Lượng khí thải carbon từ ngành điện thế giới được báo cáo đã giảm 2% trong năm 2019 và đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1990.

Theo báo cáo mới từ Viện chính sách môi trường Ember, sự suy giảm phát thải CO2 là do châu Âu và Mỹ chuyển khỏi than đá, dẫn đến giảm 3% khí thải toàn cầu trong sản xuất điện đốt than. Đây cũng chính là mức giảm lớn nhất trong suốt 30 năm qua. 

Hoa Kỳ ghi nhận mức giảm phát thải lớn nhất trên cơ sở quốc gia đã giảm 140 triệu tấn (tương đương 2,9%). Tỉ lệ sử dụng than ở Mỹ giảm 16% tương đương gần 1 gigaton so với mức đỉnh năm 2000 vì chuyển sang khí đốt tự nhiên.

Phát thải tại Liên minh châu Âu đã giảm 160 triệu tấn (tương đương 5%) trong năm 2019 do sự cắt giảm trong ngành điện, tỉ lệ sử dụng than cũng giảm 24%. Khí tự nhiên lần đầu tiên sản xuất nhiều điện hơn than, trong khi đó, điện chạy bằng sức gió gần như bắt kịp với điện đốt than. Động thái này đã giúp tỉ lệ sử dụng than của châu Âu đã giảm gần một nửa 43% kể từ năm 2007.

Khí thải của Nhật Bản giảm 45 triệu tấn, tương đương khoảng 4% - tốc độ giảm nhanh nhất kể từ năm 2009, do sản lượng từ các lò phản ứng hạt nhân tăng lên nhanh chóng.

Chuyên gia phân tích năng lượng của Ember, Dave Jones cho biết, sự suy giảm khí thải từ ngành than đá và nhiệt điện toàn cầu là tin tốt cho môi trường.Từ báo cáo trên cũng cho biết, năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng 15% trong năm 2019, tạo ra 8% điện năng của thế giới.

Dù vậy, chính phủ các nước phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện sang các nguồn năng lượng tái tạo khác để duy trì và giảm tỉ lệ khí thải trong thập kỉ mới. Theo đó, phương pháp tiết kiệm và hữu hiệu nhất hiện nay chính là sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.