Rất nhiều người tự hỏi vì sao mình đi ngủ từ rất sớm mà sáng hôm sau dậy vẫn mệt lử. Đơn giản là vì bạn đã hiểu sai cơ chế hoạt động của giấc ngủ.

Bạn có để ý có những hôm đi ngủ vào lúc 9h tối mà sáng dậy 6h vẫn thấy mệt mỏi. Hay có hôm thức tới tận 3 giờ sáng mà tỉnh giấc lúc 7 giờ vẫn thấy sảng khoái. Thật là kỳ lạ phải không?

Nghiên cứu khoa học dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn lý do tại sao ngủ ít vẫn tỉnh táo, trong khi ngủ nhiều lại mệt mỏi và công thức giúp bạn có một giấc ngủ ngon lành ở bất cứ thời điểm nào.

Đầu tiên, bạn phải hiểu giấc ngủ bao gồm nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 90 phút và bao gồm 5 giai đoạn. Trung bình 14 phút chúng ta sẽ rơi vào giai đoạn 1 và chuyển dần đến giai đoạn 5 là khi ta mơ nhiều nhất.

Giai đoạn 4 là khi ta rơi vào trạng thái ngủ sâu và khó đánh thức nhất. Nếu chúng ta thức dậy vào giai đoạn này sẽ cực kì mệt mỏi, nhức đầu và đau nhức cơ kể cả khi có đi ngủ sớm đi chăng nữa.

Hết giai đoạn 5, vòng tuần hoàn sẽ trở lại giai đoạn 1 và tiếp tục một chu kỳ nữa. Vì vậy, thời gian chuyển tiếp 2 chu kỳ chính là thời điểm tốt nhất để thức dậy hoàn toàn tỉnh táo.

Nghiên cứu của công ty chuyên phục vụ người khiếm thị Web-blinds cung cấp cho bạn công thức tính toán để bạn có 1 giấc ngủ ngon. Hay nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể biết chính xác nên đi ngủ lúc nào dựa vào thời điểm bắt đầu công việc.

Công thức đơn giản cho một giấc ngủ ngon là:

Thời gian bắt đầu ngủ + 90' x "n" + 14' = Thời gian thức giấc 

Trong đó: n có giá trị từ 3 đến 6 thì giấc ngủ của bạn sẽ thoải mái nhất.

Hiểu một cách đơn giản hơn: bạn có thể ngủ chính xác là 9 tiếng 14’, 7 tiếng 44’, 6 tiếng 14’ hoặc 4 tiếng 44’ đều mang lại cho bạn cảm giác tỉnh táo vào sáng hôm sau.

Theo đó, nếu bạn muốn thức dậy vào 6h sáng, bạn nên đi ngủ vào lúc 20h46’ hoặc 22h16’, 23h46’ hoặc thậm chí 1h16’ cũng hoàn toàn khả thi. Hay nếu muốn thức giấc vào 7h sáng, bạn cần lên giường lúc 21h46’, 23h16’, 00h46’ hay 2h16’.

Hãy ghi chép công thức này vào sổ tay để có một giấc ngủ chất lượng và hiệu quả nhé.