ĐÁNH GIÁ CHUNG
Chất âm nhẹ nhàng, tình cảm, dễ nghe và dễ thấm với đa số mọi người.
ƯU ĐIỂM
Vỏ nhôm phay chắc chắn, cứng cáp
Hỗ trợ giao tiếp vào ra rất đa dạng
Hỗ trợ 2 khe cắm thẻ nhớ
NHƯỢC ĐIỂM
Cảm ứng chưa thực sự mượt mà
Phần mềm còn khá nhiều lỗi
ĐIỂM
7/10 điểm
Sau nhiều năm tiến vào thị trường Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng tốt với những iBasso Dzero hay DX100 nổi tiếng một thời, mới đây iBasso đã tiếp ...
Sau nhiều năm tiến vào thị trường Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng tốt với những iBasso Dzero hay DX100 nổi tiếng một thời, mới đây iBasso đã tiếp tục tái xuất với một mẫu DAP mới mang tên DX80.
Unboxing
Cách đây vài năm, các dòng máy nghe nhạc series 2 số như DX50 hoặc DX90 của iBasso khá thành công trong việc chiếm lĩnh phân khúc máy nghe nhạc giá dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đã ngày một khác khi mà ngày càng có nhiều đối thủ hơn nhảy vào phân khúc này và cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy thực tế sự ra đời của DX80 là một động thái gần như nghiễm nhiên và có thể đoán trước được, chính điều này đã khiến mình có một chút tò mò xem iBasso sẽ "làm ăn" như thế nào trên mẫu máy được coi là sản phẩm chiến lược trong năm của mình.
Hộp đựng lần này của máy đẹp và khá to, dày gần gấp 3 lần chiếc DX90 cũ. Ngoài máy ra thì còn một số phụ kiện đi kèm như trên hình các bạn thấy: cáp usb, cáp coaxial, cáp burn-in, một bao silicon và bộ 2 miếng dán màn hình đã cắt sẵn cho máy. Không có nhiều sự khác biệt so với các sản phẩm trước đây của hãng, và thực tế thì mình nghĩ cũng không thể phàn nàn gì hơn vì đã quá đầy đủ và cẩn thận rồi. Một điểm cộng dành cho sự cẩn thận của iBasso.
Giữ nguyên truyền thống từ trước, thân máy gia công hoàn toàn từ kim loại rất chắc chắn và nặng tay, không có một chút xíu nào ọp ẹp và không chắc chắn cả, khá tuyệt. Cầm chiếc máy trên tay, dễ nhận thấy DX80 đã ít nhiều thay đổi thiết kế so với người đàn anh của mình, dù rằng nhìn một cách tổng thể thì mẫu máy mới này vẫn giống như kiểu đem DX90 ra vạt chéo 4 góc vậy.
Thực sự thì ngay từ đầu mình không hoàn toàn thoải mái với DX80 vì lý do các góc cạnh máy vẫn chưa hoàn toàn được mài bằng đủ độ cần thiết và vẫn gây cấn tay hơi khó chịu, đặc biệt là ở các phần vát chéo 4 góc. Ơn trời là hãng đã đi kèm sẵn cho máy một bao silicon, và ngay lập tức mọi vấn đề khó chịu mình nêu trên được giải quyết triệt để. Đây có thể coi là một chiêu khá thông minh của iBasso khi mà cái bao silicon này đã cứu nguy cho DX80 trong khá nhiều chỗ.
Nếu như các bạn còn nhớ trên DX 50/90, người dùng có thể thay pin dễ dàng thông qua nắp lưng có thể tháo được phía sau, thì trên DX80 sẽ không còn được như vậy nữa vì nhà sản xuất đã quyết định làm nắp lưng liền, như vậy cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không còn có thể cứu nguy bằng một viên pin backup thứ 2 trong trường hợp máy hết pin nữa, hơi bất tiện một chút. Nhưng bù lại thì như mình đã nói ở trên, máy trở nên chắc chắn và đẹp hơn nhiều, mình tin rằng nhiều người sẵn sàng chấp nhận điều này để đổi lấy những lợi ích không kém phần thú vị ở trên.
DX80 tiếp tục là mẫu máy nghe nhạc sử dụng màn hình cảm ứng với kích thước lớn 3.2" độ phân giải 480x800. Chất lượng hiển thị rất tốt, màu sắc đẹp và tự nhiên, quá thừa mứa để hiển thị các cover của bài hát. Ngay kế phía bên dưới là cụm 3 phím vật lý điều khiển phát bài hát, cụm phím điều khiển âm lượng ở bên cạnh phải và phím nguồn ở cạnh trái.
Tất cả các phím này đều được thiết kế với kích thước lớn, hành trình phím dài và khá dễ bấm nhờ độ đàn hồi tốt và không quá cứng. Nhìn chung là tối ưu đủ tốt để bạn có thể sử dụng để điều khiển máy mà không cần nhìn khi bạn đặt máy trong túi quần, túi áo hoặc balo phía sau, đây là một điểm mình cực kì xét nét trên các máy nghe nhạc sử dụng màn hình cảm ứng và DX80 đã làm rất tốt điều này, rất đáng khen.
Máy được trang bị khá dư dả các cổng giao tiếp, cụ thể ngoài ngõ headphone out ra thì máy còn có thêm một cổng xuất SPDIF/coaxial, một ngõ line out và 1 cổng micro USB đa năng có chức năng OTG để có thể dùng với DAC ngoài. Ngoài ra máy còn được trang bị đến 2 khe cắm thẻ micro SD, khá hợp lý khi thực tế là DX80 không hề được trang bị bộ nhớ trong, do vậy bạn sẽ bắt buộc phải mua thêm thẻ nhớ nếu muốn copy thêm nhạc, hơi bất tiện một chút.
Giao diện người dùng (UI)
Vì DX80 là một chiếc máy nghe nhạc có màn hình cảm ứng, do vậy mình sẽ dành riêng một phần để nói về vấn đề này. Tổng thể thì mẫu máy mới này đã được iBasso thay đổi và tối ưu giao diện cảm ứng hơn khá nhiều so với các thế hệ trước đó.
Một lợi thế của DX80 lần này đó là màn hình lớn hơn và có độ phân giải cao, do vậy có nhiều không gian hơn để bày bố và sắp xếp lại UI một cách hợp lý hơn. Về cơ bản mỗi khi bật máy, mặc định các bạn sẽ được đưa vào màn hình Now Playing chủ đạo với các thông tin bài hát, các nút bấm điều khiển phát nhạc và còn lại, chiếm hơn một nửa diện tích màn hình là nơi để hiển thị cover.
Lẽ ra iBasso hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để phỗ diễn chất lượng màn hình của máy khi hiển thị các cover chất lượng tốt, nhưng thực tế thì mọi thứ lại như thảm họa. Rất nhiều bài hát trong kho nhạc của mình bị hiển thị cover lên màn hình của máy một cách tệ hại, vỡ hình như kể đang nhìn đồ họa 8-bit trên game vậy, ngược lại một số file khác thì lại hiển thị cover tuyệt đẹp. Lỗi này xảy ra có lẽ không theo một quy luật nào cả và hi vọng rằng sẽ được sửa chữa sớm trong đợt cập nhật firmware mới của máy.
Giao diện cảm ứng của DX80 ứng dụng nhiều các thao tác vuốt từ cạnh để truy cập vào các trang tính năng khác nhau của máy. Cụ thể, từ màn hình Now Playing, bạn có thể vuốt từ cạnh trái để hiển thị menu My Music cho phép liệt kê danh sách các bài hát trong máy theo các tiêu chí sắp xếp, hoặc vuốt từ cạnh phải để hiển thị menu Settings chứa nhiều thiết lập liên quan đến các chức năng của máy.
Bạn cũng có thể vuốt từ cạnh trên máy xuống để chuyển nhanh các chế độ của máy. Rất khoa học, tiện lợi, tận dụng tốt các gesture phổ biến của màn hình cảm ứng và được trình bày rất dễ hiểu, có thể nói là người mới lần đầu cầm vào máy cảm ứng của iBasso cũng có thể làm quen khá nhanh.
Mọi thứ sẽ gần như hoàn hảo nếu như không gặp phải một vấn đề lớn - tốc độ phản hồi !
Tốc độ hiển thị và đáp ứng thao tác khi vuốt trong quá trình duyệt danh sách bài hát chưa thực sự mượt mà, đặc biệt là với số lượng bài hát lớn. Mọi thứ còn tệ hại hơn khi vuốt để gọi các menu truy cập nhanh ở các cạnh màn hình, tính kể từ lúc vuốt cho đến khi menu hiện ra thì có lẽ phải mất gần 1s.
Nghe trên giấy thì có vẻ bình thường, nhưng khi trải nghiệm thực tế thì bất tiện hơn khá nhiều vì độ trễ này gây cho người dùng cảm giác bị "hẫng" và hơi khó khăn để có thể bắt kịp nhịp hoạt động của máy, dẫn đến giảm tốc độ thao tác khi cần điều khiển máy với tốc độ nhanh. UI là một trong những thứ mà mình thường rất quan tâm và xét nét một cách khá khó tính, vì đây là thứ ảnh hưởng không nhỏ chút nào tới cảm nhận chung của người dùng về chiếc máy này. Xét trên tiêu chí này thì thực sự, iBasso vẫn còn khá nhiều thứ cần phải làm để có thể cải thiện tốt hơn hoạt động của chiếc máy DX80 này.
Trải nghiệm âm thanh
Tương tự như khi giới thiệu các mẫu máy trước đây, thông số phần cứng tiếp tục là điểm mạnh được iBasso đem ra để làm điểm nhấn chính cho máy. Về cơ bản chúng ta sẽ có một chiếc DAP chạy dual DAC CS4398 của CirrusLogic với khả năng giả mã cả PCM 24/192 và DSD128 native dễ dàng. Ngoài ra người dùng cũng có thể biến DX80 trở thành một chiếc USB DAC cho máy tính thông qua mạch tranceiver XMOS danh tiếng và được chính tay Thesycon viết driver trên Windows.
Tiến hành quá trình thử nghiệm với bộ đôi quen thuộc ưa thích của mình: ATH-CK9 và một chiếc Sony MDR-SA5000. Tổng thể chung thì trên DX80 mình vẫn thấy soundsign quen thuộc của họ DX nhà iBasso: âm dày, ấm, khá màu và mượt mà, khá dễ nghe.
Cụ thể hơn, với bạn đồng hành là CK9, DX80 không mảy may khó khăn vì bản thân CK9 là một chiếc IEM khá dễ chiều và không đòi hỏi một cách quá đáng về nguồn phát. Background tương đối sạch, lượng noise ít và nếu ở điều kiện bình thường thì sẽ khó nhận ra. Trên chiếc IEM này, DX80 tái hiện chất âm khá đặc trưng của mình với phần dải âm trầm tương đối dày, bass đánh với lực khá và kiểm soát tốt.
Có cảm giác như DX80 nhấn nhá nhiều hơn bình thường một chút ở khoảng mid bass và sự "vô tình một cách có chủ ý" như thế này đem lại cho chiếc máy một dải bass có phần khá đặc biệt và có cá tính riêng: không quá gọn gàng dứt khoát như ZX100 nhưng cũng không quá lề mề như DX50. Mình thì thực sự không thích điều này cho lắm, nhưng xét cho cùng thì phần lớn người nghe vẫn khoái kiểu bass thế này hơn, mặt khác đây có lẽ cũng là cách tạo soundsign riêng của cả dòng DX mất rồi.
Bù lại thứ mà chúng ta phải đánh đổi là tốc độ. Khi thử với một số bản giao hưởng kinh điển như Four Seasons hay series The Classical Album của Vanessa Mae, vào những đoạn cao trào hòa âm cùng lúc nhiều nhạc cụ, tiếng bắt đầu tỏ ra rối một chút và chưa thật sự tạo được sự hùng tráng như mình mong muốn.
Vấn đề này cũng tỏ ra không mấy cải thiện khi chuyển sang thử với một số bài rock của Within Temptation và Green Day. Thứ bass "có cá tính" này làm mình có cảm giác không ăn nhập lắm với những đoạn riff và lead máu lửa nhịp nhàng với các nốt bass vốn cần tốc độ cao. DX80 chưa thể hiện được cái tính agressive mà mình mong đợi những thể loại nhạc như thế này.
Mọi thứ vẫn tương đối tách bạch và có tốc độ khá tốt, mid có xu hướng hơi tiến một chút và kết hợp với dải treble có phần khá hiền hòa và mạnh về độ mượt mà hơn là gai góc và mạnh mẽ. Những đặc điểm này khiến cho DX80 không hoàn toàn thích hợp với việc thể hiện những thể loại nhạc tiết tấu nhanh và yêu cầu cao về tốc độ như giao hưởng hay rock, vốn rất cần sự dứt khoát, mạnh mẽ và máu lửa.
Bù lại, những tính chất này lại khá phù hợp khi chơi những thể loại nhẹ nhàng và dễ nghe hơn như pop chẳng hạn. Dưới sự thể hiện của DX80, giọng hát của Celine Dion được thể hiện khá nịnh tai, ngọt ngào nhờ dải mid được colored khá rõ ràng. Dải cao hoàn thành trọng trách của mình với độ chi tiết khá tốt, mượt mà và không quá agressive. Âm trường của máy nằm ở mức trung bình và tạo cho mình cảm giác rõ ràng hơn về chiều sâu thay vì chiều rộng.
Khả năng kéo tai nghe của DX80 cũng tương đối tốt, tuy không thật sự có đủ công suất để kéo những chiếc tai nghe trở kháng cao, nhưng mức âm lượng của máy tỏ ra vượt trội hơn so với nhiều mẫu máy khác trên thị trường, như các mẫu Walkman chẳng hạn. Nhìn chung, ngoại trừ những đối tác khó nhằn như K701, HD600/HD800 hoặc họ nhà Beyer ra thì mình nghĩ DX80 sẽ không gặp vấn đề gì lớn và đủ sức để kéo hầu hết những mẫu tai nghe inear và portable phổ biến hiện nay trên thị trường.
Tuy nhiên thứ sẽ phải đánh đổi tương ứng là thời lượng pin. Nhà sản xuất đưa ra con số 12h liên tục khi cho DX80 chạy nhạc Hi-res, mức này đã là tốt hơn khá nhiều so với DX90. Nhưng trong thực tế sử dụng, với kho nhạc lẫn lộn giữa cả 16/44, 24/192 và DSD của mình thì thời lượng thực tế sẽ thấp hơn một chút, nhưng vẫn khá sát so với công bố của nhà sản xuất. Tuy nhiên do bạn không thể tháo pin rời được như các mẫu máy trước nữa, do vậy phương án dùng viên pin backup thứ 2 là không thể, và bạn sẽ bắt buộc phải cắm sạc nếu muốn máy tiếp tục hoạt động.