Bóng đá – sở dĩ trở thành môn thể thao vua bởi nó đón nhận được sự cuồng nhiệt của đông đảo người dân trên khắp thế giới mà không ...

Bóng đá – sở dĩ trở thành môn thể thao vua bởi nó đón nhận được sự cuồng nhiệt của đông đảo người dân trên khắp thế giới mà không một môn nào khác có thể sánh được. Có lẽ mọi người yêu thích việc ngồi xem một trận bóng thực sự tại sân vận động hay trước màn hình ti vi, hơn là xem những bộ phim làm về đề tài này, bởi thế nên các nhà làm phim ít dành sự quan tâm cho bóng đá hơn nhiều so với những mảng đề tài khác. Tuy nhiên vẫn có những đạo diễn tâm huyết mang cả tình yêu đối với sân cỏ vào trong những tác phẩm của mình. Sau đây là danh sách 10 bộ phim mà các fan của bóng đá cũng như của môn nghệ thuật thứ bảy không thể bỏ qua.

10. Shaolin Soccer (đạo diễn Stephen Chow, 2001)

‘Shaolin Soccer’ là một sự kết hợp thú vị giữa kungfu và bóng đá. Bộ phim mang nhiều yếu tố hài hước hơn là những tình tiết căng thẳng,mang mô típ điển hình với hai đại diện thiện và ác. Bộ phim nghiêng nhiều về những kĩ thuật thiếu lâm hơn là những chiến thuật bóng đá thông thường. Tuy vậy sự kết hợp giữa hai thể loại này vẫn gây được sức hút lớn nhất là đối với cánh mày râu. Sing (Stephen Chow) là một võ sư trẻ tuổi vô cùng yêu bóng đá, anh luôn có một điều ước là được sử dụng những tinh hoa của võ thuật trên sân cỏ. Và điều ước đó không ngờ đã trở thành sự thực khi anh gặp “đôi chân vàng” - ngôi sao bóng đá một thời của Hồng Kông, Fung. Tuy Fung đã không thể tiếp tục sự nghiệp sau chấn thương khiến đôi chân giờ chỉ có thể đi khập khiễng, niềm say mê bóng đã vẫn âm ỉ cháy trong ông. Sau lần gặp gỡ, Sing và Fung cùng nhau lập nên một đội bóng gồm những người anh em của Sing – các nhà sư thiếu lâm tự. Dưới sự dẫn dắt của “đôi chân vàng” Fung, họ đã trở thành một đội bóng tuyệt vời nhất trên thế gian.

 9. Mean Machine (Barry Skolnick, 2001)

Bộ phim xoay quanh nhân vật Danny Meehan – “cỗ máy xấu xa”, cựu đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Anh. Do một lần bị phát hiện dàn xếp tỉ số, anh đã phải lãnh án tù. Tại đây các tù nhân thường được tham gia đá bóng giao lưu với những nhân viên quản lí và anh đã lọt vào mắt xanh của người quản lao khi ông đề nghị anh tham gia huấn luyện đội bóng trong tù. Danny đã cùng các thành viên trong nhóm tranh đấu với lối chơi gian lận của đối thủ. ‘Mean machine’ đã khơi dậy bản lĩnh và phẩm chất của một người đàn ông đích thực thông qua việc “lấy độc trị độc”, chứng minh được bản chất chính trực trong Danny.

8. Fever Pitch (David Evans, 1997)

Bộ phim phản ánh những mâu thuẫn thường gặp phải giữa tình yêu và niềm đam mê, đối với ‘Fever Pitch’ đó chính là niềm đam mê bóng đá bởi đôi khi trong cuộc sống bạn phải lựa chọn một trong hai. Với sự góp mặt của Colin Firth (‘Kingsman’, ‘The King Speech’,…) trong vai Paul Ashworth - một người vô cùng say mê bóng đá nhưng đồng thời anh cũng đang trong giai đoạn chinh phục người phụ nữ của mình. Tuy lấy bối cảnh thời kì đen tối của Arsenal, bộ phim lại mang hơi hướng lãng mạn hài hước với những tình huống tiến thoái lưỡng nan của nhân vật chính.

7. A Shot at Glory (Michael Corrente, 2000)

Một tác phẩm kinh điển với sự hợp tác giữa Anh và Mỹ, là câu chuyện của những người đã từng thua cuộc nhưng luôn tự đứng dậy và đồng thời cũng là bức thư đầy xúc cảm đến một trong những trận đấu tuyệt vời nhất của nền bóng đá Scotland những năm cuối thế kỉ 20. Bộ phim xoay quanh đội bóng nhỏ Scotland dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Gordon Mcleod (Robert duvall) trong cuộc hành trình giành cúp vô địch cũng như chứng minh thực lực của mình.

6. Escape to Victory (John Huston, 1981)

Bộ phim có đụng chạm tới chút chính trị khi lấy bối cảnh của Thế Chiến thứ 2. Thời điểm này Đức quốc xã đã giam giữ rất nhiều tù binh và một nhóm người tù đã tự thành lập đội bóng riêng và tổ chức một trận đấu với đội bóng của lực lượng Đức. Một mô típ điển hình giữa cái tốt và cái xấu, mang đến những niềm vui từ những con người dành tình yêu cho bóng đá kể cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Bên cạnh đó, thông qua môn thể thao này, bộ phim còn thể hiện khát vọng tự do cũng như đề cao bản chất đạo đức của con người.

5. The Damned United (Tom Hooper, 2009)

Bộ phim thuộc thể loại phim tiểu sử nói về nhiệm kì 44 ngày của huấn luyện viên huyền thoại Brian Clough của câu lạc bộ Leeds United. Ông là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất của thể thao Anh nói chung và làng bóng đá Anh nói riêng, với những thành tích lớn tại hai câu lạc bộ Derby County và Nottingham Forest. Tuy nhiên bộ phim lại tập trung khắc họa những ngày đen tối nhất trong sự nghiệp “cầm quân” của ông, đó là khi ông đang ở câu lạc bộ Leeds United. Không cố gắng đánh giá Clough qua những quyết định và hành động mà bộ phim nghiêng về việc đưa ra những sự thật, lột tả chính xác con người của Clough với cả những quyết định sai và đúng của ông.

4. Zidane: A 21st Century Portrait (Douglas Gordon, Philippe Parreno, 2006)

Một cuốn tư liệu về ngôi sao bóng đá người Pháp Zinedine Zidane nhưng điều đặc biệt là bộ phim không đề cập đến tiểu sử cá nhân, phỏng vấn người thân, v..v.. mà chỉ tập trung cận cảnh anh trong suốt thời gian tại Real Madrid đối đầu với Villareal tháng 4 năm 2005. Có một số lời phàn nàn khi bộ phim lột tả Zidane như một cầu thủ chủ nghĩa cơ hội thay vì là một thiên tài bóng đá. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây chính là mục đích của bộ phim không phải được làm ra để ca ngợi một con người nào đó mà là đưa ra những thước tư liệu về một hiện tượng bóng đá của thế giới. Nhà làm phim mong muốn khán giả đừng trông chờ một tượng đài vĩ đại mà hãy đón nhận chính con người Zidane.

3. Green Street Hooligans (Lexi Alexander, 2005)

Trong quá khứ bóng đá không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà nó còn là một “hiện tượng” của thế giới. Con người ta sẵn sàng hy sinh bản thân cũng như "tiêu diệt" bất cứ ai làm trở ngại cho đội bóng yêu thích của họ. Ở một số nước bóng đá còn được coi như một tôn giáo, kể đến như những quốc gia Nam Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên không thể thiếu Anh – cội nguồn của môn thể thao này.

Bộ phim lấy góc nhìn trung lập và đương nhiên Mỹ là lựa chọn vô cùng sáng suốt. Câu chuyện bắt đầu từ Matt, cậu sinh viên bị trục xuất khỏi đại học Havard bởi tội chứa chấp chất cô-ca-in. Cậu bị “bịt miêng” với một số tiền lớn và dùng số tiền này để tới London thăm chị gái mình. Tại đây câu đã được mở rộng tầm mắt khi lần đầu tiên chứng kiến một trận bóng đá cũng như lần đầu tiên tiếp xúc với “giới côn đồ” – những kẻ cuồng nhiệt với bóng đá.

2. Maradona by Kusturica (Emir Kusturica, 2008)

Thêm một cuốn tư liệu nữa về hiện tượng bóng đá: huyền thoại Maradona. Đạo diễn Emir Kusturica đã bay đến Buenos Aires để gặp anh và xin phép được quay phim. Ông quyết định dành một khoảng thời gian sống tại thành phố nơi Maradona sinh sống để hiểu rõ về con người huyền thoại này. Và ông đã khám phá ra 3 Maradona: một người thầy, một công dân sống khoáng đạt và một người đàn ông của gia đình. Bộ phim đưa đến mọi góc cạnh cuộc sống của Maradona, không chỉ những dấu mốc quan trọng mà còn cả những điều gây tranh cãi trong cuộc đời.

1. Bộ ba phim “Goal!” (Danny Cannon, Jaume Collet-Serra, Andrew Morahan, 2005, 2007, 2009)

Đây là một sê-ri phim đầu tiên về đề tài bóng đá gồm 3 phần ‘Goal!’ – ‘Goal II: Living the dream’ – ‘Goal III: Taking on the World’. Đây là câu chuyện viết về cầu thủ người Mexico Santiago Munez (Kuno Becker thủ vai). Anh là một cầu thủ tài năng nhưng phải sống bất hợp pháp trong cảnh thiếu thốn và dò xét tại một khu phố ở Los Angeles. Mọi chuyện bắt đầu từ khi anh gặp được cựu cầu thủ của Newcastle United. Trên tất cả (nội dung, tiểu sử,..) bất kì ai xem bộ phim này đều cảm nhận được tình yêu bóng đá dâng lên mãnh liệt song hành với niềm đam mê, sự cống hiến của các cầu thủ trên sân cỏ dưới những góc quay vô cùng tuyệt vời.