Đánh giá tai nghe Ultrasone Edition 12: không cần phải nghĩ!
- 0
-
0chia sẻ
-
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Edition 12 không cầu kỳ về ampli, chơi tốt cả với các smartphone, và gần như không kén các dòng nhạc. Thứ duy nhất phải nghĩ là giá bán không hề mềm mại mà Ultrasone đưa ra.
ƯU ĐIỂM
Thiết kế đẹp
Trọng lượng nhẹ, cảm giác thoải mái
Không kén nguồn phát
Âm thanh vui vẻ, dễ nghe, phù hợp nhiều dòng nhạc
NHƯỢC ĐIỂM
Dây cáp gắn liền
Pad dễ bám bẩn
Giá cao
GIÁ THAM KHẢO
36,000,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Nói về tai nghe Đức, giới audiophile sẽ nghĩ ngay tới Beyerdynamic, song dân chơi hẳn sẽ nói về Ultrasone. Dù là thương hiệu nào thì người Đức vẫn thể hiện một triết lý riêng, không chỉ nghiên cứu về âm thanh theo cách thông thường, mà có hẳn những công nghệ đặc thù làm nên đặc trưng. Thiết kế Ngay từ khi cầm chiếc Edtion 12 trên tay, tôi đã cảm thấy điều khác lạ ở nó, dù chưa phải sản phẩm đầu bảng của Ultrasone. Nếu nhìn qua ảnh, bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng kích thước của Edition 12 khá lớn, thuộc dòng fullsize với phần vỏ làm từ kim loại. Tuy nhiên, sự thật là Edition 12 mang đến cảm giác nhẹ tới bất ngờ, chưa tới 300gram. Xét về chất lượng chế tạo, Edition 12 nằm ở ngưỡng rất tốt. Trọng lượng nhẹ có lẽ đến từ việc họ đã cố gắng dát mỏng phần vỏ kim loại, và cách làm này đòi hỏi phải đạt sự tinh xảo tương ứng với một chiếc tai nghe trị giá gần 40 triệu đồng. Nhưng cũng vì vậy mà Edition 12 không đem lại cảm giác “khỏe như xe tăng” như các sản phẩm của Beyerdynamic. Dĩ nhiên là đó chỉ là một nỗi lo nhỏ bé, bởi khớp điều chỉnh độ rộng đã chứng minh được rằng Ultrasone không hề thờ ơ với chất lượng sản phẩm. Từng nấc có thể điều chỉnh nhẹ nhàng nhưng không kém phần chắc chắn. Từng chi tiết của Edition 12 toát lên vẻ sang trọng, đẳng cấp. Nhưng không phải mọi thứ đều khiến tôi hài lòng. Dây tín hiệu được gắn chặt vào thân tai nghe, thay vì sử dụng đầu giắc có thể tháo rời dễ dàng. Ultrasone cho biết họ đã sử dụng loại dây tín hiệu tốt, nhưng với các tai nghe ở tầm giá cao như vậy thì đây dường như chưa hợp lý lắm. Hơn nữa, phần đệm tai cũng bọc vải nhung thay vì bọc da nên dễ dàng bám bẩn, nhưng lại dễ để tháo ra để vệ sinh. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu Ultrasone có bán loại đệm tai bọc da để người dùng có nhiều lựa chọn. Phần phụ kiện của Edition 12 có phần trái ngược so với định hướng của sản phẩm. Tai nghe được đặt trong một hộp giấy cực kỳ đơn giản, chẳng hơn là bao so với các sản phẩm của Grado. Đi kèm tai nghe chỉ có một tấm vải để lau bụi in logo Ultrasone, thậm chí không có giắc chuyển 6,3-3,5mm rất cần thiết. Công nghệ Gắn liền với tên tuổi của Ultrasone chính là công nghệ S-Logic. Với chiếc Edition 12 thì họ đã áp dụng phiên bản S-Logic Plus vốn được phát triển dành cho dòng sản phẩm Pro hướng tới người dùng chuyên nghiệp. Công nghệ này có khả năng tái tạo âm trường rộng rãi hơn, mà vẫn giúp giảm SPL tác động tới màng nghĩ tới 40% (khoảng 3-4dB), qua đó giảm thiểu tối đa tác hại bất lợi nếu nghe nhiều giờ liên tục. Còn công nghệ ULE giảm 98% bức xạ điện từ tác động từ driver tới cơ thể người dùng (so với các tai nghe thông thường). Mặc dù tác hại của bức xạ điện từ như sóng di động tới sức khỏe con người còn gây tranh cãi, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta nên hạn chế chúng, nhất là với giới chuyên nghiệp sử dụng tai nghe hàng ngày. Nghe thử Ở những phút đầu, tôi không có nhiều ấn tượng về âm thanh của Edition 12, nhưng khi tìm hiểu thì hóa ra các tai nghe của Ultrasone luôn phải “chạy rà-burn in” một cách cẩn thận. Vậy nên, tôi đã cắm chiếc tai nghe này vào ampli mỗi ngày 6 giờ cho đến khi vượt qua 100 giờ rồi mới bắt đầu đánh giá. Về cơ bản, dù là tai nghe ở nhóm hoặc phân khúc nào thì Ultrasone vẫn thường giữ phong cách trình diễn khá đặc trưng: dạng V-Shaped thiên bass-treble, khá nhiều năng lượng nhưng tổng thể chưa thực sự tinh tế. Với riêng Edition 12 thì Ultrasone có đưa thêm vào một chút mượt mà, ấm áp nên khá dễ nghe. Trong suốt quá trình nghe, tôi không bao giờ cảm thấy Edition 12 trình diễn thiếu cân bằng hay dư thừa, toàn bộ âm thanh được kết nối mượt mà và liền lạc, cũng không hy sinh bất cứ một chi tiết nào. Thông thường, các tai nghe được đánh giá là “êm tai” thường chơi nhạc khá chậm, thiếu chính xác. Nhưng rõ ràng là với các bản solo nhạc Bach thì Edition 12 không kém nhiều về độ chính xác so với Sennheiser HD800 dù dĩ nhiên cách thể hiện khác nhau. Mặc dù nghe khá “vui vẻ”, song Edition 12 không hề gây mệt mỏi qua treble quá hung hăng, sắc bén hay bass áp đảo các dải âm còn lại. Điểm nổi bật của Edition 12 là âm trường với công nghệ S-Logic như đã nói ở trên, và người dùng cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng Ultrasone đặt driver khá nhỏ ở chéo phần vỏ. Kết quả là Edition 12 dễ dàng đạt được âm trường rộng rãi, dù chưa được tốt như HD800, nhưng hơn đáng kể so với Beyerdyamic T1. Không gian của Edition 12 như một mái vòm phía trước mặt người nghe. Edition 12 dường như phù hợp với hầu hết dòng nhạc hiện nay, không tỏ ra kén chọn. Tôi có thể nghe jazz, classic hay thậm chí cả EDM mà vẫn cảm thấy hài lòng. Bass không xuống thực sự sâu, nhưng nhanh và tạo cảm giác sống động. Nhưng phần dễ khiến mọi người hài lòng nhất là dải mid khá chân thực, đầy đặn, tăng cường một chút ấm áp để ngọt ngào hơn. Kết luận Ultrasone Edition 12 không phải là chiếc tai nghe dành cho các audiophile, những người chú ý tới từng nốt nhạc chính xác. Nó không đặt tính chính xác lên hàng đầu (dù không bao giờ bị coi là mất tự nhiên), song việc tận hưởng âm nhạc mới là yếu tố quan trọng. Edition 12 không cầu kỳ về ampli, chơi tốt cả với các smartphone, và gần như không kén các dòng nhạc. Thứ duy nhất phải nghĩ là giá bán không hề mềm mại mà Ultrasone đưa ra. Giống như việc mua một chiếc Mercedes vậy, chỉ cần chi đủ tiền cho món hàng luxury, còn lại thì nhà sản xuất đã tính toán cả.
Bình luận