Dường như sau mỗi một mùa giải Oscar “hụt”, nam diễn viên gạo cội Leonardo DiCaprio lại trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và Leo của The Revenant ...

Dường như sau mỗi một mùa giải Oscar “hụt”, nam diễn viên gạo cội Leonardo DiCaprio lại trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và Leo của The Revenant chính là minh chứng hùng hồn nhất.

Cứ mỗi mua Oscar tới, người ta lại lôi Leonardo DiCaprio ra để “chế giễu” vì giờ đây bên cạnh tài năng diễn xuất, anh còn gắn liền với danh hiệu “vua hụt Oscar”. Điều hài hước là trong khi các nhà sản xuất, các đạo diễn lừng danh, các nghệ sĩ đồng nghiệp, khán giả đại chúng hay nói cách khác cả thế giới đều yêu mến anh thì riêng ban giám khảo Oscar lại ghét bỏ anh. Một số nhà phân tích cho rằng, lý do cho việc vô duyên với giải thưởng là vì Leo mãi đeo đuổi một hình tượng nhàm chán: một quý ông lịch lãm, giàu sang, một tay chơi tài phiệt có đầu óc như trong dự án trước đó – Wolf of Wall Street.

Phải chăng vì thế mà lần này Leonardo quay ngoắt 180 độ, rũ bỏ hình tượng hào hoa, phong nhã để mà “chân lấm, tay bùn”, lăn lê bò toài trên vùng đất lạnh giá, để chứng minh cho mọi người thấy không một giới hạn nghệ thuật nào mà anh không thể vượt qua. Một diễn viên hạng A kết hợp với một đạo diễn có duyên với Oscar - Alejandro González Iñárritu (Birdman – 2014) trong một tác phẩm “khắc nghiệt” như The Revenant (Người về từ cõi chết) quả thật là một canh bạc lớn, một khát khao đầy tham vọng cho giải thưởng Oscar cao quý.

Dựa trên câu chuyện có thật về nhà thám hiểm Hugh Glass, The Revenant được đặt trong bối cảnh những năm 1820 ở miền Tây nước Mỹ, khi mà xung đột giữa người da đỏ và người da trắng di cư từ châu Âu sang vẫn tiếp diễn. Bản thân là một người da trắng nhưng Hugh Glass lại yêu và gắn bó với một người phụ nữ da đỏ. Đạo diễn Iñárritu đã rất khéo léo khi thể hiện tình cảm của nhà thám hiểm với vùng đất và tộc người da đỏ thông qua những khung hình hồi tưởng của đầy chất thơ và chất bi của người đàn ông góa vợ.

Trong một lần làm nhiệm vụ dẫn đường cho một đoàn buôn lông thú cùng cậu con trai Hawk, Hugh Glass và tất cả mọi người đã bị nhóm thổ dân da đỏ tập kích bất ngờ, rất nhiều người đã phải bỏ mạng, bản thân anh rơi vào ổ của một con gấu xám và bị sinh vật khổng lồ này cắn xé rất man rợ.

Những cú cắn và táp của con gấu đủ khiến ông hấp hối trong tình trạng bại liệt toàn thân, vô tình ông trở thành gánh nặng cho cả đoàn, chính John Fizgerald (Tom Hardy) và Đại úy Henry (Domhnall Gleeson) đã nhẫn tâm bỏ rơi Hugh Glass ở lại chốn rừng thiêng nước độc. Trong lúc John đang lên kế hoạch thủ tiêu Glass thì bị cậu con trai Hawk phát hiện dẫn tới việc xô xát, giằng co và chính phát súng vô tình của John đã lấy đi mạng sống của người thân duy nhất của Glass.

Mất vợ, mất con, bị bạn bè phản bội, bị trọng thương, bị bỏ rơi ở chốn địa ngục trần gian, con người Glass chỉ có thể vực dậy nhờ ý muốn trả thù mãnh liệt, như câu thoại trong phim: “sự trả thù nằm trong tay của Chúa”.

160 phút dài đằng đẵng của cuộc hành trình báo thù dài đằng đẵng, mệt mỏi, buốt giá, chịu đựng những cái khắc nghiệt nhất của tự nhiên. Bằng góc máy rộng, cộng với ánh sáng tự nhiên được sử dụng xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Alejandro thực sự biết cách đánh thức mọi giác quan của người xem, kéo họ từ nơi ghế ngồi ấm áp tại rạp chiếu tiến vào vùng đất chết. Vùng đất trơ trọi, mênh mông, bốn bề là tuyết trắng, là những khu rừng, những mỏm núi, dòng sông băng.

Ở cái độ tuổi 40 chẳng còn trẻ trung gì nữa, Leonardo thực sự đã chạm đến mức cực hạn sức chịu đựng của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Khán giả sẽ phải ngỡ ngàng, fan hâm mộ sẽ phải khóc thét vì ngôi sao của họ đang thực sự “xả thân vì nghệ thuật”: ăn thịt sống, co ro trong giá lạnh, mổ bụng con ngựa để chui vào nằm hay bị cuốn trôi trước dòng sông buốt giá chảy xiết… còn gì mà anh không làm được?

Tuy nhiên, không một tác phẩm nghệ thuật nào lại không có điểm yếu của nó, The Revenant cũng vậy. Không ít người khi ra về sẽ chỉ đọng lại mỗi hình ảnh của tài tử Leonardo DiCaprio mà nhanh chóng lãng quên những tên tuổi khác trong phim, thậm chí người ta cũng vội vàng quên mất ý nghĩa nhân văn của của cốt truyện. Có lẽ, tham vọng quá lớn của biên kịch Mark L. Smith và đạo diễn lừng danh người Mexico đã khiến cho bộ phim kéo quá dài mà đối trọng chỉ hướng về nhân vật chính Hugh Glass, trong khi đó câu chuyện trả thù, xung đột sắc tộc lại vô tình trở thành nền cho cuộc vật lộn sinh tồn trước sự cuồng bạo của thiên nhiên.

Dù vậy, nếu dùng 2 tiếng đồng hồ của Người về từ cõi chết để đánh giá diễn xuất của Leonardo DiCaprio thì hoàn toàn là xứng đáng. Bộ phim không chỉ dừng lại ở các màn “hành xác”, nó còn nằm ở tinh thần. Bởi Hugh Glass là con người mất mát, là người mà “cái chết đã chẳng còn đáng sợ gì nữa bởi bản thân đã chết từ lâu”. Nam diễn viên từng thành công trong những vai phải trải qua nỗi đau tinh thần tương tự như ở Shutter Island (2010) hay Inception (2010). Nhưng Hugh Glass của The Revenant lại hoàn toàn khác, không có thời gian cho những giọt nước mắt bởi anh còn đang phải giữ chặt lấy sợi dây sống sót mong manh, không có thời gian để hồi tưởng, để buồn bã, để than thở, người đàn ông ấy ôm nỗi đau mất mát qua sự trả thù, qua đôi mắt khô cạn nước mắt, đôi mắt lạnh lẽo, tăm tối, qua cặp môi nứt toác run run đầy đau đớn, qua từng hơi thở nặng nề như nỗi ám ảnh bao trùm lấy bộ phim.

Dù cho là kẻ thắng cuộc hay hoàn toàn trắng tay trong canh bạc tranh giải Oscar với The Revenant thì Leonardo DiCaprio vẫn “lãi”, khi tự thêm cho mình một vai diễn đầy sức nặng trong “bộ sưu tập” diễn xuất phong phú của anh. Chắc chắn, qua màn “lột xác” thành Hugh Glass, các nhà làm phim càng yêu mến anh hơn, giới phê bình càng thêm nể phục anh, còn khán giả lại được dịp sử dụng câu nói “Leo không xứng đáng với Oscar, mà Oscar xứng đáng với anh”.