[Stereo Wiki] Cẩm nang sắm loa nghe nhạc stereo

[Stereo Wiki] Cẩm nang sắm loa nghe nhạc stereo
Nghe nhạc là nhu cầu giải trí phổ biến hàng đầu. “Cẩm nang chọn loa nghe nhạc” mang đến cho người đọc một số kiến thức, khái niệm cơ bản nhất để chọn loa nghe nhạc tối ưu cho mục đích sử dụng và số tiền đầu tư của mỗi cá nhân. Mỗi người sắm loa nghe nhạc với mục đích khác nhau. Có người sắm chỉ để nghe nhạc một cách “nghiêm túc” nhất có thể. Cũng có người sắm để kết hợp với xem phim, chơi game, hát karaoke… Trong khuôn khổ loạt bài này, chúng tôi chỉ tập trung vào mảng thiết bị phục vụ cho mục đích nghe nhạc đơn thuần, nhằm hướng đến trải nghiệm nghe có chất lượng âm thanh tối ưu nhất. Trước khi nhắm vào một dòng loa cụ thể nào, người chơi cần xác định rõ ràng thể loại nhạc ưa thích, từ đó sẽ tìm ra được dòng loa phù hợp. Khi đã xác định được dòng nhạc của mình, người chơi có thể tìm kiếm loa dựa trên lối bố trí cơ bản của các phòng thu âm. Việc phân loại loa dựa trên tiêu chuẩn bố trí loa phòng thu sẽ tạo được sự tương đồng tối đa giữa người nghe nhạc cuối cùng và dụng ý thu âm của các kỹ sư phòng thu. Các studio trên thế giới thường phân ra làm 3 loại loa để tác nghiệp gồm loa nghe gần (near field), loa nghe ở khoảng cách vừa (mid field) và loa nghe ở khoảng cách xa (main montor). Loa nghe gần

[Stereo Wiki] Cẩm nang sắm loa nghe nhạc stereo

Với những người ưa thích thể loại nhạc Jazz, nhạc thính phòng, nhạc nhẹ hòa tấu ít nhạc cụ…, thì việc sử dụng loa trường gần là phù hợp. Trên thực tế trình diễn, các ban nhạc này cũng chỉ chơi trong không gian hạn chế, không thiên về hoành tráng, về hiệu ứng mà thiên về kỹ thuật, độ tinh tế và sự mộc mạc. Nhạc cụ dùng cho thể loại này cũng có dải âm không quá rộng (tiếng bass không quá sâu, tiếng treble không quá cao) mà tập trung chính vào trung âm. Với những đặc tính này, loa trường gần, mà đại diện là loa bookshelf loại nhỏ và vừa thể hiện tốt nhất. Những cặp loa này sẽ phát huy tối đa sức mạnh trong không gian từ 12m2 - 20m2 với vị trí người ngồi nghe tới loa từ 1,6m - 2,4m. Loa bookshelf loại nhỏ và vừa thường chỉ có công suất từ 70 watt - 120 watt bởi chúng được thiết kế để chơi với mức âm lượng từ nhỏ tới vừa. Với loa nghe trường gần, người nghe sẽ tập trung chính vào sắc thái biểu cảm vi tế của giọng hát, của nhạc cụ chứ không hướng tới sự hoành tráng về âm lượng, về không gian trình diễn, về độ sâu, độ dày của tiếng trầm. Trên thị trường Việt Nam, hiện đã có đầy đủ các dòng loa bookshelf từ bình dân đến cao cấp, từ vài triệu đồng, cho tới vài trăm triệu đồng mỗi cặp. Người chơi có thể tham khảo những thương hiệu nổi tiếng về chế tạo loa bookshelf như: Totem, ProAc, Diapason, Harbeth, Reference 3A, KEF, Joseph Audio, Acoustics Energy, Sonus Faber, Raidho… Loa nghe khoảng cách vừa

[Stereo Wiki] Cẩm nang sắm loa nghe nhạc stereo

Với những người thích nghe nhạc Pop, nhạc trữ tình Bolero, nhạc Latin, Blues, R&B hoặc Soul… thì việc sử dụng loa nghe ở khoảng cách vừa là phù hợp nhất. Bởi quy mô dàn nhạc của những thể loại nhạc này ở mức độ vừa phải, với số nhạc cụ từ 4 cho đến 6 hoặc 7 cây. Nếu có hát, sẽ là một giọng chính, hoặc hát đôi, thỉnh thoảng có bè. Những thể loại nhạc này thường được trình diễn trong một không gian rộng hơn, tiết tấu nhanh, mạnh hơn, với nhạc cụ đang dạng hơn và âm vực rộng hơn. Bè trầm sẽ xuống sâu và mạnh với tiếng electric bass, tiếng trống kick drums… Với những đặc điểm âm thanh, âm nhạc trên mà người chơi nên nhắm vào các cặp loa lớn hơn một chút, với không gian thưởng thức lớn hơn. Phù hợp nhất là những cặp loa bookshelf lớn, loa monitor hoặc loa cột loại nhỏ và vừa, có công suất trung bình từ 120 watt - 250 watt. Để thưởng thức các dòng nhạc này với những đôi loa loại vừa hay nhất, vị trí người nghe tới loa tối ưu nên từ 2m – 3m và không gian phòng nghe trung bình từ 20m2 – 35m2. Loa bookshelf, loa  monitor cỡ lớn và loa cột loại vừa được người chơi đánh giá cao gồm những thương hiệu như Harbeth, Spendor, Focal JMlab, Vienna Acoustics, Dynaudio, ATC, Neat Acoustics, Wilson Benesch, Totem, Triangle, Kharma, loa tĩnh điện của Quad… Loa nghe không gian rộng

[Stereo Wiki] Cẩm nang sắm loa nghe nhạc stereo

Những thể loại âm nhạc đòi hỏi không gian trình diễn lớn gồm nhạc giao hưởng, nhạc Rock, Electro, Techno, Hip Hop… bởi chúng luôn được trình diễn trong rạp hát, sân vận động… Và để tái tạo lại không gian lớn như vậy, cần những cặp loa ưa trình diễn với công suất lớn, âm lượng lớn cùng tốc độ cao, sôi động để đem lại cảm giác như nghe nhạc sống. Các thể loại nhạc này, nếu không phải là số lượng nhạc cụ cực lớn thì cũng có tốc độ chơi nhạc cao với dải tần rất rộng của các nhạc cụ như organ nhà thờ, double bass, electric bass, bộ đồng, hoặc các hiệu ứng âm thanh điện tử. Để thể hiện được những âm thanh này, đòi hỏi loa phải có dải tần rất rộng (dải bass xuống được sâu, dải treble lên được cao) cùng khả năng chơi nhạc ở công suất lớn, tốc độ nhanh mà không méo tiếng, không rối. Những cặp loa kiểu này thường có dải tần trung bình từ 30 Hz -20 kHz (thậm chí có dòng loa dải trầm xuống dưới 20 Hz, còn dải cao trên 60 kHz), cùng nhiều loa con, kích thước thùng lớn và công suất loa trên 300 watt. Để phát huy tối đa, loa thường đặt cách nhau trên 3m với vị trí người ngồi nghe cũng ở khoảng cách tương đương. Phòng nghe phù hợp phải có diện tích từ 30m2 trở lên.  Trên thực tế, khi nghe những cặp loa này trình diễn với âm lượng đủ lớn, người nghe không phải cất công tưởng tượng, bởi chúng có thể vẽ lên một không gian trình diễn như thật ngay trước mắt. Một yếu tố nữa liên quan đến trải nghiệm nghe nhạc sống ở những cặp loa này, đó là sự tác động của năng lượng tới các giác quan của người nghe. Khi nghe nhạc sống với cường độ mạnh, người nghe không chỉ cảm nhận bằng tai mà còn dưới nhiều góc độ khác bởi năng lượng sóng âm tác động lên toàn bộ cơ thể người. Và cũng chỉ có những cặp loa lớn mới có thể tạo ra dòng năng lượng trong phòng nghe đủ mạnh để tác động tới người nghe như trải nghiệm nghe sống. Lúc đó, cảm giác nghe nhạc sống sẽ trở nên trọn vẹn, đầy đủ. Những đôi loa lớn và hay thường không rẻ, nếu không nói là rất đắt (từ vài trăm triệu cho tới vài tỷ đồng). Đó là một thực tế khá “tàn nhẫn”, nhưng người chơi phải chấp nhận. Có thể kể tới một số hãng làm loa lớn hay như Acapella, German Physiks, TAD, ATC, JBL, Dynaudio, Avalon, Magnepan, Genesis, Wilson Audio… Lưu ý, có một thực tế, không một đôi loa nào thể hiện tốt tất cả các thể loại âm nhạc. Và, sự “phù hợp” tính tương thích giữa các thiết bị với dòng nhạc chiếm vai trò quyết định đến chất lượng hưởng thụ của người nghe.  

Cùng chủ đề

Bình luận