Không chỉ 1 mà cả 7 hành tinh đều nằm trong vùng có thể duy trì sự sống tương tự như Trái đất.
Như thông báo từ trước, một cuộc họp báo quy mô của NASA đã diễn ra vào 1h sáng ngày 23/2/2017 (tức 13h ngày 22/2/2017 giờ New York), công bố phát hiện quan trọng ngoài Hệ Mặt trời.
Vượt xa cả dự đoán của các nhà khoa học, lần đầu tiên trong lịch sử NASA phát hiện ra một Hệ Mặt trời thứ 2, cách xa chúng ta 40 năm ánh sáng, với 7 hành tinh có kích cỡ tương đồng như Trái đất.
Cụ thể, ngôi sao TRAPPIST-1 đóng vai trò là Mặt trời, 7 hành tinh còn lại sẽ xoay xung quanh nó theo quỹ đạo hình elip giống như Hệ Mặt trời. Trong đó, ít nhất 3 hành tinh nằm trong vùng Goldilock - khoảng cách vừa đủ để duy trì nước dạng lỏng, tức nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng cả 7 hành tinh đều cho nước ở dạng lỏng tùy vào điều kiện khí hậu. Có thể nói, đây là kỷ lục về số lượng hành tinh sống ngoài Trái đất được phát hiện.
Lý do có tới 3 hành tinh có nước ở dạng lỏng là bởi “Mặt trời” của chúng chỉ là một ngôi sao lùn đỏ thuộc chòm sao Bảo Bình, với nhiệt độ thấp hơn Mặt trời của chúng ta rất nhiều còn kích cỡ chỉ “nhỉnh” hơn sao Mộc.
Theo quan sát, tất cả 7 hành tinh xoay quanh TRAPPIST-1 đều gần hơn khoảng cách từ sao Thủy đến Mặt trời (hành tinh gần Mặt trời nhất chính là sao Thủy). Bản thân các hành tinh này cũng rất gần nhau, đến nỗi nếu có cơ hội được đứng trên bề mặt của một trong số này, bạn sẽ quan sát được một đặc điểm địa chất của các hành tinh lân cận. Chúng trông sẽ còn to hơn các siêu trăng trên bầu trời Trái đất.
Cũng có chuyên gia đặt ra giả thiệt rằng chúng ta không nên vội mừng về một vùng đất sống ngoài Trái đất, bởi các hình tinh này có thể không tự quay được. Dẫn tới một mặt sẽ luôn là ngày và một mặt là đêm vĩnh cửu. Đồng nghĩa với việc môi trường và thời tiết rất khắc nghiệt để có thể sinh sống.
Dẫu sao, câu hỏi đang được ưu tiên hàng đầu “con người có cô độc” có lẽ sắp được giải đáp trong tương lai gần với phát hiện quan trọng này.