Những tác phẩm kinh điển của Trịnh Công Sơn được làm mới một cách duyên dáng trên giai điệu của jazz, một thứ jazz thuần khiết chất Âu; chất lượng ghi âm ở đẳng cấp của những CD tham chiếu đã khiến Này Em Có Nhớ với tiếng hát Đồng Lan trở thành hiện tượng. Thành công trên ấn bản CD là tiền đề để thời gian tới nhà sản xuất tung ra thị trường Này Em Có Nhớ phiên bản đĩa nhựa.
Với hàng trăm ca khúc và vô số tuyệt phẩm, kho tàng của Trịnh Công Sơn luôn là đề tài khai thác bất tận, và cực kỳ hấp dẫn. Người hát Trịnh nhiều lắm, tiếc là người làm mới được nhạc Trịnh, nhất là những tác phẩm kinh điển lại cực hiếm. Bởi vậy những diễn xướng nhạc Trịnh trong hàng chục năm qua hầu hết vẫn mang một âm điệu na ná, có khác chăng, là giọng hát. Nhưng hát Trịnh mầu sắc ấy, mấy ai qua được Khánh Ly?! Vẫn lối dựng tác phẩm theo mầu sắc của slow rock, blues rock phủ lên nhạc Trịnh một mầu não nùng, u buồn. Nó khiến người ta lâu lâu mới nghe thì được, và cũng không có gì mới.
Mới mẻ và khác biệt lại là tiêu chí hàng đầu của nghệ sỹ, đặc biệt là những nghệ sỹ lớn. Nó mang đến một tinh thần mới, năng lượng mới và cả sự giải trí mới cho khán giả. Mỗi tác phẩm viết ra không phải để "chết" với một cái tên. Nếu đã biết Crazy, khó có thể nói rằng Willie Nelson, Patsy Cline hay Julio Iglesias phiên bản nào xuất sắc hơn. Mỗi nghệ sỹ lớn đều biến Crazy thành một tuyệt phẩm với màu sắc khác biệt rõ rệt của country, jazz và pop.
Trước khi nghe CD Này Em Có Nhớ với tiếng hát song ngữ Pháp - Việt của Đồng Lan cùng nhóm jazz nhạc đến từ Cộng hòa Pháp, tôi đã sợ. Nỗi sợ có điều kiện trong môi trường âm nhạc bung nở với các sản phẩm nửa vời. Những tuyên bố trên báo chí, những khẳng định chắc nịch, những màn PR chuyên nghiệp kích thích trí tò mò của thính giả đến cực điểm và trả lại cho họ nỗi thất vọng thường trực. Nhưng, Đồng Lan hoàn toàn khác biệt. Và dự án âm nhạc hợp tác với các nghệ sỹ jazz của Pháp đã đưa nhạc Trịnh tới một không gian mới của cộng đồng âm nhạc thế giới không chỉ bằng ngôn ngữ Pháp, mà quan trọng hơn là ngôn ngữ của jazz - thứ jazz thuần khiết không chút khiên cưỡng.
Đây có lẽ là lần đầu tiên, những tác phẩm kinh điển như Này Em Có Nhớ, Ngẫu Nhiên, Hạ Trắng, Vết Lăn Trầm, Cát Bụi, Hãy Yêu Nhau Đi... được thể hiện trong màu sắc của jazz mà khiến người nghe jazz chấp nhận được, cảm được, và yêu thích được. Chỉ riêng việc Đồng Lan dành nhiều tháng trời sang Pháp để sống, trải nghiệm và làm việc cùng ê-kíp ban nhạc gồm toàn các nghệ sỹ Pháp: Pity Cabrera/Piano, Felpe Ccabrera/Contrabass, Alex Trần/Percussion... cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, và đúng hướng để tạo nên một tác phẩm âm nhạc mới mẻ, có giá trị.
Nghe Đồng Lan hát cho người ta cơ hội để cảm nhạc Trịnh theo lối khác. Vẫn những giai điệu ca từ quen thuộc, vẫn tinh thần hiện sinh và bác ái, nhưng nay đã khoác lên mình đôi cánh bay bổng của thứ jazz đầy màu sắc. Có thể là classic jazz tự sự chậm rãi trong Này Em Có Nhớ, cũng có thể mang màu sắc Broadway tung tẩy trong Thành Phố Mùa Xuân, cũng có khi lại là chất jazz blues đượm khói thuốc, uể oải nhưng không bi lụy não nùng trong Vết Lăn Trầm. 9 tác phẩm là 9 sắc thái khác nhau mang âm hưởng jazz, khiến người nghe có thể thưởng thức một mạch và tiếp tục "replay" mà không thấy nhàm.
Giá trị của Này Em Có Nhớ không dừng lại ở mảng nghệ thuật. Với chất lượng ghi âm sánh ngang các album jazz quốc tế, CD đáng xuất hiện trên kệ đĩa của các audiophile. Chúng tôi thưởng thức CD trên dàn máy tham chiếu gồm đầu Cary CD DMC-600SE, ampli Cary CAD-300 SEI và loa JBL 4312G Control Monitor. Từng nốt piano, contrabass hay bộ gõ, giọng hát ca sỹ đều bóc tách rõ ràng, chi tiết với âm sắc chuẩn xác, tự nhiên không màu mè. Âm nhạc lan tỏa nhẹ nhàng trong không gian và dựng được không gian sân khấu 3 chiều thuyết phục.
Được biết, nhà sản xuất Năm Sao sẽ tiếp tục phát hành tác phẩm Này Em Có Nhớ trên phiên bản đĩa nhựa (vinyl) trong tháng 6 tới với mục đích mang tới giải pháp thưởng thức đa dạng và thú vị cho giới audiophile Việt Nam.