ĐÁNH GIÁ CHUNG

Phiên bản thứ 3 của chiếc tai nghe inear đình đám từ Xiaomi thay đổi hoàn toàn về thiết kế, và chất âm cũng được nâng cấp đáng kể, dù giá bán giữ nguyên.


ƯU ĐIỂM

Thiết kế đẹp, hợp lý
Âm thanh dễ nghe, ấn tượng trong tầm giá
Micro trong trẻo


NHƯỢC ĐIỂM

Cách âm chưa tốt
Giá xách tay hơi cao
Có thể xuất hiện nhiều hàng giả


GIÁ THAM KHẢO

620,000 VNĐ


ĐIỂM

9/10 điểm

Nếu không chịu khó theo dõi thông tin từ Xiaomi, có thể bạn không nhận ra phiên bản kế tiếp của chiếc tai nghe inear Piston đã thay đổi hoàn ...

Nếu không chịu khó theo dõi thông tin từ Xiaomi, có thể bạn không nhận ra phiên bản kế tiếp của chiếc tai nghe inear Piston đã thay đổi hoàn toàn về thiết kế nhận diện, không còn giống hình viên đạn, mà trở nên “bình thường” hơn, nhưng sự tinh tế vẫn hiện diện ở việc sử dụng vật liệu cao cấp như nhôm phay xước trên nhiều chi tiết như vỏ, bộ điều khiển hay giắc cắm.

Chúng tôi không mong chờ một sản phẩm sự hoàn thiện ở mức giá này. Và quả thực nếu soi kỹ thì còn một vài mối nhỏ rất nhỏ chưa thực sự khít. Nhưng mức hoàn thiện này cũng đã rất hiếm thấy ở những tai nghe dưới 1 triệu đồng, ngay cả khi so với sánh RHA vốn nổi tiếng về mặt thiết kế. Việc thay đổi thiết kế là yêu cầu bắt buộc để nâng cấp chất lượng trình diễn của Piston 3.0. Ống dẫn âm (và có lẽ cả driver) được đặt nghiêng một góc khoảng 35 độ, nên dù kích thước phần vỏ lớn hơn thì cảm giác đeo vẫn rất thoải mái, và có ảnh hưởng tích hợp đến không gian âm thanh tái tạo lại. Nếu so sánh với thế hệ trước, phần ống dẫn âm của bản 3.0 đã được làm nhỏ hơn một chút. Giống như phiên bản 2.0, Xiaomi chỉ bọc vải cho phần cáp dưới (sau đoạn chia trái/phải), vốn va chạm nhiều và dễ đứt, gãy. Còn phần cáp trên bọc silicone thân thiện với da người, giống như 4 cặp đệm tai đi kèm. Chiếc tai nghe này có thể đeo cả 2 dạng: vòng qua vành tay hai đeo thẳng. Ngay cả ở kiểu đeo thông thường thì hiện tượng microphonics đã rất ít.

Bộ điều khiển của Piston 3.0 vẫn được tối ưu cho các điện thoại Android, hỗ trợ đầy đủ 3 nút (tăng giảm âm lượng, chuyển bài, nhận cuộc gọi), còn với các thiết bị của Apple thì chỉ nhận diện nút ở giữa (cho phép nhận cuộc gọi, hay dừng nhạc). Micro hoạt động khá tuyệt, nên chúng tôi không cần phải dí sát miệng như một số sản phẩm khác. Xiaomi cũng tuyên bố Piston 3.0 là tai nghe inear duy nhất hiện nay sử dụng thiết kế driver dynamic dạng sandwich, nghĩa là có đến 2 màng loa PET kết hợp với một cuộn cảm titan, có khả năng cải thiện cả 3 dải âm và duy trì sự cân bằng. Không rõ điều này có liên hệ với việc Xiaomi thiết kế lỗ thông khí lớn hơn trên Piston 3.0 hay không. Song thực tế là khả năng cách âm thụ động của Piston 3.0 không thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không hề nghĩ rằng Piston 3.0 sẽ là một chiếc tai nghe cân bằng như Xiaomi công bố, mà được chú trọng nhiều vào dải trầm cũng như dải cao hơn (còn được gọi là âm thanh kiểu V-Shaped), giống như Piston 2.0 nhưng được cải thiện rõ rệt.

Dải trầm đã được Xiaomi kiểm soát tốt hơn, không còn hiện tượng lấn dải như phiên bản 2.1 đang phổ biến trên thị trường. Tất nhiên, phiên bản 3.0 vẫn duy trì lượng âm trầm khá nhiều, nhưng không còn gây khó chịu ngay cả khi nghe với các loại nhạc sôi động. Có lẽ đây là điểm khiến Xiaomi cho rằng chiếc tai nghe này cân bằng hơn. Sự thay đổi cũng đến với dải trung âm, trở nên sạch sẽ, sống động hơn và cả một chút ấm áp. Dải trung hơi dày có thể tỏa sáng với nhiều giọng ca nữ như Phương Thanh trong bài Em về tinh khôi. Đôi lúc, giọng hát hơi tiến để tránh trở nên nhạt nhòa trong bản nhạc. Với một chút tăng cường ở độ chi tiết và sự mượt mà của dải trung thì Piston 3.0 trở nên dễ nghe hơn khá nhiều. Dải của của Piston 3.0 khá sáng, nhưng chưa đến mức trở nên gắt như phiên bản trước đó, và hoàn toàn không có dấu hiệu của sibilance, đồng thời tiếp tục duy trì sự mượt mà của dải trung. Nâng cấp đáng chú ý khác đến từ việc thay đổi thiết kế (mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên) chính là âm trường được mở rộng đáng kể, cùng với âm hình được định hình rõ ràng hơn. Độ rộng rãi ở mức trung bình, nhưng rất đáng khen với một món đồ phổ thông. Chúng tôi không nghĩ Piston 3.0 đơn giản là một phiên bản nâng cấp, mà quả thực được Xiaomi thay đổi rất nhiều về thiết kế nhận diện lẫn âm thanh trình diễn. Ở thời điểm viết bài này, giá bán của Piston 3.0 cao hơn phiên bản cũ khoảng 100 nghìn đông, và hoàn toàn xứng đáng với mức chênh lệch này. Tuy nhiên, khi giá bán của chiếc tai nghe này tốt hơn, ở khoảng trên dưới 500 nghìn đồng thì quả ít có đối thủ bì kịp.