Em là bà nội của anh là phiên bản Việt của bộ phim đình đám đến từ Hàn Quốc – Miss Granny, tuy nhiên khi đặt lên bàn cân so ...

Em là bà nội của anh là phiên bản Việt của bộ phim đình đám đến từ Hàn Quốc - Miss Granny, tuy nhiên khi đặt lên bàn cân so sánh bộ phim đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ngay từ khi ra mắt, Miss Granny nhanh chóng trở thành thương hiệu điện ảnh đáng tự hào của Hàn Quốc do hãng CJ Entertainment sản xuất. Với cốt truyện mới lạ, hài hước, dí dỏm tinh tế bộ phim đã chiếm được tình cảm của mọi khán giả ra rạp. Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều phiên bản ăn theo Miss Granny được tung ra như tại Trung Quốc, Nhật, Thái, Indonesia, Ấn Độ và Đức.

Do thành công vang dội của phiên bản Hàn hay Trung đã vô tình tạo ra áp lực và cái bóng to lớn cho Miss Granny phiên bản Việt với tựa đề Em là bà nội của anh. Nội dung phim xoay quanh nhân vật bà Đại (NSUT Minh Đức), 70 tuổi đã góa chồng và ở vậy nuôi con đến lúc nó trưởng thành và lập gia đình. Vì sự cách biệt về tuổi tác, lối sống, cách cư xử của cả ba thế hệ mà mâu thuẫn nảy sinh, trầm trọng nhất là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu (diễn viên Hồng Ánh).

Cảm thấy tủi thân vì không thể hòa nhập được với con cháu, một tối nọi, bà Đại bước chân vào tiệm chụp ảnh với ý định lưu giữ hình đẹp trước khi mình quá già nua, xấu xí để … làm ảnh thờ. Khi bước ra khỏi cửa tiệm, bỗng nhiên bà trẻ ra, trở về giai đoạn mười chín, đôi mươi. Bà lấy tên là Thanh Nga (Miu Lê) để theo đuổi ước mơ làm ca sĩ còn dang dở ngày xưa. Tình cờ, ban nhạc của cháu trai bà - Tùng (Ngô Kiến Huy) đang thiếu ca sĩ chính. Với giọng hát trời phú, Thanh Nga tham gia, giúp ban nhạc nổi tiếng. Từ đó, nhiều chuyện dở khóc dở cười bắt đầu. Tính cách chín chắn, mạnh mẽ, Thanh Nga khiến ba người đàn ông chết mê chết mệt vì mình: đứa cháu trai ngốc - Tùng, ông Bé (NSƯT Thanh Nam) và nhà sản xuất âm nhạc điển trai Mạnh Đức (Hứa Vỹ Văn).

Sau hai buổi công chiếu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Em là bà nội của anh nhận được rất nhiều lời khen vì bám sát kịch bản gốc, dàn diễn viên diễn xuất đồng đều, chuyện phim hóm hỉnh mà ý nghĩa sâu cay. Thế nhưng, đối với những người đã từng thưởng thức bộ phim gốc thì lại thấy ngán ngẩm khi phiên bản Việt giống hệt đến từng khuôn hình, tình tiết, câu thoại, nhiều người cho rằng chẳng khác gì được xem lại Miss Granny nhưng lệch tông về chất lượng.

Ngay cả đến chiếc ô màu tím cũng được Em là bà nội của anh "nhại" lại nhưng màu mè và có phần quê mùa hơn.

Sự cố gắng Việt hóa của bộ phim không phải là không có, nó thể hiện qua những chi tiết hình ảnh nhỏ như gian nhà ngói, lũy tre làng, áo dài… nhưng lại lệch lạc và gượng ép với những khung hình của đời sống hiện đại trong thế kỷ 21. Không những thế, bà Đại được xây dựng hình ảnh như một phụ nữ nghèo miền Bắc, với bối cảnh đậm chất Bắc Bộ nhưng sau khi trở lại thành cô gái trẻ, cách ăn mặc của bà lại y hệt một quý cô miền Nam trước 1975. Lại một lần nữa phim Việt Nam lại cẩu thả và kém thông minh trong việc xử lý phục trang cho phù hợp bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh nhân vật.

Về phần diễn xuất của cô nàng Miu Lê, dù sao kinh nghiệm diễn xuất của cô chưa nhiều nên sự thể hiện của cô có thể nó là ở mức chấp nhận được chứ không thể nói là xuất sắc. Nếu so Miu Lê với Shim Eun Kyung của phiên bản Hàn Quốc thì quả là khập khiễng. Sự “làm lố” của cô thể hiện rõ trong cách nói nhái giọng miền Bắc khô cứng, hay với dáng đi lòng khòng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện xuyên suốt chiều dài phim.

Phiên bản làm lại của Trung Quốc được đánh giá là không thua kém gì bản gốc.

Một số khán giả dễ tính và fan hâm mộ của bộ phim thì lên tiếng bào chữa rằng có thể đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phải chịu sự gò bó từ bản quyền hợp đồng từ phía Hàn Quốc nên đã “vô tình” quên mất phải tạo dấu ấn cá nhân trong tác phẩm của mình. Dù cho có bê nguyên si kịch bản gốc thì Em là bà nội của anh vẫn tạo được tiếng vang và khiến nhiều người xem cùng khóc, cùng cười với nhân vật trong phim. Hơn nữa, phần âm nhạc của phim thật sự đáng khâm phục, đem khán giả trải qua mọi cuộc hành trình của con tàu thời gian qua các bài hát của Trịnh Công Sơn, trích đoạn cải lương, vọng cổ, rock, pop.

Giá mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có thể “mạnh tay” cải biên nhiều chi tiết hơn để phù hợp với phông văn hóa Việt Nam, đồng thời tạo dấu ấn cá nhân riêng, giá mà đội ngũ biên kịch bỏ công sức đầu tư và chăm chút kĩ lưỡng hơn trong việc tái dựng kịch bản, thì có lẽ Miss Granny sẽ được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam thực thụ, chứ không chỉ là một bản nháp dở dang và non tay nghề.

Ảnh: Internet