Việc mua loa rất dễ: bạn đến cửa hàng, nói tên loa cần mua, trả tiền và đem về nhà. Nhưng, liệu đó có phải là cặp loa phù hợp với bạn?

Không giống như tai nghe, việc lựa chọn một cặp loa phù hợp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, tức là bạn không thể chỉ lên internet và chọn lấy một cặp loa đắt nhất trong danh sách của một tạp chí công nghệ nổi tiếng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những gì để bạn chuẩn bị trước khi quyết định mua loa.

Kiểm tra "hầu bao"

Vấn đề đầu tiên khi mua loa chính là "Tiền đâu", hay nói cách khác, bạn phải vạch ra được mức chi phí tối đa mà mình có thể chịu được. Đây là bước quan trọng để bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm và giảm đi áp lực cho chiếc ví của mình. 

Hãy suy nghĩ thật kỹ về những thứ bạn định đầu tư vào. Nếu đang cần cả một bộ dàn âm thanh, điều hiển nhiên là bạn không thể chi hết 90% tiền vốn vào loa mà còn phải suy xét đến các thiết bị kèm theo như amplifier, dây điện... Ngoài ra, hãy dự trù cho những vấn đề phát sinh trong tương lai: nếu đang có ý định nâng cấp hệ thống âm thanh, bạn cần xem xét một cặp loa tốt hơn (và đắt hơn) và có khả năng thích ứng tốt với những nâng cấp này. 

Đo đạc phòng nghe

Kích thước phòng nghe là một vấn đề rất quan trọng khi chọn loa. Phòng càng nhỏ, vị trí đặt loa càng hạn chế thì bạn càng dễ xác định được loại loa phù hợp để mua. 

Hầu hết các dòng loa hiện nay đều cần một mức không gian nhất định để cho ra tiếng hay nhất. Có những thiết kế loa lại không cho phép bạn đặt sát tường vì như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất âm. Tuy nhiên, đừng nên quá lo lắng vì giờ đây đã có nhiều dòng loa được thiết kế để thích nghi với các vị trí đặt loa khác nhau, kể cả sát tường như Wharfedale Diamond 220s hay Q Acoustic 3010is. 

Hãy nhớ kỹ, trước khi tung ra thị trường, các công ty sản xuất loa đã thực hiện rất nhiều buổi đo đạc, nghe thử sản phẩm của mình bằng nhiều thiết bị chuyên dụng. Vì vậy, nếu được khuyến cáo đặt loa cách tường 2m, tốt nhất là bạn nên trân trọng lời khuyên của họ và làm đúng như thế. 

Loa cột hay loa bookshelf?

Kế tiếp, hãy nghĩ về loại loa thích hợp nhất cho bạn. Ở đây, chúng ta có 2 lựa chọn là loa cột (floorstander) và loa bookshelf (standmounter). Về lý thuyết, loa càng lớn thì càng dễ cho âm lượng lớn, độ động cao hơn và âm trầm khỏe hơn nhưng thực tế thì điều này chỉ mang tính chất tương đối. Thay vào đó, hãy nghĩ về mức âm lượng nhạc mà bạn thường nghe. Nếu thường nghe nhạc ở mức nhỏ thì việc đầu tư vào một cặp loa cột đầy uy lực dường như là một sự lãng phí. 

Ngược lại, liệu một cặp loa bookshelf có đủ để khuấy động không khí cho những buổi tiệc lớn?

Bi-wire hay single-wire?

Hiện nay, nhiều cặp loa được trang bị đến 4 chân cắm để người dùng dùng có thể đấu dây theo kiểu bi-wire. Nếu được gắn dây theo kiểu này, amplifier có thể điều khiển các dải tín hiệu riêng biệt gửi tới loa, từ đó tái tạo âm thanh một cách chính xác hơn. 

Nhìn chung, quyền quyết định cho vấn đề này thường không thuộc về người dùng mà là ở amplifier. Nếu ampli không hỗ trợ bi-wire, hãy chấp nhận điều đó. Tin mừng cho các bạn chính là hầu hết các dòng amplifier hiện nay đều có bi-wire, thậm chí là tri-wire.

Bên cạnh đó, do không phải ai cũng thích bi-wire nên nhà sản xuất thường gắn thêm 1 cầu loa để người dùng gắn dây theo kiểu single-wire. Tuy nhiên, những cặp loa chỉ có 2 chân cắm thì chắc chắn không thể sử dụng kiểu đấu dây bi-wire trong tương lai. 

Loa thụ động, chủ động hay di động?

Đây chính là các lựa chọn tiếp theo dành cho bạn. Hầu hết các dòng loa hiện nay đều thuộc loại loa thụ động, sử dụng nguồn điện được cấp từ amplifier. Các tín hiệu đi vào loa sẽ được hướng dẫn đến từng củ loa con riêng biệt nhờ vào một mạch phân tần (hay crossover). 

Loa di động (hay powered speaker) là dòng loa tự khuếch đại tín hiệu bên trong thùng loa, đồng nghĩa là bản thân dòng loa này cần một nguồn cấp điện riêng biệt. Tuy nhiên, có một điểm mà bạn cần biết nếu không muốn bị nhầm lẫn giữa loa loa di động và loa chủ động (active speaker): Ở loa di động, các tín hiệu âm thanh thường được khuếch đại bởi một amplifier chung trước khi chia ra thành các dải tần khác nhau và đi vào loa con.

Ngược lại, loa chủ động lại sử dụng từng amplifier riêng cho mỗi loa con, giảm gánh nặng cho bộ phân tần và từ đó cho ra âm thanh chuẩn xác hơn nhiều lần. 

Nhược điểm của loa di động là nó khiến bạn tốn nhiều chi phí hơn dự tính. Nhiều người thường cho rằng, loa di động tuy đắt hơn nhưng lại có sẵn amplifier và điều đó biến chúng trở nên đáng đầu tư hơn so với một bộ loa và amplifier riêng biệt. Dĩ nhiên, đến khi muốn nâng cấp hệ thống, bạn lại phải mua cả 1 bộ mới thay vì từng thiết bị riêng lẻ như amplifier, loa... Dù vậy, lý do mà loa di động vẫn sống khỏe chính là người dùng hiện nay không có quá nhiều không gian cho một phòng nghe chuyên dụng với nhiều thiết bị cồng kềnh. 

Khả năng kiểm soát năng lượng và trở kháng loa

Mặc dù việc cấp nguồn cho loa không còn là một vấn đề quá phức tạp như thời chỉ có ampli đèn, bạn vẫn nghiêm túc đầu tư vào một amplifier đủ khỏe cho cặp loa của mình. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi trở kháng giảm còn 4 ohm. Nếu như công suất tăng lên gần gấp đôi thì đây là mẫu amplifier có khả năng cấp nguồn tốt và đủ lực để kéo những cặp loa khó tính hơn. 

Thẩm mỹ

Đây là một yếu tố phụ-nhưng-không-phụ. Cho dù một cặp loa có âm thanh hay đến thế nào đi nữa, nếu bạn vẫn cảm thấy ngứa mắt khi nhìn vào chúng thì khó mà có chuyện bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để nghe nhạc được. 

Khả năng "sống sót" cao 

Đôi lúc, bạn cần phải nghĩ xa hơn một chút về nơi mà bạn sẽ đặt cặp loa. Nếu trong nhà có trẻ em hay thú cưng (ví dụ như một chú mèo), việc bảo vệ cho các củ loa tweeter là vô cùng cần thiết. Bạn sẽ không ngờ được rằng phần vòm kim loại mỏng manh này lại có sức hút thế nào với ngón tay hay móng mèo đâu.

May thay, nhiều mẫu loa hiện nay thường có tweeter được gắn thêm một lớp lưới để bảo vệ những vẫn giữ được sự quyến rũ của loa.

Nguồn: WhatHifi