Tai nghe Grado SR80e – nếu bạn là rock fan

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Bảo thủ từ thiết kế cho đến chất âm, cho đến thế hệ thứ 3 thì chiếc tai nghe SR80e vẫn giữ nguyên phong cách cuồng nhiệt kiểu Mỹ.


ƯU ĐIỂM

Âm thanh sống động
Chế tạo thủ công


NHƯỢC ĐIỂM

Phụ kiện nghèo nàn
Chất lượng chế tạo chưa cao


GIÁ THAM KHẢO

2,820,000 VNĐ


ĐIỂM

8/10 điểm

Ở thế hệ thứ 3, chiếc SE80e không thực sự thay đổi về ngoại hình. Chỉ những người từng sử dụng SE80i trước đó mới có thể nhận ra rằng phần đệm tai đã được làm dày và lớn hơn một chút, nên cảm giác đeo êm ái hơn. Việc sử dụng chiếc tai nghe này trong thời gian dài, khoảng 3-4 giờ là điều không mấy khó khăn. Song về tổng thể, chất lượng chế tạo của dòng sản phẩm thủ công từ Grado chưa thực sự ấn tượng, ví von một chút là cần “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, chưa tạo được cảm giác bền bỉ, mạnh mẽ như phần âm thanh của nó. Dù chưa đến nỗi mong manh, người dùng cũng nên cẩn trọng khi sử dụng. Song đổi lại thì việc bảo hành, sửa chữa tai nghe grado thường không khó khăn. Với thiết kế dạng mở, phần driver màu đỏ gần như có thể nhìn rõ từ bên ngoài, nên không khó đoán được khả năng cách âm của chiếc headphone này gần như bằng không. Thông thường, thiết kế này sẽ giúp không gian được tái hiện lại rộng rãi hơn, tuy nhiên SE80e vẫn mang đặc trưng của Grado, tạo cảm giác như người nghe đang… đứng sát loa để nghe nhạc. Không gian của Se80e không hẳn là quá hẹp, mà lại là điểm cuốn hút của nhiều tín đồ nhạc rock, bởi tạo cảm giác sống động hơn, mà vẫn có được sự thoáng đãng nhất định. Mục đích chủ yếu của thiết kế dạng mở có lẽ nhằm hạn chế tối đa hiện tượng cộng hưởng âm và vọng âm không mong muốn. Nhờ đó, Grado có thể mạnh tay khi thiết kế chất âm của SR80e. Nổi bật luôn là dải trầm uy lực, ấm áp, thậm chí lượng khá nhiều, thiếu một chút kiểm soát. Ở trong tầm giá dưới 3 triệu, Stereo Channel hiếm khi nghe được sản phẩm nào thể hiện tiếng trống tạo cảm giác thực đến vậy. Không khó để khiến SR80e phát nhạc lớn, nhưng ampli hoặc nguồn phát tốt là điều Stereo Channel khuyến cáo, nhằm giúp âm trầm đánh gọn gàng, tập trung hơn. “Đặc sản” của Grado không chỉ có vậy, dải cao của SE80e hay những người anh em cùng hãng luôn khiến nhiều người tranh cãi. Âm treble của SR80e lên cao, thậm chí hơi gắt. Ở một số bản thu âm không tốt, hiện tượng sibilance có thể nhận thấy khá rõ. Việc sử dụng ampli tốt cũng khiến dải cao của SR80E trở nên dễ nghe hơn. Dải trung có thể kém nổi bật nhất, nhưng vẫn có được nét cuốn hút riêng. Trong trẻo không phải từ để miêu tả chiếc tai nghe này, song đó không phải điểm yếu. Khi kết hợp với giọng trầm, hơi đục của Johnny Cash trong bài Hurt, SR80e tái hiện truyền cảm nỗi đau cô đơn của người đàn ông có tuổi trong ngôi nhà lớn. Grado SR80e là một chiếc tai nghe trùm đầu rất tốt trong tầm giá của nó. Nhưng đổi lại thì người nghe cũng rất kén, phải rất yêu chất âm của SE80e thì mới có thể chung sống với thiết kế chưa hoàn thiện này. Hơn nữa, nhiều người nghe còn nhận định rằng sẽ không có 2 chiếc Grado chất âm hoàn toàn giống hệt nhau, do việc chế tác thủ công sẽ không chính xác hoàn toàn. Rock vẫn luôn là sở trường của Grado, khó có đối thủ nào có thể vượt qua. Song chiếc SR80e cũng có thể chơi được một số dòng nhạc khác, như Jazz, R&B, hay một chút hiphop khi cần đổi vị.

Cùng chủ đề

Bình luận