Vì đại dịch COVID-19, nhiều người phải chuyển sang làm việc tại nhà. Lúc này, chúng ta buộc phải nâng cao tinh thần tự giác, khắc phục các thói quen gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Khi làm việc tại nhà, bên cạnh những “cám dỗ” từ yếu tố bên ngoài, năng suất còn bị ảnh hưởng bởi những thói quen thiếu khoa học trong cách làm việc của mỗi người.
1. THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA ĐIỆN THOẠI
Điện thoại luôn là công cụ tiện ích để bạn quản lý và sắp xếp công việc của mình, từ việc lên lịch hẹn, đặt báo thức cho đến lưu lại những bức ảnh quan trọng. Hơn nữa, điện thoại còn là công cụ giao tiếp chủ yếu giữa con người với nhau. Nhờ những lợi ích mà thiết bị thông minh này đem lại, con người ngày càng trở nên phụ thuộc vào nó.
Để tránh bị những thiết bị này gây xao nhãng khi làm việc tại nhà, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau:
-
Tắt điện thoại khi đang làm việc.
-
Sau khi gọi điện thoại hoặc check mail, hãy đặt xuống ngay trước khi mở những ứng dụng không liên quan khác
-
Đặt điện thoại tránh xa tầm với khi bạn cần tập trung.
-
Tắt thông báo hoặc để chế độ im lặng.
-
Chỉ sử dụng điện thoại khi bạn đang nghỉ giải lao.
2. THAM CÔNG TIẾC VIỆC
Trái ngược với một số người thường trở nên lười biếng khi làm việc tại nhà, nhiều người lại nhốt mình trong phòng và làm việc quên giờ giấc. Nếu bạn đang chịu áp lực khi phải thực hiện nhiều dự án, hãy học cách từ chối những nhiệm vụ mới.
Nếu bạn không phải là kiểu người dậy sớm điển hình, không cần ép bản thân phải dậy trước giờ sinh học. Điều này thậm chí còn gây ra tác động xấu nếu bạn không ngủ đủ giấc. Đôi lúc bạn cần nhắc nhở bản thân rằng, bạn cũng là một con người bình thường, lao đầu một cách mù quáng vào công việc sẽ khiến bạn kiệt quệ mà kết quả đem lại cũng không khả quan.
Hãy học cách cân bằng khối lượng công việc:
-
Kiểm tra lại các công việc cần làm của mình trước khi nhận thêm nhiệm vụ, cân nhắc khả năng đảm nhiệm công việc.
-
Đặt đồng hồ nhắc nhở thời gian nghỉ ngơi.
-
Đừng hy sinh sức khỏe bản thân chỉ vì cố thức đêm để hoàn thành công việc.
3. THỜI GIAN NGHỈ NGƠI KHÔNG KHOA HỌC
Một trong những điều cơ bản để trí óc minh mẫn cả ngày là ngủ đủ giấc vào ban đêm. Ngày nay, có nhiều người tranh thủ giấc ngủ ngắn buổi trưa để bù vào khoảng thời gian họ thức khuya.
Nhiều người có thể sẽ chọn làm việc khuya và ngủ vào ban ngày. Điều này làm thay đổi giờ sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây trở ngại cho giao tiếp trong công việc, khi mọi người đang làm việc còn bạn thì ngủ và ngược lại, dẫn đến khối lượng công việc hôm nay có thể bị dồn cho ngày hôm sau.
Để việc ngủ ngày không ảnh hưởng xấu đến công việc, bạn có thể bỏ túi những bí kíp sau:
-
Nghiêm túc thực hiện theo thời gian biểu lập ra.
-
Tránh các tư thế nằm hoặc ngồi làm việc không thoải mái.
-
Để không ngủ gật, hãy thử làm những công việc hào hứng và thú vị khác như nghe nhạc, uống nước, tập thể dục tại nhà hay tán gẫu với bạn bè qua video call.
-
Khi cần phải ngủ trưa, hãy đặt báo thức với tần suất nhiều nhất có thể và đặt nó tránh xa tầm tay của bạn
4. LÀM VIỆC TRONG MỘT MÔI TRƯỜNG BỪA BỘN
Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về sự bừa bộn, bạn không cần phải quá ngăn nắp, chỉ cần đừng để những thứ lộn xộn xung quanh làm bạn phân tâm khi làm việc. Ngoài ra, việc trang trí căn phòng của bạn thành không gian làm việc đầy cảm hứng cũng là một ý tưởng thú vị.
Hãy thử những mẹo dưới đây nếu bạn cảm thấy môi trường làm việc hiện tại đang làm giảm năng suất làm việc của mình:
-
Dành ra 5-10 phút trước và sau khi làm việc để dọn dẹp ngăn nắp không gian của bạn.
-
Tránh ăn uống bàn làm việc.
-
Tìm nhiều cách khác nhau để sắp xếp đồ đạc, điều này còn giúp bạn tận dụng tối đa không gian.
5. KHÔNG CÓ THỜI GIAN BIỂU CỤ THỂ
Việc luôn luôn bận rộn là sự thật không thể phủ nhận, nhưng đừng để cảm giác chán nản và áp lực chèn ép bạn mỗi ngày. Hãy lập cho mình một thời gian biểu chi tiết về những công việc phải làm trong ngày và trong tuần. Đặt mốc thời gian để hoàn thành cho mỗi đầu việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được tiến độ của công việc.
Một số cách hiệu quả loại bỏ thói quen độc hại trên:
-
Lập thời gian biểu trên điện thoại hoặc đặt ở bàn học – nơi bạn dễ dàng nhìn thấy và sửa đổi.
-
Sắp xếp mức độ ưu tiên và quan trọng của công việc.
-
Tự thưởng cho bản thân sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành.
-
Khả năng và thời gian cần để thực hiện công việc đó phải phù hợp với năng lực của bạn.
-
Cố gắng bám sát kế hoạch đề ra và không nên lo lắng khi phải điều chỉnh thời hạn của một số nhiệm vụ
6. THỰC ĐƠN HÀNG NGÀY
Ngoài thời gian nghỉ ngơi hợp lý, thực phẩm chính là nguồn năng lượng quan trọng đem lại sự tỉnh táo và minh mẫn trong một ngày dài. Trong khi những thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin đem lại sự tập trung và khỏe khoắn thì những thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy và sáng tạo của bạn.
Để tránh việc phải hấp thụ những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, bạn có thể áp dụng những mẹo sau:
-
Lên lịch nấu ăn cụ thể và thay đổi thực đơn mỗi ngày, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và bổ sung rau xanh.
-
Ăn những món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe: trái cây, ngũ cốc, sữa chua và các loại hạt…
-
Uống nước thường xuyên