Nhiều khả năng Oscar 2016 vẫn tiếp tục bị thống trị bởi “ông trùm” trong giới làm phim hoạt hình – Disney/Pixar. Khác với các bộ phim do người đóng, vùng ...

Nhiều khả năng Oscar 2016 vẫn tiếp tục bị thống trị bởi “ông trùm” trong giới làm phim hoạt hình - Disney/Pixar.

Khác với các bộ phim do người đóng, vùng đất của làng phim hoạt hình phong phú và đang dạng hơn rất nhiều ngay trong khâu chọn chất liệu hình ảnh cho bộ phim. Từ vẽ tay truyền thống cho đến đồ họa 3D, rồi phim đất sét … dường như các nhà làm phim trên thế giới chưa bao giờ cạn ý tưởng cho thể loại hoạt hình. Chính sự đa dạng và phong phú từ nội dung lẫn hình ảnh của phim hoạt hình khiến các nhà tuyển phim của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ đau đầu khi phải đối mặt với những cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề: Ứng cử viên nào thực sự xứng đáng với tượng vàng Oscar danh giá?

Hai bộ phim gây tranh cãi tại mùa giải Oscar 2014

Ngay như năm 2014, hội đồng giám khảo của Oscar đã hứng không ít “gạch, đá” từ phía dư luận khi trao tượng vàng cho bộ phim ‘Frozen’ ở hạng mục ‘Phim hoạt hình xuất sắc nhất’. Trong khi đó, rất nhiều người đã nhận định đối thủ đáng gờm đến từ Nhật Bản ‘The Wind Rises’ của đạo diễn “quái kiệt” Hayao Miyazaki mới là chủ nhân xứng đáng của Oscar. Phải chăng đã có sự Mỹ hóa Oscar khi liên tục nhiều năm liền người thắng giải đều đến từ Disney và các bộ phim nội địa khác? Dưới đây là danh sách những 12 bộ phim được cho là ứng cử viên sáng giá của tượng vàng Oscar hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”: 1. Anomalisa

Sử dụng kỹ thuật làm phim Stop-motion kén người xem, đạo diễn Charlie Kaufman (‘Eternal Sunshine of the Spotless Mind’) dẫn dắt người xem đến với hành trình vượt qua cuộc sống đơn điệu hằng ngày của một nhà diễn thuyết nhiều tuổi. Mặc dù là tác phẩm phim hoạt hình đầu tiên và cũng đánh dấu sự trở lại sau 7 năm vắng bóng của Charlie Kaufman, nhưng ‘Anomalisa’ nhận được đánh giá rất cao từ giới phê bình điện ảnh, đạt được điểm số gần như tuyệt đối trên Metacritic (98/100) và 100% trên Rotten Tomatoes. ‘Anomalisa’ hứa hẹn sẽ là điểm nhấn lạ cho mùa Oscar 2016. 2. Boy and the World

Đối lập về cốt truyện của ‘Anomalisa’, ‘Boy and the World’ kể về hành trình đi tìm cha của một cậu bé cô đơn. Sử dụng những nét vẽ nghuệch ngoạc và màu sắc đơn giản giống như những bức tranh thiếu nhi, ‘Boy and the World’ đã gây ấn tượng với các nhà phê bình điện ảnh tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Ottawa và Liên Hoan Phim Hoạt Hình Quốc Tế Annecy, đồng thời giành được hai giải thưởng quan trọng. 3. The Good Dinosaur

Thật là thiếu xót nếu bỏ qua câu chuyện về thế giới khủng long tại thời hiện đại – ‘The Good Dinosaur’. Được đánh giá là bộ phim có hình ảnh ngoại cảnh đẹp nhất từ trước tới nay của Pixar, ‘The Good Dinosaur’ đồng thời cũng mang người xem đến với tình bạn hiếm có nhất trong lịch sử nhân loại – tình bạn giữa người và khủng long. Nhân vật chính của câu chuyện là chú khủng long con màu xanh lá có tên Arlo, thuộc loài Apatosaurus, không may bị cuốn trôi theo một dòng sông đang chảy xiết và lạc mất gia đình. Từ đây, cậu bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình và may mắn tìm được bạn đồng hành là cậu bé Spot. Không chỉ học cách làm bạn với loài người, Arlo cũng phiêu lưu qua những nơi khắc nghiệt và bí ẩn, để rồi dần học được cách đối đầu với nỗi sợ hãi và phát hiện ra những điều tiềm ẩn của bản thân. 4. The Boy and the Beast

‘The Boy and the Beast’ của đạo diễn tài năng Mamoru Hosoda dựa trên TV series ‘Digimon One Piece’. Phim xoay quanh một cậu bé bị lạc mất cha mẹ vô tình lạc đến thị trấn Shibutengai, một nơi kỳ lạ với những con quái vật tồn tại song song với khu phố Shibuya của Tokyo. Tại đây, cạu bé đã gặp được Kumatetsu – một sinh vật có hình hài giống như một con gấu to lớn và có kỹ năng đỉnh cao của một võ sĩ kiếm đạo. Kumatetsu đồng ý nhận cậu bé làm đệ tử và huấn luyện cậu thành một chiến binh thực thụ. 5. Home

Được ra mắt vào nửa đầu năm nay, chuyến hành trình của sinh vật ngoài hành tinh Oh và cô bé Tip tuy chưa có nội dung thực sự ấn tượng nhưng lại có rất nhiều điểm thú vị như việc tạo ra một sinh vật có khả năng thay đổi ngoại hình theo cảm xúc. Bên cạnh đó, bài hát ‘Feel the Light’ do ca sĩ Jennifer Lopez thể hiện trong phim cũng có thể sẽ góp mặt trong hạng mục “Ca khúc chủ đề xuất sắc nhất” tại Oscar 2016. 6. Kahlil Gibran’s The Prophet

‘Kahlil Gibran's The Prophet’ là một bộ phim hoạt hình phiêu lưu chuyển thể từ cuốn sách ‘The Prophet’ của tác giả Kahlil Gibran. Bộ phim được sản xuất bởi nữ diễn viên Salma Hayek và được chỉ đạo thực hiện bởi 8 đạo diễn tài năng khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có Roger Allers, đạo diễn của ‘The Lion King’. Phim chia theo từng phân đoạn chương hồi, kể về những câu chuyện tình yêu vượt thời gian và những ham muốn bí ẩn của con người. Dàn diễn viên lồng tiếng cho phim là tập hợp một loạt ngôi sao nổi tiếng gồm: Liam Neeson, người đẹp Salma Hayek, Alfred Molina, nữ diễn viên nhí từng làm mưa làm gió tại Oscar 2013 Quvenzhané Wallis... Tác phẩm này đã được ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Cannes 2014 và ra mắt thế giới tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2014. 7. Hotel Transylvania 2

Hotel Transylvania 2’ tiếp tục câu chuyện về nhân vật ma cà rồng quyền lực vừa đáng sợ nhưng cũng rất đáng yêu Dracula – người vừa mới lên chức ông ngoại khi cậu bé Dennis được sinh ra. Tuy mang trong mình nửa dòng máu vampire, nhưng cậu nhóc Dennis 5 tuổi mãi không có đặc điểm gì của một “quỷ hút máu” đích thực – không răng nanh, không thể biến thành rơi. Không thể làm ngơ trước tình trạng đứa cháu “nối dõi” dòng họ độc nhất, Dracula cùng “hội chiến hữu” ma quái quyết “ma cà rồng hóa” Dennis và một loạt tình huống dở khóc dở cười diễn ra… Tuy có doanh thu phòng vé thua phần đầu, nhưng ‘Hotel Transylvania 2’ lại được tăng cấp về độ hài hước, khai thác sâu hơn vào yếu tố gia đình, về những mối quan hệ bị cấm đoán do sự khác biệt về xuất thân giúp cho phim giàu ý nghĩa hơn phần đầu tiên rất nhiều. 8. Minions

Nếu đây là cuộc đua về doanh số phòng vé thì ‘Minions’ nghiễm nhiên giật được cúp vàng bởi con số doanh thu khổng lồ lên tới 1,1 tỷ USD. Thế nhưng nội dung của phần 2 ‘Minions’ bị cho là nhạt nhẽo và sự hài hước “vô duyên” kém xa phần 1 ‘Despicable Me’. Dĩ nhiên, ‘Minions’ sẽ chẳng nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn và khán giả. 9. Shaun the Sheep Movie

Với mục tiêu chinh phục được cả khán giả nhỏ tuổi lẫn nhóm người xem thanh thiếu niên khó tính, ‘Shaun the Sheep Movie’ của hãng Aardman đã làm được điều đó khi đem đến cho người xem những tràng cười đầy tinh tế và nhẹ nhàng, qua những chi tiết, phản ứng gần gũi với con người trong sinh hoạt hàng ngày. Nội dung phim vẫn là về chú cừu Shaun thông minh, lém lỉnh cùng đàn cừu của mình bày mọi trò rắc rối cho Bitzer – chó chăn cừu tốt bụng, có phần vô tích sự và The Farmer – ông chủ trang trại. Lần này, vì mong muốn có một kỳ nghỉ mà Shaun đã bày kế để ‘trốn việc’ một hôm. Trớ trêu thay, chúng lại vô tình đẩy ông chủ của mình lạc trên thành phố và bị mất trí nhớ. Để chuộc lỗi cho hành động đó, Shaun và đàn cừu đã giả trang lên thành phố để tìm ông chủ và một loạt tình huống trớ trêu, hài hước xảy ra đúng kiểu các “anh chàng nông thôn mới lên thành phố”. 10. The Peanuts Movie

Dựa trên bộ truyện tranh ‘Snoopy’ được các bạn trẻ trên thế giới ưa thích, ‘The Peanuts Movie’ kể về Charlie Brown – một cậu bé yếu đuối, nhu mì, hay lo lắng và luôn luôn thiếu tự tin với các bạn của mình. Và vào một ngày đặc biệt, cậu được bố tặng một món quà cực kì đáng yêu, đó là một chú chó nhỏ dễ thương và cũng cực kì hài hước. Snoopy là tên mà cậu đã đặt cho chú chó tinh nghịch này. Cả hai cùng chơi đùa với các bạn của Charlie rất vui vẻ, và dần cậu bé Charlie Brown cũng trở nên tự tin hơn. Với hình ảnh đồ họa 3D, ‘The Peanuts Movie’ được thổi một làn gió mới, do đó dễ dàng chinh phục được khán giả nhỏ tuổi và đưa người lớn vào thế giới trẻ thơ một lần nữa. 11. When Marnie Was There

Một ứng cử viên khác đến từ hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng Ghibli đó là ‘When Marnie Was There’. Với chất liệu tranh 2D truyền thống, khung hình tươi đẹp, câu chuyện nhẹ nhàng, các bộ phim của Ghibli vẫn chiếm trọn được tình cảm của khán giả bởi những cảm xúc lắng đọng trong từng thước phim. ‘When Marnie Was There’ dựa trên tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của tác giả Joan G.Robinson kể về tình bạn giữa một cô nàng tomboy Anna và cô bé Marnie. Tuy nhiên, chỉ một mình Anna trông thấy Marnie và mãi về sau khi Marnie đột ngột biến mất Anna mới biết được sự thật về Marnie. 12. Inside Out

Nếu hỏi bộ phim nào có nội dung đặc sắc nhất trong năm 2015, hẳn nhiều khán giả trên thế giới đều đồng tình trả lời: ‘Inside Out’. ‘Insdie Out’ là bộ phim về đấu tranh nội tâm nhưng các cảm xúc lại có hình dạng, có tiếng nói và luôn song song tồn tại với chủ thể - cô bé Riley. Ngoài ra, những khía cạnh tâm lý học như quá trình hình thành ký ức, tư duy của con người, các vùng trong não bộ đều được phim thể hiện qua những hình ảnh tươi vui và độc đáo . Với cốt truyện và cách thể hiện đặc sắc như vậy, chắc chắn ‘Inside Out’ sẽ trở thành át chủ bài của gia đình nhà chuột Disney/Pixar tại lễ trao giải Oscar 2016.