ĐÁNH GIÁ CHUNG

Một trong số hiếm những sản phẩm mang logo Sony có chất lượng âm thanh tốt và giá tiền hợp lý.


ƯU ĐIỂM

Chất âm sáng, chi tiết & hài hòa
Vỏ nhôm nguyên khối
Hỗ trợ thẻ nhớ
Phần mềm hoạt động rất ổn định
Hỗ trợ xuất digital ra DAC ngoài
Thời lượng pin ấn tượng


NHƯỢC ĐIỂM

Công suất đầu ra tai nghe yếu
Màn hình độ phân giải thấp
Bề mặt nhôm dễ bám bẩn
Khó sửa chữa


GIÁ THAM KHẢO

9,990,000 VNĐ


ĐIỂM

8/10 điểm

Hãy cùng xem Sony sẽ thay đổi thế nào để không khiến cho các khách hàng tiềm năng của mình nhìn mẫu NW-ZX100 này và nghĩ ngay đến việc đang cầm ...

Hãy cùng xem Sony sẽ thay đổi thế nào để không khiến cho các khách hàng tiềm năng của mình nhìn mẫu NW-ZX100 này và nghĩ ngay đến việc đang cầm trên tay một chiếc A17 giá 250$ được thay vỏ nhôm cho giống với ZX2 để bán được với giá gần 500$ ?

Cái nhìn ban đầu

Ngay từ khi những cái nhìn đầu tiên khi trên tay mẫu máy này, dễ dàng nhận ra được NW-ZX100 sử dụng thiết kế học hỏi khá nhiều từ mẫu máy nghe nhạc NW-ZX2 cao cấp nhất hiện nay của Sony.

Toàn bộ khung chính của máy được gia công từ nhôm nguyên khối liền mạch hoàn toàn từ trước ra sau, đem lại khả năng chịu lực tốt cho máy, khi cầm trên tay tạo cảm giác rất cứng cáp, chắc chắn và mát lạnh đặc trưng của kim loại. Bề mặt nhôm được xử lý nhám và giữ nguyên màu sắc tự nhiên của kim loại, giúp cho người dùng có thể cầm máy khá thoải mái và an toàn, không sợ trơn trượt làm rơi máy. Tuy nhiên bề mặt nhám này lại khá dễ bám vết bẩn và việc làm sạch nó sẽ hơi khó khăn hơn bình thường một chút.

Với bề ngoài giống như một sản phẩm với màn hình cảm ứng, nhưng kì thực NW-ZX100 lại là một chiếc máy nghe nhạc thuần nút bấm. Vẫn là cách bố trí quen thuộc trên các dòng A nút bấm phổ thông với cụm phím điều khiển chính đưa hết lên mặt trước của máy. Phím bấm có lực nhấn vừa phải, nhạy và có độ nảy đủ để có thể bấm với tốc độ nhanh khi duyệt danh sách bài hát mà không bị rối và cứng tay.

Điểm duy nhất khiến mình chưa hài lòng đó là việc bố trí 4 phím điều hướng (joystick) dưới dạng phím  phẳng và gần như liền mạch với bề mặt máy, điều này sẽ khiến người dùng ban đầu sẽ hơi khó khăn một chút trong việc định vị phím bấm thích hợp để chuyển bài hát khi đặt máy trong túi quần hoặc túi áo. May mắn là cụm phím âm lượng không mắc phải vấn đề này, nút bấm được làm với kích thước lớn và nổi hẳn lên so với cạnh viền, có thể nói là nhắm mắt cũng có thể tìm được chính xác nút cần bấm khi cần.

Một điểm sáng trên ZX100 đó là vẫn giữ nguyên khả năng mở rộng không gian lưu trữ bằng thẻ nhớ gắn ngoài dù bộ nhớ tích hợp bên trong máy đã ở mức khá khủng so với mặt bằng chung hiện nay – 128GB.  Về lý thuyết, máy có thể hỗ trợ thẻ nhớ với dung lượng tối đa lên đến 128GB, tuy nhiên trong tương lai chắc chắn con số này vẫn còn có thể tăng cao hơn khi công nghệ phát triển hơn.

Cuối cùng, máy được trang bị cổng cắm tai nghe 3.5mm mạ đồng khá đẹp mắt và cổng giao tiếp đa năng sử dụng chuẩn WM-Port “đặc sản” của họ nhà Walkman. Nhìn chung, với truyền thống cẩn thận, tinh tế và tỉ mỉ trong các công đoạn thiết kế và gia công sản phẩm, Sony đã tạo đươc lòng tin với người dùng đủ lớn để người ta có thể yên tâm bỏ qua yếu tố này và dành thời gian cân nhắc về những điều quan trọng hơn trên một chiếc máy nghe nhạc.

Bạn sẽ có gì ở một chiếc DAP xém 500$ ?

Với việc thực hiện một bước đi ngược xu hướng hơi mạo hiểm như ZX100, mình đã từng khá mong chờ vào việc Sony sẽ thay đổi và thêm thắt vào một vài thứ đủ thuyết phục để không khiến cho các khách hàng tiềm năng nhìn mẫu máy mới của hãng như một  chiếc A17 giá 250$ được thay vỏ nhôm cho giống với ZX2 để bán được với giá gần 500$.

Tuy nhiên thực tế thì thay đổi đáng kể nhất có thể nhận ra dễ dàng ở chiếc máy này đó là màn hình chủ, thứ mà bạn sẽ nhìn thấy mỗi lần mở máy lên. ZX100 là chiếc Walkman đầu tiên áp dụng giao diện màn hình chủ mới tinh với một khung Player hiển thị thông tin bài hát và các nút điều khiển cơ bản. Toàn bộ các icon chức năng và thiết lập chính được xếp thành 1 hàng ngang đặt ngay phía dưới khung Player thay vì xếp thành dạng ma trận 3x3 cũ mèm trước đây.

Thay đổi khá đơn giản, nhưng không thể phủ nhận là nó tiết kiệm khá nhiều calo cho người dùng khi mà giờ ta chỉ cần sử dụng phím điều hướng trái hoặc phải là có thể lướt và chọn nhanh mục cần tìm. Mặt khác, bởi vì đây cũng sẽ là màn hình mặc định mà bạn sẽ nhìn thấy mỗi khi bật máy lên, do vậy chỉ cần thêm một thao tác đơn giản nữa là ấn nút Play thì ngay lập tức nhạc sẽ được chơi, đây là điều mà những người coi trọng khả năng Instant Play với máy nghe nhạc sẽ khá hứng thú.

 Hệ thống quản lý nhạc vẫn giữ nguyên như cũ, người dùng có thể duyệt theo một số tiêu chí cơ bản phổ biến như theo Ca sĩ, Album, theo thư mục, v.v … và tất cả đều được tối ưu cho việc điều khiển bằng nút bấm vật lý. Tin tôi đi, nếu như đã quen và thành thục với cách điều khiển này thì tốc độ tìm kiếm bài hát sẽ rất nhanh, thậm chí nhắm mắt bạn cũng có thể chọn được đúng bài hát mình cần tìm trong khi máy thì đang nhét ở túi quần, điều mà gần như chắc chắn là sẽ không thể với các máy cảm ứng.

Tuy nhiên cho đến tận thời điểm hiện tại, hệ OS của Sony sử dụng trên ZX100 vẫn chưa hỗ trợ Unicode, đồng nghĩa với việc sẽ không hiển thị được tên các bài hát tiếng Việt có dấu. Đây là một điểm trừ cực kì tệ hại mà tôi phải giáng cho mẫu máy này, vì đã ngót nghét chả chục năm làm Walkman rồi nhưng Sony vẫn chưa cho thấy sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này.

Máy hỗ trợ khá đầy đủ các định dạng nhạc phổ biến hiện nay với khả năng chơi ngon lành 24bit/192 kHz và tất nhiên là không thể thiếu định dạng DSD thời thượng. Cũng vì lý do hỗ trợ DSD, vậy nên như các bạn đã biết ZX100 sẽ có bộ nhớ trong lên đến 128 GB và hỗ trợ cả thẻ nhớ ngoài nữa.

Một vấn đề mà ZX100 cũng như rất nhiều mẫu DAP hiện nay mắc phải đó là tốc độ đọc ghi của bộ nhớ trong. Tốc độ ghi trung bình của máy dao động trong khoảng 10 – 13 MB/s, tức là bạn sẽ cần đến gần 2 tiếng để copy đầy bộ nhớ máy. Thiết nghĩ bộ nhớ NAND tốc độ cao hiện nay có giá thành khá hợp lý rồi và không chênh lệch quá nhiều, hi vọng Sony sẽ xem xét đến việc này trong các mẫu máy ra mắt sắp tới của mình.

Bù lại thì ZX100 ghi điểm trong mắt mình nhờ khả năng hoạt động của phần mềm rất ổn định. Trong quá trình sử dụng thử nghiệm gần 1 tháng, chưa bao giờ ZX100 tỏ ra có vấn đề hay gặp trục trặc trong lúc hoạt động. Tốc độ load file nhạc gần như tức thời, đọc DSD rất ổn định và đặc biệt là thời gian tạo chỉ mục cho thư viện nhạc khá nhanh kể cả khi khởi động lại máy thường xuyên.

 Trải nghiệm âm thanh

Tiếp tục truyền thống của 2 người anh, ZX100 cũng được thiết kế với phần đáy dày và nổi hẳn lên so với thân máy để dành chỗ cho hệ thống tụ rắn OS-CON ở tầng output phía dưới. Nếu quan tâm các bạn có thể xem bài khám phá linh kiện chi tiết bên trong của NW-ZX100 đã được chúng tôi thực hiện trước đó.

Cho đến tận ZX100 Sony vẫn bảo thủ đặt nặng vấn đề di động và thời lượng pin. Với công suất ở ngõ ra 3.5mm vẫn giữ ở mức ìu xìu truyền thống là 15mW @ 16 Ohm, các loại IEM, tai nghe portable hoặc fullsize không quá khó kéo sẽ vẫn là sự lựa chọn thích hợp hơn để làm bạn đồng hành với ZX100.

Đối thủ đầu tiên được chọn để thực hiện bài test đó là chiếc IEM quen thuộc của mình – ATH-CK9 với trở kháng chỉ 30 Ohm và độ nhạy 104dB/mW, đủ nhạy để có thể sôi anh ách khi gặp nguồn phát chưa xử lý tốt phần tạp nhiễu nền.

Sau vài phút kể từ khi cắm vô cổng 3.5mm, ngay lập tức mình rút chiếc CK9 của mình ra và thay vào bằng một vài thứ khác đang có ở bên cạnh như Phonak PFE 112, Etymotic ER4s và Sony MDR-SA5000. Không một chút hiss, noise, background sạch sẽ đến mức làm mình khá bất ngờ, thậm chí còn tốt hơn so với cả ZX2. Đây sẽ là một điều khá hữu ích với những mẫu máy xác định IEM sẽ là đối tượng tai nghe chinh được sử dụng.

 Ưu thế về dải cao dày và nhiều năng lượng của CK9 được phô trương khá rõ ràng khi được đánh cặp với ZX100. Dải treble cho độ extend tốt, độ chi tiết, khả năng bóc tách chi tiết bản nhạc khá đáng nể và tự nhiên, do khả năng thực lực của máy, hoàn toàn không có cảm giác khó chịu gặp phải do dải treble thiếu kiểm soát và bị boost lên quá mức bình thường để tạo cảm giác chi tiết giả trên một số DAP khác.

Tuy nhiên, âm thanh của ZX100 vẫn có một chút gì đó giống như kiểu “được colored rất nhẹ”, nhưng lại là theo chiều hướng làm cho người ta vẫn thấy có mùi digital phảng phất và có thể nhận ra được khá rõ, và với mình thì đó là không phải là thứ mà bản thân mong đợi.

Những điều này cũng khiến ZX100 trở nên không hoàn toàn phù hợp với một số đối tác khó tính hơn, ví dụ như Sony MDR-SA5000. Với bản chất âm thiên sáng, hơi digital và hơi thiếu sự mềm mại ấm áp, nhiều lúc ZX100 khiến cho SA5000 vốn đã khá mỏng lại càng trở nên càng thái quá và khó chịu hơn với nhiều bản nhạc.

The Four Seasons - Decca Record (1971)

Tất nhiên không thể phủ nhận là trên một chiếc fullsize như thế này, ZX100 có điều kiện để thể hiện nhiều hơn các ưu điểm của mình: độ động ấn tượng, độ chi tiết và khả năng tách bạch khá cao, có thể phân biệt được rõ ràng tiếng các nhạc cụ tốt,  hoàn toàn không hề bị rối hay dính vào nhau khi tốc độ bản nhạc được đẩy lên cao và theo mình đây là một trong những phẩm chất rất tốt cho các thể loại classical và các bản solo đàn dây acoustic. Có lẽ đã lâu rồi mình mới thưởng thức lại một chút giai điệu từ tập nhạc phẩm The Four Seasons quen thuộc với một sự hứng thứ như vậy.

Với suy nghĩ rằng có lẽ ZX100 sẽ thể hiện tốt hơn với IEM, mình quyết định cho ZX100 một cơ hội thứ 3 với Noble Savant. Phải nói là bộ mặt tổng thể về âm thanh đã thay đổi khá nhiều khi mà giờ đây với người bạn đồng hành mới, ZX100 đã có nhiều đất để thể hiện hơn với các dải tần số thấp.

Holiday - Green Day (Single - 2004)

Thử qua một số bài rock nhẹ nhàng như Holiday của Green Day, mình khá ấn tượng với tiếng trống của Tré Cool được vang lên một cách rất gọn gàng, độ impact tốt và cho cảm nhận rất rõ ràng về lực và độ nảy của bề mặt trống. Độ tách bạch vẫn được giữ ở mức khá tốt, tiếng kick, snare và các nốt bass hòa âm cùng nhau, cùng chạy với tốc độ cao mà vẫn được kiểm soát tốt, hoàn toàn không bị dính lại thành một mớ hỗn độn không thể phân biệt. Chắc chắn rằng nếu như bạn đã quen với kiểu bass thiên nhiều về lượng và kéo đuôi lê thê đã thành thương hiệu của các mẫu Walkman cũ thì sẽ không thể nhận ra được điều này trên ZX100.

Rất may mắn là khi đi cùng ZX100 Savant vẫn giữ được chất riêng của mình với dải treble, khá dày và giàu năng lượng, lên rất tới, hơi có một chút bạo lực hơn bình thường nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Khi cần thiết thì vẫn có thể thêm vào một chút màu mè dịu dàng nhè nhẹ ở midrange để ZX100 có thể đảm nhiệm tốt hơn những dạng vocal nam như Julio Iglesias hay Il Divo, ít nhất là đủ để một đứa có xu hướng giống một treblehead như mình gật đầu và cầm tai lên nghe trong một khoảng thời gian dài hơn.

Il Divo - The Promise (2008)

Tuy nhiên so với khi cắm  trên ZX2, ZX100 vẫn chưa thực sự thể hiện được độ airy cần thiết trong một số bản hòa tấu, và đặc biệt là khả năng tái tạo không gian 3D hầu như khá mờ nhạt. Với cùng một bản hòa tấu từ Kitaro, trong khi ZX2 có đủ khả năng để dựng lên một không gian khá rõ nét với sự mở rộng cả về chiều ngang lẫn chiều sâu thì ZX100 chỉ dừng lại ở mức đập bẹp mọi thứ và cố gắng dàn trải rộng ra phía trước mặt.

Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là ZX100 không tốt và Savant nghe không hay.  Có thể nói, nhờ Savant mà ZX100 mới thực sự được phô diễn hết những thế mạnh của mình, và ít nhất đây có lẽ sẽ một trong những best IEM trong tầm 15 triệu phù hợp nhất dành cho ZX100 mà mình sẽ tư vấn mỗi khi được hỏi.

Còn về phần ZX100, đây là chiếc DAP khiến mình khá bất ngờ khi nó thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác, không giống với soundsign đậm chất bassy và tối hù mà mình nhớ trên những con Walkman nút bấm cũ trước đây. Tổng thể chất âm tương đối hài hòa, có xu hướng thiên sáng và độ chi tiết rất tốt, cá nhân mình đánh giá là trong khoản này thì thậm chí còn tỏ ra nhỉnh hơn so với cả nhiều đối thủ sừng sỏ khác trong cùng tầm tiền 10 triệu đồng như AK Jr hay DX90.

 Thời lượng pin là một điểm sáng đáng chú ý khác khi mà ZX100 tiếp tục nối tiếp truyền thống các đàn anh và thể hiện thời lượng pin thực tế rất ấn tượng chứ không phải chỉ là những lời khoác lác trên specifications công bố trên website. Với thời lượng nghe trung bình 3 – 4h mỗi ngày cho một kho nhạc hầu hết là FLAC và cả DSD, bật màn hình nhiều và thường xuyên vặn ở mức âm lượng 80% vì phải pair với một chiếc fullsize như SA5000, chiếc máy khiến mình và nhiều đồng nghiệp khác “tròn mắt” khi có thể trụ được sang đến ngày thứ 7 chỉ với một lần sạc pin. Kết quả này đưa ZX100 chính thức gia nhập vào top những chiếc DAP có thời lượng pin dài nhất hiện nay trên thị trường.

Nhìn chung, Sony đã khiến mình có đôi chút bất ngờ về phong độ trình diễn khá tốt của chiếc DAP-nói-không-với-Android này. Mình đã từng có một chút định kiến khá tiêu cực về vấn đề giá thành/hiệu năng chưa thật sự hợp lý  cộng với hướng phát triển các sản phẩm âm thanh có phần chạy theo thị trường hơn là tập trung vào chất lượng âm thanh khi gán mác Sony, nhưng với ZX100 thì có lẽ đã đến lúc phải thay đổi tư duy đó.

Việc dám nghĩ và làm theo một hướng đi khác với số đông đã giúp hãng có được một chiếc máy nghe nhạc với chất lượng rất đáng khen, chất âm đĩnh đạc và chi tiết, thời lượng pin lâu và tạo được lòng tin với khách hàng về một sản phẩm không quá chú trọng vào thiết kế và những tính năng không thực sự cần thiết, mà thay vào tất cả chỉ chú tâm cho một nhu cầu duy nhất: nghe nhạc hay.

Việc dám nghĩ và làm theo một hướng đi khác với số đông đã giúp hãng có được một chiếc máy nghe nhạc với chất lượng rất đáng khen, chất âm đĩnh đạc và chi tiết, thời lượng pin lâu và tạo được lòng tin với khách hàng về một sản phẩm không quá chú trọng vào thiết kế và những tính năng không thực sự cần thiết, mà thay vào tất cả chỉ chú tâm cho một nhu cầu duy nhất: nghe nhạc hay.