ĐÁNH GIÁ CHUNG

Chiếc tai nghe thứ 2 của Fiio được giới thiệu với mục tiêu đơn giản là thay thế tai nghe đi kèm điện thoại, song nó thậm chí còn làm tốt hơn như vậy nhờ độ bền cao, và âm thanh tốt hơn mong đợi.


ƯU ĐIỂM

Giá tốt
Âm thanh ấn tượng trong tầm giá
Cảm giác độ bền tốt


NHƯỢC ĐIỂM

Không có túi đựng đi kèm
Bộ điều khiển đôi khi hơi khó sử dụng


GIÁ THAM KHẢO

350,000 VNĐ


ĐIỂM

8/10 điểm

Chiếc tai nghe thứ 2 của Fiio được giới thiệu với mục tiêu đơn giản là thay thế tai nghe đi kèm điện thoại, song nó thậm chí còn làm ...

Chiếc tai nghe thứ 2 của Fiio được giới thiệu với mục tiêu đơn giản là thay thế tai nghe đi kèm điện thoại, song nó thậm chí còn làm tốt hơn như vậy nhờ độ bền cao, và âm thanh tốt hơn mong đợi. Một trong những câu hỏi là chúng tôi hay nhận được nhất chính là mua tai nghe gì để thay thế tai nghe đi kèm điện thoại. Đó thực sự là một vấn đề không hề đơn giản. Mà điển hình như tai nghe iPhone “zin” thường không dễ tìm, như mò kim đáy bể trong thế giới loạn lạc vì hàng nhái, hàng giả từ Trung Quốc tràn về Việt Nam. Ở tầm giá khoảng 300 nghìn đồng trước đây chủ yếu là các tai nghe không rõ nguồn gốc xuất xứ mang thương hiệu Sony, Philips... hoặc Soundmagic, Sennheiser và Audio Technica. Mặc dù có không ít lựa chọn, song những sản phẩm thực sự khiến mọi người yên tâm lại không nhiều. Chiếc tai nghe đầu tiên của Fiio là EX1 hợp tác với hãng Dunu được thiết kế để chơi tối ưu với máy nghe nhạc X1 cùng hãng, nhưng chưa thực sự nổi trội. Có lẽ rút kinh nghiệm từ đó mà Fiio thiết kế EM3 hợp lý hợp, đặc biệt là về mức giá phổ thông hơn.

Thiết kế Không có quá nhiều điều để nói về ngoại hình của Fiio EM3, bởi nó không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, điểm tôi đánh giá cao là không có chi tiết nào cố tính làm bóng bẩy kiểu hàng mã, nên dù nhìn Fiio EM3 không có cảm giác cao cấp thì cũng không rẻ tiền. Tôi thấy đó là kiểu ăn chắc mặc bền. Fiio EM3 không phá cách như kiểu Apple Earpod hay Sony STH30, mà đi theo hướng cổ điển giống như Yuin vậy. Tin vui ở đây là Fiio cung cấp 2 màu (trắng, đen) dành cho chiếc EM3, nên sẽ phù hợp với nhiều màu điện thoại khác nhau. Nhưng dĩ nhiên màu trắng sẽ bám bẩn thành màu “cháo lòng” sau một thời gian sử dụng (nếu không cẩn thận).

Ở tầm giá này, rất ít tai nghe được trang bị sẵn micro và nút nhận cuộc gọi trên dây tín hiệu như Fiio EM3. Với việc chỉ sử dụng bộ tín hiệu 1 nút thì chiếc tai nghe này tương thích tốt với tất cả điện thoại Android và iPhone mà chúng tôi thử nghiệm, cho phép nhận cuộc gọi, dừng nhạc bằng cách bấm 1 lần, hoặc chuyển đổi bài hát khi bấm nhanh 2-3 lần. Vị trí đặt micro khá hợp lý nên việc sử dụng khá thoải mái, thu được âm thanh rõ ràng. Phần vỏ cáp bọc nhựa TPE là một trong những điểm mà tôi cũng cảm thấy hợp lý. Nó tạo cảm giác sẽ đạt độ bền cao, dù không chống cắt tốt như bọc vải, nhưng lại dễ dàng vệ sịnh hơn, và không mong manh như tai nghe đi kèm iPhone. Fiio không tự sản xuất tai nghe, mà họ đặt hàng “một nhà sản xuất đang hợp tác với Denon, LG, Samsung và Skullcandy” trong lĩnh vực âm thanh. Mặc dù thông tin không thực sự rõ ràng, nhưng cũng khiến chúng ta yên tâm hơn.

Và cũng như phần lớn các tai nghe earbud khác, phụ kiện duy nhất đi kèm Fiio EM3 là 3 cặp mút bọc đơn giản mà có thể tìm thấy ở bất cứ cửa hàng tai nghe nào (thậm chí là chợ Giời và chợ Nhật Tảo). Với những người không quen đeo earbud thì việc sử dụng mút đệm là rất cần thiết, không chỉ đem tới độ thoải mái mà còn tăng thêm chút bass, tạo cảm giác âm dày hơn đáng kể. Nhiều người nhận ra rằng Fiio EM3 không phải một sản phẩm mới hoàn toàn. Fiio nhận được khá nhiều đánh giá tích cực của giới chuyên môn về chiếc tai nghe đi kèm máy nghe nhạc M3 này, nhờ vào tiếng ấm áp, dễ nghe, phù hợp với những ai mê dòng nhạc trữ tình, vocal, pop, lại có thêm nút control music tương thích tốt với các loại smartphones hiện nay. Và họ lại yêu cầu Fiio bán riêng cái tai nghe không-biết-tên-gì này để người dùng có thể dễ mua và thưởng thức chúng trên những thiết bị khác nhau. Thế là earbud EM3 được ra đời, dựa vào những thiết kế cơ bản của tai nghe đi kèm máy M3, song có thêm micro và giắc kết nối 3,5mm chữ L (thay vì dạng thẳng), đồng thời chuyển từ màu trắng sang màu đen. Fiio EM3 sử dụng driver dynamic 14,8mm (tương đương so với Yuin1 về kích thước) và có trở kháng 47Ohm song độ nhạy lên tới 109dB, nên nó không kén chọn các nguồn phát phổ biến như điện thoại hay máy nghe nhạc. Như vậy, EM3 cũng đã được tăng thêm trở kháng nhằm giảm méo âm.

Nghe thử Theo Fiio, chiếc EM3 được thiết kế hướng tới âm thanh trung thực, một điều không hề bình thường ở phân khúc phổ thông, bởi các sản phẩm thường chỉ nhấn vào bass. Dù vậy, sẽ là rất bất công nếu nói rằng chiếc tai nghe này chơi thiếu nhạc tính. Nó cũng trình diễn với tốc độ khá tốt, đủ để các nốt nhạc chặt chẽ, không lề mề cuốn lại với nhau. Và dĩ nhiên, với thiết kế earbud thì không gian âm trường khá thoải mái, dù dĩ nhiên không đến mức tốt nhất. Tôi có một chút bất ngờ về độ chi tiết của Fiio EM3 khi so sánh với các tai nghe trong tầm giá, thể hiện rõ ở phần mid-bass. Một phần là do bass không bị đẩy lên tới mức tạo cảm giác... hư cấu, không đánh tràn lan ảnh hưởng tới mid, có lực tốt và tập trung. Phần mid-treble có hơi tiến, có mức chi tiết tốt, giàu năng lượng nhưng không quá ấn tượng về tính kỹ thuật. Nếu không nghe kèm mút bông bọc bên ngoài, đôi khi chiếc tai nghe này có cảm giác tiếng hơi mỏng.

Kết luận So với đối thủ VE Monk đang cực kỳ nổi tiếng, Fiio EM3 trình diễn một lựa chọn khác hẳn và dường như là đối lập. Lần này, Fiio đã không chạy theo gu nhạc của số đông, tạo ra “chất riêng”. Fiio EM3 có tiếng trung tính, chặt chẽ và thoáng đãng hơn. Còn VE Monk tạo cảm giác mềm mại hơn, nhưng chơi nhạc theo hướng thư giãn, vui vẻ hơn, với bass lớn, đầy đặn và treble hiếm có trong tầm giá. Tóm lại, khó có thể nói ai hơn về phần âm thanh, nhưng giá của Ve Monk chỉ bằng khoảng hai phần ba so với Fiio EM3 thì sẽ là một lợi thế lớn.