ĐÁNH GIÁ CHUNG
Không có nhiều dòng tai nghe thực sự khác biệt như RS175. Sennheiser đã tạo ra một sản phẩm thực sự phù hợp để giải trí, xem phim tại gia nhờ công nghệ không dây có phạm vi kết nối cực rộng.
ƯU ĐIỂM
Kết nối dễ dàng, nhiều cổng kết nối
Phạm vi sử dụng rộng
Phụ kiện đầy đủ
Hiệu ứng âm thanh vòm khá
NHƯỢC ĐIỂM
Chất lượng chế tạo chưa cao
Âm thanh chưa ấn tượng
GIÁ THAM KHẢO
6,400,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Ở bất cứ phương diện nào, các công ty của Đức vẫn thường nổi bật ở chất lượng sản phẩm và việc đầu tư kỹ lưỡng cho công nghệ. Sennheiser ...
Ở bất cứ phương diện nào, các công ty của Đức vẫn thường nổi bật ở chất lượng sản phẩm và việc đầu tư kỹ lưỡng cho công nghệ. Sennheiser cũng không ngoại lệ. Họ có hẳn một dòng tai nghe bao gồm RS165, RS175, RS185 và RS195 sử dụng công nghệ không dây cho phạm vi kết nối từ 30-100 mét nhờ việc sử dụng bộ phát sóng ở băng tần 2.4Ghz, thay cho kết nối Bluetooth phổ thông thường chỉ đạt khoảng cách dưới 10 mét. Chúng tôi chọn RS175 để đại diện cho dòng tai nghe không dây RS, bởi sản phẩm này có bộ phát tín hiệu rộng tới 100 mét, cao hơn mức 30 mét của RS165, mà giá bán lại không quá cao như RS185 và RS195, ở mức trên 6 triệu đồng, tương đương một dàn loa máy tính 5.1 phổ thông. Nhưng nếu để so sánh RS175 với loa máy tính thì không công bằng, bởi mỗi kiểu sản phẩm có một ưu thế riêng. RS175 không phải một chiếc tai nghe đơn thuần, mà còn đi kèm cả một trạm phát sóng kiêm sạc pin. “Trạm điều khiển” luôn cần cắm nguồn điện, và kết nối với máy tính thông qua cổng 3,5mm hoặc với TV, bộ dàn giải trí thông qua cổng quang nhận tín hiệu digital . Chính bởi vậy mà giá của RS175 không thể rẻ như các tai nghe không dây khác. Có lẽ Sennheiser cố tình chế tạo RS175 với các vật liệu nhẹ nhất có thể để gia tăng độ thoải mái, như phần đệm tai và đệm đầu khá mềm (song lại mỏng manh, dự kiến sẽ bong tróc sau 1-2 năm sử dụng). Dù sử dụng kết cấu chủ yếu từ nhựa, song RS175 vẫn không quá mong manh. Song so với 1 thiết bị có giá trên 6 triệu đồng thì hẳn chưa toát lên được vẻ cao cấp. Việc sử dụng RS175 cũng rất đơn giản. Sennheiser bố trí một nút bật/tắt tai nghe ở bên phải. Khi sử dụng, ta chỉ cần nhấn nút này trong 2 giây để tai nghe tự động kết nối đến trạm điều khiển, cực kỳ đơn giản. Mỗi khi đặt tai nghe vào trạm đúng vị trí thì pin sẽ tự được sạc đầy rồi tự ngắt để pin không bị chai nhanh. Đi kèm RS175 là 2 viên pin GP RyCyko+ loại AAA dung lượng 820 mAh, được quảng cáo là có vòng đời khoảng 1.000 lần sạc. Sennheiser cho biết 2 viên pin này cho phép RS175 sử dụng được liên tục 18 giờ, nhưng thực chất thì chúng tôi chưa bao giờ bị hết pin khi dùng sản phẩm này. Hầu hết chúng ta chỉ nghe nhạc tối đa 3-4 giờ liên tục, sau đó lại đặt RS175 vào trạm sạc, nên sản phẩm luôn trong sạc thái được sạc đầy. Khi sạc chưa đầy, đèn LED trên trạm điều khiển sẽ có màu đỏ, và chuyển về xanh lá khi đã sạc xong. Quá trình sạc này thường mất khoảng gần 9 giờ nếu để pin cạn. Khoảng cách 100 mét của tín hiệu không dây có lẽ chỉ ở trong điều kiện lý tưởng mà Sennheiser thử nghiệm. Còn thực tế thì chúng tôi đo được ở khoảng 30 mét trở lại thì kết nối sẽ ổn định, do điều kiện nhà ở phòng ốc của VN khá nhỏ, nên gặp nhiều tường ngăn. Thông thường, sau khoảng 3 lớp cửa thì tín hiệu của RS175 mới bắt đầu có dấu hiệu trễ hay thỉnh thoảng ngưng, nên hãy mở cửa trong nhà (nếu có thể) để tín hiệu của chiếc tai nghe này luôn ổn định. Dù chưa thực sự đột phá, song chúng tôi vẫn sử dụng RS175 khá thoải mái khi di chuyển giữa các phòng, nếu đặt bộ phát sóng ở khoảng giữa nhà. Về mặt này, RS175 hoàn toàn vượt trội so với các tai nghe Bluetooth. Cảm giác đầu tiên khi tôi RS175 hẳn là ngỡ ngàng. Từ đó miêu tả chính xác suy nghĩ của chúng tôi rằng tại sao mẫu tai nghe này lại bị nhiễu ngay khi vừa khởi động. Nhiễu không quá nhiều, nhưng lại khiến tổng thể nhạc không được trong trẻo. Điều này có thể là do khu vực làm việc của chúng tôi có quá nhiều mạng không dây băng tần 2.4Ghz, phần nào cản trở tai nghe RS175 tương tác với bộ truyền tín hiệu. Sau khi chơi nhạc thì nhiễu sẽ bị che mờ. Nói một cách công bằng, RS175 không phải một chiếc tai nghe tối ưu cho việc nghe nhạc. Các bạn có thể nhận ra điều này qua việc Sennheiser bố trí 2 tùy chỉnh nhạc: tăng cường âm trầm (bass boost) và mở rộng hiệu ứng âm thanh vòm (2 nấc Low và High). Hai hiệu ứng này thường được dùng cho các thiết bị xem phim, và đó là nơi RS175 tỏa sáng. Bass boost của sản phẩm này không thực sự tốt, gây hiện tượng ù nền và lấn dải thấy rõ. Song mở rộng âm thanh vòm thì có thể coi là một tính năng đáng giá nếu biết sử dụng đúng lúc. Không gian mặc định của RS175 không rộng rãi, nhưng khi đặt tùy chọn mở rộng ở mức Low (ký hiệu Lo) thì hệ thống sẽ tự động kéo rộng sang hai bên trái phải, đồng thời đẩy âm thanh ra phía trước, tạo cảm giác rộng rãi hơn đáng kể. Đổi lại, âm thanh sẽ có cảm giác “mỏng” và “bẹt” hơn thấy rõ nếu để ở mức High (ký hiệu Hi). Qua bộ phim X-Men: Days of Future Past (2014), chúng tôi lần lượt thử sức với chế độ chỉnh âm. Hiệu ứng âm thanh vòm ở chế độ low không thể so sánh với các tai nghe 5.1 hay 7.1 thực thụ, song ở chế độ Low thì cũng có thể khiến chúng tôi hài lòng về không gian. Giọng nói của các nhân vật được bố trí rõ ràng, thậm chí thể hiện được chiều sâu của âm thanh, tái hiện vị trí gần xa của nhân vật. Âm trầm là một tình huống khó, bởi ở chế độ mặc định thì chưa đủ hùng dũng, nhưng mở thêm thì lại khiến các âm thanh khác khó nghe. Nói như vậy, song về chất lượng thì RS175 đã vượt qua nhiều rạp phim tại Việt Nam. Thử tiếp ở một số bản nhạc, RS175 có thể coi là cân bằng, dù chưa thực sự nổi trội ở bất cứ dải âm nào. Tổng thể nhạc hơi khô, nhưng được cải thiện đáng kể so với RS170 trước đây về mọi mặt, chủ yếu tập trung về trung âm để thể hiện giọng hát rõ ràng. Phong cách này cũng gợi ý rằng RS175 sẽ là một tai nghe chơi game tốt, sử dụng lâu không bị mệt, đặc biệt hữu dụng trong các game bắn súng.