ĐÁNH GIÁ CHUNG

LG V10 là flagship mới nhất của ông lớn Hàn Quốc với nhiều đặc điểm, tính năng độc đáo, lạ mắt nhưng cũng còn nhiều điều nên cố gắng.


ƯU ĐIỂM

Màn hình đẹp
Nhiều tính năng độc đáo
Camera chỉnh tay tuyệt vời
Nghe nhạc tốt


NHƯỢC ĐIỂM

Còn nhiều lỗi vặt
Vỏ nhanh xuống cấp
Pin kém


GIÁ THAM KHẢO

15,990,000 VNĐ


ĐIỂM

7/10 điểm

Phần lớn các thiết bị smartphone mà bạn thấy trên thị trường đều được nhà sản xuất nhấn mạnh và nâng cấp các tính năng cơ bản nhất như màn ...

Phần lớn các thiết bị smartphone mà bạn thấy trên thị trường đều được nhà sản xuất nhấn mạnh và nâng cấp các tính năng cơ bản nhất như màn hình đẹp, camera tốt hay cấu hình khủng, nhưng bên cạnh đó thì cũng có một vài siêu phẩm khác được coi là những "làn gió mới", giúp thị trường di động bớt tẻ nhạt nhờ loạt tính năng mới mẻ, độc đáo, nhất là về phần cứng. Điển hình như chiếc LG V10 mà tôi sẽ đánh giá trong bài viết này.

Khi mới nhìn vào, mọi người sẽ thấy ấn tượng với thiết kế bên ngoài của LG V10 đầu tiên, nhờ các đường cắt mạnh mẽ ở mặt lưng và hai sườn bằng thép không rỉ trông cực kì cứng cáp, nam tính và một phần màn hình phụ luôn sáng ở phía trên. Đây thực chất không phải là điểm đặc biệt duy nhất của V10, và chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua phía dưới đây.

Mặt trước của LG V10 là màn hình chính kích thước lên tới 5,7 inch, phía trên là màn hình phụ 2,1 inch, bên phải phần màn hình này là 2 camera trước, lần lượt có góc rộng 120 độ và 80 độ để phục vụ nhiều nhu cầu tự sướng khác nhau. Phía trên, chúng ta sẽ thấy loa thoại và cảm biến ánh sáng, tiệm cận. Phía đuôi máy chỉ có logo LG khắc chìm chứ không có phím điều hướng.

Hai cạnh bên máy là 2 khung được làm từ thép uốn và vát cong về bốn phía, vừa để tạo sự nổi bật mà cũng chống va đập hiệu quả hơn nhiều so với nhôm. Phần còn lại của vỏ thì được làm từ chất liệu nhựa phủ cao su mềm mại, chịu lực tốt. Mặt lưng thì được chia làm 8 hình vuông với họa tiết hình trám nhỏ nổi lên giúp tăng độ bám tay và chống xước tốt. Tuy nhiên, điểm trừ của lớp chất liệu này là nhanh bị bạc màu, khá bám bẩn và cho cảm giác cũ kĩ sau một thời gian sử dụng. Phiên bản màu trắng có lẽ còn nhanh biến thành màu cháo lòng hơn.

Phần mặt lưng cũng có thể tháo ra được, để lộ ra viên pin rời, các khe cắm sim và thẻ nhớ. Đây là một điểm cộng lớn cho V10 vì các đối thủ, kể cả Samsung thì cũng đã loại bỏ đặc điểm này trên rất nhiều thiết bị của họ. Nếu bạn mua V10 bản Hàn Quốc thì còn được hãng tặng kèm một cục pin nữa, còn bản chính hãng thì đáng tiếc là không.

Dù được quảng cáo là có độ bền cao nhưng bạn vẫn cần phải cẩn trọng trong quá trình sử dụng. Chiếc máy mà tôi được cầm ở đây đã có dấu hiệu bong tróc lớp phủ vỏ ở phần chân cắm sạc, trong khi phần còn lại thì cũng không còn bóng bẩy mịn màng như ban đầu nữa.

LG V10 có kích thước lớn hơn kha khá so với đàn anh G4, nhất là chiều cao do còn phải chứa thêm một màn hình phụ ở phía trên. Cảm giác cầm nắm nhìn chung là tốt nhưng máy lại bị nặng hơn hẳn về phần thân trên mà tôi nhận ra ngay từ lần đầu tiên cầm máy. Trước đây, tôi cũng gặp vấn đề tương tự với chiếc Nexus 6, nhưng thực ra thì chỉ cần làm quen một thời gian ngắn là sẽ không còn cảm thấy lạ tay nữa.

Không rõ đối với mọi người thì sao, nhưng cá nhân tôi rất phản đối cách đặt các phím cứng ở mặt lưng, nhất là với các thiết bị của LG. Tất nhiên, máy có trang bị tính năng chạm hai lần để bật sáng màn hình, nhưng mỗi khi tôi đặt máy trên mặt bàn thì sẽ không thể dùng cảm biến vân tay hay chỉnh âm lượng ứng dụng được. Lẽ ra LG nên tích hợp một bộ chỉnh âm lượng riêng trên màn hình máy, có thể là trên màn hình phụ, hoặc như OPPO thì là thao tác vuốt lên hoặc xuống hai ngón tay ở bất kì màn hình nào để tăng giảm âm lượng.

Về màn hình, đây là một điểm mạnh lớn của V10 nhờ tấm nền IPS chất lượng cao, công nghệ Quantum Display độc quyền của LG, độ phân giải QuadHD siêu nét và khả năng hiển thị màu sắc, tương phản, góc nhìn đều rất tuyệt vời. Thực tế thì màn hình V10 có hơi làm nịnh mắt bằng cách tăng bão hòa màu lên, nhưng điều này sẽ không gây khó chịu hay làm bệt chi tiết mà thực sự là chỉ... đẹp hơn thôi. So sánh với các tấm nền màn hình IPS và TFT khác, màn hình LG V10 chỉ có màu sắc đậm hơn một chút, vừa đủ để trông sống động hơn mà không tạo cảm giác giả tạo.

Có một điểm nữa mà tôi thấy đáng khen ở V10 và G4 là màn hình cả hai đều không còn tình trạng bị cố tình làm sắc cạnh (over sharpen) các chi tiết mà flagship G3 trước đây đã gặp phải. Kể cả khi mở ứng dụng xem ảnh, V10 bắt đầu áp dụng thuật toán tăng độ nét lên thì vấn đề cũng không quá nặng, thậm chí còn ít hơn đối thủ Galaxy Note 5 và Galaxy S6 của Samsung. Những thuật toán tăng độ nét cho ảnh sẽ khiến mắt ta tưởng rằng màn hình máy nét hơn nhiều nhưng thực chất chỉ là giả và nếu sử dụng lâu dài thì có thể sẽ gây khó chịu cho mắt.

Chuyển qua màn hình phụ. Đây là đặc điểm dù mới mẻ những lại khiến tôi cảm thấy thất vọng tràn trề về V10. Đầu tiên là về lựa chọn tấm nền IPS thay vì OLED. Như các bạn đã biết thì màn hình LCD luôn cần có đèn nền thì mới hoạt động được bình thường, còn OLED thì các điểm ảnh sẽ tự phát sáng, giúp nó tiêu tốn ít điện năng hơn so với LCD nếu có cùng diện tích hiển thị. Đối với loại màn hình luôn sáng như của V10, lẽ ra LG nên sử dụng các tấm nền OLED để tiết kiệm điện năng tối đa cho máy, đặc biệt là khi nó chỉ có viên pin 3000mAh. Không những thế, vì sử dụng đèn nền nên phần màn hình này còn bị "hở sáng" khi đặt máy trong bóng tối mà có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt thường, nhìn rất kém thẩm mĩ.

Chuyển qua tính năng của màn hình phụ, tôi vừa thấy hứng thú mà cũng vừa thất vọng bởi nó còn quá nhiều lỗi vặt. Thứ nhất là cảm ứng không được nhạy khi màn hình chính tắt, và nếu bạn có lỡ tay chạm vào màn hình chính thì màn hình phụ cũng "đơ" luôn, không phản hồi lại thao tác; thứ hai là trình điều khiển nhạc không hoạt động ổn định, tôi bắt buộc phải mở nhạc trước đó hoặc giữ ứng dụng nghe nhạc chạy nền thì mới sử dụng được tính năng này, đôi khi còn hiển thị nhầm icon ứng dụng (như hình trên) và sẽ mở ứng dụng đó ra khi chạm vào chứ không phải là trình phát nhạc; thứ ba là hiển thị thông báo chèn lên các tác vụ khác: Một số thông báo dạng persistent (không cho xóa khỏi thanh thông báo), ví dụ như đang tải một mục nào đó chẳng hạn, thì sẽ che mất các tùy chọn chế độ chụp khi bạn mở ứng dụng camera; thứ tư là không cho phép thao tác một khi đã mở các ứng dụng toàn màn hình, ví dụ như các tựa game như Asphalt 8 hay The Sims FreePlay. Nếu không thể sử dụng phần màn hình này để chuyển nhanh qua các ứng dụng khác hay điều khiển nhạc... thì tôi tự hỏi nó sinh ra để làm gì đây?

Bỏ qua các lỗi phía trên, tôi thấy đây là một tính năng khá hiệu quả và thú vị, hơn nhiều so với tính năng của màn hình cong trên Galaxy S6 Edge. Chúng ta có thể sử dụng nó để hiển thị chữ kí, thời gian, pin, thời tiết, các ứng dụng gần đây, shortcut tới ứng dụng ưa thích, các danh bạ hay dùng, điều chỉnh nhạc, kế hoạch sắp tới khi màn hình chính sáng và hiển thị thông báo, bật tắt nhanh âm thanh, wifi, đèn pin và camera khi vuốt sang trái ở chế độ nghỉ.

Không rõ đây là lỗi xảy ra trên tất cả các máy V10 hay chỉ có chiếc mà tôi đang cầm là "đen đủi", nhưng tôi hy vọng rằng LG sẽ khắc phục được hết trong các phiên bản phần mềm mới hơn.

Chuyển qua cấu hình. Đây cũng là đặc điểm khiến tôi rất hài lòng trên V10. Với con chip Snapdragon 808 lõi 6 và RAM 4GB, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi hiệu năng hoạt động mà máy mang lại, không thua kém gì so với các thiết bị chạy Snapdragon 810 mà lại chẳng hề bị quá tải nhiệt. Tất nhiên, LG sẽ phải chịu thiệt thòi một chút khi quảng bá sản phẩm, nhưng rõ ràng là V10 sẽ dễ làm hài lòng người dùng trong quá trình sử dụng hơn là một số thiết bị như Sony Xperia Z4 hay HTC One M9.

Điểm Benchmark của LG V10 qua AnTuTu.

Các thao tác trên V10 đều thực sự mượt mà, tốc độ khung hình cao, gần như không có độ trễ, còn lag thì đôi khi có xuất hiện khi vuốt thanh thông báo xuống ở những game full màn hình. Thử nghiệm với các tựa game đồ họa khủng như Alphalt 8 thì V10 vẫn đáp ứng trải nghiệm tuyệt vời cả ở mức cấu hình cao nhất. Chấm điểm AnTuTu, V10 đạt 68 nghìn điểm, thấp hơn kha khá so với các đối thủ khác, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là hiệu suất hoạt động của nó cũng kém hơn. Thực tế thì với những mẫu smartphone có cấu hình cao cấp như thế này thì sự khác biệt là rất ít, trừ khi bạn đem so sánh với cặp đôi iPhone 6S và 6S Plus của Apple.

Pin của LG V10 là một mỗi thất vọng khá lớn. Dù có thân hình to đồ sộ và tận 2 màn hình, LG vẫn chỉ "nhồi" được viên pin dung lượng có 3000mAh, quá thấp so với trung bình. Điều này khiến cho máy chỉ trụ được khoảng 4 tiếng bật màn hình với các tác vụ như chụp ảnh, lướt web, Facebook, xem video và chơi game qua mạng. Bù lại một chút, V10 có sẵn khả năng sạc nhanh QuickCharge 2.0 giúp máy sạc đầy pin chỉ trong khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Tuy nhiên, nhìn chung thì đây vẫn là một điểm  trừ khó có thể chấp nhận, đặc biệt là khi rất nhiều đối thủ cùng tầm khác đều có thời lượng pin tốt trở lên, ví dụ như Xperia Z5, Galaxy Note 5 hay iPhone 6S Plus.

Tiếp tục là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của LG V10: Camera. Vẫn sử dụng chung phần cứng với flagship G4 nhưng V10 lại được hãng quan tâm nhiều hơn vào khả năng chỉnh tay cho cả video nữa. Tất cả các thông số như ISO, tốc chụp, cân bằng trắng và lấy nét đều được LG mở khóa để người dùng thoải mái tùy chọn.

Riêng phần video, LG còn trang bị thêm một micro thứ 3 cho V10 giúp máy lọc tiếng ồn tốt hơn và có thể nhận biệt được âm thanh phát ra từ phía trước hay phía sau camera. Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế, tôi không thể nhận ra được sự khác biệt khi bật và tắt chế độ lọc tiềng ồn, còn khả năng nhận biết vị trí âm thanh thì lại hoạt động rất hiệu quả. Mặc định thì các micro của V10 tỏ ra rất nhạy với âm thanh, dễ xảy ra hiện tượng âm thanh bị dẫn từ vỏ tới mic khi bạn thao tác lên màn hình hay chạm ngón tay vào máy khi đang quay, tạo ra các tiếng động không đáng có.

Chất lượng ảnh mà V10 mang lại từ camera chính là rất tốt, có thể nói là tốt nhất nhì thế giới smartphone với độ chi tiết cao, màu sắc trung thực, tương phản tốt, cân bằng trắng gần như chính xác hoàn toàn ở mọi điều kiện. Điểm yếu nhỏ của V10 là khả năng xóa nhiễu chưa thực sự hiệu quả, nhất là ở viền ảnh và nếu zoom 100% sẽ thấy xuất hiện các chi tiết giả (artificial noise), giống như là cố gắng làm nét ảnh lên bằng phầm mềm vậy.

Ảnh chụp ban ngày cho màu sắc, tương phản trung thực, không nịnh mắt, chi tiết cao.

Ảnh chụp trong nhà thì tương phản kém hơn nhưng màu săc và chi tiết vẫn tốt.

Vì trời Hà Nội mấy hôm nay đều u ám nên rất khó để chụp được ảnh đẹp.

Chụp trong nhà với ánh sáng nhân tạo, V10 cân bằng trắng tốt, độ chi tiết cao nhưng thường xuyên xuất hiện nhiễu hạt.

Cần bằng trắng, độ chi tiết và màu sắc ảnh khi chụp đêm vẫn rất tốt nhưng nhiễu hạt thì xuất hiện rất rõ ràng. Khả năng chống rung quang học hoạt động rất hiệu quả trong việc tránh mờ nhòe ảnh do rung tay.

Khi chuyển sang chế độ manual thì chúng ta sẽ chụp được những tấm ảnh bokeh hay phơi sáng đậm chất nghệ thuật.

Ảnh chụp từ 2 camera trước của V10, bên trái là góc thường (80 độ) và phải là góc rộng (120 độ).

Camera trước của máy thì phù hợp với tất cả các kiểu "tự sướng", từ chụp đơn cho tới chụp nhóm với ống kính góc rộng tới 120 độ, nghĩa là bạn gần như chẳng cần phải mua gậy tự sướng để có một bức ảnh đẹp hơn với nhóm bạn. Tuy nhiên, độ chi tiết của camera trước lại không tốt lắm, dễ thấy hiện tượng mờ nhòe như tranh sơn dầu, đặc biệt là khi bật chế độ làm nhịn da lên.

Từ trái qua phải là tính năng thu nhỏ màn hình, Qslide và Dual Windows.

Các tính năng phụ trợ của V10 không có gì thay đổi so với G4, điển hình là Qslide và DualWindows. Qslide thì cho phép tạo những cửa sổ nhỏ "nổi" quanh màn hình, tương tự như Small-Apps của Sony, còn Dual Windows thì chia đôi màn hình ra và cho người dùng sử dụng hai ứng dụng cùng một lúc. Tuy nhiên, cả hai tính năng này đều bị giới hạn khá nhiều vì hãng chỉ cho phép dùng với vài ứng dụng cài đặt sẵn, ví dụ như Ảnh, Youtube, Chrome, nhắn tin, máy tính..., không được đa dạng cho lắm mà cũng không được cài đặt thêm các ứng dụng khác từ bên thứ 3, kể cả Facebook hay Messenger.

Giao diện quản lý vân tay của V10.

Cảm biến vân tay của LG V10 được đặt trên phím nguồn ở mặt lưng, và điều này có cả điểm tốt lẫn không tốt. Tốt ở chỗ bạn chỉ cần bấm phím nguồn và giữ tay ở đó trong khoảng nửa giây là màn hình sẽ được mở khóa, còn điểm trừ thì như đã nói ở trên, vẫn là vị trí đặt phím không hợp lý, khiến chúng ta phải cầm máy trên tay thì mới sử dụng được. Còn lại thì tôi có thể nhận xét là tốc độ nhận diện vân tay nhanh, chính xác, đồng thời lại sử dụng để khóa ảnh trong album được theo ý muốn nữa, rất tiện lợi. Bạn cùng vẫn còn tùy chọn khóa máy bằng KnockCode như các thế hệ smartphone trước của LG, và khi kết hợp hai tính năng bảo mật này lại thì quá tuyệt vời, vừa không lo bị người khác đoán được mật khẩu, vừa khiến thao tác mở máy tiện lợi, "cool ngầu" hơn.

Cuối cùng, về khả năng nghe nhạc, chúng tôi đã có một bài đánh giá riêng biệt cho LG V10, nhưng nếu bạn không muốn phải đọc cả một bài viết dài thì tôi sẽ tóm gọn lại: nhìn chung thì V10 cho chất âm cân bằng, hơi thiên sáng, độ chi tiết cao nhưng tổng thể còn hới cứng và cũng chưa thể nào thay thế được các loại máy nghe nhạc Hi-fi và Hi-end như hãng đã quảng cáo. Loa ngoài có âm lượng lớn, đặt ở đuôi máy nên ít khi bị che mất, thiên về dải treble và đôi khi có rè ở mức âm lượng cao nhất, trong khi giao diện nghe nhạc thì đẹp mắt, dễ dùng và cũng có nhiều tính năng tiện dụng.