ĐÁNH GIÁ CHUNG

Xperia XA là một thiết bị hấp dẫn đối với những ai yêu thích sự thời trang, vẻ ngoài đẹp đẽ, nhưng cấu hình phần cứng của máy thì chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu thông thường.


ƯU ĐIỂM

Thiết kế đẹp mắt
Viền cạnh siêu mảnh
Màu sắc độc đáo


NHƯỢC ĐIỂM

Camera chưa ổn
Mặt lưng rất dễ xước
Loa ngoài nhỏ


GIÁ THAM KHẢO

6,990,000 VNĐ


ĐIỂM

7/10 điểm

Sau nhiều năm trời tỏ ra chậm lại trong khoản sáng tạo về thiết kế, Sony cuối cùng cũng bắt đầu đưa những đặc điểm mới mẻ, dễ thu hút ...

Sau nhiều năm trời tỏ ra chậm lại trong khoản sáng tạo về thiết kế, Sony cuối cùng cũng bắt đầu đưa những đặc điểm mới mẻ, dễ thu hút khách hàng lên các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều kì lạ nằm ở chỗ không phải Xperia X và X Performance - hai thiết bị cao cấp hơn - được "chọn mặt gửi vàng" mà Xperia XA mới là mẫu máy nhận được vinh dự này. Với thiết kế viền cạnh tối giản, đẹp mắt, cấu hình tầm trung vừa đủ dùng và mức giá khoảng 6 - 7 triệu đồng, liệu Xperia XA có thành công được hay không, nhất là khi mà các đối thủ đến từ Trung Quốc đang đánh rất mạnh vào phân khúc này?

Thiết kế

Dù kiểu thiết kế không viền đã được Sony mang lên chiếc Xperia C5 Ultra từ năm ngoái, nhưng phải tới Xperia XA của năm nay thì nó mới thực sự được hoàn thiện tới mức tuyệt hảo nhờ mặt kính cong 2.5D và mặt lưng nhám thay vì bóng.

Viền màn hình sẽ "biến mất" khi không bật lên.

Nhờ mặt kính trước cong 2.5D mà thiết kế của máy trông liền mạch, thanh thoát và cao cấp hơn hẳn so với C5 ultra. Tuy nhiên, khi nhìn kĩ thì nó lại không cong quá nhiều mà chỉ hơi được vát nhẹ một chút để tạo cảm giác trơn tru hơn chứ không cong hẳn như nhiều sản phẩm khác. Chất lượng gia công của Xperia XA cũng đạt mức cao với các phím bấm nảy, đủ nhẹ, nằm tách rời nhau ở đúng vị trí mà các ngón tay có thể với tới dù là dùng tay trái hay tay phải; viền cạnh liền mạch với 2 mặt, không tạo cảm giác rời rạc và phần khung nhôm nhám khá cứng cáp, khó xước và mẻ. Điểm trừ duy nhất mà tôi cảm thấy không hề yên tâm về Xperia XA là mặt lưng quá dễ xước. Chỉ sau 1 tuần sử dụng, tôi đã thấy hàng tá các vết xước dăm lớn nhỏ ở mặt lưng và một vết xước lớn ở góc trên bên phải mà không rõ nguyên nhân.

Nhiều người sẽ dễ dàng bị mê hoặc bởi thiết kế của Xperia XA.

Thực chất, viền cạnh của Xperia XA không biến mất hoàn toàn mà vẫn còn khoảng 1mm phần kính. Điều này không hẳn là một điểm trừ, bởi nó sẽ giúp máy bảo vệ tấm nền màn hình bên trong tốt hơn nếu chẳng may vỡ mặt kính, đồng thời cũng giảm thiểu khả năng bị loạn cảm ứng khi sử dụng bằng một tay. Dù sao thì, Xperia XA vẫn đang giữ danh hiệu chiếc smartphone màn hình 5 inch có chiều ngang nhỏ nhất thế giới, nhỏ hơn cả các thiết bị Aquos của Sharp nên người dùng cũng vẫn có chút "tự hào".

Màn hình

Thường thì ở mức giá này, các nhà sản xuất khác đã trang bị tấm nền màn hình độ phân giải fullHD cho sản phẩm của mình, nhưng với Xperia XA thì thống số này chỉ dừng lại ở HD 720p. Tuy nhiên, với kích thước màn hình chỉ 5 inch thì nó vẫn ở mức chấp nhận được vì mật độ điểm ảnh không quá thấp, vào khoảng gần 300ppi. Các đặc điểm khác như màu sắc, độ sáng, tương phản... đều ở mức chấp nhận được, không đẹp tuyệt hảo nhưng cũng không đến mức xấu.

Xperia XA được trang bị nhiều tính năng dành cho màn hình như Cân bằng trắng, Bravia Engine 2 và Siêu sống động, giúp người dùng thoải mái tùy biến màu sắc của màn hình hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tôi nhận thấy rằng màn hình của máy có hơi ám xanh lá/vàng, và chúng ta không thể nào điều chỉnh lại bằng các tùy chỉnh trên. Ngoài ra, Sony có bí mật tích hợp công nghệ "Dynamic Contrast" vào trong máy nhằm tự động tăng giảm gamma của hình ảnh (ở bất cứ đâu chứ không chỉ trong các ứng dụng xem ảnh/phim) để đạt được dải tương phản cao hơn tùy theo những gì đang hiển thị trên màn hình, nhưng tính năng này đôi khi lại làm tôi cảm thấy khó chịu hơn vì màu sắc dễ bị sai lệch và phần màu đen trở thành một màu xám nhờ nhờ xấu xí. Đáng tiếc, Sony không lại đưa ra bất kì cách nào để tắt nó đi mà người dùng sẽ phải "sống chung với lũ".

Độ sáng màn hình của Xperia XA chỉ ở mức vừa phải, không sáng "chói lòa" như Vivo V3Max, nhưng vẫn đủ sáng để có thể thoải mái lướt web, Facebook khi trời nắng. Trái lại, độ sáng thấp nhất của Xperia XA chỉ khoảng 4 nits, quá tuyệt vời để sử dụng vào ban đêm mà không gây nhức mỏi, trong khi độ sâu màu đen thì rất cao, vừa giúp tăng tương phản mà vừa tránh gây khó chịu khi hiển thị những hình ảnh có xu hướng tối hơn.

Hiệu năng

Lựa chọn màn hình HD 720p trên Xperia XA dường như lại là sự lựa chọn đúng đắn để làm tăng hiệu suất hoạt động của máy. Con chip Helio P10 và GPU Mali-T860 MP2 hoàn toàn có thể "gánh" màn hình fullHD, nhưng nếu máy chỉ có màn hình HD thì hiệu suất cũng sẽ tăng lên khá nhiều.

Xperia XA chạy sẵn Android 6.0 với nhiều cải tiến về độ ổn định, mượt mà.

Sử dụng thực tế, Xperia XA cho trải nghiệm gần như mượt mà ở mọi tác vụ, từ nhẹ nhàng như lướt Facebook, web, mở ứng dụng... cho tới chơi game đồ họa nặng. Tất nhiên, độ nhanh nhạy và tốc độ khung hình không thể đạt tới mức cao như các thiết bị cao cấp, nhưng đối với tầm giá 7 triệu đồng thì vẫn hoàn toàn chấp nhận được. Thậm chí, nếu so với một vài sản phẩm khác thì khả năng phục vụ nhu cầu chơi game 3D của Xperia XA sẽ có phần nhỉnh hơn, khi mà thử nghiệm với Asphalt 8 max cấu hình, máy vẫn có thể duy trì tốc độ khủng hình khá cao và không xảy ra hiện tượng giật, lag.

Điểm trừ trong hiệu năng của Xperia XA nằm ở khả năng quản lý RAM. Không rõ vì lý do gì mà các ứng dụng chạy nền thường xuyên phải khởi động lại dù tôi không xóa nó khỏi menu đa nhiệm. Theo suy đoán, đây có thể là "tính năng" mới mà Sony đưa vào để đảm bảo thời lượng pin cho máy, tương tự như những gì Samsung từng làm với Galaxy S6 và OnePlus với OnePlus 3.

Điểm Benchmark của Xperia XA qua ứng dụng AnTuTu.

Trong quá trình sử dụng, tôi nhận thấy máy có thể nóng lên khá nhanh, nhưng mức nhiệt là không cao và cũng không hề gây ảnh hưởng tới hiệu năng. Nhiều người dùng có lo lắng ứng dụng chụp hình cũng dễ làm máy nóng và không thể sử dụng, nhưng điều này lại không xảy ra trên Xperia XA, một phần là do con chip MediaTek không đủ khả năng để làm máy nóng tới mức đó, và một phần cũng là do Sony đã rút kinh nghiệm từ Xperia Z3+ tối ưu phần cứng tốt hơn để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Pin

Được quảng cáo là có đủ các loại công nghệ pin như Stamina Mode, Qnovo, sạc nhanh Pump Express 2.0... chắc hẳn người dùng sẽ kì vọng máy có thời lượng sử dụng đạt mức tốt trở lên, dù dung lượng pin thì chỉ đạt 2300mAh. Sự thật thì... không được như vậy.

Sony vẫn quảng cáo cho Xperia XA là có thời lượng pin (lên tới) 2 ngày, và dù các thế hệ Xperia 2 năm trước làm được đúng như thế, nhưng với Xperia XA thì đây chỉ là một câu quảng cáo vô nghĩa.

Với nhu cầu sử dụng nhẹ nhàng đến bình thường, bao gồm lướt Facebook vài tiếng một ngày qua Wifi và 3G, xem video, chụp ảnh, nghe nhạc, lướt web, chơi game nhẹ nhàng một chút, Xperia có thể "sống" được từ 8 giờ sáng đến khoảng 10 giờ đêm là phải cắm sạc. Nếu chơi game và bật nhiều kết nối hơn thì nhiều khả năng bạn sẽ phải cắm sạc cho máy 2 lần trong 1 ngày. Ngoài ra, dù có hỗ trợ sạc nhanh của MediaTek nhưng tại Việt Nam, người dùng sẽ không tìm thấy sạc nhanh tương thích với chuẩn này trong hộp máy mà phải đi mua ngoài, cụ thể là sạc của Sony với tên mã UCH12 (các củ sạc bên thứ 3, dù có theo tiêu chuẩn Pump Express 2.0 đi nữa có thể vẫn không dùng chung được). Cục sạc có sẵn trong hộp máy với mã UCH20 chỉ hỗ trợ nguồn ra 5V/1500mAh, và phải mất tới hơn 2 tiếng đồng hồ  mới sạc đầy viên pin "bé xíu" bên trong máy. Đây có lẽ là kết quả của công nghệ Qnovo vốn dùng để quản lý nguồn điện vào máy nhằm kéo dài tuổi thọ của các cell pin.

Nguồn vào thực tế của cục sạc chỉ khoảng 1200 - 1300mAh.

Tuy nhiên, tôi mới chỉ chê theo "tiêu chuẩn" mà Sony quảng cáo, bởi thực tế thì máy làm được nhiều hơn so với kì vọng khá nhiều. Với phần cứng như đã nhắc tới ở trên, ban đầu tôi nghĩ rằng thời gian sáng màn hình của máy chỉ vào khoảng 3,5 - 4 tiếng cho mỗi lần sạc đầy, nhưng thực tế thì máy lại đạt được tới mức 4,5 đến 5,5 tiếng, khá ấn tượng. Con số này thực tế còn vượt qua cả Xperia Z5 Premium với dung lượng pin lớn hơn nhiều lần và "suýt" ngang ngửa với Galaxy S7 vốn vẫn được đánh giá là tốt.

Điểm trừ mà chắc hẳn ai cũng cảm thấy ngán ngẩm về pin của Xperia XA chính là sự biến mất của chế độ Stamina Mode. Dù cái tên thì vẫn còn đó, nhưng thực chất thì nó chỉ là "cái tên", còn bên trong thì đã bị thay thế bởi tính năng Doze mà Google cài đặt sẵn vào Android 6.0. Về cơ bản hai tính năng này làm việc giống nhau, nhưng Stamina Mode của Sony vẫn "nhỉnh" hơn một bậc ở nhiều khía cạnh mà chỉ cần so sánh với những bản ROM trước của Sony là sẽ thấy ngay.

Camera

Đây thực tế vẫn là điểm yếu đáng chê trách nhất trên các thiết bị của Sony, từ cao cấp tới tầm trung. Dù (cũng) được quảng cáo mạnh với nhiều tính năng như lấy nét lai siêu nhanh, theo dõi chuyển động... nhưng trải nghiệm chụp ảnh của Xperia XA vẫn chỉ ở mức chất nhận được, phần lớn là do hãng vẫn chưa tối ưu hiệu quả phần mềm.

Xperia XA có camera chính 13MP, camera phụ 8MP, cả hai đều hỗ trợ lấy nét tự động và khẩu độ f/2.0.

Chất lượng ảnh của Xperia XA không hề đồng đều, khi thì rất tốt, khi thì lại quá kém, nhất là trong điều kiện ít sáng. Vào ban ngày, máy cho tốc độ lấy nét rất nhanh, tốc độ chụp cũng nhanh hơn hẳn so với các đời trước, đo sáng tốt, cân bằng trắng hơi ngả xanh, độ chi tiết ổn nhưng chất ảnh vẫn không mấy tự nhiên do dải tương phản thấp, làm cho phần sáng dễ cháy và phần tối thì "đen xì". Ngoài ra, khả năng lấy nét của máy cũng thường làm tôi khó chịu vì dễ sai, mà khi đã sai thì rất khó để lấy lại cho đúng, và phần lớn thời gian, máy khử nhiễu quá nhiều dẫn đến ảnh bị bệt màu, mất hết chi tiết.

Ảnh đủ sáng cho ra chất lượng ổn, vẫn có thể dư sáng và chi tiết hơi bết.

Ảnh HDR không khác biệt nhiều so với bình thường và không hề giả tạo.

Đôi khi máy sẽ tự động đẩy các gam màu đỏ và xanh lên cao hơn bình thường, nịnh mắt hơn nhưng lại khác xa với thực tế.

Chụp macro đủ sáng không có gì nổi bật.

Khi ánh sáng giảm dần, độ chi tiết cũng giảm đi nhiều hơn, nhưng không phải là do phần cứng chưa đủ tốt mà là do bị xử lý quá nhiều bằng phần mềm, cụ thể ở đây là khả năng khử nhiễu. Ngoài ra, do không được trang bị chống rung quang học nên hình ảnh cũng dễ bị rung, nhòe hơn nếu người dùng không giữ chắc tay.

Chụp trong nhà, nếu ánh sáng tốt thì ảnh vẫn đẹp, nhưng nếu ít sáng hoặc không đồng đều thì chi tiết sẽ giảm đi trông thấy.

Trong điều kiện thiếu sáng, người dùng cần phải tự điều chỉnh EV và cân bằng trắng để cho ra kết quả tốt nhất.

Vì nếu chụp Auto hoàn toàn thì sẽ khó mà đẹp được.

Camera trước của Xperia XA có độ phân giải 8MP, khẩu độ f/2.0, góc rộng 85 độ và cả lấy nét tự động - tính năng ít khi thấy ở hầu hết các smartphone khác. Cũng như những thế hệ trước, nước ảnh mà Xperia XA mang lại có xu hướng "thật" hơn nên có thể sẽ không phù hợp với một lượng người dùng lớn tại Châu Á, vốn ưa thích những kiểu tự sướng "ảo diệu" với da trắng hồng như diễn viên Hàn Quốc.

Cụ thể, ảnh tự sướng của Xperia XA hơi tối, màu da có xu hướng ám đỏ và khả năng lấy nét cũng không đáng tin cậy cho lắm, đôi khi vẫn bị lấy nét sai dù chụp trong môi trường đủ sáng. Chế độ làm mịn da của máy không hiệu quả (vì vẫn hướng tới sự chân thực), nhưng người dùng vẫn có thể sử dụng các app như Camera360 hay Makeup Plus để cải thiện vấn đề này.

Camera trước của Xperia XA cho độ chi tiết cao, có khả năng xóa phông nhưng màu sắc lại không đẹp mắt cho lắm, chỉ phù hợp với những ai có làn da đẹp sẵn hoặc sử dụng các phần mềm chỉnh sửa bên thứ 3.

Ở điều kiện thiếu sáng, cảm biến ảnh với kích thước chỉ 1/4 inch không đủ để thu lại các chi tiết rõ ràng, dù máy khử nhiễu khá tốt.

Khả năng quay video của Xperia XA vừa tốt mà vừa không tốt. Tốt ở chỗ máy vẫn có tính năng chống rung SteadyShot vốn được đánh giá cực kì cao, còn hơn cả chống rung quang học ở một số điều kiện, nhưng lại không tốt ở độ chi tiết và dải tương phản. Ngoài ra, dù có tới 2 mic nhưng máy lại chỉ thu âm mono, đồng thời chất lượng cũng chỉ ở mức đủ nghe chứ không hề tốt.

Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một smartphone với khả năng chụp ảnh vượt trội trong tầm giá thì Xperia XA không-bao-giờ là sự lựa chọn tốt, nhưng nếu tính năng này chỉ là thứ yếu, nghĩa là bạn chỉ cần một chiếc điện thoại để thỉnh thoảng chụp một cái ảnh đăng lên Facebook thì máy vẫn có thể phục vụ được.

Nghe nhạc

Khả năng nghe nhạc của các thiết bị Sony trước giờ vẫn được khen ngợi ở một số mặt, và với Xperia XA thì hãng vẫn giữ được truyền thống. Ngoài những điểm yếu cố hữu như nguồn ra và âm lượng quá thấp, không đáp ứng được các loại tai nghe "khó kéo", loa ngoài âm lượng nhỏ thì Xperia XA vẫn cho ra chất âm cân bằng, không sáng, không tối, nhiều tùy chỉnh cài đặt và giao diện ứng dụng nghe nhạc đẹp mắt.

Nếu bạn ưa thích các thể loại nhạc nhẹ như Pop, Ballad... thì kiểu âm cân bằng của Xperia XA sẽ dễ làm hài lòng hơn là Dance hay Rock, bởi máy không cho ra âm bass mạnh, dày hay treble "chát chúa". Đối với phần lớn người dùng, có lẽ Xperia XA (và nhiều thiết bị Xperia khác) sẽ tỏ ra đuối hơn so với iPhone hay HTC One bởi chúng không hề nịnh tai bằng thứ âm thanh ấm áp, nặng tai. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thì trình chỉnh âm thanh đa dạng mà Sony cài đặt sẵn vẫn có thể biến thành lợi thế với chế độ ClearAudio+, Equaliser 5 dải, cài đặt âm thanh vòm và trình chọn loại tai nghe. Tất cả những tùy chọn này sẽ dễ dàng lấy lòng những ai muốn có trải nghiệm âm thanh cá nhân hóa, dù đáng tiếc là các chế độ như DSEE HX và mã hóa LDAC cao cấp hơn thì không được trang bị.

Các tính năng trong menu cài đặt âm thanh.

Xperia XA vẫn có thể phát nhạc theo chuẩn Hi-Res như Xperia X/X Performance hay đàn anh Xperia Z5 Premium, nhưng tất nhiên là độ chi tiết mà máy có thể tái tạo vẫn thấp hơn nhiều, phần lớn là do con chip DAC bên trong không tốt bằng, và chính Sony cũng chẳng hề muốn một sản phẩm tầm trung lại tốt y như một sản phẩm cao cấp.

Loa ngoài của máy nằm ở đuôi, không gây bít tiếng khi đặt trên mặt phẳng nhưng lại có âm lượng rất thấp và thiên về các âm treble. Hiện tượng rè không hề xảy ra kể cả ở mức âm lượng cao nhất, trừ khi bạn bật ClearAudio+ lên, nhưng tôi vẫn không đánh giá cao nó về cả âm lượng lẫn chất lượng. Trải nghiệm xem phim, nghe nhạc hay chơi game của bạn chắc chắn sẽ không hề tốt, thậm chí là bỏ lỡ một vài cuộc gọi vì không thể nghe tháy tiếng chuông trong môi trường ồn ào. Ngoài ra thì, không rõ Sony có ý đồ gì khi mà loa thoại của máy lại có chất lượng tốt vượt trội với âm thanh rõ ràng, trong trẻo, không rè và âm lượng rất lớn, kể cả khi đang đứng giữa một con đường đàng tắc.

Giao diện nghe nhạc của máy vẫn mượt mà, đẹp mắt, hiện đại y như trước, dù đã được cập nhật lên nhiều lần. Đáng tiếc ngoài tùy chọn hẹn giờ tắt nhạc thì chúng ta vẫn chưa thể xem lời bài hát được.

Tạm kết

So với 2 thiết bị còn lại trong dòng Xperia X series ra mắt tại MWC 2016, rõ ràng Xperia XA có cơ hội để được chú ý nhiều hơn nhờ những đặc điểm nổi bật "đập" ngay vào mắt người dùng, điển hình là thiết kế đẹp, không viền cạnh, màu sắc trẻ trung, mới lại và mức giá "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, khi so với nhiều đối thủ khác, nhất là tới từ Trung Quốc thì Xperia XA lại rất khó để cạnh tranh vì cấu hình thấp hơn và màn hình, camera kém sắc nét hơn. Tóm lại, với mức giá 7 triệu đồng, Xperia XA vẫn là một thiết bị đáng xem xét, nhất là đối với những fan của nhà sản xuất Nhật Bản, nhưng để nói nó thực sự đáng mua trong tầm giá thì... đừng dối dòng nữa!