Peachtree 220 SE

Là một trong những hãng chế tạo ampli tiên phong trong lĩnh vực computer audio, toàn bộ các dòng ampli tích hợp của Peachtree đều được lắp sẵn một bộ giải mã USB DAC để chơi nhạc lossless. Peachtree 220SE là ampli tích hợp lớn hàng thứ 2 của hãng, với công suất lên đến 220w/kênh 8 Ohm, 350w/kênh 4 Ohm. Theo thiết kế truyền thống của hãng 220SE có lớp vỏ ngoài liền khối bằng gỗ sơn mài, đẹp, nhưng cũng dễ bị lem nếu không sử dụng găng tay. Mặt trước của máy được làm bằng nhôm dày 6mm, tên hãng và tên model được khắc chìm tinh xảo. Tuy có công suất lớn, nhưng tầng công suất của máy chạy mạch class D nên không sử dụng biến áp nguồn loại lớn kèm bộ tản nhiệt cồng kềnh, do đó máy khá nhẹ, tổng trọng lượng chỉ 11kg. Tầng preamp mạch classA dùng một bóng đèn quân sự 3 cực (triode) của Nga loại 6N1P (6922). Máy có 2 chế độ (dùng remote để chọn), hoặc xử lý tín hiệu tầng preamp qua đèn, hoặc chạy bypass, bỏ qua mạch đèn. Mặt sau của máy bố trí rất gọn với chỉ một ngõ tín hiệu vào AUX dạng RCA cho nguồn phát CD, turner, băng từ… Trong khi đó, có tới 2 ngõ OPT, 1 ngõ Coxal để kết nối với các thiết bị streaming như Sonos, Apple TV. Tuy nhiên, được quan tâm nhất chính là cổng USB kết nối 220 SE với nguồn phát nhạc lossless với khả năng xử lý tín hiệu lên tới 24-bit/192kHz, cùng khả năng nâng tần số mẫu và tái xử lý bộ tạo xung, cho phép hạn chế tối thiểu nhiễu jitter. Chúng tôi sử dụng nguồn phát thứ nhất từ đầu đọc CD Ayre CX 7 eMP để trải nghiệm âm thanh của Peachtree 220SE. Ampli được đấu với cặp loa Neat Acoustics SX 1. Buổi thử nghiệm được tổ chức tại test-lab của Stereo. Với đĩa thử SACD 24 bit của Sennheiser, Mr.Bones của Steve Strauss được thể hiện khá tốt, đặc biệt về mặt không gian và phần trầm. Về không gian, 220SE đã khiến đôi loa bookshelf tỏa âm phủ kín một phòng nghe 25m2, các lớp âm được bóc tách rõ ràng và chính xác. Từng chi tiết âm thanh của bản ghi được tái hiện đầy đủ với màu âm khá tự nhiên. Turned my upside down của Sara K. là bản nhạc có tiết tấu không quán nhanh, xong âm bass sâu và dày, thường cho âm trầm rối và ồn, nếu không được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, 220SE vẫn xử lý bè trầm một cách ổn thỏa. Giọng hát của Sara K được tái hiện có độ dày, ấm một cách vừa đủ để thỏa mãn người nghe. Chuyển sang bản nhạc cổ điển tiết tấu nhanh, với nhiều nhạc cụ hòa tấu, 220SE vẫn cho thấy khả năng kiểm soát loa vững vàng. Ở bản Concerto số 1 cho Piano của Tchaikovsky, có thể thấy ngay cả những đoạn cao trào, âm nhạc vẫn được tái hiện với đầy đủ độ hoành tráng cần thiết mà không bị rối. Tất nhiên, do hạn chế của cặp loa nhỏ 2 đường tiếng nên những hiệu ứng về bè trầm, về phân lớp chưa thực sự thuyết phục với một hệ thống lớn. Ở album nhạc Phạm Duy, những giọng ca say đắm lòng người của Duy Quang, Thái Hiền, Ái Vân, Duy Trác… được hệ thống tái tạo với đầy đủ độ trong sáng, vừa pha chút tình, lại có sự sang trọng, quý phái. Tuy nhiên, có những khoảnh khắc, chúng tôi vẫn kỳ vọng hệ thống có thể tái hiện âm nhạc chậm rãi, truyền cảm và ấm áp hơn nữa. Sự “sạch sẽ” trong chất âm là một phần đặc tính của mạch khuếch đại class D. Với nguồn phát từ computer, file FLAC chuẩn lossless, chất lượng âm thanh hoàn toàn có thể chấp nhận được. Những hiệu ứng về âm thanh từ nguồn phát này không quá khác biệt so với nguồn phát từ CD. Nếu có trong tay những file nhạc chất lượng tốt, người nghe có thể yên âm thưởng thức âm nhạc trực tiếp từ bộ lưu trữ, qua xử lý của DAC lắp trong 220SE. Ở bài thử tiếp theo, chúng tôi sẽ ghép Peachtree 220SE với những cặp loa nổi tiếng “khó nhằn” như Magnepan 1.7 để độc giả có dịp trải nghiệm khả năng xử lý loa lớn của chiếc ampli này.

Cùng chủ đề

Bình luận