ĐÁNH GIÁ CHUNG
Galaxy A9 Pro được kì vọng sẽ là sản phẩm đáng mua ở tầm giá trên 10 triệu đồng, nhưng sự thật thì lại không hẳn là như vậy.
ƯU ĐIỂM
Pin rất tốt
Sạc nhanh
Thiết kế đẹp
NHƯỢC ĐIỂM
Camera chưa ổn
Phím cứng bất hợp lý
Quá nặng
Trải nghiệm game kém
GIÁ THAM KHẢO
11,990,000 VNĐ
ĐIỂM
6/10 điểm
Các sản phẩm Galaxy của Samsung ngày càng hoàn thiện, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhưng trái ngược với những cảm nhận ban đầu, chiếc phablet Galaxy ...
Các sản phẩm Galaxy của Samsung ngày càng hoàn thiện, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhưng trái ngược với những cảm nhận ban đầu, chiếc phablet Galaxy A9 Pro dường như đang "dậm chân tại chỗ", không mang lại trải nghiệm đủ tốt so với số tiền mà người dùng phải bỏ ra.
Thiết kế
Vẫn mang nhiều phong cách của dòng Galaxy A gần đây, Galaxy A9 Pro được trang bị bộ khung kim loại nguyên khối, cắt xẻ đẹp mắt, 2 mặt kính cường lực cong 2.5D bóng bẩy và viền màn hình siêu mỏng, giúp giảm kích thước tổng thể của máy. Camera giờ đã bới lồi hơn, nhưng Galaxy A9 Pro lại có 3 điểm yếu dễ gây khó chịu khi sử dụng là trọng lượng quá nặng, mặt lưng rất trơn và vị trí đặt phím cứng quá khó thao tác. Đúng là các chất liệu vỏ cùng viên pin 5000mAh đóng góp phần lớn vào cân nặng lên tới 210gr, nhưng sự đánh đổi này có thể sẽ lại ảnh hưởng nhiều hơn trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Vị trí phím âm lượng và nguồn đặt quá cao, khó sử dụng bằng 1 tay.
Màn hình
Tấm nền AMOLED trong Galaxy A9 Pro không phải loại có chất lượng cao nhất của Samsung vì máy dù sao cũng chỉ thuộc dòng sản phẩm tầm trung. Tuy nhiên, điểm đáng chê trách (vẫn) nằm ở độ nét và màu sắc - hai khía cạnh mà mãi tới Galaxy S6 và Note 5, Samsung mới cải thiện được.
Với kích thước 6 inch, độ phân giải FullHD là không hề đủ để lấp đầy những khoảng trống giữa các pixel trên màn hình. Ở khoảng cách 20 - 30cm, tôi có thể thấy rõ những "chấm đen" xuất hiện theo đường chéo, nhất là khi hiển thị nhiều gam màu sáng. Tất nhiên, với phần lớn người dùng thông thường, họ sẽ không nhận ra được điểm yếu này, thậm chí còn khen nó đẹp vì màu sắc rực rỡ, màu đen sâu và tương phản tuyệt đối, nhưng với tôi thì những tấm nền AMOLED vẫn còn một chặng đường dài để cải thiện.
Điểm trừ thứ 2 là ở khả năng hiển thị màu sắc của máy. Với các thiết bị như Galaxy S7 hay Note 7, Samsung đã "thuần hóa" được màn hình để chúng hiển thị trung thực hơn, nhưng với Galaxy A9 Pro thì chưa. Những gam màu đỏ, xanh lá và xanh dương quá rực rỡ, dễ khiến người dùng đau mắt khi sử dụng lâu và khi chơi game với kiểu đồ họa nhiều màu sắc (như Candy Crush hay Steppy Pants). Người dùng có thể sẽ làm quen với nó trong một thời gian, nhưng với tôi thì đây vẫn luôn là điểm trừ đáng tiếc khi so với các tấm nền LCD thông thường.
Phần còn lại của màn hình Galaxy A9 Pro thì khá đáng khen với độ sáng tốt, dễ dàng sử dụng ngoài trời, tương phản tuyệt đối, rất hợp để xem phim với gam màu trầm, tăm tối và có sẵn chế độ chọn profile màu như dòng máy cao cấp.
Cấu hình
Với con chip Snapdragon 652 và RAM 4GB, hẳn là ai cũng kì vọng máy mang lại trải nghiệm mượt mà tuyệt đối, gần tương đương với các thiết bị cao cấp khác. Tuy nhiên, không hiểu sao mà tôi lại không cảm nhận được điều này trên Galaxy A9 Pro. Các thao tác thông thường vẫn rất mượt mà, nhưng khi chơi game hay sử dụng các ứng dụng nặng thì máy lại tỏ ra hơi ì ạch, dễ bị giảm tốc độ khung hình kể cả với những tựa game nhẹ nhàng (như Steppy Pants). So sánh với chiếc Xperia XA với cấu hình thấp hơn hẳn, trải nghiệm game trên A9 Pro còn thua kém thấy rõ về độ mượt mà, dù tốc độ tải thì nhanh hơn nhiều (do chất lượng chip nhớ bên trong tốt hơn).
A9 Pro đạt gần 70k điểm trên AnTuTu, cao hơn cả LG V10 với Snapdragon 808.
Bộ nhớ RAM 4GB không có gì để chê. Galaxy A9 Pro có thể lưu được hàng chục ứng dụng chạy nền cùng lúc mà không gặp lỗi tràn RAM, đồng thời tốc độ gọi ứng dụng cũng rất nhanh chóng.
Pin
Đây dường như là điểm sáng duy nhất mà tôi thấy rất thích trên Galaxy A9 Pro. Viên pin 5000mAh gắn liền, kết hợp với màn hình AMOLED tiết kiệm điện có thể giúp bạn sử dụng nhiều ngày liền mới cần sạc lại. Trong vòng hơn 1 tuần sử dụng nhẹ nhàng, tôi chỉ phải sạc pin cho máy đúng 2 lần, tương đương với khoảng 3 - 4 ngày/lần sạc. Thời gian sáng màn hình cũng đạt tới ~10 tiếng nếu bạn không chơi Pokemon Go, mà kể cả có chơi nhiều, liên tục đi nữa thì máy chắc cũng phải trụ được nguyên một ngày mới chịu "gục".
Máy có thể dùng được ít nhất 2 ngày với nhu cầu thông thường và thời gian sáng màn hình trên 7 tiếng.
Tốc độ sạc pin của Galaxy A9 Pro rất đáng kinh ngạc. Kể cả khi biết rõ là máy có sẵn sạc nhanh, tôi vẫn thực sự bị ấn tượng vì viên pin 5000mAh được sạc đầy chỉ trong vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ. Chỉ trong 60 phút đầu tiên, máy cũng sạc được từ 0 đến 60% (khi tắt hết ứng dụng, kết nối và bật chế độ máy bay), đủ để bạn dùng thoải mái trong ít nhất 2 ngày tiếp theo. So sánh với một số thiết bị khác, kết quả này vẫn là vượt trội, ví dụ như Xperia XA mất tới 2 tiếng 15 phút với viên pin vỏn vẹn 2300mAh, hay Zenfone Max thì mất tới 6 tiếng cho viên pin 5000mAh.
Camera
Tiếp tục là một điểm trừ khó hiểu của Galaxy A9 Pro. Không rõ có phải chiếc máy mà tôi có trên tay bị lỗi hay không, nhưng chất lượng ảnh chụp từ máy thực sự có vấn đề chứ không hề tốt như các thiết bị khác của Samsung.
Độ chi tiết mà máy ghi lại được không hề cao ở nhiều điều kiện, kể cả đủ sáng, chỉ cần zoom ảnh lên một chút là hiện tượng mờ nhòe sẽ lộ rõ. Trong khi đó, ở điều kiện thiếu sáng, độ chi tiết lại tốt hơn kha khá dù nhiễu vẫn còn rất nhiều.
Ở điều kiện ban ngày, ảnh có thể bị dư sáng và độ chi tiết không được tốt.
Ban đầu, tôi có nhiều kì vọng vào camera của máy vì thấy có nhiều người khen ngợi là nó chụp tốt gần tương đương Galaxy S6, nhưng thực sự thì lại không được như vậy, dù phần cứng thì rất "đáng nể", không thua kém gì các mẫu máy cao cấp khác như OnePlus 3 hay Xiaomi Mi 5.
Về phần camera trước, chất lượng ảnh cho ra vẫn ở mức tốt với chi tiết cao, có nhiều tính năng đi kèm, nhưng nước ảnh vẫn chưa đủ để "mê hoặc" các tín đồn selfie. Màu da thường bị biến đổi, bệt hơn, vàng hơn và không thể nịnh mắt được như OPPO F1s vốn có giá chỉ bằng 1/2.
Chất ảnh không được đẹp như nhiều sản phẩm Galaxy khác.
Độ chi tiết không cao, dễ bị vỡ hạt, bệt màu khi zoom nhẹ.
Khả năng xóa phông ổn, nhưng chi tiết của chủ thể vẫn không hề cao.
Chụp đêm xuất hiện nhiều nhiễu, chi tiết đủ tốt nhưng màu sắc và tương phản chưa ổn.
Chế độ HDR hơi "quà đà", mất đi sự tự nhiên của ảnh.
Ảnh selfie có chi tiết tốt những màu sắc không bắt mắt.
Các tính năng khác
Giao diện TouchWiz phiên bản mới giống Galaxy S7.
Giao diện TouchWiz phiên bản mới, dựa trên nền Android 6.0 giờ đã đẹp mắt hơn với tông màu trắng và xanh dương nhạt. Đi kèm với đó vẫn là rất nhiều tính năng thú vị như chia đôi màn hình, thu nhỏ ứng dụng... để tận dụng được hết màn hình lớn 6 inch. Ngoài ra, người dùng còn được phép thay đổi giao diện và icon bằng kho theme đa dạng từ Samsung và những người dùng khác.
Các tính năng đa nhiệm và thu nhỏ màn hình.
Cảm biến vân tay trên Galaxy A9 Pro vẫn nằm trên phím Home với cách hoạt động tương tự Galaxy S7 hay Note 7. Tốc độ nhận diện của nó khá nhanh, nhưng độ chính xác thì không cao lắm nếu bạn không đặt đúng vị trí hoặc khi ngón tay dính nước, mồ hôi và bụi bẩn.
Kết
Với mức giá 12 triệu đồng, gần bằng một sản phẩm dòng cao cấp, Galaxy A9 Pro lại không được tốt như kì vọng vì có nhiều điểm yếu như hiệu năng không ổn hay camera chưa xứng tầm. Dù sao thì, với những ai muốn có một sản phẩm màn hình lớn mà pin "trâu" thì máy vẫn là một lựa chọn tốt.