Nhảm, nhạt và vô duyên là 3 từ chính xác để nói về tình trạng chung của những bộ phim hài phục vụ cho dịp Tết 2016. Ranh giới giữa đùa ...
Nhảm, nhạt và vô duyên là 3 từ chính xác để nói về tình trạng chung của những bộ phim hài phục vụ cho dịp Tết 2016.
Ranh giới giữa đùa “tục tĩu” và “tinh tế”
Những câu thoại hài hước về “chuyện ấy”, “cái ấy” chẳng còn xa lạ trong các tác phẩm hài Việt Nam, và ngày trở nên nhan nhản trong các băng đĩa hài bày bán ngoài chợ. Nhưng việc liên tục khai thác sâu vào chủ đề chốn phòng the, các tình tiết hài về bộ phận “nhảy cảm” khiến không ít người lớn phải “đỏ mặt” khi ngồi cùng lớp trẻ, lâu dần sẽ trở nên phản cảm, thô tục.
Chuyện bà Tri huyện nhìn lén quần rách của người ở Chôn nhời 3, cho đến chuyện đo ba vòng của Đại gia chân đất 6 rồi đến chuyện nhí nhảnh tòm tem của cặp đôi trai gái đang hẹn hò trong hài Tiền đồ đều bị đánh giá là vô duyên, tạo hình ảnh xấu, suy nghĩ tồi cho điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là thể loại hài.
Những kịch bản theo kiểu “bình cũ, rượu cũ” này khiến khán giả thắc mắc, phải chăng đội ngũ biên kịch lại “nghèo nàn” ý tưởng như vậy sao?
Tranh thủ quảng cáo quá lộ liễu và phô
Việc tận dụng phim ảnh để quảng bá thương hiệu là điều mà tác phẩm nào cũng làm. Không thể trách được vì đấy là “miếng cơm, manh áo” quan trọng của ê-kip làm phim và nhà sản xuất.
Thế nhưng, các phân đoạn quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc, hình ảnh và logo sản phẩm liên tục làm gián đoạn giờ phút xem phim khiến người xem tỏ ra bất bình.
Điển hình như đĩa hài Tiền đồ, hình ảnh một cái siêu thị điện máy khổng lồ được chen ngang bộ phim cùng thông tin sản phẩm không thể chi tiết hơn. Các nhân vật trong phim như Chiến Thắng còn tích cực lui tới siêu thị, giao lưu với ông chủ, nhằm nhấn mạnh thương hiệu được nhiều lần.
Diễn viên cũ “nhàm chán”, diễn viên mới “cứng đơ”
Bất cứ khán giả Việt nào cũng có thể dễ dàng nêu tên những “cây đại thụ” của làng hài Việt như Xuân Hinh, Tự Long, Công Lý, Quang Tèo, Giang Còi, Hồng Vân, Chí Trung… Thế nhưng các nghệ sĩ gạo cội này luôn bị định hình trong một vai diễn khuôn mẫu, lặp đi lặp lại và trở nên vô cùng nhàm chán.
Hơn nữa, việc sử dụng đi, sử dụng lại những gương mặt thân thuộc này trong loạt băng đĩa hài, điển hình như anh nông dân Quang Tèo, người ta bắt gặp thấy khuôn mặt anh ở khắp các bao bìa băng đĩa phim gồm Đại gia chân đất 6, Tiền đồ, Làng ế vợ, hay Trung Hiếu diễn luôn Đại gia chân đất 6 cùng Trở lại, hoặc như Chiến Thắng cũng “xơi” trọn Làng ế vợ, Tiền đồ và Đại gia chân đất 6.
Còn những gương mặt mới thì sao? - Hoàn toàn chưa lấy được lòng khán giả. Ví dụ như trong sản phẩm hài Trở lại, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã chọn DJ nóng bỏng Trang Moon, nhưng sau khi xem những gì cô thể hiện, khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì người đẹp chỉ biết phô trương hình thể ba vòng mơn mởn chứ chưa biết cách diễn hài.
Kết: Không khó để tìm cho mình một sản phẩm hài được bày bán ở chợ băng đĩa, thế nhưng thật khó để tìm ra một tác phẩm chất lượng thật sự, một tác phẩm hài khiến người xem tâm đắc và ngẫm nghĩ vì sự sâu cay, vì sự dí dỏm tinh tế. Song, việc thiếu kinh phí đầu tư và sự “thờ ơ” từ phía Cục Điện ảnh cũng như khán giả Việt cũng là bài toán nan giải, là áp lực vô hình đối với người nghệ sĩ hài cũng như phía nhà sản xuất và đội ngũ biên kịch.