Nếu đã quen với các loại mâm đĩa, hẳn bạn đã biết cách hoạt động của nó, nhưng để được soi kĩ quá trình "đọc" thông tin từ đĩa nhựa thì hẳn là vẫn còn cực kì mới lạ.
Kênh Youtube Applied Science đã đăng tải 1 video ghi lại quá trình soi vào kim đọc khi nó đang hoạt động. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ những chuyển động của nó trên rãnh của đĩa nhựa.
Để ghi lại đoạn video ngắn này là điều không hề dễ dàng, vì qua ống kính hiển vi, việc quay video theo thời gian thực sẽ làm giảm độ phân giải xuống rất thấp. Đoạn video sắc nét dưới đây thì được thực hiện bằng cách chụp lại 60 khung hình riêng lẻ và tự di chuyển đĩa và kim bằng tay với khoảng cách chỉ 50 micron mỗi lần. Những khung hình sau đó được ghép lại bằng phần mềm, và tốc độ quay của đĩa cũng chỉ bằng 1/400 so với thông thường.
Trước đó, người ta đã phải cắt 1 mảnh nhỏ của chiếc đĩa nhựa ra thì mới đặt vừa vào kính hiển vi và phủ lên nó một lớp vật liệu dẫn điện, cụ thể là bạc dạng hơi nhằm ngăn cản các electron bị hấp thủ bởi bề mặt đĩa nhựa.
Đầu kim trong video cũng phải được chế lại, loại bỏ hoàn toàn tomearm cũ, thay thế bằng một chiếc tonearm khác không có nam châm để không ảnh hưởng tới sự di chuyển của các electron bên trong kính hiển vi.
Qua đoạn video này, ta có thể thấy rõ rằng thông tin trên đĩa nhựa vẫn được chia làm 2 kênh trái phải chứ không phải mono. Applied Science sau đó còn thử nghiệm với các loại đĩa phổ biến khác như CD, DVD hay cả đĩa điện dung (capacitance electronic) từng "chết yểu" từ những năm 1970.