Đại dịch COVID-19 đang khiến chúng ta "nghiện" điện thoại hơn. Khi trường học, công sở và các khu vui chơi giải trí đóng cửa, thời gian ở nhà mà chúng ta dùng để dán mắt vào những chiếc màn hình trở nên nhiều hơn bao giờ hết. Tivi, laptop, máy tính bảng và đặc biệt là điện thoại di động đang ngốn lấy thời gian của chúng ta. Vì vậy, đây là những cách giúp bạn cai nghiện và cân bằng lại cuộc sống.
1. Áp dụng quy tắc ‘hết giờ làm việc’
Để có thể cai nghiện điện thoại bạn nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với điện thoại trong những khoảng thời gian không cần thiết như giờ ăn trưa, lúc đi lại hay về nhà vào buổi chiều tối. Chú ý là nên cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng chứ không phải là chế độ rung.
2. Ẩn các ứng dụng mạng xã hội
Một trong những cách cai nghiện điện thoại thông minh chính là hãy đưa các ứng dụng mạng xã hội có khả năng gây nghiện cao như: facebook, instagram, twitter... ẩn vào các thư mục để bạn không chú ý đến chúng ở màn hình chính.
3. Xóa bớt những thông báo không cần thiết
Những tin nhắn từ SMS, facebook, hay các ứng dụng khác sẽ khiến bạn luôn luôn phải cầm chiếc điện thoại trên tay và dán mắt vào màn hình. Do đó, nếu muốn cai nghiện điện thoại bạn nên cài đặt chế độ hạn chế các thông báo và chỉ đọc những thông báo cần thiết.
4. Dành cho mình những khoảng thời gian ‘không điện thoại’
Bạn có thể tự định vị những vùng không cần dùng đến điện thoại như phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp, giờ họp hoặc các kỳ nghỉ... Vào những thời điểm này bạn hãy đặt điện thoại của mình ở chế độ máy bay hoặc tắt hẳn nó đi.
5. Cầm bút lên
Thay vì ghi chú trên điện thoại, bạn hãy cầm bút lên và ghi vào giấy. Bạn có thể viết những câu quotes mà bạn tâm đắc, những ngày quan trọng, những việc cần làm hay bất cứ điều gì bạn muốn ghi nhớ lên những trang giấy. Việc viết lách trên giấy giúp bạn cải thiện trí nhớ rất nhiều so với gõ trên máy tính.
Một nghiên cứu trên tạp chí Khoa học tâm lý (Psychological Science) đã chứng minh rằng đánh máy chỉ là một hoạt động vô ý thức, trong khi viết tay đòi hỏi nhiều thời gian và sự tập trung nhiều hơn. Quá trình viết tay sẽ giúp mã hóa thông tin và đưa chúng vào bộ nhớ sâu hơn, lâu hơn.
6. Cố gắng đừng bắt đầu và kết thúc một ngày của bạn với những chiếc điện thoại
Bạn thường làm gì khi mới thức dậy? Chẳng phải là tắt chuông báo thức trên điện thoại và tiện tay check email, lướt tin tức trong khi vẫn đang nheo mắt? Bằng cách đó, nhiều người đã tốn cả nửa tiếng đồng hồ mà chưa ra được khỏi giường. Trong khi, rõ ràng họ có thể dành thời gian đó để tập thể dục.
Ngược lại, nhắn tin với bạn bè cho đến khuya cũng không phải ý tưởng tốt. Bạn có thể bị cuốn vào những câu chuyện liên miên không dứt, cũng như đừng xem phim lúc trước khi đi ngủ. Các nhà sản xuất điện ảnh luôn biết cách khiến bạn phải dán mắt vào màn hình cho đến tận khi bộ phim kết thúc. Một bộ phim truyền hình dài tập khi đó có thể trở hành thảm họa cho giấc ngủ ban đêm của bạn.
7. Hoạt động thể chất
Hầu hết các hoạt động gắn liền với màn hình sẽ khiến bạn bỏ bê cơ thể mình. Nhưng bạn cần biết rằng một sức khỏe thể chất tốt cũng khiến bạn có sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Thay vì ngồi gù lưng trước máy tính hay nằm ườn trên giường vuốt điện thoại, bạn có thể bật Youtube và tập yoga hoặc tham gia vào một lớp nhảy aerobic trực tuyến… Có rất nhiều vận động thể chất có thể giúp bạn cải thiện thể chất của mình.