Tuy được đánh giá cao bởi kịch bản mới lạ nhưng bộ phim lịch sử ‘Mỹ Nhân’ vẫn còn lắm “hạt sạn” trong khâu xử lý hình ảnh, đặc biệt ...
Tuy được đánh giá cao bởi kịch bản mới lạ nhưng bộ phim lịch sử ‘Mỹ Nhân’ vẫn còn lắm “hạt sạn” trong khâu xử lý hình ảnh, đặc biệt là những “cảnh nóng” thiếu tinh tế.
‘Mỹ Nhân’ là bộ phim cổ trang hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam trong năm 2015, xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa chúa Nguyễn Phúc Tần (Quách Ngọc Ngoan) và ca nương Thị Thừa (Triệu Thị Hà). Song song đó là cuộc tình của chúa Nguyễn Phúc Lan (Trọng Hải), cha Phúc Tần và người chị dâu Tống Thị (Kim Hiền). Tống Thị là một người đàn bà lẳng lơ, nham hiểm và đam mê quyền lực. Bà ta không từ mọi thủ đoạn và hy sinh mọi thứ để lật đổ hai chúa nhằm giành ngôi báu cho con trai của mình.
Thay vì khai thác câu chuyện theo dòng thời gian, các nhà làm phim Việt đã sáng tạo hơn khi lấy nhân vật Tống Thị làm trung tâm làm tăng tính hấp dẫn của một bộ phim lịch sử khô khan. Tống thị nổi tiếng với thuật mát-xa tài tình, biết khéo léo lợi dụng lòng ham muốn sắc dục của đàn ông để mưu đồ cho riêng mình. Do đó việc xuất hiện những phân cảnh 18+ là điều cần thiết cho bộ phim ‘Mỹ Nhân’.
Kịch bản là vậy nhưng để thể hiện nó ra bằng diễn xuất, bằng hình ảnh một cách tinh tế và mang tính nghệ thuật là điều hoàn toàn khác và ‘Mỹ Nhân’ đã không làm được điều đó. Những phân đoạn khỏa thân tắm, cảnh mát-xa, cảnh ân ái của hai người đẹp Kim Hiền và Hoa hậu Dân tộc Triệu Thị Hà với hai nam chính trong phim đều bị nhận xét là thô tục. Ở những cảnh này, các nhà làm phim thường quay theo góc máy trực diện và xử lý ánh sáng không tốt. Một số góc máy còn bạo tay quay cận cảnh cơ thể của diễn viên, khoe đường cong của người phụ nữ một cách lộ liễu, thiếu tinh tế.
Bên cạnh đó, phần thiết kế trang phục cẩu thả, thiếu kiến thức lịch sử và không được đầu tư kỹ lưỡng cũng làm mất điểm rất nhiều trong mắt khán giả Việt. Điển hình như họa tiết sư tử trên quan phục của diễn viên Châu Thế Tâm bị nói là “na ná chú sư tử trong phim hoạt hình ‘The Lion King’của Disney”. Thậm chí, đến cả nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nguyên là tác giả của ‘Ngàn năm áo mũ’, một tập sách khảo cứu về trang phục của người Việt được cộng đồng yêu lịch sử đánh giá cao. Anh nhận xét phim có phục trang ẩu tả, lấy hình ‘Vua Sư Tử’ in lên áo nhân vật nam, chưa kể chiếc mũ gắn ngọc là ảnh hưởng từ phim Bao Công, ống tay áo của quan thời Lê cũng không có hình thủy ba.
Chưa kể đến thoại phim đơn điệu, kịch, các cảnh chiến đấu, cháy nổ còn thiếu chuyên nghiệp, rời rạc. Xem ra, tuy cùng là bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất, nhưng nếu ‘Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh’ nhận được lời khen và hưởng ứng từ khán giả bao nhiêu thì ‘Mỹ Nhân’ của đạo diễn Đinh Thái Thụy lại bị chê bai, phê bình gay gắt bấy nhiêu. Hy vọng, trong thời gian tới các nhà làm phim Việt sẽ có cái nhìn đúng đắn và “kỹ tính” hơn từ công tác chuẩn bị cho tới khâu phát hành để có thể “giữ chân” khán giả Việt với điện ảnh nước nhà.
Phim ‘Mỹ Nhân’ sẽ ra mắt tại các rạp trên toàn quốc vào 13/11/2015.