ĐÁNH GIÁ CHUNG
Loa di động không có nghĩa là phải nhỏ nhắn. JBL Xtreme dành cho những người muốn tiệc tùng mọi nơi, chứ không thích hợp để đặt trong nhà.
ƯU ĐIỂM
Âm thanh lớn, đủ nghe ngoài trời
Chống nước nhẹ
Cứng cáp, chất lượng chế tạo cao
Pin tốt, sạc được smartphone
Dùng được như loa soundbar
Đi kèm quai đeo
NHƯỢC ĐIỂM
Âm trầm lấn dải, đôi khi gây ù
Kết nối Bluetooth có độ trễ cao
Hơi méo khi nghe âm lượng tối đa
GIÁ THAM KHẢO
7,500,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Đất Mỹ rộng rãi, và người Mỹ dường như thích những gì to tát, lớn lao. Lần đầu tiên nhìn thấy mẫu loa D44000 Paragon của JBL tôi đã ngả ...
Đất Mỹ rộng rãi, và người Mỹ dường như thích những gì to tát, lớn lao. Lần đầu tiên nhìn thấy mẫu loa D44000 Paragon của JBL tôi đã ngả ngửa về sự hoành tráng của nó, và các cặp loa nhóm Everest cũng không kém phần long trọng. Phong cách “to luôn tốt” tiếp tục được JBL đưa vào mẫu loa “kém di động” mang tên Xtreme, mà chúng tôi còn ví von là “Charge 2+ phòng to”, gần bằng các loa soundbar. Kích thước của Xtreme nhinhr hơn đôi chút so với chai coca 2 lít, và trọng lượng cũng tương đương. Charge được coi là mẫu loa di động tiêu biểu cho thương hiệu JBL, mà bản thân tôi cũng đánh giá khá cao về sự cân bằng cả về thiết kế lẫn chất lượng âm thanh. Song dòng Charge chỉ nên sử dụng trong phòng nhỏ, hoặc đi picnic với nhóm nhỏ. Xtreme được sinh ra để chơi nhạc ngoài trời hoặc các không gian mở, rộng rãi. Song với việc hỗ trợ cồng đồng trục nhận tín hiệu thì Xtreme hoàn toàn có thể sử dụng như loa soundbar kết hợp với TV khi không đem đi dã ngoại. Đúng là một loa đôi việc. Để có thể di động được, JBL thiết kế Xtreme với 2 móc đeo đi kèm dây vải đeo vai. Với trọng lượng lên tới hơn 2kg thì việc cầm bộ loa này trên tay để đi lại là rất khó, nhưng nếu đeo trên vai thì vẫn rất nhẹ nhàng. Thiết kế này của Xtreme làm tôi liên tưởng tới các bộ trống cơm cổ truyền của Việt Nam kiểu cách tân. Phần lưới vải ở bên ngoài được làm từ vật liệu chống bụi và ngăn nước ở mức thấp. JBL cho biết người dùng không phải loa nếu Xtreme dính mưa, hay nước bắn vào, song nếu ngâm dưới nước thì vẫn có thể hỏng. Điểm bất tiện là nếu muốn sạc hay kết nối Xtreme bằng dây thì phải mở khóa kéo ở đằng sau, và lúc này khả năng chống nước sẽ thấp hơn nhiều. JBL còn bọc cao su ở các vị trí dễ va đập, cũng như bọc kim loại ở ngoài 2 driver để Xtreme có độ bền tốt. Song kể cả việc sử dụng khung thép thì cũng không đảm bảo cho bộ loa này tránh hư hỏng do va đập, mà chỉ hạn chế phần nào rủi ro nếu có. Các nút điều khiển trên thân cũng được làm từ cao su nổi hẳn lên trên thân loa rất dễ bấm, và chân loa bọc cao su cũng chống trượt rất tốt. Với kích thước đồ sộ, JBL sẽ mạnh tay đưa vào sử dụng viên pin 10.000 mAh bên trong chiếc loa này, nên ngoài chức năng chính là chơi nhạc, thì Xtreme cũng có thể sử dụng như pin di động dự phòng thông qua 2 cổng USB ở mặt lưng để sạc 2 điện thoại cùng lúc. Viên pin lớn như vậy cho phép Xtreme chơi nhạc liên tiếp hơn 13 giờ trong thử nghiệm nghe thông thường của chúng tôi, và cũng gần đạt mức 15 giờ theo tuyên bố của nhà sản xuất. Do sử dụng viên pin khá lớn, Xtreme không sử dụng sạc thông qua cổng USB (bởi thời gian sạc có thể lên tới cả ngày theo phương thức này), mà chuyển qua sử dụng bộ nguồn sạc tương tự laptop để có dòng điện vào lớn hơn. Để sạc đầy Xtreme, chúng tôi chỉ mất hơn 3 giờ, trong khi với các bộ pin dự phòng có dung lượng pin tương tự thì thường khoảng hơn 1 đêm hoặc cao hơn. Một tính năng “ăn tiền” khác của Xtreme là nút JBL Connect ngay cạnh nút nguồn, cho phép Xtreme kết nối với các bộ loa khác có tính năng tương tự. Không đơn thuần là việc tăng âm lượng, tính năng JBL Connect tạo thành một hệ thống loa âm thanh vòm thực sự, gián tiếp nâng cao chất lượng nghe. Chúng tôi thử kết nối Xtreme với 1 dòng loa khác của JBL là Flip 3, và kết quả khá tốt với sự hỗ trợ của phần mềm điều khiển JBL Connect trên smartphone. Không giống như dòng Charge 2, JBL đã thiết kế Xtreme với 4 driver, bao gồm 2 tweeter 35mm và 2 woofer 63mm. Mục đích của việc này rõ ràng nhằm đạt hiệu quả về dải trầm tốt hơn. Quả thật, ấn tượng đầu tiên của tôi về Xtreme toàn là dải trầm chưa từng thấy trong bất cứ các loa di động từng nghe thử. Phòng làm việc của tôi chỉ khoảng 20 mét, dường như không gian này không đủ cho Xtreme thể hiện tài năng nên âm trầm bị ù nền rõ ràng. Sau đó, tôi thử đưa Xtreme vào không gian phòng khách rộng gần 40 mét vuông (thực chất có thông với hàng lang giữa các phòng, kiểu thiết kế điển hình ở chung cư), thì hiện tượng ù đỡ hẳn. Và cuối cùng, khi đưa Xtreme ra ngoài đường lớn thì tôi mới hiểu tại sao JBL thiết kế bộ loa này dư dả dải trầm như vậy. Bạn sẽ không có cảm giác thiếu thốn ngay cả khi đi picnic nếu đem theo Xtreme. Nếu nghe ở trong nhà thì tôi thường dùng phần mềm có sẵn trên điện thoại để giảm chút lượng âm trầm xuống để dễ nghe hơn. Việc âm trầm bị ù và lấn dải cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi chất lượng nhạc và kết nối của thiết bị phát. Ví dụ như chiếc laptop ThinkPad X220 của tôi chỉ hỗ trợ Bluetooth 3.0 thì không thể nghe nổi, song với iPhone 5S (hỗ trợ codec AAC) thì chất lượng cải tiến vượt bậc. Tương tự dải trầm, đôi tweeter riêng của Xtreme khiến dải cao dễ dàng tọa ấn tượng với người nghe. Song chính việc này đôi khi khiến dải cao của loa hơi gắt khi nghe trong phòng. Với dải trầm khá “khủng bố”, tôi không hề bất ngờ khi dải trung âm cũng bị lấn đôi chút, song giọng hát vẫn đủ rõ ràng, truyền cảm chứ không hề bị mờ tịt. Khi thử nghe ở ngoài trời, tôi cũng nhận ra ampli của Xtreme dường như có phần hụt hơi khi chơi ở công suất tối đa. Điều này khiến dải trầm không được kiểm soát tốt, tạo cảm giác âm trầm hơi vỡ. Để khắc phục, tôi chọn cách đơn giản là đưa âm lượng xuống khoảng 90%, vẫn khá dư dả để chơi ngoài trời. Kết nối Bluetooth khá ổn định, song độ trễ lại hơi cao. Tôi thử xem phim trên iPad với Xtreme thì luôn có cảm giác “hình đi trước tiếng” ở mức thấp. Kết quả đo bằng máy cho biết Bluetooth trên Xtreme có độ trễ tới 350ms, trong khi các đối thủ thường chỉ 150ms. Vậy nên, nếu xem phim thì tốt nhất nên sử dụng cáp tín hiệu đồng trục.