ĐÁNH GIÁ CHUNG
Sine là một chiếc tai nghe “bình dân” hơn của Audeze, nhưng lại đem tới cảm giác hài lòng hơn cả những sản phẩm đắt tiền hơn bởi chất âm cân bằng, và thiết kế cực kỳ chau chuốt
ƯU ĐIỂM
Âm thanh cân bằng, tinh tế, mạnh mẽ
Thiết kế chau chuốt
Có thể mua thêm cáp cipher giá tốt
Trọng lượng nhẹ nhàng
NHƯỢC ĐIỂM
Giá cao so với các đối thủ
Phụ kiện chưa xứng tầm
GIÁ THAM KHẢO
12,000,000 VNĐ
ĐIỂM
9/10 điểm
Trong thế giới tai nghe từ phẳng, ba hãng nổi tiếng nhất là Audeze, Oppo và HiFiMan. Nhưng định vị của Audeze dường như luôn cao 2 đối thủ một ...
Trong thế giới tai nghe từ phẳng, ba hãng nổi tiếng nhất là Audeze, Oppo và HiFiMan. Nhưng định vị của Audeze dường như luôn cao 2 đối thủ một bậc về giá. Trong trường hợp này gồm Audeze Sine – Oppo PM-3 – HiFiMan HE400s lần lượt ở mức 12 - 9 - 7,5 triệu đồng. Nhưng dĩ nhiên, việc Audeze còn phát triển mạnh mẽ cho đến nay chứng tỏ phải là “đắt xắt ra miếng”. Một trong những điểm khiến Audeze luôn có giá cao hơn là bởi toàn bộ sản phẩm của Audeze được làm ở Mỹ, trong khi 2 đối thủ còn lại thì đều xuất xứ từ Trung Quốc nên dễ hiểu về mức giá chênh lệch. Đến thời điểm hiện tại, tôi không còn quan niệm đồ xuất xứ từ Trung Quốc sẽ có chất lượng thấp, nhưng thường thì đồ làm tại Mỹ luôn có tiêu chuẩn cao hơn.
Audeze có một sự khôn khéo mà tôi đánh giá cao, đó là họ không ôm đồm quá nhiều công việc. Từ sau dòng LCD thì Audeze đã hợp tác với hãng thiết kế công nghiệp BMW DesignWorksUSA (một công ty con của tập đoàn xe hơi BMW nổi tiếng), để tạo ra 2 dòng EL-8 và Sine. Mặc dù gu thẩm mỹ của mỗi người là khác nhau, song khó có thể phủ nhận rằng Sine được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Thay vì sử dụng vật liệu vải nhung hay giả da cho phần đệm tai thì Sine được ưu ái bọc da thật như các đàn anh, đồng thời cũng áp dụng cho phần đệm đầu, và bọc bên ngoài vỏ. Còn phần khung nhôm đều được phủ màu sơn đen mở. Cảm nhận chung của nhiều người là Sine khá rắn rỏi, dường như khó có thể bị cũ đi sau vài nằm sử dụng. Vốn dĩ lớp sơn hơi bóng của EL-8 trước đây làm tôi hơi ngại ngần. Nhưng cải tiến đáng giá nhất của Sine nằm ở giắc cắm rời (connector) được cải tiến đáng kể. Thay vì connector dạng lightning hay USB-C nửa vời khá dễ gãy và một số người đã bị lỏng, thì Audeze đã quay lại sử dụng giắc 3,5mm cắm sâu vào bên trong, nhưng với góc cắm chéo 30 độ so với chiều ngang. Đây là một trong những connector chắc chắn và gọn gàng nhất mà tôi từng sử dụng, thậm chí không cần dạng ren xoáy như HiFiMan. Phần cáp tín hiệu dạng dẹt cũng có độ dày tốt hơn và cảm giác dày hơn so với EL-8.
Về phần phụ kiện, tôi đã mong chờ có một hộp đựng nhưng đáng tiếc chỉ là túi vải, kèm theo giắc chuyển 6,3mm tương tự đàn anh EL-8. Người mua có thể bỏ ra thêm 50USD để có thêm dây tín hiệu Cipher (rẻ bằng một nửa so với loại dùng với EL-8) có đầu giắc Lightning để sử dụng với iPhone, iPad, tích hợp sẵn bộ giải mã DAC 24-bit, ampli và DSP chất lượng cao hơn, cũng như cho phép chỉnh EQ 10-band. Về cơ bản, Sine đem lại cảm giác đeo thoải mái hơn so với các sản phẩm trước đây của Audeze, và cũng tốt hơn đa phần các tai nghe từ khẳng khác. Trọng lượng của nó chỉ ở mức 230gram, trong khi các đối thủ ở khoảng 320-350gram, và thậm chí các sản phẩm dòng LCD cùng hãng thường trên 500gram. Khả năng cách âm của nó cũng rất tốt chứ không như nhiều tai nghe on-ear khác. Nói như vậy không có nghĩa là Sine hoàn hảo về mặt thiết kế. Mặc dù là tai nghe di động song khả năng gập gọn của Sine rất hạn chế, tương tự đối thủ Oppo PM-3, chỉ cho phép xoay ngang phần vỏ earcup để cất vào hộp đựng dạng dẹt. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa có một chiếc tai nghe từ phẳng nào đủ di động thực sự.
Nghe thử Bởi thiết kế on-ear và đã được cắt giảm về công nghệ so với các đàn anh, dĩ nhiên âm thanh của Sine về mặt kỹ thuật khó có thể so sánh được. Một điểm có thể thấy rõ ràng nhất chính là không gian âm trường, không thể rộng rãi như các tai nghe full-size over ear thông thường. Điểm mạnh của nó nằm ở âm hình và khả năng bóc tác lớp lang nhạc cụ sống động. Phần lớn mọi người sẽ thắc mắc Sine nghe khác so với EL-8 Closed như thế nào. Câu trả lời là Sine chơi nhạc hài hòa và cân bằng hơn, dải mid được điều chỉnh tốt hơn. Trong khi EL-8 tốt hơn về tổng thể kỹ thuật, song việc chênh lệch khoảng 5 triệu dường như không thực sự thuyết phục tôi.
Một trong những đối thủ lớn nhất của Sine là Audio Technica ESW11LTD, vốn được ca ngợi trong nhóm tai nghe di động suốt nhiều năm, và nay đã bị đánh gục không quá khó khăn. Sine đơn giản tỏa sáng ở dải bass, chất lượng hơn cả về lượng và lực, cộng thêm dải mid mượt mà tinh tế, nhưng không màu mè như Audio Technica. Sine chưa phải chiếc tai nghe thực sự trung tính, nó bị đẩy nhẹ nhàng ở phần bass mà không khó để nhận ra. Nhưng ESW11LTD thậm chí còn khiến một thứ ngọt ngào, đầy đặn và nhạc tính cao, và chậm dãi hơn. Sine thậm chí còn dễ chơi hơn so với EL-8, và gần như nó không kén bất cứ nguồn phát nào như smartphone, laptop... (nhưng dĩ nhiên với nguồn phát tốt hơn thì tiềm năng càng được bộc lộ). Cũng chính vì vậy mà Audeze để dải treble mịn hơn, tránh sibilance và cảm giác gắt.
Mặc dù còn tồn tại một vài điểm chưa thực sự lý tưởng, nhưng khi đi kèm dây Cipher thì việc cải tiến là rất rõ ràng khi sử dụng nguồn phát là iPhone. Không chỉ chi tiết được đẩy lên, đáp ứng tốt hơn, mà quan trọng không kém là việc tích hợp DSP cho phép điều chỉnh âm thanh một chút bằng equaliser, mà ở đây là phần high-mid khoảng 1-2dB. Thậm chí, đại diện Audeze còn cho rằng có thể điều chỉnh tới +/- 5 tới 7dB mà kết quả vẫn ổn, nhưng tôi cho rằng mức an toàn ở 3-6dB. Cáp cipher có khả năng nhớ cấu hình mà tôi đã điều chỉnh, nên chuyển qua bất cứ máy iPhone, iPad khác thì âm thanh vẫn đem lại như nhau.