Mặc dù thời gian xuất hiện của chuẩn USB-C không phải là ngắn, song cho đến nay, số lượng tai nghe hỗ trợ loại kết nối này vẫn còn rất ít. Vậy đâu là lý do khiến USB-C bị "hắt hủi" như vậy?

Việc "khai tử" cổng tai nghe 3.5mm dường như đem lại nhiều sự khó chịu hơn cho người dùng. Các nhà sản xuất tham gia vào việc này thường cố gắng khuyến khích chúng ta chuyển sang dùng tai nghe không dây. Nếu như bạn không thích đeo thêm một thứ cần sạc pin, đôi khi lại hay gặp lỗi kết nối Bluetooth mỗi ngày? Dĩ nhiên, lựa chọn còn lại chính là các tai nghe có sẵn jack USB-C, thứ cho phép bạn tận hưởng cảm giác dùng tai nghe có dây và thậm chí còn mang nhiều ưu điểm về âm thanh hơn cả tai nghe jack 3.5mm.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, số lượng tai nghe USB-C trên thị trường hiện nay vẫn còn rất ít và giá thì không hề rẻ chút nào. Thậm chí, tình trạng này vẫn có khả năng kéo dài thêm một thời gian nữa. Vậy thì đâu là lý do khiến cho "con đường" của tai nghe USB-C có vẻ ảm đạm như thế?

Apple và Samsung không hứng thú với USB-C

Đây chính là nguyên nhân lớn nhất kìm hãm sự phát triển của tai nghe USB-C. Cụ thể, sản phẩm của Apple đều sử dụng chuẩn kết nối Lightning riêng, trong khi Samsung thì vẫn giữ lại cổng tai nghe 3.5mm. Điều này có nghĩa rằng, những dòng điện thoại đời mới từ 2 hãng này như iPhone X hay Galaxy S9 đều không cần đến sự hiện diện của tai nghe USB-C. Có thể trong tương lai Samsung sẽ bỏ đi kết nối analog này, nhưng đó chỉ là "có thể" mà thôi. 

Nhìn chung, trong tình hình hiện tại, nếu các hãng công nghệ muốn sản xuất một dòng tai nghe có thể hoạt động được cho thiết bị của Apple lẫn Samsung, giải pháp tốt nhất vẫn là sử dụng chuẩn kết nối không dây Bluetooth. 

USB-C không hề miễn phí

Tại sự kiện CES 2018 diễn ra vào đầu năm nay, việc mẫu tai nghe Elite 65t của Jabra vẫn sử dụng cổng sạc Micro USB truyền thống đã dấy lên nhiều thắc mắc từ người dùng lẫn các trang tin công nghệ. Câu trả lời của hãng dành cho điều này chính là chi phí. Tuy việc trang bị USB-C cho phép Elite 65t dùng chung cáp sạc với các thiết bị đời mới, nhưng đi kèm với lợi ích (nhỏ) này chính là Elite 65t sẽ không có được mức giá cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí, ngay cả một thương hiệu tai nghe cao cấp như Bang & Olufsen vẫn sử dụng cổng sạc Micro USB trên dòng tai nghe không dây đời mới Beoplay E8 để tiết kiệm chi phí. 

USB-C chưa thực sự phổ cập

Chúng ta thường quan niệm rằng: Khi một sợi cáp cắm vừa vào cổng thì nó có thể hoạt động tốt như loại cáp tương thích khác. Tuy nhiên, điều này lại không hề đúng với USB-C. Cụ thể, ở tai nghe Q Adapt USB-C giá 149 USD (khoảng 3,1 triệu đồng), chúng tôi nhận ra rằng nó chỉ hoạt động được trên các dòng điện thoại không có cổng 3.5mm. Thêm vào đó, khi kết nối vào cổng USB-C trên MacBook Pro thì lại không thể điều khiển âm lượng trực tiếp mà phải thông qua các ứng dụng như iTunes hoặc Spotify. 

Kết nối không dây đang là ưu thế 

Thách thức lớn nhất để USB-C trở thành chuẩn kết nối thay cho 3.5mm là công nghệ không dây Bluetooth. Mặc dù bản thân kết nối Bluetooth có những vấn đề như giảm chất lượng âm thanh, trễ tín hiệu, song sự tiện lợi mà nó đem lại có thể khiến người dùng chấp nhận bỏ qua. Thêm vào đó, hầu như mọi người đều tập trung vào việc nâng cấp chất lượng âm thanh không dây thay vì giải quyết các vấn đề có trên USB-C.

Nhìn qua thị trường, chúng ta sẽ gặp nhiều ví dụ cụ thể cho điều này: Audio-Technica hứa hẹn mở rộng dòng tai nghe không dây, Beyerdynamic ra mắt phiên bản không dây cho các dòng tai nghe phổ thông, Sennheiser thì lại chuyển hướng tập trung vào mảng tai nghe không dây. Thậm chí cả tai nghe chơi game cũng chuyển sang kiểu không dây cho "hợp thời". Ngoài ra, USB-C cũng khó mà lọt vào "mắt xanh" của các audiophile khi mà họ đặt nhiều sự quan tâm vào các kết nối analog như 3.5mm, 6.35mm, XLR hơn là kết nối digital này. 

Lời kết

Bỏ qua vấn đề về âm thanh, USB-C thật sự vẫn là chuẩn kết nối của các thiết bị số trong tương lai, đặt biệt là ở khả năng sạc pin. Chuẩn cổng sạc này hiện đã có mặt trên những dòng sản phẩm như: Macbook (Apple), Chromebooks (Google), ThinkPads (Lenovo) và nhiều loại điện thoại Android khác (chưa kể những dòng điện thoại bỏ cổng 3.5mm). Có thể sẽ mất một thời gian nữa để USB-C thay thế được các chuẩn sạc đang có hiện nay. Nếu điều đó trở thành sự thật, giá thành của các thiết bị và cáp USB-C sẽ có sự giảm mạnh để người dùng dễ dàng tiếp cận hơn.

Nguồn: The Verge.