“Những thời khắc trong năm (bốn mùa - seasons)” là một tổ khúc gồm các tác phẩm nổi tiếng cho đàn piano của Tchaikovsky, bao gồm 12 tiểu phẩm đặc trưng, Opus 37 bis. Và dĩ nhiên, nó bắt đầu với Tháng Giêng cùng mùa xuân vĩnh hằng.
Lịch sử ra đời của tác phẩm
Ý tưởng của tổ khúc và tên của tác phẩm là của Bernard, người xuất bản tạp chí “Nuvellist” mà Tchaikovsky cộng tác kể từ năm 1873. Khoảng tháng 11/1875, Bernard đã gửi cho Tchaikovsky bức thư đặt hàng viết tổ khúc bốn mùa cho đàn piano. Bức thư của Bernard hiện đã không còn nhưng nội dung của nó thì dễ dàng mường tượng thông qua bức thư phản hồi của nhà soạn nhạc đề ngày 24/11/1875:
“Tôi đã nhận được thư của anh. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã sẵn sàng trả tôi một khoản nhuận bút cao như vậy. Tôi sẽ cố gắng không để anh mất mặt và để làm hài lòng anh. Tôi sẽ gửi cho anh chơi ngay một, và có thể hai hoặc ba bài cùng một lúc. Nếu không có gì trở ngại, công việc sẽ sớm hoàn tất. Bây giờ, tôi rất sẵn sàng với các công việc với đàn piano. Tchaikovsky của anh.” Do đó, tên của tổ khúc là những câu chuyện và hình ảnh được cung cấp bởi nhà xuất bản âm nhạc.
Trong số ra tháng 12/1875, trên tạp chí “Nuvellist” xuất hiện thông báo sẽ ra mắt (vào năm tiếp theo) các ấn phẩm trong tổ khúc mới của Tchaikovsky. Về công việc sáng tác tổ khúc của nhạc sĩ gần như không có thông tin ngoại trừ rằng ông đã bắt đầu làm việc tại Moskva. Ngày 13/12/1875, Tchaikovsky viết cho N.Bernard một bức thư: “Sáng nay hoặc thậm chí có thể là chiều hôm qua tôi đã có thể gửi cho anh qua thư hai bài đầu tiên. Tôi không phải không có một số lo lắng khi gửi chúng đi: Tôi sợ rằng anh sẽ thấy chúng có vẻ dài và khó chịu. Tôi mong anh bày tỏ ý kiến để tôi có thể ghi nhớ khi tiếp tục sáng tác các bản sau. Nếu bài thứ hai có vẻ ít giá trị, anh hãy viết thư cho tôi biết. Nếu anh muốn viết lại bài “Mardi Gras” này, xin anh đừng băn khoăn và hãy yên tâm rằng trong thời gian ngắn, có nghĩa là, trước ngày 15/1, tôi sẽ viết lại nó. Anh trả tiền cho tôi với một cái giá khủng khiếp như vậy nên có đầy đủ quyền yêu cầu bất kỳ thay đổi, bổ sung, tăng giảm và viết lại.”
Tuy nhiên, trên thực tế, rõ ràng là Bernard đã hài lòng vì tác phẩm được công bố chính xác về thời gian và tuân thủ đầy đủ chữ ký của tác giả. Việc công bố lần lượt các tác phẩm trong tổ khúc Bốn mùa của Tchaikovsky trên tạp chí “Nuvellist” đều có những vần thơ minh họa. Rõ ràng, điều này đã được khởi xướng bởi Bernard. Người ta không biết Peter Ilyich có biết đến chuyện này và có từng thảo luận với Bernard về những bài thơ đó hay không. Nhưng, có một chuyện rõ ràng là tất cả các tác phẩm của họ ra đời vào dịp đó đều được nhạc sĩ tán thành. Tất cả các tiêu đề đã được Bernard đưa ra, nhưng hai trong số đó đã Tchaikovsky bổ sung là “Christmas Time” được thêm phụ đề Waltz (Valse) và “Thu hoạch” - Scherzo. Trong các phiên bản sau này của nhà xuất bản P.I. Jurgenson, phụ đề của nhà soạn nhạc đã bị mất.
13/12/1875 là ngày chuẩn bị cho lượt xuất bản đầu tiên của tổ khúc (lúc đó đã có 2 bài sẵn sàng để đăng). Các tác phẩm trong tổ khúc của Tchaikovsky mở màn cho tất cả các số của Tạp chí Nuvellist, trừ tháng Chín. Trong số tháng Chín, tạp chí lấy chủ để “Bài hát cắm trại Serbia” - sắp xếp cho nhạc sĩ dương cầm V.I. Glavacha. Đó là phản ứng với chiến tranh Balkan. Vào cuối năm 1876, Bernard đã xuất bản thành một bộ sưu tập riêng biệt với tiêu đề “The Seasons”. Ở đây, tên gọi chung của tổ khúc đã được sử dụng lần đầu và cũng được đưa ra bởi Bernard. Trên bìa có 12 tấm hình khác nhau.
Mục lục:
1.1 Tháng Giêng. Fireside – Nơi có đám cháy
1.2 Tháng Hai. Mardi Gras – Lễ hội Carnival
1.3 Tháng Ba. Song of the Lark – Khúc hát của bầy quạ
1.4 Tháng Tư. Snowdrop – Cây tuyết điểm hoa
1.5 Tháng Năm. White Nights – Đêm trắng
1.6 Tháng Sáu. Barcarolle – Chèo thuyền
1.7 Tháng Bảy. Bài hát người cắt cỏ
1.8 Tháng Tám. Mùa thu hoạch - Scherzo
1.9 Tháng Chín. Đi săn
1.10 Tháng Mười. Autumn Song – Bài ca mùa thu
1.11 Tháng Mười Một. Troika – Cỗ xe tam mã
1.12 Tháng Mười Hai. Yuletide – Walz.
Vị trí của tác phẩm trong hiện tại
Là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới viết về các thời khắc trong năm, The Seasons của Tchaikovsky khác hẳn các tác phẩm cùng tên của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Vivaldi, Haydn. Tổ khúc của Tchaikovsky chia thời gian trong năm ra 12 phần khác biệt thay vì chỉ có 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông như trong tác phẩm của các nhạc sĩ kể trên. Đồng thời, The Seasons của Tchaikovsky là một tổ khúc dành cho piano độc tấu thay vì dành cho dàn dây như của Vivaldi hoặc hợp xướng như của Haydn.
Điều đáng lưu ý nhất ở The Seasons của Tchaikovsky là nó rất dễ nghe, thoạt đầu người nghe dễ thích “Khúc hát chèo thuyền” (Barcarole – Tháng 6), “Bài ca Mùa Thu” (Tháng 10), sau đó là “Đêm trắng” (Tháng 5), “Đi săn” (Tháng 9) rồi dần dần, sẽ thích toàn bộ 12 bài.
Người bắt đầu nghe nhạc nghiêm túc và hướng tới nghe nhạc cổ điển thường bắt đầu từ tổ khúc này và các tác phẩm có cùng độ khó. Qua The Seasons của Tchaikovsky, một nước Nga mênh mông được miêu tả sống động thông qua khí hậu thay đổi theo từng tháng. Cho nên, khi đã trở thành người nghe nhạc cổ điển thuần thục, việc nghe The Seasons của Tchaikovsky như là giở lại sách vở đọc về nước Nga với các chu kỳ khí hậu khắc nghiệt nhưng cũng đầy hấp dẫn.
Các tác phẩm trong tổ khúc 12 bài của Tchaikovsky The Seasons cũng không khó chơi. Đó là một tổ khúc dành cho trẻ em học piano ở trình độ sơ cấp tại các trường âm nhạc. Tuy nhiên, để chơi được nó đến mức khiến cho người nghe cảm nhận nước Nga ngay trước mặt mình thì cần phải có kinh nghiệm dồi dào, kỹ thuật cao siêu và kiến thức cũng như cảm nhận của những nghệ sĩ lớn. Những nghệ sĩ như thế không nhiều, trong đó có Mikhail Pletnev, pianist kiêm nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Nga đương đại.
Mikhail Pletnev chơi Tchaikovsky The Seasons
Mikhail Pletnev sinh ngày 14/4/1957 tại Arkhangelsk trong một gia đình nhạc sĩ. Ông học Trường nhạc thuộc Nhạc viện Kazan với cô K.A. Shashkina, sau đó tại Trường Âm nhạc Trung ương trực thuộc Nhạc viện Moskva mang tên Tchaikovsky với thầy Evgeny Mikhailovich Timakin. Từ năm 1974 đến năm 1979, ông học Nhạc viện Moskva ở lớp của giáo sư Yakov Flier, sau đó ở lớp của giáo sư Lev Vlasenko và vào năm 1981, ông tốt nghiệp bậc đại học.
Sau khi chiến thắng tại cuộc thi quốc tế mang tên Tchaikovsky lần VI vào năm 1978, Pletnev bắt đầu tham gia các hoạt động của nghệ sĩ dương cầm, biểu diễn trên khắp thế giới (chơi solo và với các dàn nhạc nổi tiếng ở châu Âu và Mỹ như các dàn nhạc khuyến nhạc (Philharmonic Orchestra) của Berlin, London, Israel, Munich, Cộng hòa Séc, đã biểu diễn với hàng loạt nhạc trưởng nổi bật của thời đại như Claudio Abbado, Bernard Haitink, Lorin Maazel, Zubin Mehta, Kurt Sanderling, Neeme Järvi. Pletnev được xem là một trong những người biểu diễn nhạc Tchaikovsky hay nhất thế giới.
Năm 1980, ông xuất hiện lần đầu như một nhạc trưởng. Ông là người sáng lập và là giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Quốc gia Nga. Ông còn đảm nhiệm vai trò của một nhạc trưởng khách mời với các tập thể âm nhạc hàng đầu thế giới như Philharmonic Orchestra of London, Tokyo, Los Angeles và những nơi khác. Năm 2006, ông trở thành thành viên Hội đồng Tổng thống về văn hóa và nghệ thuật. Từ năm 2007, ông tham gia vào các lễ hội quốc tế thường niên mang tên “Crescendo”.
Năm 2007, như một nhạc trưởng kiêm nhà sản xuất, Pletnev thực hiện (tại Nhà hát Bolshoi của Nga) vở Con đầm Pích của Tchaikovsky. Là một nghệ sĩ piano, Pletnev đã ghi lại các tác phẩm của Beethoven (tất cả các concerto cho piano và dàn nhạc), Grieg, Liszt, Mendelssohn, Mozart, Mussorgsky, Rachmaninov, Tchaikovsky, Chopin.
Với vai trò nhạc trưởng, Pletnev đã chỉ huy ghi lại các tác phẩm của Beethoven (symphonies), Rachmaninoff (symphonies), Nikolai Rimsky-Korsakov, Sergei Taneyev, Tchaikovsky (symphonies), Shostakovich, Shchedrin.
Pletnev đã đạt được một số tiếng tăm với việc chuyển soạn cho đàn piano ba vở ballet của Tchaikovsky. Một số công trình của ông gồm: Piano Quintet (1978); “Triptych” cho dàn nhạc (1979); Capriccio cho Piano và Dàn nhạc (1985); “Symphony cổ điển” (1988); Concerto cho Viola và dàn nhạc (1997); Biến tấu trên chủ đề của Rachmaninoff (2000); Adagio cho 5 ContraBass (2000); Sonata cho Cello và Piano (2006); “Fantasia Helvetica” trên chủ đề Thụy Sĩ cho hai đàn piano và dàn nhạc (2006); Jazz Suite (2009).
Pletnev chơi các tác phẩm của Tchaikovsky, trong đó có Tổ khúc The Seasons, như là đắm chìm trong các hơi thở của nhà soạn nhạc. Từng ngón tay ông lúc mơn trớn trên dàn phím cho cây đàn du dương, thì thầm; lúc lướt nhanh, bổ mạnh xuống dàn phím đó để cây đàn rung lên bão tố… Những kỹ thuật này phải trau dồi rất nhiều và rất lâu nhưng quan trọng là do sự kiểm soát của người chơi luôn luôn chặt chẽ, chính xác tuyệt đối.
Pletnev rất được yêu thích ở Nga, nơi mà ngày sinh của ông được vô số người nhớ. Fan của Pletnev viết nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của ông thế này: “Mới đó mà như đã lâu lắm rồi, Pletnev song hành cùng chúng ta”.