ĐÁNH GIÁ CHUNG

Xperia Z5 Premium có thiết kế đẹp, cấu hình tốt, camera ổn và màn hình độ phân giải “khủng”, nhưng thực tế thì mãy vẫn chưa thể cho trải nghiệm tốt được như mong đợi.


ƯU ĐIỂM

Màn hình 4K
Thiết kế đẹp
Màu Chrome rất độc đáo
Chống nước IP68
Chống ồn chủ động qua tai nghe có hỗ trợ


NHƯỢC ĐIỂM

Dễ bán vân tay và mồ hôi
Cảm biến vân tay kém nhạy
Thiếu các tính năng cho màn hình lớn
Camera chưa đủ ấn tượng


GIÁ THAM KHẢO

19,000,000 VNĐ


ĐIỂM

7/10 điểm

Đã từ rất lâu rồi, kể từ chiếc Xperia Z1 hồi cuối năm 2013, Sony mới giới thiệu thêm một mẫu smartphone mới mà khiến người ta hứng thú và ...

Đã từ rất lâu rồi, kể từ chiếc Xperia Z1 hồi cuối năm 2013, Sony mới giới thiệu thêm một mẫu smartphone mới mà khiến người ta hứng thú và muốn quan tâm: chiếc Xperia Z5 Premium và màn hình độ phân giải 4K siêu "khủng" của nó. Có thể nói, nếu như mẫu máy này không được Sony công bố thì hãng đã chẳng thể nào mà gây ấn tượng được với dòng Xperia Z5 hiện tại vốn không hề có nhiều thay đổi rõ rệt về cấu hình phần cứng cũng như thiết kế. Tuy nhiên, việc Xperia Z5 Premium có thực sự tốt như người ta kì vọng hay không thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

Cầm chiếc Xperia Z5 Premium trên tay, cảm nhận đầu tiên của tôi (và có lẽ là rất nhiều người khác) là máy cho cảm giác rất lớn, sắc cạnh và không hề bám tay. Với màn hình lên tới 5,5 inch, lẽ ra Sony nên biến máy trở nên đặc biệt hơn bằng cách gọt bớt 2 phần trên và dưới để giảm kích thước, hoặc ít nhất cùng đừng làm máy vuông vức quá mức nữa. Nếu để ý một chút thì ta sẽ thấy là 4 góc của dòng Xperia Z5 bây giờ còn được Sony vát nhọn hơn hẳn các thế hệ trước, vừa gây cấn tay mà lại vừa tạo cảm giác máy to hơn bình thường. Nếu không tin, bạn hãy thử đem so với các mẫu máy khác có cùng kích thước màn hình và chiều cao thân máy nhưng có 4 góc bo tròn nhiều hơn thì sẽ thấy rằng các thiết bị này cho cảm giác thon gọn hơn nhiều so với Z5 Premium.

Xperia Z5 Premium được tung ra với 3 màu sắc là đen, vàng Gold và bạc Chrome. Hai màu sắc đen và vàng thì không có gì đặc biệt do đã xuất hiện trên nhiều thiết bị khác của cả Sony lẫn Samsung, Apple hay HTC, nhưng phiên bản màu Chrome thì lại độc đáo chưa từng thấy với phần mặt lưng bóng bẩy y như một tấm gương.

Thực tế thì đây là một tấm kính cường lực được tráng gương ở mặt trong nhằm tạo ra một bền mặt phản chiếu gần như 100% ánh sáng từ bên ngoài. Do đó, mặt lưng của Z5 Premium sẽ giúp bạn soi được như một tấm gương bình thường, đồng thời cũng đóng vai trò là một thiết bị "hút" vân tay và mồ hôi cực kì hiệu quả. Không rõ là vì sao mà bất kì điểm khác biệt hay độc đáo nào Sony mang lên Z5 Premium cuối cùng đều biến thành một điểm trừ cực lớn mà dễ khiến cho người dùng lè lưỡi dè bỉu.

Đối với cá nhân tôi, thiết kế của Xperia Z5 Premium có thể nói là tuyệt đẹp, nhưng lại chỉ đẹp khi... không đụng vào. Như những hình ảnh trên đây thì nếu máy đã được lau lót sạch sẽ mặt lưng thì trông không khác gì một "tuyệt tác" cả, nhưng một khi đã cầm lên tay thì mọi sự xấu xí sẽ dần lộ diện không thương tiếc. Những vết vân tay, mồ hôi, đặc biệt là những ai có mồ hôi dầu sẽ bám đầy mặt lưng của máy mà sẽ phải tốn kha khá thời gian để lau sạch sẽ. Bên trong hộp máy, Sony có hào phóng tặng kèm một tấm dán thường loại nhám nhưng lại chỉ cho màn hình chứ mặt lưng thì không có, khá khó hiểu.

Phần viền của Xperia Z5 Premium được đánh bóng gần bằng mặt lưng và may mắn là nó không có gì để chê cả. Độ cứng cũng đã được tăng thêm so với thế hệ trước, ít gặp tình trạng xước hơn và không hề dễ "mẻ" như Xperia Z3. Thực tế thì với bản màu Chrome, viền của Z5 Premium trông giống thép không rỉ hơn là nhôm, trong khi 4 góc thì không bị lệch tông nhiều và cũng tỏ ra hiệu quả trong việc tránh làm vỡ hay nứt viền.

Một điểm cộng nhỏ nhỏ nữa cho Xperia Z5 Premium là khả năng chống nước và bụi mà không cần nắp che cổng sạc và tai nghe. Thực tế thì điều này đã là quá quen thuộc với người dùng Sony, và nó cũng đem lại hiệu quả hoạt động tốt nếu người dùng có lỡ bị dính mưa hay làm rơi máy trong phòng tắm. Đối với cá nhân tôi, đây là một tính năng không cần thiết cho lắm, nhưng nếu có thì cũng phần nào nâng cao trải nghiệm và độ bền của máy.

Về màn hình của Xperia Z5 Premium, Stereo Channel sẽ có một bài đánh giá riêng biệt trong thời gian tới, nhưng tôi sẽ nói nhanh qua một vài cảm nhận cá nhân ngay bây giờ. Nhìn chung thì Z5 Premium có khả năng hiển thị rất tốt về cả độ sáng, độ nét, màu sắc và tương phản. Ở điều kiện bình thường thì máy chỉ hoạt động ở chế độ fullHD nhằm tiết kiệm điện năng, cụ thể là giảm tải lượng thông tin hình ảnh mà GPU và CPU phải xử lý bằng cách gộp chung 4 pixels nhỏ vào thành 1 pixel lớn duy nhất, còn chế độ 4K thì chỉ hoạt động với hai ứng dụng là Album và Movie có sẵn trong máy. Các ứng dụng xem ảnh và phim bên thứ ba, kể cả Google Photos đều không được phép tận dụng độ phân giải này để trình chiếu media. Cá nhân tôi đánh giá đây là một nước đi rất khôn ngoan của Sony, vừa thể hiện được khả năng hiển thị khi cần thiết mà lại vừa tiết kiệm được pin trong quá trình sử dụng.

Một điều cực kì khó hiểu mà tôi không thể tự giải thích được chính là việc Sony không hề tích hợp bất kì tính năng phụ trợ màn hình lớn nào trên Xperia Z5 Premium. Các mẫu máy khác của Sony như C4, C5 Ultra đều được trang bị chế độ thu nhỏ màn hình hoặc ít nhất là thu gọn bàn phím sang trái hoặc phải để tiện cho nhu cầu dùng một tay, nhưng trên Z5 Premium thì tuyệt nhiên không hề có. Hãng cũng chẳng thèm chỉnh lại giao diện và dpi cho máy để hiển thị được nhiều icon hơn trên màn hình mà lại bê nguyên từ Z5 và Z5 Compact lên, khiến cho nhiều thao tác trở nên cực kì khó khăn.

Hiệu năng của Xperia Z5 Premium là một điều rất được quan tâm, một phần là bởi con chip Snapdragon 810 vốn đãbị chê bai do quá nóng và hay gặp tình trạng giảm xung nhịp đột nhột gây lag máy. Tuy nhiên, trên dòng Xperia Z5 thì Sony đã tối ưu hóa tốt hơn và tích hợp cả hệ thống tản nhiệt với 2 ống đồng và keo tản nhiệt như trên PC nên vấn đề đã được khắc phục gần như hoàn toàn.

Riêng với Xperia Z5 Premium, nhiệt độ của máy thường tăng khá nhanh trong quá trình sử dụng, nhưng thực tế thì mức nhiệt tối đa không hề cao như Xperia Z3+/Z4. Z5 Premium không gặp tình trạng quá tải nhiệt rồi tự tắt ứng dụng khi đang chụp ảnh hay làm lag máy khi chơi game nặng. Với thời tiết hơi lạnh của Hà Nội mấy hôm nay, tôi toàn toàn có thể chơi Asphalt 8 max cấu hình thoải mái hay chụp ảnh liên tục trong một thời gian dài mà không lo nóng máy. Trong vài ngày sử dụng, tôi thấy Z5 Premium còn không hề tỏ ra nóng tới mức có thể gây khó chịu như nhiều người lo lắng, kể cả khi đem so với Xperia Z3, Galaxy S6 hay nhiều thiết bị khác.

Hiệu năng hoạt động của Z5 Premium nhờ đó cũng tốt hơn kha khá so với Xperia Z3+ với các tác vụ đều mượt mà, nhanh nhạy hơn hẳn. Thực tế, khi sử dụng các ứng dụng nặng hay game online như The Sims FreePlay thì máy chỉ ấm lên và vẫn có thể sử dụng được bình thường, dù nếu trời nóng hơn thì nhiệt độ máy chắc chắn cũng sẽ cao hơn đáng kể.

Khi chấm điểm bằng phần mềm Benchmark AnTuTu, vì chỉ chạy ở chế độ fullHD nên Z5 Premium cho kết quả khá tốt, khoảng 69.000 điểm, tương tự như Xperia Z5. Đáng tiếc là Sony không nâng cấp lên RAM 4GB cho Z5 Premium vì dù sao thì điều này cũng có lợi hơn cho cả khâu quảng bá sản phẩm nữa. Bên cạnh đó, một điều cần quan tâm là cả 8 nhân của vi xử lý Snapdragon 810 đều có thể chạy cùng lúc, giúp tăng hiệu năng lên đáng kể nhưng lại là nguyên nhân chính gây nóng máy và hao tốn năng lượng.

Pin của Xperia Z5 Premium không phải kém, nhưng nếu đem so với các đàn anh trước đây thì nó lại là một điểm trừ khá lớn. Nếu như người dùng Xperia Z2 và Z3 có thể tự hào với "thời lượng pin 2 ngày" thì với Xperia Z5 Premium, câu nói này chỉ còn là một lời quảng cáo vô nghĩa. Nếu sử dụng tiết kiệm thì bạn có thể dùng được máy trong đủ một ngày, từ 8 giờ sáng tới 10 giờ tối, còn nếu chơi game, chụp ảnh hay xem phim nhiều thì sạc 2 lần một ngày cũng là điều bình thường.

Có một điều lưu ý nhỏ với Xperia Z5 Premium là màn hình của máy nếu đặt mức sáng trên 50% thì sẽ hao pin nhanh hơn hẳn mức sáng dưới 50%, khiến cho thời gian bật màn hình của máy cũng thay đổi theo với sự khác biệt rất lớn, khoảng 4 (hoặc thấp hơn) đến 5,5 tiếng cho mỗi lần sạc pin tùy theo cách sử dụng. Ở phân khúc phablet cao cấp hiện tại, có lẽ pin của Xperia Z5 Premium chỉ tốt hơn chiếc LG V10, còn lại thì thua xa Galaxy Note 5, S6 Edge hay iPhone 6S Plus.

Thời gian sạc cũng rất đáng quan ngại, bởi Sony không tặng kèm củ sạc nhanh chuẩn QuickCharge 2.0 cho Z5 Premium, và tôi đã phải mất khoảng 2,5 tiếng đồng hồ mới có thể sạc đầy viên pin 3400mAh bên trong máy.

Camera cũng là đặc điểm khiến tôi phân vân rất nhiều trên Xperia Z5 Premium vì nó vừa tốt mà lại vừa không tốt. Tốt ở chỗ các yếu tố như độ nét, tốc độ chụp, cân bằng trắng, độ sáng... đều đã được cải thiện nhiều so với các thế hệ trước, nhưng không tốt ở chỗ những nâng cấp này vẫn chưa thể đem so với các đối thủ cùng phân khúc khác, và ảnh có đẹp hay không còn bị phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện chụp chứ chất lượng không hề đồng đều.

Ảnh chụp đủ sáng.

Ảnh chụp đủ sáng từ Xperia Z5 Premium ở chế độ Auto nhìn chung có độ chi tiết tốt, không còn bị dư sáng như các thế hệ trước (trừ khi chụp macro), đôi khi có hơi tối (nếu chụp bằng camera trước), cân bằng trắng ổn, đôi khi hơi ngả xanh và không nịnh mắt. Khi zoom 100% lên thì có xuất hiện các chi tiết giả và tình trạng oversharpen khá rõ ràng. Những bức ảnh chụp tán cây màu xanh thì không thể hiện được chi tiết mà có xu hướng bết vào nhau. Đây là vấn đề mà Sony vẫn chưa hề khắc phục được từ chiếc Xperia Arc ra mắt từ 5 năm trước.

Ảnh chụp HDR tự động.

Khả năng chụp ngược sáng của Xperia Z5 Premium bị giới hạn khá nhiều do phần mềm vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của cảm biến. Theo thông số thì cảm biến của máy có thể chụp HDR theo thời gian thực tương tự như Galaxy S6 hay Note 5, nhưng không hiểu sao mà Sony vẫn áp dụng thuật toán ghép ảnh kiểu cũ trên Z5 Premium, vừa làn kéo dài thời gian chụp mà vừa dễ gây nhòe ảnh, trong khi kết quả thì cũng chỉ ở mức tạm được với chi tiết ở vùng tối bị bết nhiều và màu sắc thì hơi giả tạo.

Ảnh chụp đêm, đã điều chỉnh độ sáng.

Ảnh chụp ban đêm của Z5 Premium không có gì đáng để khen ngợi. Các chi tiết được tái hiện ở mức vừa phải, các vùng chênh sáng dễ bị nhòe, nhiễu hạt xuất hiện nhiều ở viền ảnh và thường xuyên bị mờ do không có chống rung quang học. Để bù lại cho thiếu sót này, máy sẽ tự động tăng độ nhạy sáng ISO lên cao hơn nhưng lại phần nào gây ảnh hưởng tới màu sắc và độ chi tiết của bức ảnh.

Ảnh trong nhà cho độ chi tiết tốt nhưng cân bằng trắng dễ sai.

Có thể nói, dù Sony đã trang bị một cảm biến ảnh hoàn toàn mới cho Z5 series, nhưng do phần mềm vẫn chưa được tinh chỉnh tốt nên trải nghiệm chụp hình vẫn chỉ ở mức khá, chưa thể so sánh được với các mẫu máy như Galaxy Note 5, LG V10 hay Lumia 950.

Camera trước cho chi tiết tốt nhưng hơi tối, chất ảnh thiên về hướng tự nhiên, không nịnh mắt.

Chụp Macro đủ sáng bắt buộc phải tự giảm EV để không bị cháy.

Một đặc điểm mới hiện đang được người dùng khen ngợi trên bộ ba Xperia Z5 là cảm biến vân tay kiêm nút nguồn ở cạnh phải. Đây là một vị trí rất thuận lợi trong quá trình sử dụng, bởi bạn có thể bật sáng màn hình và mở khóa chỉ với một thao tác duy nhất, đồng thời nó cũng nằm đúng ở vị trí mà ngón tay bạn hay đặt khi cầm máy lên.

Tuy nhiên, kích thước bề ngang quá nhỏ của cảm biến cũng gây khó khăn rất nhiều cho những ai sử dụng máy bằng tay trái (như tôi chẳng hạn), và trong quá trình sử dụng thì tôi còn nhận thấy rằng các vết bẩn, nước hay mồ hôi dễ làm "loạn"cảm biến, khiến cho thao tác mở khóa trở nên rất khó khăn. Thực tế sử dụng, bề mặt gương của máy dễ làm tay tôi đổ mồ hôi, và mỗi lần như vậy thì lại là một lần "vật vã" lấy vải lau sạch sẽ chỉ để mở được khóa mà không phải nhập mật khẩu.

Vấn đề cuối cùng cần nói về Xperia Z5 Premium là khả năng phát nhạc. Với hàng tá những từ ngữ quảng cáo về công nghệ âm thanh như Hi-res Audio, DSEE HX, Clear Audio+ LDAC cho Bluetooth, chắc hẳn hầu hết mọi người đều nghĩ rằng máy hoàn toàn có thể phục vụ được nhu cầu nghe nhạc cao cấp, nhưng thực tế thì chưa chắc đã là vậy.

Đúng là Xperia Z5 Premium cho chất âm rất cân bằng, không phải dạng chữ V như HTC One M9 hay thiên về độ ấm như iPhone, nhưng nó cũng chưa thể làm hài lòng được những đôi tai khó tính. Âm lượng của tai nghe một lần nữa vẫn bị Sony giới hạn rất nhiều, thấp hơn hẳn so với hai mẫu máy nhắc tới phía trên. Hiện tại, cũng chưa hề có thông tin xác nhận liệu dòng Z5 series có được tích hợp DAC riêng hay chỉ sử dụng DAC có sẵn trên Soc Snadragon 810, nhưng theo các suy đoán thì khả năng có DAC rời là rất thấp.

Điểm sáng của chất lượng âm thanh trên Xperia Z5 Premium là độ chi tiết tốt, các âm treble không bị cắt mất nhưng cũng không gây chói, mid hài hòa, vừa đủ nghe, tiếng hát của ca sĩ được tôn lên rõ ràng hơn, còn âm bass thì chắc chắn, không dư thừa và cũng không kéo đuôi, trong khi âm trường thì ở mức vừa phải, không có gì nổi trội khi so với các mẫu smartphone khác. Đó là những cảm nhận khi không bật bất kì tính năng nào trong menu cài đặt âm thanh.

Chế độ DSEE HX được Sony quảng bá là sẽ tái tạo lại các dải tần đã bị cắt đi trong quá trình nén nhạc, nhưng trong sử dụng thực tế, nếu bạn đã chuẩn bị sẵn các bản nhạc chất lượng cao thì sự khác biệt gần như là không có. Nếu bạn sử dụng các file nhạc MP3 chất lượng 128KBps hoặc 320KBps thì sẽ có thể cảm nhận được một chút sự khác biệt, nhưng rốt cuộc, chúng chỉ là những âm thanh "ảo" được tạo ra bởi một cái máy chứ không phải là "thật". Lời khuyên ở đây tất nhiên là nếu muốn nghe nhạc hay thì hãy chuẩn bị cả những file có định dạng chất lượng cao trước chứ đừng dựa vào những công nghệ upscale như thế này.

Về phần LDAC. Đây là một tiêu chuẩn truyền tải thông tin qua Bluetooth mới do Sony phát triển với mục tiêu là mang lại trải nghiệm âm thanh cao cấp, gần tương đương với đĩa CD cho các mẫu tai nghe không dây. Hiện tại, mới chỉ có một vài loại tai nghe cao cấp mới của Sony là hỗ trợ chuẩn này nên đáng tiếc là tôi không thể đánh giá được.

Khả năng chống ồn chủ động vẫn được giữ lại trên Xperia Z5 Premium, nhưng đáng tiếc là hãng lại không tặng kèm tai nghe hỗ trợ cho tính năng này trong hộp máy (nhưng chiếc tai nghe MH750 cũng là rất ổn rồi). Khi thử nghiệm với chiếc tai nghe chống ồn MDR-NC31EM ra mắt với Xperia Z2 thì khả năng khử các âm thanh từ bên ngoài rất rõ ràng. Tuy nhiên, nó chỉ khử được các dải âm trầm, ví dụ như tiếng "ầm ầm" của xe cộ ngoài đường, trong khi các âm trung và cao, kể cả tiếng nói thì vẫn có thể nghe thấy. Đối với tôi, tính năng này cũng giống như chống nước, nghĩa là nó không cần thiết, nhưng nếu có thì vẫn hoàn toàn có thể làm tăng trải nghiệm người dùng.

Hai chiếc mic đặt hai bên tai nghe bên cạnh việc chống ồn còn có thể giúp chúng ta thu âm Binaural thông qua ứng dụng Audio Recorder đo Sony cung cấp. Đây là một kiểu thu âm đang được ưa chuộng, mang lại cho chúng ta cảm giác y như đang đứng ở trong môi trường thu âm để nghe với độ vang chân thật và hai kênh trái phải tách bạch rõ ràng.

Các tính năng còn lại như Equaliser, Âm thanh vòm, Cân bằng tự động... thì vẫn được giữ nguyên như Xperia Z3+. Những tùy chọn này sẽ làm thay đổi đáng kể âm thanh phát ra, nhưng chúng không được dùng để nâng cao chất lượng lên mà chỉ làm cho các bản nhạc trở nên "hợp gu" của mỗi người hơn.

Từ Xperia Z2 trở đi, Sony đã trang bị cho các siêu phẩm của hãng loa ngoài 2 kênh nằm ở mặt trước. Xperia Z5 Premium cũng vậy. Bộ loa này cho âm lượng khá lớn, ngang ngửa với các thiết bị như HTC One M9 nhưng lại cho chi tiết kém hơn, thiên nhiều về âm trung, bass hơi đuối và treble thì không tách bạch cho lắm, có lẽ là bị ảnh hưởng bởi màng loa chống nước. Nếu để ý một chút thì ta sẽ thấy rằng 2 kênh loa có khác biệt về chất âm, với kênh bên trái (kiêm loa thoại) thì cho nhiều treble hơn, trong khi kênh loa phải thì thiên về mid và bass. Thực tế thì tất cả các mẫu máy có 2 loa ngoài khác của Sony đều gặp tình trạng này, và Z5 Premium thì là một trong vài mẫu "may mắn" không bị quá nặng.

Chế độ XLoud đã không còn trong cài đặt âm thanh nữa, nhưng bù lại thì chúng ta vẫn còn công nghệ Âm thanh Vòm của Sony với sự khác biệt là rất lớn. Khi tắt chế độ này, tôi cảm thấy âm thanh luôn phát ra từ phía trước màn hình, còn khi đã bật lên thì trải nghiệm khác hoàn toàn. Các âm thanh tách bạch nhau, rõ ràng với 2 kênh trái và phải, độ vang nhiều hơn, cảm giác giống như đang ngồi trong một căn phòng nhỏ để nghe nhạc với một bộ loa cỡ lớn. Tuy nhiên, cũng vì độ chi tiết đã kém sẵn nên đôi khi chế độ này cũng gây khó chịu, đặc biệt là khi xem phim vì dễ bị rè và khó có thể nghe rõ lời thoại của nhân vật.

Giao diện trình nghe nhạc Music và các tính năng đặc biệt.

Cuối cùng là giao diện nghe nhạc của máy. Từ trước tới nay thì ứng dụng Walkman, hay bây giờ là Music, vẫn được coi là một "tượng đài" mà rất nhiều người muốn được sử dụng. Với giao diện phẳng đẹp mắt, thay đổi màu sắc tùy theo ảnh bìa album, các mục sắp xếp dễ nhìn, hợp lý cùng nhiều tính năng đặc biệt như hẹn giờ tắt hay thay đổi thông tin bản nhạc thì ứng dụng này hoàn toàn có thể phục vụ nhu cầu nghe nhạc thông thường. Trên Xperia Z5 series thì Sony còn cho người dùng stream nhạc từ Spotify ngay trong ứng dụng Music, nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam thì chưa được áp dụng.

Tổng kết lại, Xperia Z5 Premium là một mẫu smartphone cao cấp đủ tốt cho các nhu cầu khó tính của người dùng, nhưng lại chưa thực sự nổi trội và hấp dẫn: Màn hình 4K của máy có thể khiến người ta phải "Ồ" lên khi nghe đến nhưng cũng chưa mang lại trải nghiệm mới mẻ gì đáng kể; mặt lưng màu Chrome độc đáo thì lại dễ biến thành "thảm họa" trong quá trình sử dụng; phần cứng camera có nâng cấp nhưng vẫn chưa đủ để dẫn đầu và hàng loạt các tính năng vô cùng "bình thường" khác. Đối với cá nhân tôi, Xperia Z5 Premium là một thiết bị không đáng mua với mức giá 18 - 19 triệu đồng, bởi những trải nghiệm mà nó mang lại là chưa đủ tốt, đặc biệt là khi đem so với các đối thủ như Galaxy Note 5, LG V10 hay iPhone 6S Plus.