm lẫn của dòng Aura, nhưng sở hữu mức giá dễ chịu hơn nhiều so với người tiền nhiệm trước đây của mình.
Thiết kế
Nếu là một fan cuồng nhiệt của Harman/Kardon từ thời của series loa để bàn SoundStick huyền thoại, ngay lập tức bạn sẽ nhận ra nhiều thứ quen thuộc cũng có mặt trên Aura Studio. Toàn bộ phần vỏ ngoài của loa được làm tự nhựa trong suốt khá độc đáo và ấn tượng. Việc này cũng cho phép người dùng nhìn thấu toàn bộ cấu tạo và vòng đèn LED chỉ thị các chế độ hoạt động của loa ở phía trong.
Được thiết kế dưới dạng loa vô hướng omni-directional chuẩn mực, Aura Studio hoàn toàn không có bất cứ một loa con thành phần rời nào đặt bên ngoài, thay vào đó 6 driver trung-cao (mid-high frequency driver) đường kính 1,5" sẽ được chia thành hai nhóm và tích hợp trực tiếp vào ngay thân loa, cho phép âm thanh có khả năng lan tỏa 360 độ xung quanh không gian đặt loa.
Trong khi đó, một subwoofer với đường kính 4.5" sẽ phụ trách toàn bộ công việc tái tạo dải trầm cho hệ thống. Driver được đặt theo chiều hướng xuống đất theo dạng down-firing và lỗ thoát hơn hướng lên trên. Với thiết kế này, loa sẽ tỏ ra tương đối nhạy cảm với loại bề mặt nơi đặt loa. Tốt nhất là bạn hãy sắp xếp cho Aura Studio một nơi có nền vững chắc và đủ cứng cáp để loa có thể ra âm thanh tối ưu nhất.
Giống như người tiền nhiệm trước đây, toàn bộ các phím bấm điều khiển của Aura Studio đều được thiết kế dưới dạng phím cảm ứng và đặt ngay trên cạnh viền của loa. Trong khi đó, các cổng kết nối được đưa hết về phía sau với một đường input 3,5mm truyền thống và một cổng micro USB dành cho các nhu cầu sửa chữa và nâng cấp firmware về sau này. Do không được tích hợp pin sạc, loa hoạt động hoàn toàn bằng nguồn adapter bên ngoài như một bộ loa để bàn thuần túy.
Nhằm giảm giá thành, hãng Harman/Kardon cũng đã loại bỏ hoàn các tính năng AirPlay và khả năng giải mã âm thanh số qua đường Optical trên Aura Studio, do vậy các bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra sự vắng bóng của cổng USB Type-A và ngõ SPDIF/Toslink vốn đã quen thuộc trên thế hệ Aura trước đây.
Chất lượng âm thanh
Với số lượng đầu vào hỗ trợ không nhiều, chúng tôi quyết định đánh giá khả năng của Aura Studio thông qua cả kết nối Bluetooth và kết nối analog truyền thống với nguồn phát chung là laptop Macbook Pro. Loa được đặt ngay trên một mặt bàn phẳng bằng gỗ MDF với độ dày 30mm và đặt cách vị trí người nghe khoảng 1,5m.
Bắt đầu với một chút sôi động từ một số bản dubstep và dance quen thuộc trong list nhạc, mẫu loa mới của Harman/Kardon đã nhanh chóng khiến chúng tôi phải chú ý với phong độ thể hiện dải trầm khá ấn tượng. Với lợi thế được trang bị subwoofer với đường kính lớn, các nhịp bass điện tử trên các bản EDM được đánh với lực khỏe, mềm, căng và có độ impact tốt.
Năng lượng đượng phân bố hợp lý giữa cả phần mid bass và sub bass, đem đến cảm giác căng tràn và đầy đặn rất tốt khi cần thể hiện các đoạn dập kick với tốc độ dồn dập trong các đoạn cao trào, tạo nền nhịp điệu rất tốt cho các nhạc cụ khác có đất để thể hiện. Dường như đây là thứ bass lý tưởng được sinh ra dành cho các thể loại nhạc điện tử EDM sôi động.
Chuyển qua một vài bản Pop và hòa tấu đàn guitar nhẹ nhàng hơn, Aura Studio cho âm thanh với tổng thể tương đối dễ nghe và cố gắng đảm bảo sự hài hòa giữa các dải âm ở mức tương đối tốt. Dải mid của loa có xu hướng hơi dày một chút, phần high mid được giữ ở mức vừa đủ nên cho cảm giác khá mượt mà, dịu nhẹ khi thể hiện giọng hát của ca sĩ, nhưng vẫn giữ được đủ độ chi tiết cần thiết để có thể thấy được những đoạn nhấn nhá và lấy hơi tương đối rõ ràng.
Trong khi đó, các dải tần cao được loa thể hiện khá khiêm nhường với lượng chỉ vừa đủ và có xu hướng khá dịu và nhẹ nhàng, đủ để phần lớn người nghe phổ thông có cảm giác cân bằng và thấy được các chi tiết của bản nhạc, loại trừ gần như hoàn toàn hiện tượng sib và chói gây khó chịu. Nhưng nếu là người mong chờ một dải treble dày, sáng và nhiều năng lượng để phục vụ cho các bản rock hạng nặng như thì có lẽ Aura Studio sẽ chưa đủ khả năng để khiến bạn hài lòng.
Với cách sắp xếp vị trí các driver theo dạng loa 360 độ, Aura Studio không phải là một bộ loa có thế mạnh về khả năng tái tạo âm trường rộng mở và chính xác được như các bộ loa 2 kênh truyền thống. Nhưng bù lại, người dùng có thể đứng ở bất kì vị trí nào xung quanh loa trong phòng mà vẫn có thể được tận hưởng âm thanh với chất lượng gần như không thay đổi. Đây là một ưu điểm lý tưởng với tính chất sử dụng của một bộ loa để bàn, và rõ ràng Aura Studio đã làm rất tốt điều đó.