Một năm mà những siêu anh hùng, dị nhân, những kẻ đồng loại, có khả năng đặc biệt quay ra đấu đá nhau. Và một lần nữa Marvel Studios chứng ...
Một năm mà những siêu anh hùng, dị nhân, những kẻ đồng loại, có khả năng đặc biệt quay ra đấu đá nhau. Và một lần nữa Marvel Studios chứng tỏ vị thế của mình tại phòng vé với “X-Men: Apocalypse”.
Sau loạt thành công của X-Men: First Class (2011) và X-Men: Days of Future Past (2014), người hâm mộ mong ngóng từng ngày để được chứng kiến dàn dị nhân thời còn trẻ trong phần cuối mang tên X-Men: Apocalypse.
Và cứ sau một phần phim, Marvel lại cố gắng đẩy kịch bản lên một level mới, một trận đánh tàn bạo với những địch thủ tưởng chừng như vô địch. Lần này các nhà biên kịch đã mở cái kho cũ kĩ nhất của lịch sử loài người, mang đến cho các fan một “vị thần” cổ xưa, đầy quyền năng, tham vọng nhưng lại tà ác – Apocalypse.
Trailer X-Men: Apocalypse phụ đề tiếng Việt
Tỉnh dậy sau giấc ngủ kéo dài hàng ngàn năm với nỗi uất hận bị phản bội, Apocalypse chỉ nung nấu một mối thù là quét sạch và thanh tẩy thế giới loài người. Tréo nghoe hơn, hắn còn tỉnh dậy vào năm 1983, thời kỳ mà con người có cái nhìn chả mấy thiện cảm với những kẻ đột biến.
Triệu tập nhóm tay chân Tứ Kỵ gồm Magneto (Michael Fassbender), Storm (Alexandra Shipp), Angel (Ben Hardy) và Psylocke (Olivia Munn), Apocalypse và phe có tư tưởng đối lập, đứng đầu là Giáo sư Charles Xavier cùng các học viên của mình đi vào cuộc chiến một mất, một còn.
Bên cạnh những gương mặt quen thuộc gồm Wolverine, Mystique, Magneto, Jean Grey, Storm… thì các gương mặt hiếm hoi xuất hiện khác như Quicksilver, Angel, Nightcrawler và Psylocke lại gây thích thú với những năng lực mới và các pha hành động mãn nhãn.
Việc tạo ra nhiều đất diễn cho “cậu con rơi” của Magneto là điều đúng đắn. Độ “nhí nhảnh”, hài hước của Quicksilver khiến cuộc chiến dị nhân nặng nề, nghiêm túc trở nên nhẹ nhàng, đúng tính chất của một tác phẩm giải trí. Những phân cảnh khi cậu thể hiện năng lực của mình được quay slow-motion trên nền nhạc Sweet Dreams (Are Made of This).
Như lời hứa, Simon Kinberg và Bryan Singer không đi sa đà vào mối quan hệ bạn – thù phức tạp giữa Giáo sư X và Magneto. Thay vào đó, X-Men: Apocalypse đi sâu vào những bí mật riêng tư của từng nhân vật. Khán giả sẽ hướng sự đồng cảm về phía Magneto khi biết lý do căm thù sâu sắc của ông với loài người đến từ đâu. Phim cố gắng giải thích nhiều thắc mắc nảy sinh từ trailer của fan, như Scott Summers (Tye Sheridan) khám phá sức mạnh rồi trở thành Cyclops ra sao? Chuyện tình giữa cậu và Jean Grey (Sophie Turner) xuất phất thế nào? Hay vì sao Charles Xavier không còn tóc nữa?
Tuy nhiên, chưa thể nói X-Men: Apocalypse là phần phim thành công nhất từ trước tới giờ của thương hiệu này. Điều người ta không thể phủ nhận là công nghệ làm phim ngày càng vượt trội, các cảnh phá hoại cũng được nâng tầm quy mô lẫn số lượng. Nhưng điều này lại chính là con dao hai lưỡi cho bộ phim. Một kịch bản còn lan man, vụn vặt là điều dễ thấy ở X-Men: Apocalypse. Không những thế, mô tuýp cũ rích về một vai chính diện đầy quyền năng và không thể sụp đổ đã trở nên vô cùng nhàm chán trong măt fan của các dị nhân.
Có lẽ vì thế mà X-Men: Apocalypse chỉ nhận được 51% phiếu bầu trên Rotten Tomatoes. Mike LaSalle đến từ San Francisco Chronicle cho phim một đánh giá tích cực, khen ngợi đây là phim về siêu anh hùng, thể loại hành động dành cho những người thích sự suy ngẫm. Bruce Kirkland đến từ Toronto Sun cũng cho phim này điểm tích cực. Trong khi đó, Mike Ryan của Uproxx cho phim nhận định tiêu cực, đánh giá: “Xem phim, tôi nhận ra rằng: Cuộc sống bình thường quá khó khăn với người đột biến, dị nhân. Chúng ta đều biết đều đó và bao lâu nay vẫn thế, chẳng có gì mới hơn. Trong thời điểm các phim siêu anh hùng đang ngày càng vui nhộn, đầy châm biếm thì X-Men 16 năm qua vẫn theo lối mòn, lặp đi lặp lại buồn chán”.
Dẫu sao nếu là một fan trung thành của thể loại siêu anh hùng thì không thể nào bỏ lỡ một bom tấn như X-Men: Apocalypse. Tuy không mong đợi bộ phim sẽ tạo ra thành tích doanh thu kỷ lục như Deadpool hay Captain America: Civil War, nhưng hy vọng các nhà làm phim sẽ dựa vào phản ứng và góp ý của khán giả để có những cải tiến phù hợp cho các thương hiệu ăn khách của mình.