ĐÁNH GIÁ CHUNG

Nhìn chung, Zenfone 2 Laser hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để cho trải nghiệm tốt trên phương diện một chiếc smartphone, nhưng máy đồng thời cũng được trang bị thêm khả năng lấy nét laser siêu nhanh vốn chỉ thấy trên các thiết bị cao cấp. Bên cạnh đó, giao diện ZenUI được trau chuốt kĩ càng, nhiều tính năng hấp dẫn cũng sẽ gây được ấn tượng tốt cho người dùng.


ƯU ĐIỂM

Màn hình đẹp
Camera tốt, có chế độ chỉnh tay
Nhiều tính năng, ứng dụng tiện lợi
Thời lượng pin tuyệt vời
Loa ngoài lớn


NHƯỢC ĐIỂM

Thiết kế nhàm chán
Phím cứng khó sử dụng
Vỏ dễ xước và bám vân tay


GIÁ THAM KHẢO

4,800,000 VNĐ


ĐIỂM

8/10 điểm

Ở thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh giữa các ông lớn di động không chỉ còn là trong phân khúc cao cấp với những thiết bị flagship cấu hình ...

Ở thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh giữa các ông lớn di động không chỉ còn là trong phân khúc cao cấp với những thiết bị flagship cấu hình khủng, màn hình đẹp, chụp ảnh ngon nữa, mà ngay cả những mẫu máy có giá chỉ 3 đến 4 triệu đồng cũng đóng vai trò cực kì quan trọng để họ chiếm lấy thị phần. Thường thì các hãng ít tiếng tăm của Trung Quốc thì sẽ làm rất tốt công việc này, nhưng khoảng 2 năm gần đây thì đã có một tên tuổi khác từ Đài Loan đến "xâm chiếm" một phần không nhỏ của phân khúc này. Đó chính là Asus.

Không chỉ có dòng sản phẩm chủ chốt là Zenfone 2, Asus năm nay còn tung ra rất nhiều phiên bản khác như Zenfone Selfie, Zenfone Deluxe..., và trên tay Stereo.vn lần này là chiếc Zenfone 2 Laser, với điểm nhấn đúng như cái tên chính là hệ thống lấy nét camera bằng laser, cho phép xác định khoảng cách của chủ thể ảnh chỉ trong nháy mắt. Bên cạnh đó, máy cũng có cấu hình tốt, màn hình lớn, đẹp và tất nhiên là mức giá cực kì phải chăng.

Giới thiệu qua vậy đã đủ rồi, tôi sẽ bắt đầu phần đánh giá chi tiết Asus Zenfone 2 Laser mã ZE550KL ngay bây giờ.

Màn hình

Đây là một trong những đặc điểm đầu tiên mà người dùng quan tâm khi đi mua điện thoại mới. Với Zenfone 2 Laser thì đây không phải thế mạnh mà cũng chẳng phải điểm yếu. Máy có màn hình kích thước 5,5 inch, độ phân giải HD 720p, mật độ điểm ảnh khó có thể đem so với các thiết bị cao cấp nhưng vẫn hoàn toàn đủ dùng. Thực tế thì tấm nền IPS của máy cho chất lượng hiển thị thuộc mức khá với độ nét ổn, ít thấy tình trạng rỗ răng cưa, màu sắc hiển thị tốt, hơi ám vàng chút nhưng lại có thể dễ dàng chỉnh bằng ứng dụng có tên Splendid tích hợp sẵn trong máy. Đây là một điểm cộng rất lớn mà tôi đánh giá cao trên các thiết bị Zenfone, bởi ta có thể thoải máy chỉnh cho máy có màn ám vàng hoặc xanh, màu sắc đậm nhạt tùy thích, thậm chí là đổi sang đen trắng cũng được nữa. Rất thú vị và tiện lợi.

Thiết kế

Với những sản phẩm giá rẻ mà cấu hình tốt thì chúng ta chắc chắn sẽ phải đánh đổi cái gì đó, ít nhất là thiết kế. Với Zenfone 2 Laser thì đúng là như vậy.

Ý tôi không phải là máu xấu, mà là do máy trông không khác gì những người anh em Zenfone của mình với mặt trước bo tròn 4 góc, phía dưới có miếng kim loại với nhiều vòng tròn đồng tâm, phía trên là logo, mặt lưng được làm cong về 4 phía để dễ cầm nắm, camera ở gần giữa lưng và hai phím tăng giảm âm lượng.

Đó, một thiết kế đơn giản, dễ nhìn nhưng đồng thời cũng không có gì đặc biệt cả.

Với một số ông lớn như LG hay Asus và nhiều người dùng khác thì cách đặt phím âm lượng ở mặt lưng sẽ giúp việc sử dụng máy bằng 1 tay theo chiều dọc thuận tiện hơn, nhưng có lẽ với tôi thì điều này là một sai lầm, đặc biệt là trên Zenfone 2 Laser. Nếu bạn hay nghe nhạc bằng loa ngoài và đặt máy ngửa trên bàn thì mỗi khi cần chỉnh âm lượng, bạn sẽ phải cầm máy lên, loay hoay tìm nút ở lưng và bấm, cực kì bất tiện. Lời khuyên ở đây có lẽ là phải tải một ứng dụng nghe nhạc nào đó khác cho phép chỉnh âm lượng bằng nút ảo trên màn hình để thay thế cho trình nghe nhạc gốc của Asus.

Một điểm trừ nhỏ nữa là vị trí phím nguồn đặt ở trên đỉnh, trong khi kích thước của máy thì đã rất lớn rồi khiến cho việc với tay lên bấm là điều cực kì khó khăn. Tuy nhiên, may mắn là chế độ chạm hai lần để bật/tắt màn hình thì hoạt động rất hiệu quả, dù bạn sẽ phải hy sinh một chút thời lượng pin.

Hiệu năng

Zenfone 2 Laser mặc định sẽ có tới 3 phiên bản, một có màn hình 5 inch, chip Snapdragon 410, một có màn hình 5.5 inch, chip Snapdragon 410 và bản cao nhất là màn hình 5,5 inch, chip Snapdragon 615. Phiên bản tôi đang có trong tay là bản màn hình 5.5 inch và chip Snapdragon 410.

Giao diện ZenUI nhiều tính năng nhưng không gây nặng máy.

Nhìn chung thì máy rất ít khi xuất hiện hiện tượng giật lag trong quá trình sử dụng bình thường, ví dụ như vuốt qua lại giao diện ZenUI, sử dụng các ứng dụng nhẹ nhàng như Facebook, Messenger hay cả các game 3D như The Sims FreePlay. Tuy nhiên, dù sao thì con chip Snapdragon 410 cũng chỉ là chip dành cho các máy tầm trung/thấp nên cũng có giới hạn của nó. Bạn sẽ không thể chơi được game Asphalt 8 mà cài đặt cấu hình lên mức max, còn nếu muốn thực sự mượt mà thì chỉ nên cài ở mức thấp mà thôi.

Kết quả chấm benchmark thông qua AnTuTu.

Hiệu năng khi chấm điểm benchmark bằng AnTuTu thì Zenfone 2 Laser ZE550KL đạt hơn 23 nghìn điểm, không tồi trong tầm giá và cấu hình. Tóm lại, với những người dùng với nhu cầu cơ bản, không quá khắt khe thì chắc chắn Zenfone 2 Laser sẽ hoàn toàn đáp ứng được một cách tuyệt vời, đặc biệt là về pin, với thời gian sáng màn hình có thể dễ dàng đạt tới mức 7 tiếng trong 1 lần sạc đầy, điều kiện là mở chế độ thiết kiệm pin thông minh, dùng Wifi/3G, tắt Đồng bộ hóa và GPS. Tất nhiên, mỗi người có một cách dùng khác nhau, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn là viên pin 3000Mah của máy cho thời lượng sử dụng thực sự không hề "cùi" chút nào.

RAM của máy đạt dung lượng 2GB, vừa đủ tiêu chuẩn tầm trung hiện tại và cũng không có gì để chê cả. Các ứng dụng kể cả chạy nhiều và cùng lúc những rất ít khi phải tải lại, dù đôi khi máy sẽ tỏ ra hơi "ì ạch" khi load những ứng dụng đã mở từ lâu mà không dùng tới.

Camera

Đây là điểm nhấn lớn nhất của máy với hệ thống lấy nét laser phía sau lưng. Trên lý thuyết thì nhờ đó mà tốc độ nhận diện khoảng cách giữa vật thể và camera gần như là tức thì, nghĩa là máy cũng sẽ lấy nét được chỉ trong nháy mắt, và thực tế thì cũng gần như vậy. Zenfone 2 Laser lấy nét nhanh, đôi khi là rất nhanh, nhưng vẫn chưa đủ nhanh để lọt vào top đầu thế giới smartphone. Điều này cũng hợp lý, bởi dù sao thì đây cũng chỉ là một chiếc smartphone giá rẻ chứ không phải flagship. Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng đèn laser này để biến máy thành một cái thước đo khoảng cách bằng ứng dụng Laser Ruler mà Asus cung cấp trong bản cập nhật mới đây.

Giao diện camera dễ dùng và cũng có rất nhiều chế độ, tính năng khác nhau.

Có một điểm cần lưu ý là ở tất cả các thiết bị hỗ trợ lấy nét laser là chỉ khi chúng ta để máy tự động lấy nét vào điểm giữa khung ngắm thì hệ thống laser mới hoạt động, còn khi chuyển qua lấy nét chạm trên màn hình thì máy buộc phải quay lại dùng chế độ lấy nét tương phải theo truyền thống và sẽ chậm hơn đáng kể. Điều này cũng hoàn toàn bình thường, tương tự như lấy nét theo pha thì cũng có điểm yếu riêng của nó.

Về chất lượng ảnh, với cảm biến 13MP thì bạn sẽ có những bức ảnh đủ chi tiết để đăng lên Facebook hay Instagram. Đồng thời, màu sắc, tương phản và cân bằng trắng cũng ở mức tốt, bạn cũng có thể tùy chỉnh theo ý muốn trong cài đặt camera. Chế độ Manual của máy cũng phát huy tác dụng tốt khi bạn muốn sáng tạo một chút vớt máy ảnh, nhất là để chụp ảnh phơi sáng (tối đa 1/2 giây) hay chụp bokeh đẹp lung linh như ở dưới đây.

[gallery link="none" columns="4" size="medium" ids="18485,18484,18483,18482"]

Camera trước của Zenfone 2 Laser có độ phân giải 5MP và góc chụp rộng, đủ cho nhu cầu chụp ảnh "tự sướng" của giới trẻ. Bên cạnh đó thì bộ công cụ làm đẹp da, sáng da, làm to mắt, gọt cằm... cũng được tích hợp sẵn, rất phù hợp với những đối tượng người dùng là nữ.

Nghe nhạc

Khả năng phát nhạc vốn không mấy khi được chú trọng trên các thiết bị di động, còn những máy giá rẻ thì tốt nhất là chúng ta nên bỏ qua vấn đề này. Trên Zenfone 2 Laser cũng vậy. Máy không được quảng bá là có công nghệ âm thanh cao cấp nào, và thực tế thì bên trong cũng chỉ có tích hợp thêm một bộ chỉnh Equalizer có tên Audio Wizard đơn giản bên cạnh bộ chỉnh có sẵn của Android, còn chất lượng âm thanh thì cũng không khen hay chê được gì cả nếu như đứng trên phương diện một người dùng thông thường.

Bộ chỉnh âm thanh này có 2 thanh chỉnh Bass và Treble là chính, cho kết quả khá rõ ràng, đặc biệt là khi tăng Treble. Thường thì bạn sẽ không cần kéo thanh Treble này lên cao quá bởi sẽ gây phản tác dụng: âm thanh dễ bị chói quá mức, gây đau tai. Chế độ Dialog Enhancer thì ngược lại, có tác dụng tốt khi nghe bằng loa ngoài giúp âm thanh rõ ràng hơn, nhất là phần lời hát của ca sĩ.

Về chất lượng âm thanh qua tai nghe, thử nghiệm với chiếc Sony XBA-300, tắt Equalizer thì Zenfone 2 Laser cho ra chất âm tương đối sáng, treble khá rõ ràng, tái hiện chi tiết bản nhạc tốt. Trong khi đó, dải bass tương đối ít và tỏ ra có kiểm soát, cân bằng hơn so với tổng thể âm thanh của máy. Nhìn chung mẫu smartphone này cho âm thanh tương đối hài hòa, nhẹ nhàng và dễ chịu, độ chi tiết thuộc dạng khá tốt so với với chiếc iPhone 5s mình đang có bên cạnh.

Cũng như hầu hết các thiết bị smartphone khác, Zenfone 2 Laser có âm trường không rộng và chỉ ở mức có thể chấp nhận được. Không gian được tái tạo lại trong bản nhạc cho cảm giác như thể ca sĩ và các nhạc cụ đang nhảy vào đầu người nghe để hát thay vì đứng dàn đều ở phía trước. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào cả loại tai nghe mà bạn sử dụng với máy. Nếu muốn thì các bạn có thể phần nào "cải thiện" điều này bằng cách thay đổi cài đặt âm thanh vòm nếu có. Tuy nhiên cá nhân tôi thì không khuyến khích, vì các tùy chỉnh này ít nhiều sẽ tự tạo ra những thông tin "ảo" của bản nhạc để bóp méo và đánh lừa tai chúng ta, mới nghe thì cảm thấy ấn tượng nhưng thực sự thì nó sẽ làm giảm đáng kể trải nghiệm nguyên gốc ban đầu mà các nhạc sĩ thực sự muốn gửi tới người nghe.

Âm lượng tai nghe của hai máy gần như tương đồng, với Zenfone 2 Laser thì chỉ cần đặt mức 50% đến 70% là đã đủ để nghe với các loại tai nghe cách âm tốt, kể cả khi ở môi trường ồn ào, còn mức âm lượng cao nhất thì có lẽ sẽ sớm làm hỏng thính giác của bạn nếu nghe quá lâu.

Nói về loa ngoài, Zenfone 2 Laser có âm lượng rất lớn, và dù nằm ở phía sau nhưng cũng không bị bít tiếng khi để trên mặt phẳng do mặt lưng được làm cong đều về hai bên. Điều này không chỉ giúp bạn dễ dàng nghe nhạc chung với bạn bè hay trong phòng nhỏ mà còn tránh việc bỏ lỡ những cuộc gọi quan trọng trong môi trường ồn ào.

Chuyển sang tab bên phải của trình chỉnh âm thanh sẽ là bộ EQ có 5 kênh trải dài từ 250Hz cho tới 8kHz. Phần này thì có lẽ tôi không cần phải nói nhiều, bởi mỗi người sẽ có gu nghe khác nhau, loại tai nghe khác nhau và thể loại nhạc khác nhau nên không thể chỉnh theo cùng một cách được. Những bạn muốn có trải nghiệm nghe nhạc tốt hơn thì chắc chắn sẽ phải tự mình cảm nhận mà thôi.

Giao diện chính trong ứng dụng nghe nhạc của Asus.

Trình nghe nhạc gốc của Asus được thiết kế đẹp mắt và thuận tiện trong quá trình sử dụng, có sẵn phần hiển thị/chỉnh sửa lời, thông tin bài hát, hẹn giờ tắt nhạc (từ 5 phút đến 2 tiếng) và các dịch vụ lưu trữ nhạc trực tuyến qua tài khoản Asus hoặc qua Google Drive. Cá nhân tôi đánh giá đây là tính năng rất hay, người dùng có thể chỉ cần lưu nhạc trên các dịch vụ đám mây và nghe lại ở bất kì đâu có mạng Internet, giúp tiết kiệm được dung lượng lưu trữ trong máy. Bên cạnh đó, Zenfone 2 Laser cũng hỗ trợ cả định dạng nhạc FLAC, bên cạnh các định dạng phổ biến như MP3 hay M4A, phần nào thỏa mãn được nhu cầu của những đôi tai đam mê âm nhạc.

Tính năng hiển thị lời bài hát và kết nối với Google Drive.

Điểm trừ lớn trong trải nghiệm nghe nhạc trên Zenfone 2 Laser chính là việc hãng không tặng kèm tai nghe trong hộp máy. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ phải đi mua thêm một chiếc tai nghe ngoài, hoặc may mắn hơn thì tận dụng lại chiếc tai nghe cũ nào đó đã dùng. Thực tế thì động thái này cũng được nhiều hãng khác áp dụng trong vài năm gần đây, vừa để tiết kiệm chi phí bán máy mà cũng phần nào giúp giảm lượng rác thải công nghiệp ra môi trường.

Các tính năng khác

Smartphone hiện tại không chỉ cần có cấu hình tốt, màn hình đẹp mà các ông lớn còn phải đưa vào rất nhiều các tính năng phụ trợ giúp tăng trải nghiệm cho người dùng. Với Zenfone 2 Laser cũng vậy. Bên cạnh tính năng gõ hai lần để bật màn hình, chúng ta còn có thể bấm nhanh hai lần phím âm lượng khi khóa máy để mở camera, bấm hai lầm phím home để thu gọn màn hình lại để dùng một tay, tự động sắp xếp ứng dụng vào các folder tương ứng, thay đổi chủ đề cho hệ thống, khóa/ẩn ứng dụng cùng hàng loạt những tùy chỉnh về giao diện, cho trải nghiệm cá nhân hóa cực sâu.

Menu ứng dụng, widget và tính năng tự động sắp xếp ứng dụng vào folder liên quan nhất.

Trình tiết kiệm pin, quản lý RAM và quản lý ứng dụng chạy ngầm gây tốn pin cũng được Asus tích hợp sẵn, nghĩa là bạn sẽ không cần phải tải thêm những ứng dụng bên thứ ba như Clean Master vốn gây tốn RAM và bộ nhớ. Cá nhân tôi thấy Asus đúng là có nhồi nhét quá nhiều các ứng dụng của hãng vào máy, nhưng có không ít trong số chúng thì tỏ ra cực kì hiệu quả, tiện lợi, còn phần còn lại thì vẫn có thể gỡ hoặc vô hiệu hóa được một cách dễ dàng.

Kết

Nếu đã nói tới smartphone giá tốt thì chúng ta sẽ không thể bỏ qua thương hiệu Asus, và với Zenfone 2 Laser thì hãng đã một lần nữa thực hiện được đúng những gì người dùng cần. Dù không gây được ấn tượng bằng cấu hình "khủng" như đàn anh Zenfone 2 dùng chip Intel nhưng nó lại đánh mạnh và những trải nghiệm mà người dùng có được, nhất là về camera lấy nét siêu nhanh, màn hình lớn, chất lượng tốt hơn kì vọng và những tính năng vượt trội so với các thiết bị giá rẻ khác.