Được xây dựng từ năm 1861, nhà hát hơn 150 tuổi tại Vienna (Áo) được ghi nhận là một trong những nhà hát cổ xưa nhất vẫn còn hoạt động, đồng thời sở hữu một diện tích khổng lồ so với bất kỳ nhà hát opera nào trên thế giới.
Ngoài tên tiếng anh Vienna State Opera House (Nhà hát Opera thành phố Vienna), người ta còn được biết đến nhà hát nổi tiếng này bằng cái tên tiếng Đức ngắn gọn hơn - Wiener Staatsoper. Nó sở hữu tổng cộng 1709 ghế và các phòng đứng chứa được hơn 567 người. Ngoài việc là một trong những nhà hát opera lớn nhất thế giới, Vienna State Opera House còn là thành viên trong nhóm các nhà hát "bận rộn" với lịch diễn lên tới 350 buổi/năm.
Những soạn giả nổi tiếng như Gustav Mahler và Richard Strauss cũng đã từng "cầm trịch" vị trí nhạc trưởng trong lịch sử của nhà hát Staatsoper. Trước khi được cải tạo lại do ảnh hưởng từ chiến tranh thế giới thứ 2, nhà hát này từng được gọi là Vienna Court Opera, hay chính xác hơn là Wiener Hofoper. Ở thời điểm đó, Vienna vẫn còn là một phần của đế quốc Áo -Hung (Austro-Hungarian) do hoàng đế Franz Joseph I trị vì.
Wiener Staatsoper được khởi công từ năm 1861 và mất 8 năm để hoàn thành công trình này. Trái với sự nổi tiếng hiện nay, nhà hát opera này lại khá mờ nhạt với công chúng vào lúc địa điểm này mới xuất hiện. Mặt khác, nó còn bị lấn át bởi những công trình to lớn hơn như Heinrichshof - một khách sạn nổi tiếng, từng bị phá hủy vào thời kỳ Thế chiến II. Vở diễn opera đầu tiên của Staatsoper là vở Don Giovanni (do Mozart sáng tác) vào 25/5/1869.
Với sự xuất hiện của nhạc trưởng đại tài Gustav Mahler (1897 -1907) và các thế hệ nhạc trưởng kế tiếp, nhà hát lịch sử này đã dần dần khẳng định được dấu ấn của mình trong lòng mọi người, đồng thời không ngừng thay đổi sao cho phù hợp với các xu hướng hiện đại hơn.
Thế chiến II và hành trình "hồi sinh" của nhà hát
Nhà hát Staatsoper là một trong những địa điểm chịu sự tàn phá nặng nề trong suốt thời kỳ diễn ra Thế chiến II. Cổng chính, cầu thang và các bức họa trên tường vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đổi lại, khán phòng, sân khấu và hàng ngàn đạo cụ lẫn phục trang đều bị hư hỏng hoàn toàn. Vì vậy, các vở opera của nhà hát đã phải chuyển sang một địa điểm tạm thời trong suốt 10 năm chờ sửa chữa.
Vào năm 1955, nhà hát Staatsoper đã mở cửa trở lại và sở hữu diện tích lớn hơn rất nhiều so với trước. Vở diễn đầu tiên tại nhà hát mới là "Fidelio" của Beethoven và đây cũng là vở đầu tiên được phát sóng truyền hình.
Hiện tại, Staatsoper có số buổi diễn lên tới 350 buổi/năm và thu hút khoảng 600,000 lượt khách. Có tất cả 60 vở opera và ballet trong danh sách, được trình bày bởi 220 ca sĩ và 100 vũ công. 30 nhạc trưởng khác nhau sẽ phụ trách lèo lái cho các buổi biểu diễn. Ngoài ra, ở đằng sau cánh gà là khoảng 200 đôi tay thần kỳ có thể giúp sân khấu "biến hình" một cách nhanh nhất.
Với sự tiến bộ của streaming, nhiều vở diễn đã được phát trực tuyến trên internet thông qua những ứng dụng như iOS, Android và Amazon Fire. Đặc biệt, ở một số sản phẩm tv Samsung thì bạn còn có thể thưởng thức nội dung dưới định dạng 4K.
Những gian phòng đứng
Mặc dù giá vé bán ra khá đắt nhưng hầu như buổi diễn nào ở nhà hát Staatsoper cũng đều chật kín người. Trong một khoảng thời gian ngắn trước buổi diễn, bạn có thể săn được cho mình một chiếc vé đứng với mức giá dễ chịu hơn. Dĩ nhiên là bạn sẽ phải đứng xem từ khi bắt đầu đến kết thúc, nhưng điều đó là hoàn toàn xứng đáng.
Do các vở opera đều được trình bày bởi ngôn ngữ gốc, ban quản lý nhà hát đã lắp đặt thêm màn hình LCD hiển thị phụ đề với nhiều ngôn ngữ khác nhau tại các khu vực đứng và tất cả ghế ngồi.
Khi đến với thành phố Vienna, nếu không có thời gian tham dự một buổi biểu diễn, bạn nên đăng ký cho mình một chuyến tham quan vòng quanh nhà hát Wiener Staatsoper. Các chuyến tham quan nhà hát sẽ được tổ chức hàng ngày vào buổi chiều với một mức giá khá rẻ - chỉ 9 Euro (khoảng 250 nghìn đồng).
Nguồn: CNET.