ĐÁNH GIÁ CHUNG

V3Max trình diễn chất âm chi tiết, hài hòa và có nhạc tính khá cao, sống động, giàu năng lượng, phần mềm thân thiện và dễ sử dụng.


ƯU ĐIỂM

Chất âm sáng, chi tiết, sạch sẽ nhưng vẫn hài hòa và tự nhiên
Phần mềm giao diện thân thiện, dễ sử dụng


NHƯỢC ĐIỂM

Phần mềm còn một số lỗi hiển thị
Công suất chưa lý tưởng


GIÁ THAM KHẢO

7,500,000 VNĐ


ĐIỂM

9/10 điểm

Cho đến thời điểm hiện tại, “Hi-Fi smartphone” không còn là một khái niệm quá lạ lẫm và mới mẻ. Nó đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới với ...

Cho đến thời điểm hiện tại, “Hi-Fi smartphone” không còn là một khái niệm quá lạ lẫm và mới mẻ. Nó đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới với nhiều hãng sản xuất điện thoại khi cuộc chơi chụp ảnh bằng điện thoại (camera phone) dần trở nên bão hòa.

Vốn đã quá quen với một rừng những lời quảng cáo có cánh xuất hiện khắp nơi về những chiếc di động “vừa thông minh, vừa mạnh mẽ, chụp ảnh đẹp mà lại nghe nhạc hay”, thật sự mà nói thì trong đầu tôi không đọng lại quá nhiều ấn tượng khi đọc bản tóm lược thông số kĩ thuật của Vivo V3Max. Nhưng công việc viết lách, thử máy của STEREO đôi khi mang lại bất ngờ cho tôi.

  Công thức “lạ mà quen”: có thêm chip DAC Hi-Fi

Có rất nhiều điều làm nên một chiếc “máy nghe nhạc” tốt, nhưng nhiều người cho rằng chip giải mã nhạc DAC là trái tim của thiết bị. Như vậy, những chip DAC mặc định đi kèm SoC Snapdragon như WCD9320 hay WCD9330 của Qualcomm không đủ sức tạo nên ấn tượng.

Ở V3Max, Vivo chọn chip AKM AK4375. Đây là một mẫu DAC tầm trung mới được hãng AKM từ Nhật Bản ra mắt cách đây không lâu, được thiết kế dành riêng cho các thiết bị di động với mức tiêu thụ điện năng thấp hơn. Bên cạnh đó, AKM AK4375 cũng có thể giải mã nhạc 32 bit/ 192 kHz qua đường I2S tiêu chuẩn và được tích hợp sẵn SRC chất lượng cao. Như vậy, nhạc Hi-Res Audio chỉ là trò vặt vãnh với Vivo V3Max.

Bản thân chip DAC AKM AK4375 hoàn toàn không hỗ trợ nhạc DSD, và phần mềm nghe nhạc mặc định theo máy cũng không hỗ trợ transcode DSD sang PCM để chơi. Thực ra, đây không hẳn là một điểm yếu bởi ngay cả HTC 10 cũng không chơi được DSD. Và dạng convert DoP không mang nhiều ý nghĩa với tiềm năng của các Hi-Fi Phone hiện nay.

Giống với LG V10, V3Max sẽ chỉ kích hoạt chip DAC AKM AK4375 khi có tai nghe được cắm vào cổng 3.5mm. Còn chip DAC mặc định của Qualcomm sẽ nhận trách nhiệm trong tất cả các trường hợp còn lại như khi đàm thoại hoặc phát nhạc trên loa ngoài. Giải pháp có tính linh hoạt cao này sẽ đảm bảo người dùng có được trải nghiệm nghe nhạc tốt nhưng vẫn tối ưu thời lượng pin (mà chúng tôi sẽ review cụ thể hơn trong vài ngày tới).

  Phần mềm nghe nhạc: đơn giản, đủ đồ chơi, cần thêm hoàn thiện

Chip DAC tốt là một chuyện, nhưng nếu không tối ưu được thì cũng chỉ là hư danh. Với V3Max, chúng tôi thấy rằng Vivo đã phát triển một ứng dụng phát nhạc riêng có tên gọi i Music rất thú vị.

Điểm đầu tiên mà tôi bất ngờ chính là đọc các playlist nhạc .CUE mà phần lớn smartphone không làm được do chỉ dùng phần mềm nghe nhạc mặc định của Google. Sau đó, Vivo cũng cung cấp tùy chọn chỉ scan các bản nhạc có thời lượng trên 60 giây mới hiển thị trên i Music, nhằm tránh các bản nhạc chuông hoặc nhạc thông báo của phần mềm khác.

 

Giao diện chính của i Music là màn hình Now Playing thoáng, với diện tích phần lớn dành cho khung cover, còn lại là chỗ cho các nút điều khiển cơ bản, truy cập nhanh Playlist đang phát và hiển thị thông tin bản nhạc đang phát. Phần mềm này hiển thị đầy đủ thông tin chất lượng nhạc, cũng như hỗ trợ hiển thị lời nhạc (lyrics) nếu có. Bên cạnh việc chơi nhạc theo Tên bài hát, Nghệ Sĩ, Album thì i Music có thêm duyệt nhạc theo Folder/Thư mục và khả năng tạo playlist ngay trên máy.

Tuy nhiên, khác với nhiều hãng smartphone thích phô diễn nhiều tính năng (đôi khi không cần thiết) cho ở phần mềm nghe nhạc. Giao diện chính của i Music đơn giản, trực quan và phải mất đến 2 cấp menu tôi mới có thể tìm thấy các mục tùy chọn về âm thanh. Nói cách khác thì dường như Vivo muốn mọi người hướng tới trải nghiệm nghe nhạc hơn là nghịch ngợm các hiệu ứng âm thanh.

Tất cả các hiệu ứng trên V3Max được gói gọn lại dưới một tùy chọn duy nhất: BBE. Toàn bộ các hiệu ứng trên máy đều có thể bật hoặc tắt đi hoàn toàn khi cần thiết chỉ với một thao tác gạt. Đến đây thì tôi mới thấy i Music có nhiều “đồ chơi”, từ việc tăng cường âm bass với Mach3 settings, giả lập hiệu ứng âm thanh vòm với Sound Field hoặc lựa chọn cấu hình tối ưu riêng cho một trong số các mẫu tai nghe như Sennheiser CX300II hay AKG K420...

Mỗi tùy chỉnh BBE đều có kèm giải thích ngắn gọn và gần gũi, dễ hiểu với cả những người không hiểu biết nhiều về các vấn đề kĩ thuật. Đây là một chi tiết tuy nhỏ, nhưng cho thấy sự nghiêm túc của Vivo trong việc làm cho sản phẩm của mình trở nên thân thiện và dễ dùng hơn với tất cả mọi người.

Tuy vậy, chiếc máy mà tôi đang dùng lại không hiển thị cover & ID Tag với các file FLAC lưu trên thẻ nhớ. Vấn đề nhỏ này có lẽ sẽ được Vivo khắc phục trong bản cập nhật phần mềm mới.

    Và phần nghe chính là bất ngờ

Như thường lệ, đối tác đi cùng với Vivo V3Max trong lần thử nghiệm này của tôi sẽ là bộ ba chiếc IEM Audio Technica ATH-CK9, Phonak PFE 112 và Fitear 334. Theo nhận định chủ quan của tôi, đây đều là những mẫu tai nghe không quá khó chiều và khá phù hợp với năng lực của chiếc smartphone này.

Điều đầu tiên tôi quan tâm vẫn là công suất của ampli tích hợp. V3Max không làm tôi thất vọng nhưng cũng không có sự bất ngờ lớn như LG V10. Với hầu hết tai nghe phổ thông thì nó cần khoảng 70% âm lượng để đạt ngưỡng đủ nghe. Nhưng với các tai nghe trở kháng cao thì nó tỏ ra đuối sức. Lý do có thể bắt nguồn từ việc LG V10 sử dụng DAC và ampli của ESS, còn V3Max sử dụng DAC của AKM và ampli "cây nhà lá vườn" với giá bán chỉ khoảng một nửa.

Tiếp đến cảm nhận nghe, ngay từ những track đầu tiên trong album Ngọt thì máy đã cho thấy khả năng xử lý khá ổn với tổng thể hơi thiên sáng và khá cân bằng, đặc biệt là cho độ động ấn tượng. Từng tiếng trống đập chắc chắn, nảy, có lực tốt và phối hợp ăn ý với những đoạn chạy bass tạo nền cho toàn bộ bản nhạc. Tiếng distortion guitar được tái tạo với độ dày hợp lý và thể hiện được độ sắc lạnh cần có.

Tiếp tục một chút rock với hit Holiday đến từ Green Day, V3Max dần thể hiện đúng những đặc trưng của mình với dải âm cao khá dày và chi tiết. Tiếng cymbal được tái tạo với đúng chất kim khí đặc trưng, tách ra thành một lớp riêng và cùng hòa thanh vào bản nhạc theo một cách hài hòa, hợp lý và giàu năng lượng. Trong khi đó dàn drum tiếp tục thể hiện vai trò kéo nhịp cho toàn bộ ban nhạc với những tiếng kick drum dày, độ ép phê cao và cho cảm giác nảy khá rõ nhờ có sự nhấn nhá đôi chút ở mid bass.

Với một số bản hòa tấu đàn dây của Rondo Veneziano, V3Max cho thấy khả năng thể hiện dải cao khá thuyết phục với không gian được lấp đầy bởi dàn đàn dây mượt, dịu và cho cảm giác bay bổng với không gian rộng mở. Dù đôi lúc có cảm giác như dải cao vẫn chưa thực sự “lên tới nơi”, nhưng tổng thể chung vẫn tương đối liền mạch, tự nhiên và  âm trường khá rộng.

Chuyển qua một số bản thu với sự tham gia chủ đạo của các giọng nữ, dễ thấy midrange của V3Max tương đối trung tính, không thêm thắt màu mè nhiều và cho cảm giác hơi mượt mà một chút, khá hiệu quả để thể hiện những giọng nữ trung – trầm như Dido hay Adele. Song những giọng nữ cao hơn một chút như Celine Dion, hay như “huyền thoại VOZ” Yao Si Ting, máy vẫn không tránh khỏi tình trạng mất cân bằng, nghẹt ở đôi chỗ cao trào.  Và đây cũng là lúc khiến tôi nhớ lại rằng đang sử dụng một chiếc smartphone đa năng, chứ không phải một máy nghe nhạc Hi-Fi.

  Đánh giá chung

Có một vấn đề mà rất nhiều mẫu điện thoại nghe nhạc, thậm chí là cả máy nghe nhạc hiện nay gặp phải - đó là quá chú trọng đến việc tạo cảm giác chi tiết và chạy đua các thông số kĩ thuật, khiến cho âm thanh trở nên thô cứng và mất đi sự tự nhiên vốn có của bản thu gốc.

Nhưng chỉ với một mẫu smartphone tầm trung, Vivo đã làm chúng tôi phải gật gù. V3Max trình diễn chất âm chi tiết, hài hòa và có nhạc tính khá cao, sống động, giàu năng lượng, phần mềm thân thiện và dễ sử dụng. Một bài đánh giá tổng thể sẽ được gửi tới các bạn sau vài ngày, nhưng chỉ riêng vấn đề nghe nhạc thì chỗ đứng dành cho các máy nghe nhạc cơ bản dường như trở nên rất khó khăn.