Sự tan băng nhanh chóng ở Duvanny Yar đã gây ra một vụ sụp lớn trên mặt đất, tạo ra một hố sụt khổng lồ ở giữa lãnh nguyên Siberia. Nhưng điều đó vẫn chưa thể bằng những gì các nhà khoa học đã tận mắt chứng kiến.
Lượng carbon khổng lồ
" Những núi băng sập xuống to như tòa nhà cao tầng… và khi bạn bước dọc theo bạn sẽ thấy những thứ nhìn như là khúc gỗ nhô ra ngoài khối tuyết vĩnh cửu. Nhưng chúng không phải là khúc gỗ mà là xương của voi ma mút và các động vật khác thuộc kỷ Pleistocene", bà Sue Natali - chuyên gia nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole, tiểu bang Massachusetts cho biết.
Tốc độ tan chảy rất nhanh của tầng băng vĩnh cửu đã gây ra các vụ sụt khổng lồ ở vùng Bắc Cực
Những gì Natali mô tả là những tác động to lớn của việc Trái Đất ấm lên và băng tan chảy nhanh chóng ở vùng Bắc Cực. Lớp băng vĩnh cửu đang tan dần và hé lộ những bí mật ẩn giấu. Bên cạnh các hóa thạch Pleistocene là lượng khí thải carbon và metan khổng lồ, thủy ngân độc hại và các bệnh thời xa xưa.
Lớp băng vĩnh cửu giàu hữu cơ chứa khoảng 1.500 tỷ tấn carbon. Trong 30-70% băng vĩnh cửu bị tan chảy đó, carbon bị giữ trong những vật chất hữu cơ bắt đầu bị các vi khuẩn phân giải, do chúng sử dụng nó làm nhiên liệu hay năng lượng và giải phóng carbon dưới dạng CO2 hoặc methane.
Khoảng 10% carbon được giải phóng sẽ thoát ra dưới dạng CO2, lên tới 130-150 tỷ tấn. Con số này tương đương với tổng tỷ lệ phát thải hiện tại của Hoa Kỳ mỗi năm cho đến năm 2100.
Băng tan chóng mặt
Mùa đông ở Bắc Bán cầu năm 2018-2019 bị bao trùm trong các dòng tít báo về 'lốc xoáy vùng cực', khi nhiệt độ giảm mạnh bất thường ở tận sâu vào phía nam Bắc Mỹ.
Ở South Bend, tiểu bang Indiana, nó xuống mức -29°C vào tháng 1/2019, thấp gần gấp đôi so với kỷ lục trước đó của thành phố vào năm 1936.
Tháng 1/2019 cũng là lúc băng trên biển ở Bắc Cực chỉ đạt trung bình 13,56 triệu km, tức là thấp hơn mức trung bình dài hạn trong giai đoạn 1981-2010 khoảng 860.000 km2, và chỉ hơi cao hơn một chút so với mức thấp kỷ lục đạt được trong tháng 1/2018.
Lớp đá tan chảy sẽ làm khí methane thoát ra, càng làm đẩy nhanh tiến trình ấm nóng toàn cầu
Christiansen, đồng thời cũng là chủ tịch Hiệp hội Băng vĩnh cửu Quốc tế, nói với tôi rằng "nhiệt độ đang tăng lên làm tan lớp băng vĩnh cửu và giải phóng những thứ bên trong lớp băng".
Christiansen cho biết vào năm 2016 nhiệt độ mùa thu ở Svalbard vẫn ở trên mức 0°C suốt tháng 11, "lần đầu tiên xảy ra điều này theo số liệu mà chúng ta có trở lại đến năm 1898".
Vào năm 2016, Phòng trữ hạt Doomsday Vault tại khu Bắc Cực thuộc Na Uy, nơi lưu trữ hàng triệu loại hạt giống khác nhau cho tương lai nhân loại, đã bị nước băng tan chảy tràn vào
"Sau đó, khu vực trải qua lượng lớn mưa - mưa ở đây thường là tuyết, đã có những trận lở bùn băng ngang đường trong 100m, chúng tôi phải sơ tán một số khu dân cư."
Chết chóc trở lại
Sự thay đổi nhanh chóng trong băng vĩnh cửu Bắc Mỹ cũng đáng báo động không kém. "Ở một số nơi ở Alaska thuộc Bắc Cực, bạn bay qua một vùng lỗ chỗ đất và hồ được hình thành do đất sụt," bà Natali, người đã đi thực địa từ Siberia đến Alaska, nói.
Nhiều hồ trong số này sủi bọt khí methane, vì các vi khuẩn đột nhiên có được đại tiệc chất hữu cơ từ xa xưa để đánh chén, qua đó giải phóng khí methane như sản phẩm phụ.
Tầng băng vĩnh cửu tan chảy khiến khuẩn than ở Siberia sống lại và thoát ra môi trường
Vào mùa hè năm 2016, một nhóm những người chăn tuần lộc du mục bắt đầu ngã bệnh vì một căn bệnh bí ẩn.Tin đồn bắt đầu lan truyền về 'Dịch Siberia', lần cuối cùng xuất hiện ở vùng này vào năm 1941. Khi một cậu bé và 2.500 con tuần lộc chết, căn bệnh này mới được xác định: bệnh than. Nguồn gốc của bệnh là xác tuần lộc rã đông, nạn nhân của dịch bệnh than từ 75 năm trước.
Dân du mục Siberia phải tiêu hủy 2.5000 con tuần lộc
Báo cáo Bắc Cực năm 2018 suy đoán rằng, "các bệnh như bệnh cúm Tây Ban Nha, bệnh đậu mùa hoặc bệnh dịch hạch đã bị xóa sổ vì bị giữ lại trong lớp băng vĩnh cửu".
Một nghiên cứu của Pháp năm 2014 lấy một virus 30.000 năm tuổi đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu và làm ấm nó trở lại trong phòng thí nghiệm. Ngay lập tức nó sống trở lại 300 thế kỷ sau.
Bắc Cực là nơi có nhiều thủy ngân nhất trên hành tinh. Và thủy ngân cũng đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn, khi tan băng vĩnh cửu. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính có tổng cộng 1.656.000 tấn thủy ngân bị cầm giữ trong băng vùng cực và băng vĩnh cửu: gần gấp đôi lượng toàn cầu ở tất cả các vùng đất, đại dương và bầu khí quyển.
Natali giải thích rằng, "thủy ngân thường kết hợp với vật liệu hữu cơ ở những nơi bạn có hàm lượng chất hữu cơ cao... Cơ thể sinh vật không loại bỏ nó, do đó nó tích lũy sinh học trong mạng lưới thức ăn.Đó là điều lo ngại đối với động vật hoang dã, con người và ngành công nghiệp đánh bắt cá thương mại."
Nguồn: BBC