Xăm ở Tây Tạng? Tại sao không? Khi bạn chỉ có một cơ hội, duy nhất trong đời. Duyên đã đưa bạn tới những thánh địa thiêng liêng nhất, được hít thở, được chiêm ngưỡng nghệ thuật Mật tông cổ xưa nhất của Tibet, tại sao không hưởng những gì bạn được ban tặng? Con người chỉ được sống một lần trong đời, và tôi cũng đã xăm hình đầu tiên trong đời tại Lhasa- thủ phủ của Tibet!
Xăm vì lý trí hay vì cảm tính?
Thời xưa, tôi thấy ông bố tôi có hình xăm một con cái voi trên cánh tay. Tôi nghĩ, ông cũng là một dân chơi đấy. Lâu lâu, tôi lại thấy một vài người lính xuất ngũ, có những dòng chữ, hình xăm, mà khi đọc xong, buộc tôi phải nghĩ đôi chút về người ta. Vậy hình xăm phải chăng chính là một dấu hiệu để nhận biết con người, cho dù chỉ là một thoáng thoảng qua?
Xin không dám lạm bàn về có nên có tatto hay không, và tatto phản ánh con người, bởi đôi khi, “tưởng vậy, mà không phải là vậy”. Tôi biết đã có những anh bạn tìm cách xóa đi hình xăm của một đôi phút nông nổi, xăm chỉ vì “đú” chúng bạn, chứ cũng chẳng phải vì cái gì mà xăm. Thôi, ta không lạm bàn.
Quay trở lại, khi được tin chính thức, mình sẽ lên đường đi Tây Tạng, tôi đã nung nấu ý nghĩ, kiểu gì cũng phải có một hình xăm mang dấu ấn của đất nước ấy, đất nước linh thiêng với một hành trình chắc gì đã có lần thứ hai.
Người Tibet đón đoàn chúng tôi tại sân bay Lhasa, thân thiện choàng lên vai mỗi người một chiếc khăn lụa trắng, hai tay chắp vào nhau và nở nụ cười làm cho cả đoàn đâm ra thấy hồ hởi phấn khởi. Dọc đường tới khách sạn mang một cái tên cũng khá đặc trưng: Hotel Mandala- Chúng tôi được ngắm cảnh hai bên đường. Giá là mùa thu, hàng cây ven đường ngả màu vàng, trời trong veo xanh ngăn ngắt chẳng khác gì con đường mùa thu trong mơ. Lạ nhất là những tảng đá chồng lên nhau, chúng được vẽ lên đó hình cầu thang bằng vôi trắng. Sau này tôi mới biết hình thang đó như biểu tượng để kết nối giữa người sống và người ở cõi trên. Ngoài chữ Ommanipadmehum, những hòn đá có hình vẽ chiếc thang dựng đứng có rất nhiều dọc đường. Mới nhập môn nhẹ nhàng như vậy, chúng tôi về nghỉ ngơi chuẩn bị giữ sức khỏe cho chuyến thăm cung điện Potala và chùa Jokhang – những di sản thế giới và đều là nơi thờ cúng linh thiêng của người dân Tây Tạng…
Mặc cho sự bồng bềnh do tác dụng phụ của viên thuốc chống sốc độ cao đem lại, mặc cho cơn chóng mặt nhẹ do sự thay đổi độ cao, tôi khá lo lắng, bởi mình chỉ ở Lhasa có 2 ngày, mà đã mất nguyên ngày cho Potala. Ngày mai sẽ là Jokhang và chợ Barkhor- nơi mà khi ở Việt Nam, tôi đã cố thử tìm search trên google các thông tin về nơi nào có thể xăm được cho mình. Thời gian có hạn, mà khu chợ Barkhor nơi tôi đã lùng sục suốt cả buổi chiều, để đến nỗi 9 giờ tối mới về tới khách sạn, lên cơn sốt vì tuy 9 giờ tối mặt trời mới lặn nhưng nhiệt độ đang từ ấm áp trở nên rất rất lạnh. Vội vàng đổ gói mỳ tôm có sẵn ở khách sạn, tôi cố húp nước mỳ thần thánh mà bình thường thì sợ ăn chết khiếp vì mặt dễ bị mọc mụn hoặc do thông in ăn nhiều mỳ tôm khó tránh khỏi bị ung thư. Bình thường thì không ăn mỳ tôm, nhưng do có kinh nghiệm của một bà chị dân đi chuyên nghiệp truyền lại, nếu mệt sốt và không thể ăn đồ địa phương, nên nấu mỳ tôm và húp nước khi thật nóng, chúng sẽ giúp nhiệt trong cơ thể được nhanh chóng phục hồi. Tống thêm một viên Efferagan, tôi tự nhủ, bằng giá nào, mình cũng không thể ốm, không thể sốt.
Lùng sục tiệm xăm
Chuyện đi Tây Tạng kể ra thì khó ai tin. Có đoàn đi thì cụ già 70 tuổi đi phăm phăm chả vấn đề gì, nhưng anh thanh niên 25 tuôi lại phải đi cấp cứu bệnh viện, và hành trình (tốn tiền, và cơ hội chỉ có 1 lần của anh coi như đi đứt). Chẳng ai có thể nói trước được điều gì, hay như đoàn của tôi, các chị phụ nữ chẳng bao giờ phải thở tí oxy nào, cho dù cũng có lúc cảm giác đau đầu chóng mặt, và dây thần kinh căng như dây đàn, nhưng rồi cũng qua, trong khi có mấy anh thanh niên trai tráng khỏe mạnh, lại là những người hay phải dùng bình oxy nhiều nhất. Riêng tôi, trước khi lên được, có hỏi kinh nghiệm một cụ chùa, cụ dậy:”Con cứ đi nhẹ, nói khẽ, thiền từng bước chân, không được đi tham lam, bình tĩnh và từ tốn”… Nghiệm ra thấy đúng, các anh nhiếp ảnh hầm hố xăm xăm đi, ham chụp nên nhiều khi đi quá đà… Lúc đó, không khí loãng ở nơi có độ cao nhất thế giới dễ gây ảnh hưởng tới những người ở miền đất khác, gây sự thiếu hụt oxy làm cho người có cảm giác khó thở thiếu dưỡng khí. Có anh tự dưng phát bệnh, những căn bệnh rất bình thường, thậm chí hơi nực cười như: Đau răng, đi té tỏng… nhưng cái gì nó cũng bị “quá” khiến cho người ta chẳng thể hoạt động bình thường được…
Tôi và cô bạn (Tôi rủ xăm cho có đồng bọn), cô rất nhiệt tình tìm thông tin search trên net, đã phát hiện ra một tiệm tatto ngay trong chợ Barkhor. Thông tin thật tuyệt. Vậy là tôi có hy vọng thực hiện được ý muốn “cháy bỏng” của mình. Hai đứa đi dò thực tế trong chợ Barkhor, nơi có những gian hàng của người Tạng, người Hán kinh doanh. Sắp tuyệt vọng. Bạn tôi đã chán tìm, chúng tôi chia tay mỗi đứa một ngả chỉ hẹn nhau sau 2 tiếng nữa gặp nhau ở đầu chợ để cùng về. Mỗi đứa lại lang thang một nơi. Tôi dò google map, phải đi qua Snowland Hotel ở khu vực chợ Barkhor mới có thể tới được tiệm đó. Nhưng tôi nào có tìm ra được Snowland đó đâu, dân Tạng thì không biết chữ Hán và cả tiếng Anh… Tắc tị…
Tôi quyết định không tìm. Kệ tùy duyên…
Lang thang trong khu chợ đông đúc, la cà sắm sửa hàng chục chuỗi hạt xanh đỏ đủ màu đặc trưng Tibet… Tôi đã bắt đầu ê ẩm chân tay. Rồi đến lúc đi qua một cửa hàng có chiếc cửa xinh quá, ngẩng đầu lên thì… ối giời, đúng nơi mình đang tìm. Bỗng dưng thấy hồi hộp. Giữa trưa, đẩy cửa bước vào, thấy tiệm khá ấn tượng bởi cách bài trí mang phong cách riêng. Một người nằm trùm chăn trên ghế, một con mèo lười nằm bên cạnh. Cái nhìn đầu tiên của tôi là quan sát toàn bộ không gian tiệm tattoo. Nào, có quyết định xăm không đây. Rút lui vẫn còn kịp… Xăm một cái gì đó trên cơ thể, khi cha mẹ tổ tiên đã ban cho ta một cơ thể hoàn chỉnh đã là đáng quý, làm gì xâm phạm vào đó, là cái tội, ai đó đã nói vậy. Mà không biết thủa xưa, chỉ có kẻ tội đồ mới bị xăm, bị thích lên trán, lên người hay sao?
Lý trí lại bắt đầu trỗi dậy, nhưng con tim thì lại tha thiết. Chẳng phải mình đã tới được một đất nước linh thiêng, có những giá trị nghệ thuật Phật giáo đảo lộn hết tất cả những gì đã nhận thức được. Choáng ngợp là cảm giác đầu tiên, khi được chiêm ngưỡng những công trình kỳ vĩ thiêng liêng của con người nơi vùng đất cao nhất thế giới ấy. Dường như họ ở cõi nào đó, và đang bị đày xuống trần gian này mà thôi, họ sẽ phải chịu khổ một thời gian, nhưng đừng biến mất, cả nền văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao ấy mà vì lý do nào đó bị biến mất, hay bị biến đổi thì thật là đáng tiếc.
Đôi mắt huệ nhãn sẽ theo tôi suốt đời
Xong nhỉ, ngồi xăm giữa Barkhor, ngay cạnh kia là chùa Jokhang, hay còn gọi là Đại chiêu- một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất của người Tạng. Thoảng đâu đây trong không gian còn mùi bơ mùi nến sáp từ bò yak… Đi giữa dòng người Tạng, chứng kiến cảnh Tam bộ nhất bái giữa lính canh mà lòng thấy quặn đau… Chẳng có lý do gì mà không tạo một dấn ấn ngay trên da thịt mình, những gì sâu đậm nhất về một vùng đất huyền bí.
Anh bạn trẻ tuổi, ăn mặc theo dáng dấp hiện đại, cổ đeo mấy chiếc dây chuyền giở cuốn catalogue chỉ cho tôi xem, khi vốn tiếng Anh ít ỏi của cả hai rồi cũng hiểu ra, khách muốn xăm cái gì đó mang dấu hiệu Phật giáo, những gì đặc trưng và tiêu biểu nhất của Tibet.
Trước khi tới đây, tôi hay hình dung tiệm xăm hơi… “thổ dân”, huyền bí một chút, xong có lẽ, tiệm tattoo này khá ấn tượng, nhưng không giống tôi hình dung trước kia. Nhưng thôi, người ta ở vùng đất Phật, hưởng ân huệ nghe tiếng chuông tiếng kinh kệ tiếng nhạc, mọi thứ thấm đẫm vào người, họ sẽ tạo cho tôi những nét bay bổng của người vùng đất đó. Tôi quyết định chọn đôi mắt Phật Tây Tạng.
Nếu bạn quan sát kỹ, sẽ thấy Phật Tây Tạng khác nơi khác, đó là ngài có 3 mắt. Con mắt ở giữa, thường được coi là huệ nhãn, nơi khai mở tâm thức và nhiều thứ nữa mà bạn có thể tự tìm hiểu. Tóm lại, với nghệ thuật Tibet, đôi mắt đức Phật được thể hiện rất đẹp và nhiều ý nghĩa. Đôi mắt huệ nhãn được thể hiện ở nhiều nơi, từ chùa, tới những tờ lịch, quán bar cũng có hình vẽ đôi mắt huệ nhãn trên tường. Chứng tỏ, nó rất thiêng liêng và quen thuộc, sát cánh cùng hơi thở của người Phật tử, cùng trợ giúp họ được che chở bình an.
Tôi không chọn chữ Om hoặc toàn bộ Ommanipadmehum, cũng không chọn một trong Bát cát tường. Không phải những hình đó không đẹp hay không có ý nghĩa, nhưng tôi muốn để lần sau, để mình còn có cớ hy vọng vào lần sau sẽ tới được nơi này và xăm những dấu hiệu đó.
Anh bạn người Tạng vẽ mẫu cho tôi một hình huệ nhãn. Không được to quá, tôi muốn nét thanh, và nhỏ. Chọn vị trí xăm ở đâu cũng là một vấn đề nan giải. Xăm ở đâu, để không “phạm”? Khi bạn xăm những biểu tượng Phật giáo lên cơ thể, bạn cũng nên suy nghĩ cẩn thận. Nên xăm ở những chỗ được cho là “sạch sẽ”, ít “phạm” nhất. Mọi thứ chỉ là tương đối, thế nên Phật tại tâm… Tâm mình như nào, Phật chứng, trời chứng là được. Tôi quyết định xăm lên bả vai phải. Chỗ dường như là sạch sẽ nhất, ít bị tiếp xúc nhất. Một đôi mắt huệ nhãn, sẽ theo tôi đến cuối đời.
Nét xăm thanh thoát, sắc sảo. Đến giờ là gần 5 năm trôi qua, nhưng dường như nó chẳng phai mờ một chút nào, vẫn nét căng!
Xăm xong hình, từ giờ, hình như tôi đã là người khác, tôi như mang trong mình một bí mật, bởi tôi xăm, không cốt để “show”, mà chỉ để đánh dấu một quãng đường mình đã sống, một nơi mình đã đến, một tâm thức mình đã cảm được. Vậy thôi.
Anh em trong đoàn thích lắm, và thường nói: “Nhất cô”. Tôi tủm tỉm cười. Vấn đề là các anh thích đến đâu? Bởi lúc tôi rủ rê cả đoàn, ai cũng thích, ai cũng ok nhưng đến lúc đi tìm tiệm xăm, thậm chí, tôi gọi đến tận nơi, thì lại chẳng ai quyết cả! Anh bạn tôi khi về Việt Nam cũng xin lấy hình đôi mắt huệ nhãn để xăm, nhưng là xăm ở Hà Nội, một điều mà khi anh có cơ hội xăm ở Tibet, anh đã không làm. Mọi sự, tùy duyên nhỉ.
Cuối cùng, tôi cũng chưa dám ước có được hình xăm thứ 2 ở Tibet, nhưng nếu có cơ hội, sẽ là một hình Kiết Tường Kết, tượng trưng cho tâm của Đức Phật, còn gọi là vô tận kết. [Không có đầu cũng chẳng có đuôi, nên biểu thị như hai chữ vạn tạo thành, nguyện hết tất thẩy sinh thành tựu mọi thắng duyên]. Không biết đúng sai thế nào, nhưng cứ thấy Kiết tường kết, là tôi nhớ tới kinh Bát Nhã, thời kinh mà tôi “ưa thích” nhất bởi “sắc bất dị không, không tức thị sắc”, làm sao hiểu và chấm dứt được mọi phiền não của cuộc sống!