ĐÁNH GIÁ CHUNG

Leica Q Titanium Gray giống như một sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế cổ điển vượt thời gian, những tính năng hiện đại và chất lượng ảnh khó mà chê cho dù mức giá thì "trên trời".


ƯU ĐIỂM

Chất lượng ảnh gần như hoàn hảo
Cảm biến fullframe trong thân hình nhỏ gọn
Có Wifi, NFC để điều khiển, truyền dữ liệu bằng smartphone
Thiết kế đẹp mắt
Dải ISO rộng, nhạy sáng tốt
Ống kính chất lượng tuyệt vời


NHƯỢC ĐIỂM

Còn một số lỗi nhỏ trong phần mềm
Pin chưa đủ tốt


GIÁ THAM KHẢO

114,490,000 VNĐ


ĐIỂM

9/10 điểm

Đúng là không phải ai cũng có thể chi ra hàng trăm triệu chỉ để sở hữu một chiếc máy ảnh compact, nhưng cũng không phải chiếc máy ảnh nào cũng mang lại được trải nghiệm và chất lượng tốt như Leica Q.

Hãy tạm bỏ qua vấn đề về giá cả, hãy cùng nhìn sâu hơn vào khả năng chụp ảnh của Leica Q để xem nó làm được những gì dưới danh nghĩa một chiếc máy ảnh với cảm biến full frame gói trong thân hình siêu nhỏ gọn.

Độ thân thiện người dùng

Ngoài việc Leica Q rất đẹp ra, máy cũng có những điểm nổi bật để tăng trải nghiệm người dùng so với các dòng máy ảnh khác như màn hình lớn 3 inch kèm cảm ứng đa điểm. Màn hình này có độ phân giải lớn nhất nhì trong các dòng máy ảnh hiện nay. Đi kèm màn hình là viewfinder điện tử độ phân giaỉ 3.68 triệu điểm ảnh, có vòng xoay chỉnh độ cận và cảm biến tiệm cận, tự động tắt màn hình mỗi khi người dùng sử dụng ống ngắm.

Quanh màn hình của Leica Q là bộ phím bấm với nhiều chức năng khác nhau, trong đó có 2 phím Fn và một phím không có tên góc trên bên phải có thể gán các chức năng tùy theo ý muốn, ví dụ như điều chỉnh cân bằng trắng, zoom số hay khóa EV... Các phím này nhìn chung rất tiện lợi, có đủ những tính năng cần thiết nhất để thao tác nhanh chóng hơn, đúng chất một chiếc máy ảnh du lịch.

Điểm trừ nho nhỏ của Leica Q là màn hình dù có cảm ứng nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng được. bạn có thể dùng nó để chạm lấy nét, đo sáng, phóng to, thu nhỏ ảnh... nhưng lại không thể thao tác trong menu cài đặt mà bắt buộc phải bấm các nút điều hướng cứng bên ngoài.

Được tích hợp NFC và Wifi nên Leica Q có thể kết nối với smartphone Android và iOS để chuyển dữ liệu (ảnh, video...) cũng như sử dụng điện thoại như một viewfinder với đầy đủ các tính năng điều khiển thông số ảnh. Tốc độ kết nối của máy cũng rất nhanh, viewfinder độ trễ thấp nhưng không hiểu sao, trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi chỉ kết nối được với iPhone chứ các máy Android thì luôn gặp lỗi.

Thử dùng tính năng điều khiển và truyền tải ảnh/video qua Wifi trên Leica Q.

Phần đỉnh của Leica Q có vòng xoay chỉnh tốc (từ 1/2000 cho tới +1 giây và chế độ tự động), nút chụp kèm công tắc bật tắt/chỉnh chế độ chụp đơn hoặc liên tiếp, phím quay phim, vòng chỉnh EV (có thể cài đặt để chỉnh thông số khác) và 2 lỗ mic. Leica Q có tích hợp hotshoe nhưng lại không có flash cóc đi kèm. Điều này thực tế cũng không ảnh hưởng lắm vì khả năng chụp thiếu sáng của Leica Q đã quá tốt rồi.

Về phần ống kính, vì không có zoom quang nên nó chứa được cả vòng chỉnh khẩu độ, khoảng nét và chế độ macro. Ba vòng này được đặt khá sát nhau nhưng rất dễ quen tay, ít gây lúng túng dù có mới dùng. Đặc biệt nhất, ở vòng xoay focus còn có một nấc để người dùng dễ lấy nét hơn, đồng thời cũng có đầy đủ các thông số khoảng cách bằng feet và mét in phía trên.

Cảm giác cầm nắm Leica Q là khá tốt. Máy có nhiều góc cạnh cứng, ít bo tròn nên đôi khi hơi khó chịu nhưng vẫn có thể thao tác được sau một thời gian làm quen. Trọng lượng của máy khá nhẹ nên không làm mỏi tay khi dùng lâu và cũng không bị nóng. Đáng tiếc, viên pin 1200mAh bên trong máy chỉ cho thời gian sử dụng vài giờ, tức là nếu bạn muốn mang đi chụp cả ngày thường xuyên thì sẽ phải sắm thêm một viên pin dự phòng nữa.

Nhìn chung, Leica Q có đô thân thiện cao, dễ dàng đáp ứng được nhu cầu "cầm lên chụp ngay" của các dòng máy compact dù vẫn còn một vài giới hạn về tính năng.

Chất lượng hình ảnh

Vì đánh vào phân khúc máy ảnh point n shoot nên nước ảnh của Leica Q cũng rất khác biệt so với dòng máy Leica M. Những tấm hình thường có màu sắc đậm đà, nổi bật với tương phản cao hơn, "nịnh mắt" hơn và trông "digital" hơn.

Không phải bàn nhiều, phần cứng hỗ trợ chụp ảnh của Leica Q chắc chắn sẽ khiến nhiều người "thèm khát" vì quá tốt, từ cảm biến fullframe 24MP hỗ trợ ISO tối đa 50000 và ống kính Summilux 28mm f1.7.

Cảm biến ảnh Fullframe 24MP cho phép ghi lại chi tiết tốt, rất ít nhiễu và khả năng thu sáng cao, mang lại những bức hình đẹp ở gần như tất cả điều kiện chụp. Ống kính Summilux trong khi đó lại mang tới độ tương phản tốt hơn, không hề gây ra hiện tượng nhòe, viền chi tiết và rất ít flare khi chụp ngược sáng. Khả năng lấy nét của máy cực kì nhanh trong mọi điều kiện sáng nên phần lớn thời gian, chúng ta sẽ không cần dùng tới vòng chỉnh focus. Khi chuyển sang chế độ Macro trên ống kính, máy sẽ cho phép chụp với cự ly gần hơn, tối thiểu khoảng 8cm, trong khi ở chế độ chụp thường thì là khoảng 30cm.

Dưới đây, chúng ta sẽ cùng xem qua những tấm ảnh chụp thử từ máy và đánh giá từng khía cạnh để có cái nhìn rõ hơn về Leica Q:

Ở điều kiện đủ sáng, Leica Q thể hiện xuất sắc mọi khía cạnh, từ độ chi tiết, độ tương phản, màu sắc, cân bằng trắng dù độ sáng thì luôn hơi thấp hơn bình thường một chút.

Chụp trong nhà thường không thể làm khó Leica Q nhờ lợi thế về khẩu độ lớn, thu được nhiều sáng, cảm biến ISO cao và ống kính chất lượng tốt. Ảnh ra trông vẫn rất sắc nét với độ nhiễu luôn nằm ở mức chấp nhận được.
 

Giảm ánh sáng đi một chút, máy bắt đầu đẩy ISO lên cao. Tuy nhiên, nhiễu hạt luôn được xử lý khá tốt, nhìn dễ chịu và phải zoom lên thì mới thấy rõ. Thường thì chỉ ở mức ISO 6400 trở lên, nhiễu hạt mới gây ảnh hưởng tới chất lượng ảnh.

Chụp chân dung bằng Leica Q có lợi thế ở khả năng thể hiện màu sắc rất tốt, màu da không bị ám vàng, phù hợp hơn với người châu Á nhưng vì có tiêu cự 28mm nên chỉ chụp bán thân mới cho ra kết quả tốt. Ngoài ra, độ sáng thường bị "ghìm" xuống hơi thấp nên thường xuyên phải chỉnh lại EV cho phù hợp.

Chụp phong cảnh bằng Leica Q cho cảm giác rất thích. Ngoài việc độ sáng thường thấp hơn một chút so với cần thiết ra thì chất ảnh thường đẹp "ngay và luôn", ta có thể chuyển sang điện thoại và đăng lên Facebook mà không cần chỉnh sửa gì cả cũng được. Hơn nữa, góc chụp rộng cũng cho phép lấy được nhiều khung cảnh hơn và đặc biệt là không hề bị méo ở các góc.

Chụp cận cảnh/macro bằng Leica Q là một sự "sung sướng không hề nhẹ" vì máy thể hiện độ chi tiết rất tốt, lấy nét nhanh chóng, chính xác và bokeh mịn màng đến nỗi giống như là xử lý thêm bằng phần mềm chứ không phải do phần cứng. Có một lưu ý nhỏ khi chụp bằng chế độ Macro là máy sẽ quyết định khẩu độ chứ ta không thể chỉnh thay thông số này được.

Khả năng chụp ảnh thiếu sáng của Leica Q thực sự là "hoàn hảo". Chất lượng ảnh tốt y như chụp đủ sáng, lượng flare từ ánh đèn chấp nhận được, màu sắc chân thật và tốc độ lấy nét vẫn cực kì nhanh. Tất cả những yếu tố phần cứng như khẩu độ lớn, ISO cao, cảm biến fullframe, chống rung quang học và bộ xử lý ảnh Maestro thế hệ 2 đều góp phần tạo ra nhưng bức hình ấn tượng.

Về khả năng quay video, máy có thể ghi lại những đoạn clip ở độ phân giải tối đa 1080p và tốc độ khung hình 60fps. Ngoài độ nhạy sáng tốt, chống rung ổn, màu sắc, tương phản tuyệt vời thì Leica Q cho ra video với chất lượng chỉ ngang ngửa những chiếc smartphone cao cấp hiện nay, thậm chí là thua kém một chút nếu so về độ chi tiết. Tất nhiên, độ sâu trường ảnh khi quay cận cảnh sẽ tốt hơn smartphone nhiều nhờ cảm biến và ống kính lớn.

Bạn đọc có thể truy cập vào link này để tải về ảnh và video gốc của Leica Q Titanium Gray: Leica Q Sample | Google Drive

Một số tấm đã được chỉnh sửa: Flickr

Kết

Nhìn chung, với mức giá hơn 100 triệu đồng, bất kì ai cũng sẽ có kì vọng cao vào khả năng chụp hình của Leica Q Titanium Gray, và đối với cá nhân tôi, nó không hề gây thất vọng. Tất nhiên, vẫn còn một số lỗi nhỏ trong phần mềm và vài điểm trừ ở phần cứng, nhưng xét trên phương diện một chiếc máy compact thì nó đã đáp ứng hoàn hảo yêu cầu quan trọng nhất về chất lượng ảnh rồi.