Schiit Fulla USB Dongle DAC/AMP: Lắm tài nhiều tật

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Nhỏ gọn nhưng không hề nhỏ tiếng. Chất âm rất đẹp và mượt mà, tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu Schiit hoàn thiện mọi thứ một cách cẩn thận hơn.


ƯU ĐIỂM

Chất âm rất chi tiết và tự nhiên
Nhỏ gọn, nhẹ nhàng, tính portable cao
Khả năng kéo tai nghe khỏe
Có sẵn núm volume vật lý


NHƯỢC ĐIỂM

Noise rất rõ ràng
Chất lượng gia công chưa hoàn hảo


GIÁ THAM KHẢO

2,450,000 VNĐ


ĐIỂM

7/10 điểm

Lần đầu tiên sau nhiều năm trung thành với việc chế tạo đồ desktop cỡ lớn, Schiit đã cho ra đời một chiếc USB DAC kết hợp headamp với kích thước đủ nhỏ để nằm gọn trong lòng bàn tay - Schiit Fulla.

Schiit Fulla USB Dongle DAC/AMP: Lắm tài nhiều tật
Những ấn tượng ban đầu Chiếc USB DAC nhỏ xinh này gợi cho mình khá nhiều sự tò mò mà và thích thú khi mà đây là một sản phẩm đến từ Schiit - một cái tên mà từ xưa đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức của các audiophile về những thiết bị to lớn, nặng nề và chỉ thích hợp với việc để bàn, cắm điện và nghe tại nhà. Sử dụng bộ cánh ngoài được gia công hoàn toàn từ thép và nhôm phay xước với số đo 3 vòng 63.5 x  30.5 x 11.4 mm, điều này giúp cho Fulla có vẻ ngoài rất thanh lịch và góc cạnh, nhưng công bằng mà nói thì vẫn chưa thực sự xứng đáng để được khen ngợi với từ "cao cấp". Lý do cho việc này lại đến từ chính chất lượng gia công của sản phẩm khi mà phần vỏ sáng màu bên ngoài bị dư ra đến gần 1mm so với vỏ bên trong, chính vì điều này dẫn đến việc toàn bộ 8 góc cạnh ở hai đầu sẽ lộ ra bên ngoài hoàn toàn và khiến cho mình cảm thấy cực kì khó chịu vì nó khá sắc và có thể làm trầy xước điện thoại hoặc máy tính khi vô ý trượt qua. Schiit Fulla được trang bị một núm volume dạng analog ngay phía trên để người dùng có thể điều khiển âm lượng trực tiếp ngay từ trên thiết bị dễ dàng và nhanh chóng hơn khi cần. Ngoài ra thiết bị còn được trang bị một cổng mini USB và lỗ cắm tai nghe 3.5mm ở hai đầu có thể ngay lập tức phát nhạc chỉ sau vài giây cắm vào máy tính, rất đúng chất Plug n' Play nhanh gọn và dễ sử dụng. Đi kèm với Schiit Fulla là một cọng cáp mini USB, một túi vải nhung dùng để đựng thiết bị và các giấy tờ hướng dẫn sử dụng theo đúng phong tục địa phương. Tất cả được đựng trong một cái vỏ hộp làm từ bìa các tông khá gọn gàng nhẹ nhàng và sáng tạo đến mức mà bất cứ hàng đồng nát nào cũng phải thèm muốn ngay từ lần gặp đầu tiên. Trải nghiệm sử dụng Giống như truyền thống của Schiit đã có từ trước đó, Fulla sử dụng DAC mang tên AK4396 đến từ AKM với khả năng giải mã PCM lên đến 24 bit / 192 kHz và giao tiếp qua cổng USB bằng IC CM6631A do C-Media sản xuất. Tuy nhiên khi sử dụng trên sản phẩm của mình, không rõ vì lý do gì mà Schiit đã giới hạn tần số lấy mẫu tối đa của Fulla chỉ ở mức 24 bit / 96 kHz.
Schiit Fulla USB Dongle DAC/AMP: Lắm tài nhiều tật

PCB của Schiit Fulla

  Bản thân mình là một người gần như không bao giờ quan tâm đến những vấn đề kiểu như thế này, thế nhưng không phải khách hàng nào cũng vậy. Hẳn rằng đây sẽ là một thiệt thòi không nhỏ của Fulla mỗi khi bị đem ra so sánh thông số kĩ thuật với các đối thủ khác cùng tầm với nó. Trở lại với vấn đề chính. Ngay từ cách thiết kế sản phẩm và thông qua những mô tả của hãng, Schiit Fulla được xem như một chiếc portable mini DAC - đồng nghĩa với việc khả năng Plug n' Play phải được đặt lên hàng đầu. Điều này được xét trên hai khía cạnh chính: khả năng tương thích trên các nền tảng khác nhau ( PC, Android hoặc là cả các Embeded OS khác), và khả năng trình diễn âm thanh ngay khi cắm headphone trực tiếp vào cổng ra 3.5mm trên thiết bị. Về tiêu chí đầu tiên, Fulla không gặp nhiều vấn đề và tỏ ra là một chiếc USB DAC có khả năng tương thích hoàn hảo với rất nhiều nền tảng khác nhau. Mình đã thử cắm thiết bị này vào laptop, máy để bàn, smartphone Android ( qua cáp OTG) hoặc thậm chí cắm vô Walkman A17, tất cả đều nhanh chóng được nhận diện và đi vào hoạt động ngay mà không cần đến driver hay bất kì một thao tác cấu hình nào cả. Một điểm cộng về độ tiện dụng dành cho Schiit. Để đánh giá tiêu chí thứ hai, mình thử nghiệm sản phẩm mới này với một vài tai nghe đang có xung quanh bàn làm việc. Với sự lạc quan về khả năng của Fulla, mình đã mạnh dạn sử dụng Sennheiser HD598 là đối tượng thử nghiệm đầu tiên. Đây là một chiếc tai nghe đã rất quen thuộc với cộng đồng âm thanh và được biết đến như là một mẫu fullsize khá đói nguồn với hầu hết các thiết bị portable bình thường. Khi được cắm vào Fulla, HD598 dễ dàng thể hiện đúng chất âm của mình nhờ được cung cấp đủ năng lượng và có sự thay đổi rất tích cực. Tổng thể âm thanh của HD598 trở nên mượt mà và được mở rộng không gian khá tốt. Mid có chiều hướng tiến hơn một tẹo, đầy đặn hơn và có sự hiện diện rõ ràng hơn của phần low mid vốn chạy đi đâu mất tiêu không rõ khi cắm chay trên laptop. Dải treble như được trải rộng và extend ra hơn nhưng vẫn giữ được sự mượt mà và êm ái tương đối nguyên bản. Chuyển sang một đối tượng khác dễ tính hơn, đó là một chiếc IEM mà chính mình đang sử dụng hàng ngày - ATH-CK9. Đây là một chiếc IEM single BA driver đến từ ATH với chất âm khá sáng và hầu như ... không có bass. Vốn không phải là một người ưa bass nên hầu như mình không quan tâm quá nhiều đến vấn đề này của CK9 và thậm chí còn coi rằng đấy là một ưu điểm của nó. Dù vậy mình vẫn có một chút bất ngờ khi thử nghiệm chiếc tai nghe này trên Fulla. Có lẽ đã lâu rồi mình mới được chứng kiến chiếc IEM này đánh ra được một thứ bass với độ impact khá như vậy kể từ đợt thử nghiệm trước đây với chiếc Walkman ZX2. Trong khi đó dải treble trở nên extend và sparkle rất đẹp, rất vừa vặn để có cảm giác chi tiết tốt hơn và cải thiện âm trường rộng mở hơn. Có lẽ đây là một trong số khá hiếm hoi mình cảm thấy hứng thú với sự thể hiện của một chiếc tai nghe quen thuộc đang dùng. Có lẽ mình đã còn có hứng để tung hô chiếc Fulla này lên tân nhiều tầng mây hơn nữa nếu như không phát hiện ra một vài vấn đề ... Lắm tài nhiều tật Không hiểu vì sao một hãng đã quá quen tay với những đồ desktop cao cấp lên đến cả ngàn đô như Schiit mà lại vẫn mắc phải những vấn đề rất cơ bản trên một sản phẩm cũng ... đơn giản như Fulla. Vấn đề mình nói đến ở đây là nhiễu. Ngay từ những phút đầu tiên khi cắm thử CK9, với độ nhạy khá cao của chiếc IEM này Fulla đã không thể giấu được khuyết điểm của mình. Noise khá rõ ràng bất cứ lúc nào cắm vào máy tính, di chuột hoặc sờ tay lên núm volume bằng kim loại của Fulla. Giời ơi là giời ! Càng mến nó vì chất âm tuyệt vời ở trên bao nhiêu thì lại tiếc thay cho nó vì một thứ rất chi là không đâu như thế này. Đây thật sự là một vấn đề rất ngớ ngẩn khi mà những sản phẩm tương đương của rất nhiều đối thủ khác như Sony, Fiio hay iBasso đều không gặp phải. Mọi chuyện sẽ chỉ được khắc phục một cách tạm thời khi để volume của DAC ở mức thấp và thay vào đó là nâng mức âm lượng trên máy tính lên cao hơn bình thường. Vấn đề không quá nghiêm trọng, tuy nhiên đây sẽ là một điểm trừ lớn trong mắt những người nghe nhạc khó tính và đòi hỏi cao, bởi vì xét cho cùng mức giá hiện tại của Fulla cũng không hề thấp. Công bằng mà nói thì trong tầm giá này gần như sẽ rất khó có thể tìm được một chiếc DAC nào khác cho âm thanh cá tính và tốt được như Fulla, nhưng đổi lại nhiều người sẽ phải suy nghĩ và đắn đo về những khuyết điểm còn tồn tại trên mẫu mini DAC di động này.

Nên xem

Cùng chủ đề

Bình luận