ĐÁNH GIÁ CHUNG
Chỉ có giá cao hơn so với dòng Piston khoảng 200 nghìn, song những cải tiến của 1More với chiếc 1M301 là rất đáng kể dù không còn cá tính mạnh mẽ như đàn em.
ƯU ĐIỂM
Thiết kế hiệu quả, tiện dụng
Phụ kiện đa dạng
Tổng thể âm thanh dễ nghe, thoáng đãng
NHƯỢC ĐIỂM
Treble chưa thực sự lý tưởng
Độ cách âm trung bình
GIÁ THAM KHẢO
750,000 VNĐ
ĐIỂM
8/10 điểm
Nếu dòng Piston có thể miêu tả bằng từ “cá tính”, thì 1M301 sẽ là “hợp lý”. 1M301 rẻ hơn nhiều so với các đàn anh do chỉ sử dụng ...
Nếu dòng Piston có thể miêu tả bằng từ “cá tính”, thì 1M301 sẽ là “hợp lý”. 1M301 rẻ hơn nhiều so với các đàn anh do chỉ sử dụng một driver dynamic mà thôi. Tuy nhiên, 1More vẫn hợp tác với nghệ sĩ Luca Bignardi để tinh chỉnh âm thanh của sản phẩm này. Cụ thể hơn, dù vẫn sử dụng một driver dynamic, nhưng 1More đã cải tiến ở chỗ sử dụng màng loa 3 lớp, với mục tiêu chính là tăng cường khả năng đáp ứng tốt hơn của dải mid và treble. Màng loa này bao gồm 1 lớp kim loại tiêu chuẩn hàng không ở giữa, và bên ngoài là 2 lớp nhựa PET, có lẽ sẽ nhẹ hơn kiểu thiết kế thông thường mà vẫn chắc chắn. Không chỉ vậy, họ còn bố trí thêm 2 buồng âm cộng hưởng để tăng cường dải bass tốt hơn. Mặc dù không công bố rộng rãi, song theo tôi được biết thì 1More sử dụng driver cỡ 8mm cho sản phẩm này.
Ngoại hình của 1M301 không thực sự đặc sắc, và chắc chắn khác xa so với Xiaomi Piston 3.0. Dù phần khung vỏ vẫn được làm từ nhôm, nhưng nhiều chi tiết đã được chuyển sang nhựa. Nhưng trọng lượng tổng thể của nó vẫn nặng hơn 2gram so với Piston (vốn được bọc nhôm từ đầu đến chân), tăng lên mức 15gram. Cảm giác khi cầm 1M301 trên tay không còn sự thích thú như với Piston, nhưng đó chưa phải toàn bộ câu chuyện. Việc làm tôi cảm thấy thoải mái nhất vẫn là micro và bộ điều khiển được làm hợp lý hơn, đặt gần sát miệng. Song hơi kỳ lạ ở chỗ 1More để phần này ở bên phải, thay vì bên trái như hầu hết tai nghe thông thường. Với việc micro có độ nhạy tốt vì việc đàm thoại rảnh tay rất thuận tiện. Ba nút điều khiển nhạc cũng được bố trí thẳng hàng ở cùng một bên với gờ nổi nhận diện nút giữa, nên rất dễ làm quen sử dụng không cần nhìn.
Cải tiến quan trọng nhất mà 1More nhấn mạnh trên 1M301 nằm ở ống dẫn âm được đặt theo góc 45 độ thay vì thẳng 90 độ như các tai nghe thông thường. Việc này giúp cho cảm giác đeo thoải mái hơn, dễ đeo khít hơn và tăng độ cách âm cũng như đảm bảo hiệu suất của bass. Song thiết kế dạng này lại gây một chút bất tiện với những người đã quen đeo tai nghe kiểu vòng dây qua vành tai, và chỉ phù hợp với kiểu đeo thẳng tiêu chuẩn. Phụ kiện khá đầy đặn như đã nói ở bài trên tay trước đây cũng là một điểm cộng đáng lưu ý khi cân nhắc sản phẩm này. Phiên bản mà chúng tôi đánh giá trong bài viết này được coi là tiêu chuẩn cho thị trường quốc tế, song 1More còn có 1 phiên bản khác với logo quảng cáo cho chương trình The Voice của Trung Quốc, chủ khác một chút ở vỏ bên ngoài và ít phụ kiện hơn.
Với thông số kỹ thuật như đã nói ở phần trước, 1M301 có trở kháng 32Ohm và độ nhạy 96dB, và không hề tỏ ra khó khăn khi chơi với các nguồn phát di động. Tổng thể của chiếc tai nghe này theo thiên hướng ấm và mượt mà, chú trọng nhiều hơn vào dải bass và mid. Bass của 1M301 không quá nhiều, và điều này giúp cho nó hiếm khi lấn át các dải âm khác. Ở tầm giá này, việc có khả năng thể hiện được một chút sub-bass để tạo cảm giác đầy đặn là điều đáng khen, giúp các nhịp trống không bị “mất hồn”, dù rằng chưa thực sự xuống được sâu, và chủ yếu vẫn là mid-bass. Dải mid đáng khen hơn, trong trẻo, sạch sẽ và trình bày liền lạc với tổng thể, luôn nằm ở phía sau bass một chút xíu, và tôi không nhận ra một chút sibilance nào mà thay vào đó là cảm giác mượt mà. Chúng ta không có được độ chi tiết cao ấn tượng hay trình diễn tinh tế, nhưng lại dễ nghe và không nhàm chán. Không đến mức khó nghe hay mờ mịt, nhưng phải nói rằng khá hiền. Điều này khiến cho bản nhạc chất lượng thấp, hay các nốt nhấn nhá khi ca sĩ hát không bị phô, nhưng quả thực là có phần chưa tương xứng với 2 dải âm còn lại đều ở mức khá tốt.
Với việc thay đổi thiết kế ống dẫn âm đặt chéo, âm trường của 1M301 có phần rộng rãi hơn so với dòng Piston, và được đẩy về phía trước mặt, có cảm giác thoáng đãng. Đến đây, tôi cũng nhận ra lời giới thiệu của 1More là không sai, họ không đẩy bass hay treble lên để gây ấn tượng mà duy trì sự cân bằng và tự nhiên của giai điệu, không cần gây ấn tượng ban đầu mà “mưa dầm thấm lâu”.