Bệnh viên tâm thần lại “chào đón” một game thủ Dota 2

Bệnh viên tâm thần lại “chào đón” một game thủ Dota 2
(Ảnh minh họa)

Cái nhìn vô hồn, cử chỉ rụt rè, nói từng câu đứt quãng của chàng trai 23 tuổi, Đặng Duy không khỏi khiến người khác xót xa và giật mình nhìn lại những trò chơi điện tử gây nghiện.

Ở cái độ tuổi sức dài, vai rộng vậy mà Đặng Duy lại đang phải giam mình trong căng phòng điều trị tâm thần chỉ vì nghiện game Dota 2 suốt 5 năm nay. Cậu thanh niên cao 1m65, da trắng trẻo, bủng beo, người ì trệ đúng kiểu ít vận động thể thao, vận động hay di chuyển đều cần có người đỡ kèm.

Duy vẫn có thể trò chuyện bình thường nhưng nói đứt quãng, ánh mắt vô hồn, những ngón tay run run một cách không tự chủ do một thời gian dài “làm việc” không mệt mỏi trên bàn phím. “Em vào đây do nghiện game. Em chơi Dota 2”, Duy nói từng câu chậm chạp.

Bệnh viên tâm thần lại “chào đón” một game thủ Dota 2

Là con trai duy nhất trong gia đình, Duy được bố mẹ khá nuông chiều bởi thế dù biết con mình mải mê chơi game quên ăn quên ngủ họ cũng chỉ nhắc nhở cậu nhẹ nhàng. Duy bắt đầu nghiện game sau khi tốt nghiệp cấp 3 và thi vào Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội, sau khi học xong cũng không chịu đi kiếm việc làm mà tiếp tục chìm đắm vào trò chơi điện tử.

2 tháng trước khi vào viện, Duy đã tự bỏ được game. Tuy nhiên, bố cậu cho biết lúc nào con mình cũng "như có người điều khiển trong đầu, hay gào ầm, kêu ầm rồi nói lung tung". Năm ngoái, gia đình từng lên viện lấy thuốc về điều trị nhưng không đỡ. Gần đây, khi biểu hiện bất ổn của cậu tái phát, bố mẹ đã phải đưa cậu lên nằm nội trú với hi vọng có thể chữa dứt điểm.

"Một phần do game, một phần do em sống quá khép kín và tự kỷ, không giao tiếp với mọi người xung quanh", Duy nói. Tuy nhiên, cậu vẫn khẳng định bản thân không nghiện game mà chỉ "hay" xem thi đấu.

Dĩ nhiên, Duy không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất vì nghiện game mà phải tìm đến bệnh viện tâm thần. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết có tháng nơi đây tiếp nhận cả chục bệnh nhân điều trị nghiện game, Internet. Đa số các trường hợp đều có dấu hiệu nặng hoặc bệnh nhân đã nghiện lâu năm, gia đình không còn biện pháp nào xử lý mới chịu đưa tới. Hầu hết bệnh nhân lúc đến đều gầy còm, ốm yếu, có người da bọc xương.

Trẻ con cũng có nguy cơ nghiện game nếu phụ huynh không quan tâm, để ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt, vui chơi giải trí của con (ảnh minh họa)

"Trước đây có một thanh niên 28 tuổi, học rất giỏi và từng được công ty nước ngoài tuyển dụng nhưng không chịu đi làm, chỉ muốn ở nhà chơi game. Tình trạng bệnh diễn biến nặng tới mức khi gia đình ngăn cấm dùng máy tính thì bệnh nhân đánh lại người nhà. Gia đình phải tới nhờ hỗ trợ và bệnh viện buộc phải tới tận nơi cưỡng ép, dùng dây trói đưa đi điều trị. Sau hơn một tuần, bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể giao tiếp bình thường. Sau khi xuất viện cũng không thấy phải quay trở lại", bác sĩ Thu kể.

Game, phim ảnh, Internet, smartphone giờ đây không đơn thuần chỉ là trò chơi giải trí mà nó như con dao hai lưỡi, khiến con người quên đi giao tiếp truyền thống mà mải chìm đắm vào thế giới ảo. Bởi thế mỗi cá nhân cần có sự tự chủ và tự giác trong việc điều chỉnh lịch sinh hoạt cũng như mở rộng giao tiếp với xã hội bên ngoài.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tham khảo: VnExpress

Bài viết liên quan

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận