“…giờ này thương xá sắp đóng cửa…, giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi…”, lời thơ Tô Thùy Yên đẹp như một câu ...
“…giờ này thương xá sắp đóng cửa…, giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi…”, lời thơ Tô Thùy Yên đẹp như một câu chuyện cổ tích, diễn xướng trên nền nhạc slow khiến bài hát như một khúc du ca thành phố. Tựa bài là “Chiều trên phá Tam Giang”, nhưng toàn bộ nội dung bài hát lại đặt trong khung cảnh của Sài Gòn. Bài hát như một cuốn phim quay chậm, rõ nét về một Sài Gòn xưa. Những khung hình cắt quãng, tưởng như rời rạc, nhưng tất cả đều liên tưởng đến một thành phố có vỏ - ngoài - bình - lặng - giữa - chiến - tranh. Những hình ảnh liên tiếp hiện ra, sống động và biểu cảm tựa như một người đang đứng ở đâu đó rọi kính tiềm vọng vào Sài Gòn xưa mà soi, mà ngắm từng góc cạnh của thành phố với lòng miên viễn bất tận.Ngọc Lan - Duy Quang thể hiện Chiều trên Phá Tam Giang
Vẫn đó hình ảnh một Thương xá không khỏi làm người nghe liên tưởng tới Thương xá Tax già nua vừa biến mất đầy tiếc nuối: “giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang…”. Hình ảnh cô sinh viên hiện ra như một motiff điển hình của nữ sinh Sài Gòn xưa: “Giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi…”
...giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi...
Một Sài Gòn hoa lệ, sôi động nhưng đầy bất ổn giữa chiến tranh: “Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm. Sài Gòn không còn buổi tối nữa”. Một “căn phòng nhỏ, cao ốc vô danh” như một điển hình của giới trí thức trẻ khởi nghiệp ở Sài Gòn thời tao loạn. Thấp thoáng đâu đó hình bóng một Đinh Hùng, một Trịnh Công Sơn, một Nguyễn Ánh Chín,... lặng lẽ lao động nghệ thuật trong cái ồn ào của thành phố hoa lệ bậc nhất Viễn Đông thời ấy.Tác giả (Trần Thiện Thanh) thể hiện Chiều trên Phá Tam Giang
Chiến tranh, thảm kịch bi đát nhất mà con người có thể gây nên, là nỗi ám ảnh thường trực tới bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Ngay cả giữa một Sài Gòn hoa lệ, người con gái bất chợt: “Giờ này thành phố chợt bùng lên, em giòng lệ bất giác chảy tuôn. Nghĩ tới một điều em không rõ, nghĩ tới một điều em không dám nghĩ. Đến một người đi giữa chiến tranh. Lại nghĩ tới anh…”
... giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang...
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, song khi nghe lại những giai điệu trữ tình này, hẳn những người “đi giữa chiến tranh” không khỏi lặng mình suy tưởng. Người Nhật vẫn dạy trẻ em vỡ lòng rằng: “Nước ta là một dân tộc bất hạnh…” để nhắc nhở con em họ về sự tàn khốc của chiến tranh, của sự hủy hoại môi sinh. Có lẽ, Việt Nam cũng là một trong những dân tộc bất hạnh khi không có thế kỷ nào không ghi dấu ấn bằng một cuộc chiến tranh. Và những hệ lụy của hậu chiến còn khủng khiếp gấp ngàn, vạn lần tổn thất thời chiến. Một Chiều trên phá Tam Giang như bình lặng, như êm đềm nhưng ẩn chứa nỗi niềm thời cuộc sôi sục. Họ đã sống, đã yêu, đã ám ảnh như vậy đó.Chiều trên phá Tam Giang - Thơ: Tô Thùy Yên
Chiều trên phá Tam Giang
anh chợt nhớ em
nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ
đến bất tận
em ơi
em ơi
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm
ôi Sài Gòn Sài Gòn giờ giới nghiêm
ôi Sài Gòn Sài Gòn mười một giờ vắng yên
ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối
Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
rồi nghĩ tới anh
rồi nghĩ tới anh
nghĩ tới anh
Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng hiên sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè như đóa hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao
Giờ này thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ bất giác chảy tuôn
nghĩ tới một điều em không rõ
nghĩ tới một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh
lại nghĩ tới anh
nghĩ tới anh.
... miên viễn từ Phá Tam Giang...