Truyền thông mạnh mẽ và biểu tượng kinh dị “bàn cầu cơ” hiếm được khai thác đã giúp cho Trò Chơi Gọi Hồn 2 chưa ra mắt đã nổi như cồn. Nhưng, liệu phim có đáp ứng được kỳ vọng của khán giả về một chuẩn “dị” và “kinh” chưa thì còn phải xét.
Mặc dù là phần 2 nhưng Ouija: Origin of Evil (tựa tiếng Việt: Trò Chơi Gọi Hồn 2) lại đem khán giả ngược dòng quá khứ để đi tìm nguồn gốc của những ác quỷ, ma mãnh xung quanh chiếc bàn cầu cơ.
Vào năm 1976, tại căn nhà của góa phụ Alice (Elizabeth Reaser) cùng 2 cô con gái là Lina (Annalise Basso) và Doris (Lulu Wilson), các hoạt động gọi hồn, nói chuyện với người chết diễn ra thường ngày thực chất là màn “lừa đảo” của các bà đồng dởm nhằm kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống ngày một khó khăn kể từ sau cái chết của người chồng, Alice quyết định đổi mới công cụ lừa gạt bằng chiếc bàn cầu cơ – một trò chơi thịnh hành ở thời kỳ đấy.
Mặc dù đóng vai là các bà đồng, nhưng cả 3 mẹ con đều không có chút niềm tin vào trò bói toán hay các hiện tượng siêu nhiên. Họ phạm đủ 3 quy tắc của bàn cầu cơ, xui xẻo mời về nhà một con ác quỷ đích thực, chiếm đoạt linh hồn cô con gái út. Để từ đó, mọi việc kỳ lạ bắt đầu xảy ra trong ngôi nhà cổ.
Phải nói rằng bậc thầy của thể loại kinh dị Mike Flanagan đã chọn cho mình một chủ đề khó nhằn. Một chiếc bàn cầu cơ với cách chơi cố định và một kịch bản chắc chắn cùng nhãn phim PG-13 đã vô tình bó hẹp độ “kinh” của một tác phẩm kinh dị. Nếu bạn kỳ vọng một bộ phim thót tim hay ám ảnh kinh hoàng đến độ đêm không tài nào chợp được mắt thì Trò Chơi Gọi Hồn 2 chắc chắn không phải lựa chọn tốt.
Cứ nhìn vào các tác phẩm trước của Flanagan như Before I Wake, Oculus hay Straw Dogs thì hiểu phong cách làm phim kinh dị của ông. Mike luôn mong muốn truyền tải một thông điệp, ý nghĩa, tình cảm gia đình vào các tác phẩm của mình. Tức là phim của ông có thót tim đấy, dựng tóc gáy đấy nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi. Còn bao trùm tác phẩm là không khí cổ kính đúng chất thập niên 60, 70 và giọt nước mắt đọng lại cuối phim giúp “sưởi ấm” mùa Halloween hơn là một một Halloween mất ngủ.
Song, phải công nhận Mike quá tài tình hay quá may mắn trong việc tuyển chọn diễn viên. Đáng nói nhất là vai cô con gái út Doris do Lulu Wilson thủ vai. Nhỏ nhưng có võ, cô bé 9 tuổi này là gương mặt quen thuộc của thể loại kinh dị sau khi tạo dấu ấn mạnh mẽ trong Deliver Us From Evil. Chỉ cần cái nhìn trừng trừng, cười mỉm của cô bé thôi cũng đủ đẩy Trò Chơi Gọi Hồn 2 lên nấc thang mới. Đừng đùa với trẻ con! Đấy là câu mà có lẽ bất cứ khán giả nào cũng sẽ thốt lên khi thấy Doris đang mang trong mình con ác quỷ.
Lulu Wilson hoàn toàn có khả năng thể hiện được sự đấu tranh giằng xé giữa sự ngây thơ thánh thiện của cô bé Doris cũng như sự độc ác và nham hiểm của hồn ma đang chiếm lấy thân xác cô. Đạo diễn của phim hồi tưởng: “Lulu đã chuẩn bị một đoạn độc thoại được trích ra từ một bộ phim để giải thích cặn kẽ cảm giác khi bị bóp cổ tới chết là như thế nào. Lúc đó tôi gần như đã không thể đứng vững. Cô ấy là diễn viên duy nhất không thể hiện các câu thoại bằng một giọng điệu đáng sợ. Thay vào đó, Lulu đã nói một cách rất bình thản, ngây thơ với một nụ cười trên môi. Đó là một lựa chọn vô cùng tinh tế, nó khiến tất cả chúng tôi cảm thấy kinh ngạc.”
Nếu các màn jump scare của Ouija 2 chỉ đủ hù dọa trẻ con thì nụ cười quái gở của Doris chắc chắn sẽ theo bạn về nhà, len lỏi vào giấc ngủ, là ám ảnh duy nhất của bộ phim.
Một điểm đáng khen nữa dành cho phim là phần âm thanh. Xuyên suốt bộ phim là tiếng cót két từng hồi, từng hồi của chiếc đồng hồ quả lắc trong ngôi nhà chết chóc ấy. Những bản nhạc bằng tiếng Ba Lan phát ra từ chiếc máy hát đóng dày bụi càng làm tăng thêm sự dị thường của tác phẩm.
Hãy cứ đến với Ouija: Origin of Evil đi, bạn không hối hận khi dành ra gần 2 tiếng cho bộ phim đâu! Nhưng đừng quá kỳ vọng sẽ có một đêm thao thức vì các quỷ của Gọi Hồn 2. Một điều chắc chắn là bạn sẽ thành fan của cô nhóc Lulu Wilson và lùng sục các tác phẩm của cô bé để được thấy nụ cười nhếch mép sởn tóc gáy ấy một lần nữa.