Vào ngày 27/12/1947, Bell Labs (AT&T) tại New Jersey đã công bố một công nghệ mới thay thế cho vai trò của đèn điện tử: Transistor.
Thế giới hiện đại sẽ ra sao nếu không có sự xuất hiện của transistor (linh kiện bán dẫn)? Không khó để có thể tưởng tượng ra một viễn cảnh như thế, nhất là khi mà hầu hết các thiết bị điện tử phức tạp hơn bóng đèn đều sử dụng transistor, chứng tỏ sự phổ biến mạnh mẽ của linh kiện nhỏ bé này.
Trước thời điểm mà John Bardeen, Walter Brattain và William Shockley chuẩn bị thay đổi thế giới điện tử (họ từng thí nghiệm với việc kết hợp các chân tiếp xúc vàng với tinh thể germanium từ 11/1947), valve (đèn điện tử chân không) vẫn là thứ thống trị công nghệ trong suốt nhiều thập kỉ.
Chúng có mặt ở nhiều thiết bị điện tử khác nhau, từ TV, Radio cho đến những chiếc máy tính đời đầu. Tuy nhiên, kích thước của đèn điện tử đã hạn chế tính di động của nhiều thiết bị, đồng thời phát sinh các vấn đề như điện năng tiêu thụ lớn và độ bền thấp. Những chiếc máy tính đầu tiên của loài người đã sử dụng hàng trăm bóng đèn điện tử và thậm chỉ ngay cả mẫu máy tính nhỏ nhất cũng đã chiếm rất nhiều diện tích. Do đó, sự xuất hiện của transistor đã mở ra cánh cổng đến với "xứ thần tiên" của hàng loạt ứng dụng và thiết bị mới.
Tác dụng của transistor là gì?
Về cơ bản, transistor là một linh kiện có khả năng khuếch đại. Tên bản quyền gốc của nó vốn là Semiconductor Amplifier (bộ khuếch đại bán dẫn) và ban đầu thì transistor sử dụng các miếng vàng mỏng tiếp xúc với chất germanium. Dần dần, với sự phát triển của công nghệ thì hiện nay transistor đã được chuyển qua dùng silicon.
Lúc đầu, transistor thường được dùng để khuếch đại một tín hiệu nào đó mà nó nhận được (với điều kiện cấp đủ năng lượng để hoạt động). Sau đó, người ta phát hiện ra nếu được điều chỉnh phù hợp, transistor còn có thể đóng vai trò như một công tắc. Mặc dù 2 chức năng này không phải là tất cả, nhưng khi được sử dụng ở các mạch điện phù hợp, chúng có thể tạo ra những hoạt động điện tử để phục vụ cho đời sống của con người.
Dù vậy, cũng phải mất một khoảng thời gian để mọi người có thể nhận ra được tiềm năng đến từ transistor. Đầu tiên, các ứng dụng của nó thường tập trung ở mảng quân đội, nhưng sau khi chiếc radio sử dụng transistor đầu tiên xuất hiện và mang những ưu điểm công nghệ như trọng lượng nhẹ, bền bỉ và đi động hơn (có thể là chất lượng âm thanh mà nó tái tạo). Sau đó, các ứng dụng của transistor ở đồ gia dụng dần dần trở phổ biến.
Ngày nay, trừ những thiết bị chuyên dụng vẫn còn giữ lại công nghệ đèn cổ điển như amplifier hi-end hoặc thiết bị yêu cầu nguồn năng lượng lớn, hầu hết các thiết bị điện tử đều có sự hiện diện của công nghệ transistor. Hẳn những nhà khoa học ở năm 1947 cũng sẽ không thể nào ngờ rằng vào 70 năm sau, một linh kiện nhỏ bé như transistor lại là tiền đề mang đến những phát minh vĩ đại hơn cho nhân loại.
Nguồn: WhatHifi