Bao lâu nay cái tên Wolverine luôn được hiểu là “Người Sói” – một nhân vật giả tưởng có sức mạnh hoang dã như một loài thú hoang. Nhưng thực ra đó lại là tên của một loài... chồn.
Phần phim cuối về tượng đài siêu anh hùng Wolverine đang chiếm trọn trái tim khán giả toàn thế giới. Với sức mạnh vô địch, móng vuốt sắc nhọn cùng khả năng tự phục hồi đáng ngưỡng mộ, Wolverine khiến không ít người liên tưởng tới những chú sói hoang dã, khôn ngoan và mạnh mẽ.
Nhưng sự thực thì Wolverine lại ám chỉ một loài chồn có khả năng vượt xa cả sói. Wolverine trong tiếng Việt là “chồn gulo”, còn cái tên “Người Sói” do người Việt Nam đặt có lẽ xuất phát từ sự nhầm lẫn với từ wolves – chó sói (số nhiều của wolf).
Wolverine thuộc họ Mustelidae (họ chồn), nhưng lại là loài lớn nhất trong số các loài cùng họ trên cạn. Chỉ có rái cá biển và rái cá khổng lồ sông Amazon là 2 loài thuộc họ này mà lớn hơn nó mà thôi.
Chồn sói có thể nặng tới 32kg, dài hơn 1m với thể hình rắn chắc đầy cơ bắp. Chúng sống chủ yếu ở vùng phương Bắc giá lạnh, nhờ 5 móng vuốt nhọn sắc mà chúng có thể dễ dàng bám chắc trên nền tuyết trơn trượt.
Wolverine đánh nhau với gấu xám.
Một trong những đặc điểm khiến Logan được gọi là Wolverine đó là tính cách hung hãn tương đồng. Sức mạnh vượt xa hình dáng cơ thể, với khả năng giết con mồi lớn hơn chúng rất nhiều lần. Nạn nhân thường xuyên mà chúng nhắm tới là thỏ, nhưng nhiều người sẽ phải kinh ngạc khi chứng kiến chúng hạ gục hươu, nai sừng tấm trường thành hoặc chiến đấu với gấu đen.
Giống như nhiều loài chồn khác, Wolverine cũng “hôi” chẳng kém. Tuyến hôi nằm gần… cổng sau cho phép chúng đánh dấu lãnh thổ và trở thành vũ khí tự vệ hữu hiệu. Wolverine còn thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa chồn và sói khi thể hiện tài năng trong lĩnh vực… “trộm cắp”. Không chỉ ăn trộm thức ăn của những loài vật khác mà chúng còn lấy được đồ ăn đặt trong bẫy của con người mà chẳng bị xây xước gì. Lương thực do cướp bóc nhiều nên những tay trộm ranh mãnh này còn biết vùi thức ăn xuống dưới tuyết để trữ đông y hệt con người cất thực phẩm vào tủ lạnh vậy.
Trên tất cả, chồn gulo còn có một răng hàm đặc biệt ở sau miệng, cho phép chúng xé được thịt con mồi đã bị đông cứng - điều mà sói chịu chết cũng không làm được.
Mặc dù chưa được lọt vào nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong sách Đỏ, nhưng môi trường sống của chúng ngày một bị thu hẹp.