Deepwater Horizon là một câu chuyện kinh hoàng gói gọn trong 108 phút hoang mang tột độ, nghẹt thở và chết chóc nhưng cũng đồng thời khiến khán giả nể ...
Deepwater Horizon là một câu chuyện kinh hoàng gói gọn trong 108 phút hoang mang tột độ, nghẹt thở và chết chóc nhưng cũng đồng thời khiến khán giả nể phục trước tinh thần quả cảm của 126 công nhân trong thảm họa giàn khoan lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Ngày 20/04/2010, nước Mỹ nói chung và những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác dầu nói riêng có thêm một “vết sẹo” mới mang tên Deepwater Horizon. Nếu con số hơn 50.000 thùng dầu thô tràn ra bờ biển Vịnh Mexico, giàn khoan nặng 52587 tấn bị thiêu rụi, 11 công nhân tử nạn cùng nhiều hệ lụy về môi trường, chưa đủ để bạn run sợ trước thảm họa nhân tạo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ thì hãy cùng trải nghiệm 108 phút với Deepwater Horizon: Thảm Họa Giàn Khoan.
Cách khoảng 40 dặm ngoài khơi vùng biển Louisiana, một giàn khoan nước sâu có tên Deepwater Horizon của công ty Thụy Sĩ Transocean đã được xây dựng bởi công ty khai thác dầu khí của Anh BP. Được đóng ở Hàn Quốc, giàn khoan này rộng tương đương một sân bóng đá, cao bằng tòa nhà 25 tầng và đủ đáp ứng cho 146 công nhân làm việc trên đó. Một thành tựu vĩ đại về công nghệ, về trí thông minh và sức lao động của con người.
Điều mà không ngời tới là “cỗ máy hủy diệt” có thể chạm tới “mỏ vàng” sâu nhất trong lòng đại dương lại có ngày sụp đổ bởi chính bàn tay con người. Những hệ quả để lại là không tưởng, chúng được báo đài khai thác và bàn luận trong nhiều năm qua nhưng câu chuyện về 11 gia đình mất đi người thân và những công nhân đã đối mặt giây phút sinh tử đó tới nay mới được kể trên màn ảnh rộng.
Deepwater Horizon: Thảm Họa Giàn Khoan áp dụng cùng công thức của một biography drama đó là mở đầu nhẹ nhàng nhưng kết thúc thì kinh hoàng. Điểm xuất phát và gợi mở luôn là những “dấu hiệu”: lon nước ngọt phun trào, động cơ xe phát nổ hay các phát ngôn vu vơ, “gở mồm” của nhân vật đều khiến người ta liên tưởng tới một cơn chấn động phía sau.
Nếu một tác phẩm đi theo lối mòn và kịch bản dựa trên câu chuyện có thật thì phải chăng bất kỳ đạo diễn nào cũng có thể “nhào nặn” ra một tác phẩm gay cấn như Deepwater Horizon: Thảm Họa Giàn Khoan ư? Không! Điều khiến tác phẩm nổi bật so với hàng ngàn bộ phim cùng thể loại đó là chiều sâu trải nghiệm – thật may đây lại là sở trưởng của Peter Berg. “Tôi muốn cho khán giả cảm nhận họ không hẳn đang ngồi trong rạp chiếu phim mà điều tôi muốn là đưa họ đến với những trải nghiệm thực sự ngoài cuộc sống. Tôi muốn họ đắm mình vào những cảnh hành động và cảm xúc. Khi cao trào qua đi, tôi muốn mọi người cảm nhận như chính họ vừa trải qua sự việc đó”, đạo diễn chia sẻ.
Không hề nói suông, Peter Berg cùng đoàn làm phim đã cho xây dựng một giàn khoan lớn giống đến 85% giàn khoan thật ở bãi đậu xe của một công viên giải trí bỏ hoang ở Louisiana. Các chi tiết được tái tạo tỉ mỉ tới nỗi Mike Williams, cựu kỹ sư trưởng của Deepwater Horizon đồng thời là nhân chứng sống thừa nhận: “Tất cả đều chi tiết, từ thứ lớn cho tới thứ nhỏ như các lọ muối và lọ tiêu trong bếp".
Vị kỹ sư trưởng chính là người cuối cùng rời khỏi giàn khoan đang “vẫy vùng” trong biển lửa, anh đã tham gia quá trình quay phim và hướng dẫn nam diễn viên Mark Wahlberg (người thủ vai Mike Williams) thể hiện mọi điều, mọi diễn biến xảy ra vào thời khắc định mệnh ấy.
Ban đầu, khi Mike Williams được tiếp cận về dự án, anh đã do dự về việc sẽ bị đưa vào làm nhân vật chính trên phim như một anh hùng. Đạo diễn Peter Berg nói: "Anh ấy đã rất lo lắng về những gì được gọi là "ăn cắp sự dũng cảm". Anh ấy muốn chắc rằng chúng tôi đã không gán cho anh ấy hàng loạt những việc mà mình không làm, hoặc là bất kỳ điều gì biến anh ấy thành anh hùng hơn những người khác trên giàn khoan, và tôi tôn trọng điều đó".
“Chủ nghĩa anh hùng cá nhân” không phải là điều mà Deepwater Horizon hướng tới. Đây là bộ phim về thảm họa, có mất mát, có đau thương, nó trái ngược với Cơ Trưởng Sully, bộ phim cùng thể loại nhưng lại nói về một phép màu, tất cả mọi người cùng sống sót và mang trong mình một hy vọng về phép màu, về một “đấng cứu thế” mang tên Sully.
Khác với góc quay nét căng và chắc chắn dưới định dạng IMAX trong Sully, Deepwater Horizon tập trung quay cận cảnh, từng khuôn mặt, bàn tay, cái cốc, cái chén đều ngay sát màn hình và rung chuyển nhẹ, như thể là một bộ phim kinh dị found footage (máy quay cầm tay, rung lắc tự nhiên, tạo cảm giác chân thật) thường thấy. Cũng chính vì thế từng “cơn mưa” dầu phun trào, dội thẳng mặt những người công nhân hay ngọn lửa bùng phát, bủa vây cả một công trình vĩ đại, con người gào thét, mò mẫm trong đống dầu nhớt, chống chọi với sức nóng và những vật thể gây chết người đổ ập tới lúc nào không hay, lại có thể bóp nghẹt cảm xúc của từng người xem.
“Cái chết” đầy đau đớn và quằn quại của Deepwater Horizon như là một lời cảnh báo về lòng tham của con người. Nếu như đại diện công ty BP – Donald Vidrine đặt mạng sống của 126 công nhân lên trước và lắng nghe sự lo ngại và tin vào kinh nghiệm của các kỹ sư và công nhân trong đội Jimmy Harrell (do Kurt Russell thủ vai) thì có lẽ thảm họa đã không xảy ra. Phải chăng áp lực về đồng tiền đã đẩy con người đến với chữ “liều” bất chấp mạng sống của bản thân và người khác?
Nhìn chung, tuy không phải là một tác phẩm mang tính đột phá về nghệ thuật, nội dung hay diễn xuất nhưng Peter Berg cùng đoàn làm phim đã hoàn thành xuất sắc một bộ phim tiểu sử, một câu chuyện có thật được tái hiện không chút dối trá từ hành động cho tới cảm xúc. Trải nghiệm có chiều sâu và làm nổi bật về 126 con người quả cảm đó là điều màng Deepwater Horizon mang lại cho mỗi khán giả mỗi khi ra về.
Deepwater Horizon (Thảm Họa Giàn Khoan) đang được trình chiếu tại các rạp CGV trên toàn quốc với các định dạng 2D và IMAX.