Nhiều cơ quan khí tượng dự báo năm 2020 sẽ phá vỡ mọi kỷ lục nhiệt độ, kéo dài chuỗi hiện tượng thời tiết thất thường những năm qua.
Đại dịch COVID-19 đã mang lại bầu trời trong xanh trên khắp thế giới tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để làm dịu nền nhiệt của trái đất. Các nhà khí tượng học dự báo khả năng 50-75% năm 2020 sẽ phá kỷ lục nóng thiết lập hồi năm 2016.
Tháng 1/2020 đánh dấu 44 tháng 1 liên tiếp và 421 tháng liên tiếp có nhiệt độ cao hơn mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Theo báo cáo, tháng 1/2020 trở thành tháng 1 nóng nhất, các kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ ở Nam Cực, Greenland... khiến giới khoa học rất ngạc nhiên vì năm nay không phải là năm El Nino như 2016.
Nhiệt độ cao tới 9,2°C tại trạm quan trắc Casey (Nam Cực).
Theo báo The Guardian, cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định khả năng năm 2020 nóng nhất lịch sử khí tượng lên đến 75%, nếu không thì 99,9% sẽ nằm trong top 5 các năm nóng nhất.
Nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng 1 đã tăng 1,14°C so với nhiệt độ trung bình của tháng 1 trong thế kỷ 20, vượt qua mức nhiệt kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1/2016.
NOAA nhấn mạnh đây cũng là mức tăng nhiệt độ lớn nhất mà không chịu tác động của hiện tượng El Nino tại Thái Bình Dương. Phần lớn nước Nga, nhiều khu vực của vùng Bắc Âu và miền đông Canada đã ghi nhận mức nhiệt cao hơn 9°C so với mức nhiệt trung bình hoặc thậm chí cao hơn thế.
Một khu resort trượt tuyết ở Tây Ban Nha phải dùng tuyết nhân tạo vì không có đủ tuyết mùa đông này.
Trong quý I/2020, nền nhiệt ở khu vực Đông Âu và châu Á cao hơn trung bình đến 3°C.
Trong vòng 50 năm tới, khoảng 3,5 tỷ người có thể phải sống với nhiệt độ như ở Sahara
Một tính toán khác của ông Gavin Schmidt, giám đốc Viện Goddard nghiên cứu không gian của NASA, có nhiều khả năng cho thấy năm 2020 nóng nhất ở mức 60%.
Song song với việc các kỷ lục nhiệt độ liên tục bị xô đổ, thế giới cũng chứng kiến thời tiết thất thường xảy ra nhiều hơn trước đây.
Khói cháy rừng bốc lên từ miền đông bang Victoria, Australia
Những tuần gần đây thì sóng nhiệt đã xuất hiện ở nhiều nơi thuộc nước Mỹ. Miền Tây Úc trước đó cũng trải qua những ngày nóng và cháy rừng kinh hoàng...
Cánh đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc bị khô hạn do nắng nóng kéo dài tại bang New South Wales, Australia
Lượng băng tại Bắc Cực trong tháng 1/2020 chỉ tăng thêm 5,3%, thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn năm 1981-2010 bằng với tháng 1/2014, cũng là mức thấp thứ 8 của các tháng 1 trong suốt 42 năm theo thống kê.
Trong khi đó, độ bao phủ của băng tại biển Nam Cực trong tháng 1 năm nay thấp hơn 9,8% so với mức trung bình, bằng với tháng 1/2011 cũng là tháng thấp thứ 10 trong lịch sử.
Ông Karsten Haustein, nhà khí tượng thuộc Đại học Oxford, đánh giá sự ấm lên toàn cầu đã nhích gần đến mức tăng thêm 1,2°C, cao hơn thời tiền công nghiệp. Và để đảo ngược quá trình này, cần những thay đổi dài hạn chứ không chỉ vài ngày phong tỏa vì dịch bệnh. "Cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn tiếp tục leo thang", ông chốt lại.