Đánh giá Beyerdynamic Custom One Pro Plus: câu chuyện về bass!

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Mặc dù không còn driver Tesla trứ danh, Custom One Pro vẫn mang chất âm đặc trưng của Beyerdynamic, và phần chỉnh bass qua Custom Sound Slider có hiệu quả tương đối tốt.


ƯU ĐIỂM

Chất lượng chế tạo tốt, bền bỉ, cao cấp
Thiết kế độc đáo, linh hoạt về cả sửa chữa và tính năng
Cách âm tốt


NHƯỢC ĐIỂM

Âm thanh có thế nhấn bass nhiều
Mid đôi khi thiếu rõ ràng


GIÁ THAM KHẢO

4,900,000 VNĐ


ĐIỂM

8/10 điểm

Từng là một người gắn bó với chiếc Beyerdynamic DT990 Pro 600Ohm trong vài tháng, gần như ngay lập tức tôi nhận thấy sự quen thuộc với chiếc Custom One Pro Plus. Giá bình dân hơn nhưng không có nghĩa là Custom One Pro tạo cảm giác rẻ tiền hơn, mà nhiều chi tiết còn được cải tiến hợp lý hơn.

Đánh giá Beyerdynamic Custom One Pro Plus: câu chuyện về bass!
Về tính năng và thiết kế, các bạn có thể tham khảo bài viết trên tay Beyerdynamic Custom One Pro trước đó của chúng tôi. Với việc các chi tiết có thể tháo rời dễ dàng, việc sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện dường như không có gì khó khăn. Phần đệm đầu và đệm tai cũng được bọc loại da khá dày dặn, thay vì sử dụng vải nhung như một số sản phẩm trước đây, nên dễ dàng vệ sinh, lau chùi sau vài tuần sử dụng. Cùng với phần khung vỏ được sơn đen mờ, tổng quan thiết kế của sản phẩm tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng và bền bỉ. Mặc dù có vẻ khá hầm hố, song thực ra trọng lượng của Custom One Pro không nặng nề, chỉ gần 300gram, vẫn duy trì được cảm giác thoải mái khi đeo. Phần đệm tai khá mềm mại song đôi lúc sẽ tạo cảm giác nóng bí vào mùa hè. Bù lại, nó sẽ giúp cho khả năng cách âm tốt, hiệu quả  giảm ồn khoảng 18dB theo đo đạc của chúng tôi (nhưng ảnh hưởng đôi chút bởi độ mở của Custom Sound Slider). Áp lực tác động vào đầu người dùng ở mức vừa phải, không dễ tuột tai nghe khi cúi xuống hay vận động, và cũng không gây đau.
Đánh giá Beyerdynamic Custom One Pro Plus: câu chuyện về bass!
Nói về Custom Sound Slider, khi thay đổi các mức độ thì dĩ nhiên cả tổng thể âm thanh cũng sẽ bị thay đổi, khoảng 5dB ở mỗi vị trí. Khi đóng Custom Sound Slider thì âm thanh sẽ đạt độ cân bằng cao nhất, và vẫn khá tốt khi mở thêm một mức. Nhưng nếu mở các lỗ lớn hơn thì tổng thể sẽ trở nên mỏng hơn, đôi khi hơi hỗn độn, thiếu rõ ràng. Thật khó để tính năng này hoàn hảo ở mọi mức, nhưng ít nhất thì tôi cũng cảm thấy hài lòng với việc có 2 mức độ để thay đổi tùy theo loại nhạc đang nghe. Khi đã quen sử dụng, tôi không còn phải gỡ tai nghe khỏi đầu để thay đổi Custom Sound Slider.
Đánh giá Beyerdynamic Custom One Pro Plus: câu chuyện về bass!
Với trở kháng chỉ 16Ohm và độ nhạy ở mức trung bình 96dB, gần như mọi nguồn phát phổ thông như smartphone hay laptop đều có thể chơi được với chiếc tai nghe này mà không cần bật âm lượng tối đa. Theo thông tin mà chúng tôi có được, màng loa của driver mới trên tai nghe này thuộc hàng mỏng nhất thế giới, nhằm đáp ứng được nhiều loại nguồn nhạc khác nhau. Khi chuyển đổi qua lại giữa điện thoại iPhone 6 Plus và ampli  JDS Labs C5D, sự thay đổi không quá lớn nhưng đủ để nhận ra. Với các nguồn phát tốt hơn thì Custom One Pro sẽ cho âm thanh đầy đặn, rõ ràng hơn. Giống như các tai nghe khác cùng hãng, bass luôn là trọng tâm ở bất cứ mức Custom Sound Slider nào. Khi nghe Dubstep, R&b, Dance, Rap... hay những dòng nhạc mới thường chú trọng vào bass và treble, tôi luôn cảm thấy khá hài lòng với Custom One Pro. Tôi khá hài lòng với độ phản ứng nhanh của nó khi nghe rock. Tôi không nghĩa rằng bass và treble của nó là tuyệt nhất trong phân khúc, mà có thể nói là khá khôn ngoan. Dĩ nhiên bass đi từ nông đến rất sâu tùy chế độ với độ chi tiết vừa phải, nhưng lực không hề tồi. Và treble thì không bao giờ trở nên gắt gỏng. Nhưng Chất âm của Custom One Pro vẫn duy trì đặc trưng về dải mid mỏng, chưa đủ nổi bật để nghe Jazz. Và cũng có thể nói rằng chiếc tai nghe này không hẳn để nghe “tạp” tốt như Beyerdynamic đã quảng cáo. Giọng hát của ca sĩ dường như bị chìm vào nền nhạc, thiếu rõ ràng và mạch lạc, khiến tôi cảm thấy đôi khi “có gì đó chưa đúng?” Một trong những đối thủ thường được so sánh với Custom One Pro là Audio Technica ATH-M50x với giá bán chính hãng xấp xỉ, chỉ chênh lệch khoảng 300-400 nghìn đồng. Có thể nói, về mặt kỹ thuật thì M50x có khá nhiều ưu điểm hơn ở cả 3 dải âm, đặc biệt là dải mid ngọt ngào, song cảm giác lúc nào cũng khá bí và tù túng. Còn sản phẩm từ Beyerdynamic lại đem tới cảm giác hơn hẳn về chất lượng chế tạo, thiết kế, đôi khi làm tôi thấy thoải mái vì điều chỉnh được bass một cách linh hoạt, và tốc độ đáp ứng dường như tốc hơn, không rề rà.
Đánh giá Beyerdynamic Custom One Pro Plus: câu chuyện về bass!
Kết luận Nếu có một điểm tôi thật sự cảm thấy không hài lòng với chiếc tai nghe này, đó là tên của nó quá dài. Hãy thử đọc lại: Beyerdynamic Custom One Pro Plus! Còn lại, mục tiêu của hãng khi tạo ra chiếc tai nhe này khá rõ ràng, dành cho những người yêu thích Bass, các Basshead đích thực, nghe nhạc dòng nhạc trẻ sôi động và sống mạnh mẽ.

Cùng chủ đề

Bình luận